KHÔNG CÓ CHÍNH QUYỀN NÀO LÀ KHÔNG THỂ SAI LẦM. Vậy phải cho đồng
bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn hợp
pháp, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công hoặc sự nhũng lạm nào
đó. Báo chí chống đối là điều cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả
những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc
phải. Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn là sự câm
lặng của người An Nam làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn,
và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã tròn phận sự. Đúng là vì sao lại đi
trao tự do cho những người nô lệ bằng lòng với số phận của họ?
Chúng tôi vui mừng gửi đến bạn đọc bản tường thuật một cuộc nói
chuyện mới đây của một cộng tác viên của chúng tôi với ông Phan Chu
Trinh.
Chúng tôi vui mừng hoàn toàn nhất trí về những vấn đề của nước An Nam
với một trí thức lớn đã có một cuộc sống sôi động, đã quan sát nhiều và
suy ngẫm lâu dài về những cái đã thấy, và với một người đã dũng cảm
chịu đựng đau khổ, nên chính kiến và lời nói có một quyền uy đặc biệt.
Cách đây mấy hôm, tôi được dự bữa cơm tối chào mừng ông Phan Chu Trinh.
Suốt bữa chiêu đãi thân mật ấy, người bị đày biệt xứ đã kể cho chúng
tôi những kỷ niệm thời ở Côn Đảo, thời bị tống giam vào nhà tù Santé tại
Paris, khi ông từ chối chính phủ Pháp buổi đầu chiến tranh yêu cầu ông
trở về Đông Dương để truyền tuyển mộ người An Nam đi lính tình nguyện,
bởi vì ít người tình nguyện quá nên nhà chức trách địa phương phải có
biện pháp ép buộc.
Ông nói với chúng tôi rằng người An Nam phải TIN CẬY VÀO CHÍNH MÌNH.
Được đào tạo, uốn nắn và giáo dục theo những giáo huấn của văn minh
Trung Hoa cổ, họ phải hiểu rằng một số khía cạnh của nền văn minh ấy
không còn phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại. Hãy từ bỏ
chúng không thương tiếc, không sợ sệt, vì chính Trung Quốc đã vứt bỏ
chúng! Để tham gia vào cuộc đại vận động sôi nổi khích lệ các dân tộc
khắp nơi, người An Nam phải dũng cảm bắt tay vào việc tiếp thu những
kiến thức mà họ thiếu. Trong mọi việc, phải có một phương pháp làm việc,
một tổ chức sử dụng mọi cố gắng, mọi ý chí rời rạc phải tụ hội vào tổ
chức đó. Một kỷ luật xã hội cũng rất cần thiết.
Mỗi người, bỏ ngoài quyền lợi cá nhân của mình, phải tận tụy trong
tính toán với quyền lợi chung, cá nhân phải biến mất trước tập thể, như
vậy việc giải phóng của người An Nam tùy thuộc vào ý chí kiên trì của họ
để đạt được nó.
Ông Phan Chu Trinh không thuộc phái chủ trương giải phóng bằng bạo
lực, bằng vũ khí. Ông nói rằng ngày mà chúng ta đã khá phát triển để
xứng đáng đứng vào hàng ngũ những dân tộc hiện đại, ông chắc rằng nước
Pháp hẳn sẽ thỏa mãn những yêu cầu của chúng ta.
- Hãy tiến lên, ông nói to, hỡi thanh niên của thế hệ hiện đại, chúng
tôi đặt cả hy vọng vào các bạn. Trên con đường tiến bộ mà các bạn đi
những bước dài, những người già yếu tuổi tác [1] như tôi sẽ phải chống
gậy theo các bạn để khỏi rơi rụng dọc đường.
- Trong khi trong thiên nhiên, mọi thứ đều là vận động và tiến hóa,
tại sao chúng ta lại chậm trễ rồi tụt hậu với những công thức cũ rích
của những nguyên tắc lỗi thời? Không có sự dừng lại trong sự tiến triển
của một dân tộc. Dân tộc nào không tiến lên thì thụt lùi. Cũng phải nhớ
rằng nước An Nam dưới thời Trần đã có một kỷ nguyên vinh quang và thịnh
vượng nổi bật. Chính quyền thời ấy là một chính quyền dân chủ, từ ngữ mà
lúc bấy giờ Châu Âu chưa biết đến vì bất kỳ đâu, Châu Âu lúc đó đang
rên xiết dưới sự chuyên chế tàn bạo của chế độ phong kiến. Vài năm sau,
những ông vua xấu - mà tôi không muốn nêu tên - đã đưa vào nước ta nền
văn minh Mãn Châu mà họ là những tín đồ trung thành. Và đó là sự tan vỡ
của lịch sử chúng ta. Con người bị rơi vào tình cảnh nông nô, phải chịu
sưu cao thuế nặng mà không dám than vãn. Từ đó mà có sự nhịn nhục, sự
thụ động của nhân dân An Nam. Điều đó phải chấm dứt. KHÔNG CÓ CHÍNH
QUYỀN NÀO LÀ KHÔNG THỂ SAI LẦM. Vậy phải cho đồng bào chúng ta quen phản
đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn hợp pháp, mỗi khi họ là nạn
nhân của một sự bất công hoặc sự nhũng lạm nào đó. Báo chí chống đối là
điều cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất
cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải. Ai không nói gì là
tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn là sự câm lặng của người An Nam
làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên
ngủ coi như đã tròn phận sự. Đúng là vì sao lại đi trao tự do cho những
người nô lệ bằng lòng với số phận của họ?
