Lê Nguyễn
Dân Luận
Trước hết, họ là những người rất hiểu biết, am tường về quyền con người, quyền công dân
Bàn về quyền con người và quyền công dân trong thời điểm này, trong
bối cảnh Biển miền Trung Việt Nam đang bị bức tử vì ô nhiễm nghiêm trọng
thì người ta sẽ nghĩ đến quyền tự do lập hội, tụ tập và biểu tình mà
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã công nhận để bày tỏ mong muốn được sống
trong một một trường trong lành và nguồn thực phẩm an toàn.
Từ lâu, biểu tình không còn gì xa lạ với thế giới loài người nữa. Nó
xuất hiện ở trước đó rất lâu trong đời sống của con người. Lịch sử đã
ghi nhận những cuộc biểu tình mà bản thân nó đã khiến cho cuộc sống con
người rẽ sang một lối khác khởi sắc hơn, văn minh, tiến bộ và đích đến
là hạnh phúc hơn. Điển hình, đó là cuộc đấu tranh vùng lên của tầng lớp
giai cấp công nhân trên toàn thế giới, đòi yêu sách “8 tiếng làm việc, 8
tiếng nghỉ ngơi và 8 iếng vui chơi”, khởi đầu vào ngày 1/5/1886 tại
Chicago, Mỹ. Sau đó, lan rộng đến các nước trên thế giới. Cuộc biểu tình
đã lấy đi không ít máu và nước mắt của nhiều nhiều người, nhưng nó
không phải là vô nghĩa. Từ ngày 20/06/1890, trong đại hội lần thứ nhất
của Quốc tế Cộng Sản lần thứ 2, dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels,
người ta quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm là ngày Quốc tế lao động để
biểu dương lực lượng và tinh thần đấu tranh của giai cấp vô sản.
Quay trở lại với chính sự tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, trong
cuộc chiến tranh đánh đuổi thực dân Pháp đô hộ. Khi xã hội Việt Nam bắt
đầu manh nha ý thức dân chủ từ thời Pháp thuộc trước năm 1945, do Pháp
mang lại, biểu tình đã bắt đầu diễn ra. Dưới sự bóc lột của Thực Dân
Pháp, phẫn nộ vì đất nước bị đô hộ, ảnh hưởng bởi các phong trào như Duy
Tân tại Nhật Bản, nhiều các phong trào vận động đã diễn ra. Điển hình
như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Đồng thời các Đảng phái được tự do
thành lập, các phong trào đã bắt đầu có tổ chức. Hai cuộc biểu tình tiêu
biều nhất trong thời kỳ này là: Biểu tình khởi đầu cho phong trào Xô
Viết Nghệ tĩnh do Đảng Cộng sản khởi động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động
1-5-1930 tại ngã ba Bến Thủy, thành phố Vinh và biểu tình ngày 19/8/1945
do Việt Minh tổ chức tiến tới Cách mạng tháng Tám dành độc lập.
Khi nước Việt Nam giành được độc lập 1945 từ thực dân Pháp, cùng với
việc áp dụng chế độ nhà nước Cộng Hòa, quyền biểu tình đã được ghi vào
hiến pháp và công nhận. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc
lệnh số 31 công nhận quyền biểu tình của người dân.
Dù được công nhận từ thưở sơ khai của chế độ Cộng Sản, được Hiến pháp
cho phép nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật Biểu tình. Nhận thấy,
Biểu tình là một quyền cơ bản của mỗi công dân, năm 2013, điều 25, Hiến
pháp nhà nước XHCNVN công nhận: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu
tình theo quy định của pháp luật". Đề xuất có Luật Biểu tình đã đưa ra
từ lâu, và cũng được khẳng định tính cấp thiết, tuy nhiên dự thảo Luật
chưa được thông qua. Do không có Luật bảo vệ, người biểu tình rất dễ bị
quy vào tội "tụ tập đông người", "gây rối trật tự công cộng" theo Nghị
định 38 của Chính phủ ban hành năm 2005.
