Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Tịnh khẩu

Mới đây có người phân tích với tôi như sau

Theo cách hiểu của nhiều người tịnh khẩu là không nói gì cả. Hiểu như thế là á khẩu rồi. Tịnh khẩu phải được hiểu là hạn chế tối đa nói năng, chỉ nói khi cần thiết, chỉ trả lời khi bị hỏi, chỉ lên tiếng khi quyền lợi bản thân bị xúc phạm nặng nề. Không hiểu tịnh khẩu thì không bao giờ hiểu được "độc lập, tự do và hạnh phúc" là gì.

Nghe cứ như lời đe doạ của một ông quản giáo ở nước Việt XHCN. Á khẩu thì còn nói gì nữa, thì đúng là "câm" rồi. Nhưng tịnh khẩu là gì, tôi cũng nói chữ ấy, mà khi tìm trong tự điển Hán Việt thì lại không thấy giải nghĩa gì cả, hay là cứ diễn theo cách lõm bõm hiểu như sau. Tịnh là yên, và khẩu là miệng. Cho nên lời giải thích ở trên cũng phần nào đúng, cứ để yên cho miệng mồm nghỉ ngơi. Chứ biết lúc nào là cần thiết, chỉ nội điều "cần thiết" cũng là một vấn nạn nan giải mà không phải ai cũng có thể ngộ ra được, thí dụ hai vợ chồng đang xung khắc, bà vợ cứ thừa thắng xông lên, nói cứ như chưa bao giờ được nói, tuôn ra đủ thứ trên đời mà bà nghĩ bà có thể cải tạo được tư tưởng vốn đã khắc thành ciment trong đầu ông chồng, bà không ngộ ra được cái giây phút "chết người" nào là cần thiết để ngừng lại, trước khi ông chồng nổi nóng vùng lên làm cách mạng rồi phang cho bà vài cái tát, lúc ấy có khi bà cũng chưa ngộ ra, lại bù lu bù loa khiến cho ông chồng càng điên tiết vì ông không có bộ óc "nhanh nhẹn" để đáp trả bà, ông chỉ có thể xử dụng tay chân để chống đỡ.

Thế cho nên vấn đề không phải ở chỗ tịnh khẩu hay không? Có nên trả lời khi bị hỏi hay không? Vì ở đời đâu phải câu hỏi nào cũng đáng để có câu trả lời, dù cho ngạn ngữ Tây có câu "không có câu hỏi nào là câu hỏi ngớ ngẩn, chỉ có câu trả lời ngu thôi" (có khi chỉ là câu lịch sự của các ông thầy dụ học trò hỏi thế thôi) .

Hơn thế nữa, là người VN vốn có cái từ tâm của Bồ Tát, có khi nhận ra không thể tịnh khẩu nhưng lại không nỡ khiến cho đối phương phải rơi vào thế bẽ bàng, cho nên đành chấp nhận "hơn thua nào có nghĩa gì", thôi cứ nhịn. Và vì thế chưa mở lời thì cũng đã thành á khẩu, và lời không nói không có nghĩa là lời không biết nói. Và điều là "chỉ lên tiếng khi quyền lợi bản thân bị xúc phạm" thì còn phải thảo luận hơn để hiểu lên tiếng ra làm sao, với ai, cả một tổ chức Liên Hiệp Quốc lớn thế kia mà cứ lên tiếng với các nước xâm phạm nhân quyền của nhân dân họ, mà mấy ai trong mấy chính quyền độc tài ấy thèm đếm xỉa, đâu thể bảo là Liên Hiệp Quốc không ai có khả năng thuyết phục. Phải chăng trình độ mấy chính phủ độc tài chỉ hiểu biết nông cạn có thế thôi? Cho nên có nói chuyện với mấy người như thế thì người xưa bảo "vạch đầu gối ra mà nói chuyện" còn hơn. Đó là chuyện lớn, chuyện nhỏ cũng tương tự thế thôi, tỉ như ông chồng "cù nhầy" có thói gia trưởng lúc nào cũng "oách xì xằng", có điều gì bất đồng thì không "cả vú lấp miệng em", thì cũng vờ như không có gì xảy ra, không vũ phu như kẻ chợ thì cũng dùng cách gọi là hành hạ tinh thần người vợ, nói những điều tôn mình lên và hạ thấp vợ mình xuống. Gặp những người như thế, thì không tịnh khẩu, cãi làm gì cho nó mệt.
Nếu các ông cho là các bà nói nhiều khiến đến tuổi 40 thì các tai các ông cũng hoạt động kém đi. Đó là may mắn cho các ông đấy, các ông có biết vũ khí độc hại nhất của phụ nữ là gì rồi phải không? Thưa tịnh khẩu đấy ạ. Có cần hỏi lại "Muốn thứ gì?"

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"