Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Phỏng vấn Nancy Nguyễn từ Thái Lan, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam



Nancy Nguyễn: ‘Họ không đánh đập nhưng tra tấn tinh thần’

Friday, May 27, 2016 5:28:22 PM

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Calif. (NV) – “Em khỏe. Em ổn rồi. Em đang ở Thái Lan.”

Nancy Nguyễn, một người trẻ được biết đến nhiều bởi những hành động liên quan đến việc lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền trong nước, mở đầu như thế trong cuộc trò chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại vào tối Thứ Năm, 26 Tháng Năm, sau khi bị an ninh trục xuất khỏi Việt Nam.

Mất tích vì “bị câu lưu do sử dụng giấy tờ giả”

Như tin đã đưa, Nancy Nguyễn, một cư dân của Quận Cam, đến Sài Gòn từ ngày 17 Tháng Năm, với lý do, như cô viết trên trang Facebook của mình gửi cho bố mẹ, “Con là một trong số những đứa đứng ra phát động xuống đường, con không thể chỉ ngồi chốn an toàn mà xúi người khác xung phong. Con cảm ơn ba mẹ đã cảm thông mà cho phép con về đứng bên cạnh các bạn con. Chúng con cần nhau trong những tháng ngày này.”

Nancy Nguyễn, “Khi đối diện với ánh đèn trong phòng hỏi cung, khi đối diện với cửa nhà giam, mọi chuyện trở nên khác lắm.” (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Tuy nhiên, từ tối ngày 19 Tháng Năm, thì tất cả người thân, bạn bè đều không thể liên lạc được với cô.

Thông tin “Nancy Nguyễn mất tích” được gửi ra khắp nơi. Nhiều đại diện chính quyền tại Mỹ cũng lên tiếng về điều này.

Cho đến hôm nay, sau khi đặt chân đến Thái Lan, Nancy mới cho biết, “Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 19 Tháng Năm, khi tôi đang ở trong khách sạn, có người đập cửa yêu cầu kiểm tra an ninh. Và sau đó là họ ‘câu lưu’ tôi theo điều 266, tức là sử dụng giấy tờ giả.”

“Thế Nancy có sử dụng giấy tờ giả không?” – “Nếu tôi sử dụng giấy tờ giả thì chắc họ không thả tôi ra rồi. Tôi vô Việt Nam một cách hợp pháp bằng passport và visa thật,” Nancy trả lời.

Tuy nhiên, như Nancy nói, “Đó chỉ là cái cớ để họ tạm giam tôi tại trại tạm giam P34 trong 6 ngày trước khi trục xuất tôi khỏi Việt Nam vào tối ngày Thứ Tư, 25 Tháng Năm.”

Mục đích bắt giữ: ‘Muốn khai ra những người khác’

“Vậy mục đích cuối cùng họ bắt giữ Nancy là họ muốn gì?” phóng viên Người Việt nêu thắc mắc.

“Tất nhiên là họ muốn thông qua mình để điều tra những người khác, muốn tôi khai ra những người khác,” Nancy cho biết.

Cô nói, “Một danh sách dài lắm được họ nêu ra xem tôi có mối quan hệ như thế nào. Những người ở hải ngoại thì hầu như đều là những người mình biết ở mặt nổi, như Trịnh Hội, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Gia Kiểng, Lê Minh Nguyên. Trong nước thì Huỳnh Ngọc Chênh, mấy người hoạt động nói chung thuộc về mặt nổi.”

“Chỉ nói là có quen biết với những người đó,” là câu trả lời của Nancy với những người hỏi cung cô.

Không chỉ vậy, Nancy cho rằng họ còn “chụp” cho cô nhiều “chiếc mũ” khác, như, “Họ chụp cho tôi là thành viên Việt Tân.”

“Tôi nói tôi không phải. Họ nói họ có bằng chứng tôi vừa được kết nạp. Tôi nói tôi cần coi bằng chứng. Rồi họ nói tôi đi về đây là có chỉ đạo từ bên ngoài. Họ nói nhiều lắm. Nhưng tất cả mình đều biết là không phải, thành ra họ có nói gì chăng nữa thì mình cũng chỉ thấy buồn cười thôi. Khi họ nói tôi về có chỉ đạo, có nhiệm vụ, tôi chỉ nói ok, mấy anh muốn nói gì mấy anh nói,” Nancy kể.

Nancy cho biết cô được giam chung phòng với một phụ nữ bị án kinh tế.

Không đánh đập nhưng tra tấn tinh thần

Theo Nancy, có khoảng 30-40 người canh cô, khoảng 10 người trong số đó trực tiếp thẩm vấn cô. Và “mỗi ngày tôi bị hỏi cung 3 lần, mỗi lần khoảng 3 tiếng.”