Thế nhưng chúng ta cần phải biết, Nghị định chỉ là một thông tư áp
dụng cho một sự việc phát sinh nhất thời nên giá trị của nó chỉ phù hợp
trong một thời điểm nào đó chứ chưa thể là một luật để đội ngũ công
quyền căn cứ vào đó để chấp pháp. Mà bản thân Luật định được hình thành
từ gốc rễ là Hiến pháp.
Vì mục đích chính trị hay một lý do “nhạy cảm” nào đó, Biểu tình
không được nhà nước CSVN công nhận dù hiển nhiên bản thân nó đã có mặt
trong Hiến pháp từ lâu và bản thân những thế hệ Cộng Sản trước đó áp
dụng rất thành công. Do đó chúng ta cần biết, tính hợp pháp của nó đã
được công nhận và mọi công dân am hiểu đều biết mình có quyền lập hội,
hội họp và biểu tình theo điều 25 đã quy định. Vì thế, việc tự do tụ tập
biểu tình bày tỏ nêu lên yêu sách, đòi hỏi việc họ và gia đình được
sống trong một môi trường trong sạch, một chính quyền minh bạch đứng về
phía dân là hoàn toàn chính đáng.
Thứ hai, những người tham gia tuần hành biểu tình, họ là những người có tấm lòng yêu nước nồng nhiệt.
Đó là những con người không hề thờ ơ với vận mệnh đất nước đang bị
nguy nan, dân tộc có nguy cơ tuyệt chủng giống nòi vì yếu tố ngoại bang
âm thầm đầu độc; hay sự tham lam, ích kỷ của một số người Việt nhẫn tâm
dù vô tình hay cố ý đang từ từ giết hại đồng bào mình; hay mới đây, là
thảm họa môi sinh ở vùng biển miền Trung đe dọa sự chết chóc trong tương
lai nếu chính quyền không giải quyết thỏa đáng và ngăn chặn mầm họa kịp
thời.
Không hề nói quá khi nhận định, ở Việt Nam không ăn cũng chết mà ăn
thì cũng chết. Ăn là con đường cung cấp dưỡng chất thiết yếu để nuôi
dưỡng cơ thể, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, tế bào và duy trì sự
sống. Nếu không ăn thì từ một đứa trẻ cũng có thể hiểu là nó sẽ bị chết.
Nhưng trong một cái bối cảnh, tình hình báo động đỏ về thực phầm “bẩn” ở
Việt Nam thì ăn cũng là cách… để chết. Tuy quá trình này diễn ra lâu
hơn và từ từ mà thôi.
Hết thịt lợn có chất cấm tạo nạc, thịt gà được hóa trang đẹp mắt, tôm
cá có tồn dư lượng kháng sinh vượt phép, lươn thì nuôi bằng thuốc tránh
thai, đậu phụ làm bằng thạch cao, bún thì có chất tẩy trắng, gạo làm
bằng nhựa, trứng làm giả, rau củ quả thì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật,
nước uống đóng chai thì toàn ruồi, gián, C2 đang bị tố cáo là có lượng
chì cao,…làm cho người ta thực sự lo hãi về việc Thần Chết có thể cử ông
Ung Thư đến hỏi thăm mình bất cứ lúc nào.
Trong tình hình đó, người ta chỉ còn chờ vào lượng sinh vật sống ở tự
nhiên mà Việt Nam có một lợi thế với bờ biển trải dài suốt chiều dọc
đất nước, từ Bắc chí Nam là hơn 3000km. Nhưng khốn khổ thay, Biển cũng
tự dưng bị nhiễm độc khiến một loạt cá và các loại sinh vật biển lăn
đùng ra chết, tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau dạt vào bờ. Biển chết,
đồng nghĩa với bà con ngư dân thất nghiệp, đã thất nghiệp thì sẽ bị đói.
