Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Ai vui, ai buồn trong ngày 30 tháng 4 ?

Karel Phùng

Tôi không biết ông Diệm, chưa bao giờ gặp cụ Hồ, chưa bao giờ gặp ông Nguyễn Cao Kỳ một lần ở ngoài đời và cũng chẳng biết hồi ấy thực sự họ nghĩ gì. Tôi chỉ biết nỗi đau mất mát từ chính gia đình tôi, tôi chỉ biết những giọt nước mắt của mẹ tôi, của chị dâu tôi và những gì tôi đã từng chịu đựng. Tôi sinh sau đẻ muộn, khi các anh chị đã trưởng thành thì tôi mới chập chững biết đi và đây là câu chuyện thật của gia đình tôi! Tôi không phải là một nhà văn, cũng không phải là một nhà báo, tôi chỉ là một công dân bình thường và tôi viết về ngày 30 tháng 4 chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi, dưới cái nhìn của một thế hệ sinh ra lớn lên ở cuối cuộc chiến.
Ngày 30 tháng tư có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn, đó là lời của cố TT Võ Văn Kiệt. Nhưng ông đã không nói rõ rằng ai trong số triệu người vui và ai trong số triệu người buồn. Phải chăng triệu người vui là những người thắng trận và triệu người buồn là những người bên kia?

Không! Tôi xin khẳng định trong triệu người buồn ấy cũng có rất nhiều những người bên thắng trận. Đó là những người mẹ, người vợ, người con, người em,..., những người đã chờ đợi mỏi mòn ngày trở về của những người chồng, người con trai hoặc người bố, hay như tôi chờ đợi người anh trai trở về.

Năm 1975 khi chiếc xe U oát chạy trên đường đê vào một buổi chiều tối khi tôi đang ăn cơm thì một vài đứa trong xóm gọi tôi cùng chạy lên xem. Nghe lời thông báo thực tình tôi cũng chẳng hiểu gì, chỉ còn nhớ mỗi câu „miền nam hoàn toàn giải phóng“, ngoài ra chúng tôi chỉ chạy theo xe vì thấy lạ.

1977, hai năm qua đi kể từ lúc chấm dứt chiến tranh, ngày nào mẹ tôi cũng khóc. Trong tiềm thức của một đứa trẻ như tôi chỉ còn nhớ mẹ tôi khóc rất nhiều và bảo tôi rằng, nếu anh tôi còn sống trở về, đời tôi sẽ không bao giờ phải khổ. Mẹ tôi thường kể, anh thương tôi lắm và hàng xóm láng giềng ai cũng nói như vậv và họ còn bảo anh tôi học giỏi nhất vùng thời ấy. Mẹ tôi bảo anh tôi thi đỗ mấy trường liền và sau đó vào học đại học ngoại thương, rồi học được 2 năm, tôi không rõ năm nào thì khi ấy máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, anh cùng một số bạn bè đã viết thư xin vào quân đội để quyết trả thù. Vì anh có trình độ nên được chọn vào học để huấn luyện tân binh, điều đó đồng nghĩa với việc anh không được ra trận, nên nói chuyện với mọi người mỗi lần về phép anh rất thất vọng và ấm ức. Cho tới cuối năm 1972 khi ấy bom mỹ đánh phá ác liệt ở miền bắc, anh lại viết đơn tình nguyện ra chiến trường, mặc dù không nằm trong diện được đi nhưng vì quyết tâm của anh và đồng đội quá cao, cấp trên đã đồng ý và anh trở thành lính trinh sát. Gần 2 năm sau anh ngã xuống ở Rồng Giềng- Kiên Giang và được những người dân chôn cất tử tế, chỉ là không dám ghi tên họ lên mộ bia. Nghe lời bà con ở vùng đó kể lại thì khi họ thấy xác anh tôi cùng đồng đội, họ thấy chỉ còn gần như mỗi xương, còn thịt đã bị cá chim ăn gần như sạch hết. Ngay những chiếc lọ thủy tinh đựng tờ giấy ghi tên họ ở túi áo ngực cũng bị trôi ra gần đó, cho nên không xác định ai là ai.