“Thực ra, họ không đánh đập, không bức cung, không nhục hình, nhưng tôi nghĩ khi mình thực sự trải nghiệm thì mình mới biết chuyện đánh đập nhiều khi lại không cần. Không cần phải đánh đập, thì người ta vẫn có cách để đe dọa tinh thần mình,” Nancy nhận xét

Cô nói thêm, “Mình biết là ở ngoài có vận động cho mình. Mình biết là họ không thể nào bắt mình về những việc mình làm. Vậy đó, mà việc không thể liên lạc được với bên ngoài vẫn là một áp lực tâm lý rất lớn.”

Nancy cho rằng những người hỏi cung, thẩm vấn cô tỏ ra “lịch sự” nhưng “trong cách họ nói đã mang đầy sự đe dọa, họ nói có thể giữ tôi ở lại vài ngày, vài tháng hay có thể bị đưa ra xét xử để ở vài năm hoặc chục năm.”

Cũng theo Nancy, “Họ không đánh đập, không làm gì hết, nhưng mà sự biệt giam, tức là giam cách ly, đã là một hình thức tra tấn.”

“Họ không cho tôi liên lạc với người nhà, không cho liên lạc với người ngoài, không cho liên lạc với lãnh sự, không cho liên lạc với bất cứ ai hết,” Nancy nhớ lại.

Trả lời cho câu hỏi “Những điều có có khiến Nancy bị căng thẳng không?”, cô cho rằng “Không.”

“Tại vì chuyện gì mình làm thì mình làm, chuyện gì mình không làm thì mình không làm, mình biết mọi chuyện mình làm đều trong khuôn khổ pháp luật hết. Với lại tôi không bị ‘stress’ phần lớn vì tôi biết tôi là người nước ngoài,” cô giải thích.

“Như vậy cái quốc tịch nước ngoài cho mình niềm tin là mình sẽ không bị gì quá nguy hiểm, phải không?” Tôi hỏi lại.

“Tôi biết chắc như vậy,” Nancy khẳng định. “Nhưng mà họ vẫn đe dọa. Họ vẫn nói là đừng có hy vọng vào bất cứ một sự can thiệp nào đó từ bên ngoài.”

Từ bản thân, nghĩ đến những nhà tranh đấu

“Trước khi đặt chân về Việt Nam, hay khi viết những dòng tâm huyết nóng bỏng trên Facbook của mình, Nancy đã có sự chuẩn bị cho những gì xảy ra không?” Tôi hỏi.

“Có, tôi có nghĩ tới. Nhưng khi đối diện với ánh đèn trong phòng hỏi cung, khi đối diện với cửa nhà giam, mọi chuyện trở nên khác lắm,” Nancy nói.

Cô chia sẻ, “Ở trong đó, tôi luôn hiểu được tâm thế của mình là họ không có làm gì được tôi. Thế mà ngay cả khi đã biết như vậy rồi, biết đó là một niềm an ủi lớn của mình rồi, mà mình vẫn cảm nhận được một áp lực rất nặng về vấn đề tâm lý. Thành ra lúc nào tôi cũng nghĩ, giả sử tôi không phải là người Mỹ thì còn chuyện gì xảy đến với tôi nữa.”

“Tôi không có chửi bới, không có đòi lật đổ chính quyền, không có chửi Đảng, không chửi nhà nước, mà còn như vầy, thì cứ tưởng tượng những người không nắm hộ chiếu Mỹ, mà lại lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn, thì thử hỏi khi vào trong đó họ sẽ phải chịu như thế nào nữa,” cô băn khoăn.

Khi được hỏi, “Điều gì thôi thúc Nancy quyết định về Việt Nam và Nancy suy nghĩ về chuyện đó trong bao lâu trước khi thực hiện?”, cô cho rằng, “Không có gì thôi thúc hết, mọi chuyện đều phải có tính toán và đến lúc cần làm thì làm thôi.”

“Sau 6 ngày bị giam giữ, cảm giác của Nancy là gì khi bước ra khỏi trại tạm giam?” – “Tôi cũng không biết nữa… Không biết. Tôi cũng đoán trước được ngày tôi được thả, nói chung là nhiều thứ mình đoán được lắm, thành ra mọi sự cũng còn nằm trong suy nghĩ của tôi,” Nancy trả lời sau một thoáng ngập ngừng.

Nancy cho biết cô sẽ trở lại Mỹ vào ngày 1 Tháng Sáu.

*********

Nguồn:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"