Còn về tinh thần gia đình và các vị nói đó, đó là một điều rất hay,
là điều duy nhất đáng kính nể. Tôi không thể không cảm thấy vô cùng buồn
bã khi thấy đến lúc xế chiều những ông già bà già suy yếu thảm bại, mà
không có một cánh tay mạnh khỏe để dựa vào. Phải giúp đỡ bố mẹ, những
người đã lo lắng và nhọc nhằn nuôi nấng con cái. Đó là bổn phận sơ đẳng
nhất của con người.
- Người ta phải biết sự căm ghét của ông đối với triều
đình Huế! Một phong trào dư luận đang thành nhằm xóa bỏ vương quyền. Ông
có thể nói cho chúng tôi biết ý kiến của ông về vấn đề này?
- Quả thực - Phan Chu Trinh trả lời - tôi không mặng mà lắm với triều
đình Huế. Điều đó giải thích sự thất sủng rồi án tử hình mà tôi phải
chịu. Nếu bây giờ tôi còn giữ được cái đầu trên cổ, đó là do sự can
thiệp của những nhân vật có thế lực ở Pháp [2]. Ý kiến của tôi về cái
triều đình hình thức ấy không thay đổi. Tôi đồng ý xóa bỏ nó đi một cách
hoàn toàn và đơn giản và thay thế bằng sự cai trị trực tiếp của chính
quyền bảo hộ Pháp. Giải pháp ấy, ngoài những điều lợi mà nó đem đến, còn
vì ngân sách khỏi phải vì những mục đích mơ hồ và duy trì một ông vua
ủy mị và những thượng thư không quyền hành. Nó còn làm cho người An Nam
có quan hệ trực tiếp với chính quyền bảo hộ. Chính phủ bảo hộ sẽ không
thể dùng nhà vua để che giấu những ý đồ của mình, để chối cãi vai trò
chủ trương hoạch định của mình về những biện pháp hành chính, và do đó,
phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những biện pháp ấy. [Đọc đến đây tôi không thể không liên tưởng đến hệ thống Đảng lãnh đạo và Nhà nước thực hiện của chúng ta hiện nay!]
Sự tiến hóa của nhân dân An Nam tùy thuộc một phần vào việc chính phủ
Pháp quyết định vấn đề này như thế nào. Khi chúng ta can đảm cắt đứt
ngay với di sản nặng nề của những thế hệ đã qua, chúng ta sẽ tiến lên
phía trước một bước dài trên con đường giải phóng. Việc giải phóng này
không phải không vấp trở ngại và chấn động, nhưng đó là cái giá phải trả
không tránh khỏi cho mọi tiến bộ.
- Theo ông, phương tiện nào hữu hiệu nhất giúp chúng ta đạt đến sự giải phóng mà ông nói đến?
- Giáo dục, như tôi đã nói với các ông rồi. Giáo dục phổ cập khắp
nơi, giáo dục tăng cường, giáo dục không theo đuổi mục đích thực dụng là
giúp người An Nam mưu đồ địa vị và bổng lộc ở chốn quan trường, mà là
để làm phương tiện giải phóng quần chúng. Khi đại đa số nhân dân An Nam
CÓ HỌC VẤN sẽ hiểu những "VÌ SAO?" và "NHƯ THẾ NÀO?" của sự vật, khi họ ý
thức được mình, ý thức được quyền lợi và bổn phận của mình, ngày ấy
chính phủ Pháp sẽ phải nới lỏng những sợi dây cản trở sự vươn lên của
những người bị bảo hộ, nếu không sẽ làm trái với lý tưởng của mình.
Như vậy, đám thực dân tức là tất cả những người có lợi trong việc duy
trì hiện trạng, sẽ gây khó khăn. Vì thế, chúng ta phải rất thận trọng
với họ; chúng ta hãy quan hệ rất thẳng thắn với họ, không khúm núm cũng
như ngạo nghễ. Ở Pháp, có nhiều người Pháp sáng suốt chống đối việc cai
trị thuộc địa. Ông Clémenceau, mà tôi có vinh dự được xem như là một
người quen biết, luôn luôn không tán thành chính sách thực dân, vì vậy
mà không ghé thăm Đông Dương trong chuyến đi thăm Trung Hoa.
Nếu trong một thời gian bị nhiều người Pháp ở đây ngờ vực, mặc dù tôi
không phải là người bài Pháp, đơn giản là vì tôi có một cái nhìn chính
xác đối với người và sự vật và không bao giờ không phản đối khi có những
sự bất hợp pháp hoặc bất công.
- Về vấn đề giáo dục, ông có tán thành cuộc vận động của
ông Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong, về việc phổ biến và dùng
chữ quốc ngữ ở bậc tiểu học không?
