Tác giả: Mạc Việt Hồng
Lời người dịch: Maria Kruczkowska là tác giả chuyên về mảng Á châu của nhật báo hàng đầu Ba Lan Wyborcza. Bà đã có hàng chục bài viết liên quan tới Trung Quốc. Vì sự ‘nhạy cảm’ của những vấn đề mà cây bút của bà đề cập tới, nên từ hơn 2 năm nay bà bị ‘cấm cửa’ vào Trung Quốc qua vài lần bị từ chối visa. Nhưng không vì thế mà bà từ bỏ mảng đề tài quen thuộc. Dưới đây là bài viết của bà về cuộc trốn chạy của nhà văn Trung Quốc, Liêu Diệc Vũ, qua ngả Hà Nội- Vacsava tới Berlin. Liêu Diệc Vũ đến Berlin tị nạn hôm 6/7/2011 sau nhiều lần bị nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa bỏ tù vì những tác phẩm gây tranh cãi của ông ở hải ngoại.
Liêu Diệc Vũ. Ảnh Wyborcza
Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc Liao Yiwu (Liêu Diệc Vũ) đã quyết định chạy trốn khỏi đất nước mình khi cảnh sát bắt ông phải ký một bản cam kết không được xuất bản bất cứ “tài liệu bất hợp pháp” nào. Con đường của cuộc đào thoát sang phương Tây này qua ngả Warsaw (Vac-sa-va).
- Tôi rất hạnh phúc- Liêu Diệc Vũ nói khi ông đến Berlin. Cuộc chạy trốn của ông giống như kịch bản của một bộ phim kinh dị.
Vào tuần trước, Liêu đã vượt qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông chạy bộ tới một ngôi làng. Sau đó, để tránh sự truy đuổi của an ninh Trung Quốc hoặc Việt Nam, ông đã liên tục phải chuyển tầu. Tới được Hà Nội, vài ngày sau ông lên chuyến bay đến Warsaw và từ đó tới Berlin.
- Bây giờ tôi cảm thấy thật tự do. Từ Đức, tôi sẽ chờ xem một làn sóng đàn áp mới [của Trung Quốc] nhắm vào các công dân ‘không trung thành‘ – Liêu nói với các phóng viên.
Nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ Liêu nhiều năm nay đã đi khắp đất nước để tìm kiếm những nhân vật cho các cuộc phỏng vấn của mình. Ông tới những nơi ‘không bình thường’ và gặp gỡ những con người ‘bất thường’. Có cả những cuộc nói chuyện được thực hiện trong nhà tù. Trong một lần phỏng vấn thành viên Pháp Luân Công – một tổ chức Phật giáo bị cấm ở Trung Quốc- ông và người đối thoại với mình đã phải nhảy từ tầng hai xuống khi bị công an phát hiện.
Bằng cách này, ông có một bộ sưu tập các cuộc phỏng vấn mang tên “Dẫn dắt những người chết”. Đây là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông. Nó đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, ở Ba Lan năm nay cuốn sách đã được phát hành bởi nhà xuất bản Czarne.
Mặc dù tác phẩm của Liêu được đánh giá cao ở phương Tây, nhưng lại bị cấm đoán tại Trung Quốc và nhà văn cũng bị cấm rời khỏi đất nước mình. Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, nơi nhà văn cư ngụ đã 17 lần từ chối cấp phép xuất cảnh cho ông, ví dụ như việc tới dự đại hội Nhà văn tại Thế giới tổ chức tại New York năm nay. Nhà văn đoạt giải Nobel, Salman Rushdie đã bày tỏ sự phản đối bằng cách đặt một chiếc ghế trống trên hàng danh dự dành cho Liêu.
Chuyện thường xảy ra rằng, chính quyền cho phép ông xuất cảnh, nhưng vào phút cuối cùng, cảnh sát lại lôi cổ ông ra khỏi máy bay. Chỉ có một lần ông đã tới được trời Tây – vào mùa thu năm 2010 – để tham dự hội chợ sách ở Berlin. Giấy phép xuất cảnh có được nhờ sự can thiệp của chính Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, người mà ông đã viết thư nhờ cậy giúp đỡ.
Cho tới gần đây, chính quyền làm ngơ trước việc xuất bản sách của ông ở nước ngoài. Nhưng mùa xuân vừa rồi, họ đã cử cảnh sát tới gia tư của ông và bắt ông phải ký một bản cam kết.
