Đông Nguyễn
Dân Luận
Ảnh: Tiền Phong
Thoạt nhìn, thì chúng ta thấy việc thành lập, tổ chức đó rất dân chủ và minh bạch, nhưng bản chất đằng sau sự khéo léo che đậy đó của đảng cộng sản chỉ còn là “đảng chủ” và “bất minh” mà thôi.
Tính dân chủ và khách quan trong bầu cử
Dựa trên cơ chế độc quyền thao túng chính trị, đảng cộng sản đã ung dung cử ra các ứng cử viên của đảng mình với tỷ lệ gần như tuyệt đối trong danh sách các ứng cử viên ứng cử đại biểu quốc hội. Bên cạnh đó đảng Cộng sản đã dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ tất cả các ứng cử viên tự ứng cử ngoài đảng có chính kiến khác biệt hoặc đối lập khác ngay từ vòng hiệp thương với cánh tay nối dài của đảng Cộng sản là cơ quan Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Nhằm mục đích triệt tiêu hoàn toàn tiếng nói đối lập của người dân về vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội.
Với tỷ lệ đảng viên gần như tuyệt đối đó tại mọi điểm bầu cử, đảng cộng sản có thể thoải mái "cơ cấu", "quy hoạch" bất kỳ ai làm đại biểu quốc hội theo ý của mình. Nhưng cũng để tránh cho dư luận và quốc tế dèm pha sự độc quyền toàn trị này, đảng cộng sản cũng đã khéo léo để dành một tỷ lệ nhỏ người ngoài đảng trở thành đại biểu quốc hội, mà cụ thể là tại Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) là 8,4% - một con số quá thấp chỉ đủ để mang tính tượng trưng và hình thức.
Bên cạnh đó, người dân cũng gần như hoàn toàn không biết gì về những ứng cử viên mà mình phải miễn cưỡng chọn, cho đến cận ngày bầu cử họ mới công bố danh sách các ứng cử viên cùng với lý lịch trích ngang, kèm theo một loạt các học hàm học vị mà người dân luôn bán tín bán nghi về độ trung thực của nó, khi mà có quá nhiều sự việc đã đổ bể trong cơ quan nhà nước liên quan đến những bằng cấp này.
Tất cả những điều đó chỉ nói lên rằng, cho dù người dân có loại bỏ ai hay miễn cưỡng bầu ai thì cuối cùng những ứng cử viên đó cũng chỉ là người của đảng cộng sản, do đảng cử và luôn nhất nhất tuân theo sự chỉ đạo quản lý của đảng. Do đó, họ chỉ bảo vệ lợi ích của những người cộng sản - là giai cấp thống trị trong xã hội, chứ hoàn toàn không đại diện cho quyền lợi của người dân - là giai cấp bị trị và đang phát sinh những mâu thuẩn ngày càng gây gắt với giai cấp thống trị đó.
Như vậy, thông qua việc bầu cử đại biểu quốc hội này, một lần nữa cho thấy tính dân chủ, khách quan của việc bầu cử đã hoàn toàn bị cưỡng chiếm và chà đạp một cách trắng trợn.
Chọn hoặc thay đổi người lãnh đạo
Một khi người dân miễn cưỡng tham gia bầu cử và nếu họ mong muốn chọn hoặc thay đổi người đứng đầu đất nước thì liệu họ có làm được điều đó không ?, khi mà những vị trí quan trọng trong những cơ quan quyền lực Nhà nước như: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, đã được âm thầm chọn ra từ Hội nghị lần thứ 12 của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản khóa XI. Vậy Trung ương đảng đó có đại diện cho toàn dân tộc Việt Nam hay không mà đã tự ý quyết định thay cho cả một dân tộc như vậy ?.
Nếu câu trả lời là có, thì có lẽ nhà cầm quyền không cần phải tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội để làm gì cho tốn kém ngân sách của quốc gia và lãng phí thời gian của dân chúng, mà hãy để cho Hội nghị trung ương đảng đó quyết định tất cả.
Còn nếu câu trả lời là không, vậy thì họ đã lấy tư cách gì để tự ý chọn ra lãnh đạo cho quốc gia, để rồi sau đó các đại biểu quốc hội thuộc đảng của họ lại phải tuyệt đối tán đồng và tuân theo.
Như vậy, cuối cùng những người đứng đầu nhà nước vẫn do đảng cộng sản “cơ cấu” chỉ định chứ hoàn toàn không phải do người dân bầu ra, thì chắc chắn rằng những người đó không thể nào đại diện và bảo vệ quyền lợi của đại đa số người dân đang mâu thuẫn và đối lập với chính sách độc tài của đảng cộng sản họ.
Mong muốn sự thay đổi của đất nước
Nếu người dân tiếp tục miễn cưỡng đi bầu cử như hiện nay, chỉ để mong chờ vào một sự thay đổi lớn từ đất nước, thì có lẽ sự mong chờ đó chỉ là vô vọng và bế tắc.
Chính vì ngay tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản khóa XI (trước khi người dân đi bầu đại biểu Quốc Hội), thì họ đã đề ra cái gọi là Nghị quyết để chỉ đạo cho sự vận hành toàn bộ hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, cũng như những chính sách kinh tế, chính trị, đối ngoại trong tương lai. Và cứ như thế người đứng đầu nhà nước cùng các cơ quan quyền lực nhà nước như: Lập pháp, hành pháp và tư pháp phải thi hành theo như một nguyên tắc và mệnh lệnh.
Vậy việc người dân thông qua bầu đại biểu quốc hội và mong muốn đất nước có sự chuyển biến thay đổi, thì liệu những mong muốn đó có thành hiện thực không? Khi mà tất cả đã được sắp xếp, vận hành theo ý chí của đảng cộng sản và khi cái chủ nghĩa Mác – Lê lỗi thời ấy vẫn còn ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của từng đảng viên, hay khi nó vẫn còn được xem là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng cộng sản.
Mặt khác chúng ta cần phải làm sáng tỏ những vấn đề như sau:
Ai là người bầu ra Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản, để từ đó họ có thể thay chín mươi triệu dân Việt Nam quyết định toàn bộ vận mệnh của dân tộc, từ việc chọn người đứng đầu Nhà nước, đến các chính sách kinh tế, chính trị quốc gia...
Đảng cộng sản là ai, mà sao họ lại có thể độc quyền chính trị trên đất nước này, để từ đó có thể thản nhiên đưa người của họ vào toàn bộ danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và bắt người dân phải miễn cưỡng bầu để hợp pháp hóa việc thao túng quyền lực đó.
Như vậy, thông qua việc bầu cử Quốc hội vào mỗi nhiệm kỳ 5 năm của nhà cầm quyền, chúng ta đã thấy rất rõ ai mới thật sự là người làm chủ đất nước này, đó chính là những người cộng sản – là giai cấp thống trị. Còn chúng ta mãi mãi cũng chỉ là giai cấp bị trị trong xã hội mà thôi.
Chính vì vậy, nếu chúng ta là những người dân sáng suốt. Chúng ta phải thấy được lá phiếu của công dân mà họ đưa cho chúng ta chỉ là tờ giấy lộn không hơn kém, nhằm trang trí và tiếp tay cho việc bầu cử trá hình này. Vậy tại sao chúng ta không vận dụng Điều 27 của Hiến pháp năm 2013 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử” để từ chối thực hiện quyền bầu cử đó của mình và sẵn sàng nói không với cơ chế “đảng chủ” và “bất minh” này của nhà cầm quyền tại Việt Nam.