- Không, tôi cho là không thích hợp, vì giải pháp ấy sẽ làm cho ai
muốn học lên sau bậc tiểu học sẽ phải mất thêm vài năm mà họ phải dùng
để học tiếng Pháp. Đã có chuyện một tú tài bản xứ, muốn được cùng trình
độ với bạn anh ta ở chính quốc, phải học thêm 2 hoặc 3 năm. Thế mà người
ta còn bắt anh ta để ra mất 3 năm để học tiếng mẹ đẻ, trong khi người
nông dân trì độn nhất chỉ cần học nhiều nhất là vài tháng để đọc và viết
được chữ quốc ngữ! Tất nhiên phải loại trừ những quan điểm khác vì đó
dĩ nhiên chỉ là những nhận xét trên khía cạnh thực tiễn vì khi tất cả
mọi thứ đều là tốc độ, phải nhanh chóng, lẹ làng, tôi thấy không hợp lý
khi chúng ta chọn một biện pháp làm con em chúng ta mất một thời gian
cực kỳ quý báu.
Bữa ăn tối kết thúc, nhưng ông Phan Chu Trinh vẫn nói hùng hồn, đề
cập đến nhiều vấn đề, tất cả khá hấp dẫn, và được thanh niên vây quanh
chăm chú lắng nghe. Tuy nhiên, trong trí chúng tôi tưởng tượng lại nỗi
đau khổ dai dẳng suốt cuộc đời của ông già ấy, già nhưng vẫn còn trẻ vì
trí tuệ sắc sảo, gợi lại việc ông bị đày ra nước ngoài, xa quê hương mà
ông yêu tha thiết... Chúng tôi rất thán phục sự nhẫn nại của ông, lòng
tin không gì lay chuyển vào sự nghiệp mà ông tha thiết theo đuổi.
Ông Phan Chu Tring cho tất cả chúng ta tấm gương của một ý chí bền bỉ phục vụ một lòng yêu nước sáng suốt.
D.N
Báo Echo Anammite [3] (Tiếng Vang An Nam)
Ngày 17/7/1925
(Theo Lê Thị Kinh - Sđd)
Báo Echo Anammite [3] (Tiếng Vang An Nam)
Ngày 17/7/1925
(Theo Lê Thị Kinh - Sđd)
_______________
[1] Nguyên văn: "Đầu đã lung lay" (không còn vững nữa)
[2] Phan Chu Trinh hoàn toàn không hay biết chuyện Phủ Phụ chánh (tên
Viện Cơ Mật lúc Duy Tân còn ít tuổi) đã cải lệnh của Khâm sứ Levecque
để giữ mạng sống cho ông.
[3] Báo của chính khách Nguyễn Phan Long ở Sài Gòn
* * *
PHẢI CÓ BẢN LĨNH ĐẤU TRANH...
Tiểu dẫn: Sau ngày cụ Tây Hồ
về nước (1925), có nhiều người, nhiều giới chức đến thăm viếng và nghe
Cụ nói chuyện. Trong số đó, cũng có người non gan, sợ tai vạ, nói với Cụ
rằng: "Đối với Cụ thì người ta không làm gì được, nhưng mà chúng tôi, ở
dưới tay bọn thống trị, thì một tiếng nói cứng, một việc nhỏ mọn, cũng
có thể bị họ thêu dệt thành ra mà bắt bớ hình phạt..."
Cụ trả lời:
"Miễn là các ảnh hiểu rõ và có lòng cương quyết để nói, để làm là
được. Còn làm chính trị, ở đâu cũng vậy, mà ở thời nào cũng vậy, nếu sợ
khó nhọc, sợ hao tổn, sợ bắt, sợ tù, thì làm sao được? Dân ta bây giờ là
dân mất nước, nếu muốn được nước lại, mà sợ tù tội, thì làm sao nổi!
Chưa ở tù khi nào, thì còn sợ tù, chỡ đã ở rồi thì không sợ nữa. Chúng
ta bây giờ nên ở tù cho đông, cho quen, để có đủ can đảm mà làm việc.
Không phải là nói liều mạng để cho họ bắt bớ mà làm ngăn trở công
việc mình làm đâu. Phải biết chắc chắn cái quyền tự do là quyền của
mình, không phải xin ai mà có, không phải xin của người ta cho. Lại phải
hiểu rõ đường lối chính trị, phải có trí khôn sáng suốt, phải luyện tập
tình hình và biết cách tùy cơ hành động, tùy cơ tranh đấu, thì mới bảo
vệ được quyền tự do của mình mà công việc mình mới khỏi bị ngăn trở.
Ngoài ra khi nào sức mạnh mình không chống nổi; khi nào có sự bất ngời
không liệu trước được, rủi bị bắt bị tù, thì cũng phải cam chịu..."
(Theo Phan Thị Châu Liên, trong mục Phụ biên kèm theo cuốn Phan Tây
Hồ Tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng, xuất bản cùng với Giai Nhân
Kỳ Ngộ (do Lê Văn Siêu bình giải và chú thích). NXB Hướng Dương, Sài
Gòn, 1958, tr. LXXXI-LXXXII)