Ông phải cam đoan rằng, sẽ không xuất bản ở nước ngoài bất cứ “tài liệu bất hợp pháp” nào. Chính quyền cảnh báo rằng, nếu không nghe lời, họ sẽ tống ông vào tù.
Liêu đã phải cam kết dưới áp lực, nhưng rồi ông thấy mình mắc kẹt. Ở Mỹ, vào tháng Bảy này, sẽ ra mắt hai cuốn sách mới của ông: “Chúa Mầu Đỏ”, nói về việc đàn áp Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc và “Nhân chứng ngày 4 tháng Sáu”, ghi lại những ký ức của Liêu về sự đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1989.
Việc bị bắt giam là gần như không thể tránh khỏi. Liêu biết rõ sự hà khắc của nhà tù Trung Quốc. Từng bị bắt vào năm 1989 vì bài thơ “Thảm Sát” và ngồi tù bốn năm. Ông bị đánh đập, tra tấn, tới mức tuyệt vọng – hai lần định tự tử. Sau khi ra khỏi nhà tù, ông mới biết rằng, vợ đã ly dị ngay sau khi ông bị bắt và nhà cửa cũng bị tịch thu. Bỗng chốc ông bị tống ra vỉa hè. Liêu sống được nhờ thổi sáo dạo trên các con phố. Ông đã học được cách thổi sáo trong nhà tù.
Quyết định chạy trốn khỏi Trung Quốc không đến với ông một cách dễ dàng, bởi ông phải để lại cha mẹ và người vợ chưa cưới.
Cuộc đào thoát của ông như một bằng chứng cho thấy tình hình ở Trung Quốc đang trở nên rất căng thẳng, không chỉ với những người bất đồng chính kiến. Kể từ mùa xuân vừa rồi, khi các cuộc cách mạng tại Ả Rập gây lo ngại cho chính quyền, đã diễn ra một làn sóng đàn áp chưa từng có trong nhiều năm qua. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, ít nhất 130 nhà đối kháng, nhà hoạt động xã hội và các blogger đã bị bắt giữ. Những người bị bắt giữ không được phương Tây biết tới. Thế giới chỉ chú ý tới những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, khi vào tháng Tư vừa qua, ngay tại sân bay Bắc Kinh, người nghệ sĩ tiên phong hàng đầu Ngải Vị Vị đã biến mất không một dấu vết.
Người ta chỉ tìm ra ông sau 81 ngày, trong một cơ sở bí mật tại Bắc Kinh. Tân Hoa Xã nói rằng, ông được trả tự do, nhờ đã thành thật khai báo, nhận tội và cũng vì lý do sức khỏe – người nghệ sĩ 54 tuổi này bị bệnh tiểu đường.
Các phóng viên khi được biết tin ông sẽ trở về, đã chờ đợi bên ngoài ngôi nhà của ông, nhưng ông không được phép nói gì với họ. Ông cũng bị cấm rời khỏi Bắc Kinh. Và chỉ có thể đi mua sắm với sự đồng ý của cảnh sát.
Ngải Vị Vị đang bị cơ quan thuế vụ Trung Quốc truy 2 triệu USD tiền thuế và lãi trả chậm. Văn phòng Thuế tại Bắc Kinh, không cần phải chứng minh bất cứ điều gì, bởi chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh rằng, công ty “Phát triển Văn Hóa Bắc Kinh” của Ngải Vị Vị đã không trả tiền thuế từ năm 2000.
Ngải Vị Vị cũng quyết định sẽ tị nạn. Hôm thứ Tư, ông đã đồng ý trở thành giảng viên tại Học viện Mỹ thuật Berlin. Chuyến đi sẽ phải đợi ít nhất một năm nữa, bởi đó là khoảng thời gian để người ta điều tra ông về tội trốn thuế. Nhưng không rõ, khi đó, nhà chức trách có cho phép ông xuất cảnh hay không.
Ngải đã một lần xuất ngoại. Vào đầu những năm 80, ông di cư sang Mỹ. Ông trở lại vào năm 1993, khi cha ông đổ bệnh, và quyết định ở lại Trung Quốc vì nghĩ sẽ tốt hơn.
Liêu Diệc Vũ thì nghĩ ngược lại: “Tôi hy vọng rằng, một cuộc cách mạng tương tự như Bắc Phi sẽ nổ ra ở Trung Quốc. Khi đó, không phải là tôi mà chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ trở thành một người tị nạn” – ông nói.
© Đàn Chim Việt (Bản tiếng Việt)