Rồi đọc tin tức đa chiều được hay, giới khoa học Châu Âu đánh giá Biển
miềm Trung nước ta bị nhiễm kim loại nặng cực độc sẽ gây ảnh hưởng rất
lớn đến sức khỏe con người khi ăn cá nhiễm độc hoặc đi tắm biển mà hệ
lụy của nó có thể kéo dài lên nhiều thế hệ người dân và phải mất hơn 50
năm mới có thể hồi sinh được như cũ.
Nguyên nhân Biển chết thì ai cũng rõ. Thủ phạm Formosa, với bề dầy
“thành tích” làm lên “thương hiệu” chết chóc mà lịch sử đã ghi lại mỗi
dấu chân hắn đi qua ở các quốc gia từng xua đuổi hắn. Thế nhưng, nhà
nước Việt Nam lại im thin thít trước tên thủ phạm lồ lộ rõ ra ban ngày
thế này khiến chúng ta không thể nghi hoặc sự thiếu minh bạch của chính
phủ CSVN.
Với những con tim nồng nàn yêu nước, đau quặn thắt trước vận mệnh suy
tàn của đất nước và giống nòi Việt Nam đang có nguy cơ tiêu tan một khi
môi trường bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm độc và nhà nước bao che cho tội ác
thì không có lý do gì họ không tụ tập dùng quyền công dân của mình để
biểu đạt mong muốn, đòi hỏi một môi trường sống trong sạch và một chính
phủ đứng về chính nghĩa và lợi ích quốc gia cũng như sức khỏe của người
dân. Chỉ có thể, bây giờ hoặc không bao giờ vì rất có thể sang đến ngày
mai, bạn đã không còn tồn tại để cất lên tiếng nói nữa rồi.
Và hơn hết, họ là những con người dũng cảm
Lịch sử các cuộc biểu tình của Việt Nam trong bối cảnh đương đại đã
ghi lại không biết bao cảnh những người đấu tranh cho dân chủ và quyền
con người bị chính quyền đàn áp và bắt bớ. Chả có gì là tuyên truyền
chống phá nhà nước hay kích động người dân “phản động” cả. Họ chỉ đơn
thuần là biểu tình để phản đối Trung Cộng với những hành vi xâm phạm
lãnh hải với đường lưỡi bò phi lý với một tinh thần yêu nước mãnh liệt.
Nhưng nhà cầm quyền luôn coi họ là những kẻ “phản động” đối đầu. Những
Đinh Nguyên Kha bất khuất, Bùi Hằng kiên định hay Nguyễn Viết Dũng hiên
ngang,…đã phải đánh đổi tự do của bản thân mình trong gục tù với chế độ
tồi tàn, hà khắc của những người bị gán vào mác “tù nhân chính trị”. Vì
chúng đã vin vào lợi dụng vào cái Nghị định 38 của Chính phủ ban hành
năm 2005, để quy kết những người yêu nước vào các tội danh “gây rối trật
tự công cộng” để bắt bớ, đàn áp và ngăn chặn và dập tắt đi quyền biểu
đạt của người dân để cho LŨ GIÒI BỌ mặc nhiên tàn phá và đục khoét cái
đất nước này.
Nhưng với sự hiểu biết về quyền lợi của mình cộng với lòng yêu nước
sâu sắc, họ - những công dân dũng cảm vẫn không lùi bước trước bạo quyền
dù đã lường trước được máu có thể sẽ bị đổ xuống bất cứ khi nào do
những cánh tay ác ôn vung vào thân thể họ để sát cánh bên nhau đấu tranh
trong ôn hòa để đòi hỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn với môi trường trong
lành, thực phẩm an toàn và hơn cả là một nhà nước minh bạch, nói rộng
hơn là quyền con người được tôn trọng.
Và họ chính là, những công dân ưu tú của nước Việt ngày hôm nay.