Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Sự dí dỏm của một nhà báo

Nhà báo Phi Khanh - Bị tạm giữ vì chụp ảnh những người biểu thị lòng yêu nước

Phi Khanh (Nhà báo)


  
Sáng 10/7/2011 khi đi đến chơi nhà bạn ở 28 phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP Hà Nội, tôi gặp một số người tự phát tụ tập biểu thị tinh thần yêu nước, bảo vệ biển đảo Việt Nam. Lúc ấy có hai xe bus đi đến, nhiều công an mặc sắc phục và những người mặc thường phục lao vào bắt giữ họ. Tôi vội lấy máy ảnh chụp nhanh vài kiểu. Một chiến sĩ công an thấy vậy túm ngay lấy tôi, đẩy lên xe bus. Tôi hỏi lớn: Tại sao lại giữ tôi? Người công an đẩy tôi lên xe đáp: Không cần biết, cứ lên đi! Thế là tôi cùng những người khác bị đưa đến trụ sở Công an Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Tại đây, các anh công an gọi từng người ra ghi biên bản. Tiếp xúc với tôi là một công an mặc thường phục.

Tôi nói: Chúng ta làm quen với nhau đi, anh tên gì? Trả lời: Trần Quốc Hà, thiếu tá công an huyện Từ Liêm. Anh Hà lấy tờ giấy A4 bắt đầu hỏi: Bác tên gì, địa chỉ ở đâu? Tôi xuất trình chứng minh thư, thẻ nhà báo. Anh Hà ghi chép và hỏi: Vì sao bác đi biểu tình? Nghe câu hỏi suýt nữa thì tôi ngã ngửa. Rõ ràng anh này không nói chơi, nhưng tại sao anh lại dùng chữ “biểu tình” y như bọn phản động quốc tế thế nhỉ? Đường lối bảo vệ biển đảo của Nhà nước ta là rất rõ ràng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã từng tuyên bố là chỉ có một số ngưòi dân tụ tập tự phát để biểu thị tinh thần yêu nước chứ không có chuyện “biểu tình”. Rồi tôi hoang mang, chẳng lẽ bọn phản động quốc tế đã vào tận cơ quan Công an Hà Nội? Tất nhiên hỏi thì phải trả lời. Tôi nói ngắn gọn: Tôi không đi biểu tình, tôi đến chơi nhà bạn thấy có tụ tập thì chụp ảnh,đó là hành động tác nghiệp bình thường của nhà báo, thế thôi! Anh Hà hỏi tiếp: Bác có dùng ảnh để đăng báo không? Trả lời: Tôi chụp ảnh và phải báo cáo với Ban biên tập, còn đăng hay không là quyền của Ban biên tập chứ không phải quyền của tôi. Hỏi: Bác có nói thêm gì hay không? Trả lời: Anh ghi rõ vào, công an khi tiếp xúc với dân cần phải lễ phép. Theo Điều 5, Tiết 1 của Điều lệnh công an thì khi gặp dân phải đứng nghiêm, giơ tay chào, nói năng phải thưa gửi. Tôi thấy công an hôm nay rất thiếu văn minh và giữ tôi là vi phạm Luật báo chí, theo Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì phải bị xử phạt hành chính. Anh Hà ghi xong đưa tôi đọc lại, câu chữ bị anh “bẻ cong” như thế này: “Tôi nhận thấy đã vi phạm Luật báo chí, phải bị xử phạt theo Nghị định 02…”. Tôi trả anh ta tờ giấy và bảo: Ghi như thế này không được, anh phải sửa lại là “tôi thấy công an đã vi phạm Luật báo chí…”, nếu không tôi không kí. Mất năm mười phút để tranh luận về câu chữ, tôi dứt khoát: Anh không sửa thì tôi không kí! Cần phải nói rõ là tôi hợp tác với công an, trình bầy đầy đủ nhưng công an không hợp tác với tôi, bằng chứng là không sửa theo lời tôi nói. Đến đây thì các anh công an bảo: Bác không kí thì chúng tôi cũng không cần! Tốt thôi, vậy là biên bản không có chữ kí của tôi.

Trong số những người bị tạm giữ có một anh nhà báo của đài truyền hình NTK và một chị của báo Asahi (Nhật bản). Tôi tự nghĩ nếu công an hỏi tôi thế nào thì chắc cũng hỏi hai nhà báo này y như vậy. Tức là sẽ hỏi: Vì sao các anh chị đi biểu tình, hoặc vì sao các anh chị đến nơi biểu tình? Mà như thế thì gay, bởi báo chí chính thức của Nhà nước nói rằng đưa tin biểu tình là vu cáo, hoàn toàn không phải là sự thật, chỉ có một số người tụ tập tự phát biểu thị tinh thần yêu nước. Nay anh công an hỏi thế thì quá là “lạy ông tôi ở bụi này” còn gì? Lạy ông Giời phù hộ cho các anh công an thông minh sáng suốt, đừng đặt câu hỏi ngớ ngẩn như thế với những phóng viên báo chi nước ngoài.

Các anh công an ghi biên bản với từng người, một lát sau anh công an tên Thanh (tôi hỏi họ gì nhưng anh không nói) bảo tôi: Bác có thể về được rồi! Tôi vê vê ngón tay làm động tác đếm tiền và hỏi: Đâu nhỉ? Anh Thanh ngạc nhiên: Bác hỏi gì cơ? Đến lượt tôi ngạc nhiên y như anh: Năm chục đi xe ôm chứ còn gì nữa! Anh Thanh bảo: Làm gì có! Hỏi lại: Vậy tôi về bằng gì? Các anh công an xúm vào chứng minh rằng không ai đưa tiền cho tôi, rằng tôi về đi. Tôi đáp: Tôi không đi đâu hết, các anh đưa tôi đến đây thì phải có trách nhiệm đưa tôi về, nếu không thì gọi cái xe bus đã chở tôi đến đây trả tôi về chỗ sáng nay. Tôi gọi điện cho Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhưng không thấy Trung tướng nhấc máy. Cuối cùng các anh công an Mỹ Đình đưa cho tôi 50 nghìn đồng để đi xe ôm về. Ngay lúc đó tôi gọi một anh xe ôm đến và bảo: Nhờ anh chở tôi về sân Cột cờ cạnh Lăng Bác, gửi anh cả 50 nghìn đồng này, thừa thiếu không tính nhé! Anh xe ôm cầm tiền cười ngặt nghẽo: Hay thật!




Những công dân bị đưa lên xe bus về cơ quan Công an Mỹ Đình

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"