Năm 1977 khi báo tử anh tôi, khi ấy tôi mới lên 8 và tôi thực sự lúc ấy cũng không hiểu vì sao mọi người khóc. Chị Thái, người vợ sắp cưới của anh tôi, đáng lý sẽ là chị dâu tôi cũng có mặt hôm ấy ở nhà tôi. Sau thời gian ấy tôi thấy mẹ tôi hay nói với chị "Con đi lấy chồng đi", nhưng chị kiên quyết từ chối. Chị bảo, chị đã đi xem bói và người ta bảo anh tôi còn sống và vẫn tin rằng họ báo tử nhầm. Cũng thời gian đó, một chuyện kỳ diệu đã sảy ra ở nhà cách tôi vài nóc nhà. Đó là một anh đã báo tử năm 1977 đột nhiên trở về mang theo niềm hy vọng cho rất nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi. Có thể nói người hạnh phúc nhất hôm ấy là chị vợ mới cưới của anh ấy, tôi nhớ mang máng tên là chị Quí. Thời gian ấy chị Thái gần như ngày nào cũng đến thăm mẹ con tôi, chị thường bảo, chị có đi xem bói và người ta bảo anh tôi sẽ trở về và chúng tôi lại tiếp tục hy vọng. Những năm tháng ấy mẹ tôi ốm đau triền miên và thường xuyên nằm viện, gần như thập tử nhất sinh. Chỉ có tôi, một đứa trẻ ở trong căn nhà rộng rãi và hoang vắng. Thỉnh thoảng chị Thái, hoặc bà ngoại nuôi tôi đến nấu cơm, giặt rũ cho tôi, còn lại tôi phải tự làm hết. Tự đến giờ dậy đi học, tự giặt quần áo, tự nấu ăn (gạo luộc, rau luộc). Một thời gian sau, tôi cũng không nhớ năm nào, khi mẹ tôi từ viện trở về, chị Thái đến quì lạy ở giường mẹ tôi và bảo, không có duyên làm dâu nhà tôi, nên ở nhà có giới thiệu (gần như bắt buộc) cho một người để sau này khỏi đơn độc(Hình như lúc ấy chị đã xung quanh 30 thì phải). Mẹ tôi khóc hết nước mắt và ôm chị vào lòng, hồi ấy tôi cũng chẳng hiểu gì. Mấy năm sau đó tôi đi học qua nhà chị lại chạy vào chơi và vẫn nghĩ chị là chị dâu của tôi chứ không phải của người khác. Khi tôi lớn lên, tôi mới hiểu được hết những điều của người lớn khi ấy, mới hiểu được nỗi đau của mẹ tôi, của chị Thái. Những năm sau đó tôi ngẫm lại những điều mẹ tôi nói, ngẫm lại chị Thái, người đáng lý ra là chị dâu hiền của tôi, tôi hận lắm. Tôi hận cuộc đời đã sắp sếp cho gia đình tôi một bi kịch tang thương như vậy, tôi hận những ai đã giết chết anh tôi.

Nhưng theo thời gian, đặc biệt từ ngày tôi biết chú Hùng qua mạng kbchn, hình như rất nhiều thù hận đã nguôi ngoai trong tôi.Tôi cũng hiểu được rằng, thù hận không phải chỉ có một mình gia đình tôi, đau thương cũng chẳng phải riêng mẹ con tôi mà là của tất cả dân tộc Việt nam. Dù là chiến thắng hay chiến bại cũng đều có chung một nỗi đau và muốn xóa nỗi đau ấy không phải riêng tôi, riêng chú Hùng, riêng các bạn trong kbchn này . Mà phải toàn dân tộc Việt nam, tất cả mọi người hãy cùng nắm tay nhau, quên đi quá khứ để hát bài „Nối vòng tay lớn“ và chúng ta cùng tự hào nói với thế giới rằng „Chúng ta là người Việt nam!“.

Sắp đến ngày 30 tháng 4, ngày lịch sử của dân tộc, ngày mà có người vui, có người buồn, ngày của chấm dứt tiếng súng, tiếng bom đạn trên quê hương Việt nam. Chắc hẳn ở đâu đó vẫn còn những người ấm ức và tức tưởi với đau thương mất mát, hoặc những người vui với những chiến thắng bằng cờ hoa và khẩu hiệu, hết thảy rồi cũng trở thành quá khứ! Ngày 30 tháng 4 năm nay sẽ là quá khứ của năm sau và khi chúng ta, những người còn sống hôm nay, đi về bên kia thế giới, thì chúng ta cũng chỉ là quá khứ của thế hệ sau mà thôi. Có mấy ai trên đời sẽ nhắc tới, rằng có ông A chiến thắng ăn mừng, ông B khóc vì con trai không trở lại hay bà C khóc vì mất chồng? Có chăng thì đó là con, cháu của chúng ta là cùng, chứ thực ra những thế hệ sau đó chưa chắc gì đã còn nhớ tới chúng ta. Trong cuốn gia phả cũng chỉ ghi là ông Nguyễn Văn A B C gì đó sinh năm này, mất năm kia, chứ đâu có ai ghi là ngày 30 tháng 4 là ngày buồn hay ngày vui của ông ấy đâu?

„30 tháng 4 có triệu người vui, có triệu người buồn“ cũng là thế đấy!

Peine, 02.04.2012

Karel Phùng

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"