Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Biển Đông

5xu

Đọc các tài liệu về Việt Nam ở thế kỷ 16, 17 và 18 thấy nhiều cái thực sự thích thú (thực ra lúc đó chưa có Việt Nam). Thích thú bởi bao lâu nay cá nhân tôi (và có lẽ nhiều người khác cũng thế) luôn nhìn đất nước, dân tộc và lịch sử từ trong ra. Kiểu như tự soi gương rồi tự nghĩ về mình. Hoặc cao thủ hơn chút là vẽ chân dung tự họa. Nay đọc các sách của người Châu Âu viết về đất nước, con người và lịch sử của chúng ta từ những năm cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, thấy họ nhìn nhận chúng ta thật là thú vị.
Một trong những điểm họ đánh giá về đất nước chúng ta, ở cái thời kỳ mông muội ấy, là chẳng có gì ngoài lợi thế địa lý. Họ ở đây là các hải đội của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và sau này là Pháp. Trên các con tàu ấy là hải quân, là các tu sỹ dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng Phan Xi Cô, là các nhà buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Ở giữa những người Châu Âu văn minh, người Việt mông muội, là các thương gia Hoa, thương gia Nhật và cả giáo dân Nhật, các linh mục lai giữa người Bồ và người Đông Nam Á.

Hôm qua tôi đọc bài này của Nguyễn Đình Đầu và hơi băn khoăn. Lập luận của bài viết này có một điểm yếu và bị ẩn đi: bài viết này dựa trên giả định là người Châu Âu biết đến phía nam nước ta trước khi biết đến Trung Quốc và các nước khác.
Theo như tôi hiểu chưa bao giờ có cái tên Biển Cochinchina để rồi bị méo mó thành Biển Nam Trung Hoa. Lý do đơn giản thế này. Người Châu Âu là người vẽ bản đồ thế giới. Họ biết cái gì thì vẽ cái đấy. Biết tên gì thì đặt tên đấy. Thực tế trước khi người Bồ vẽ lại bản đồ thế giới, chỉ có biển của người Chàm (Sea of Champa, Champa Sea). Người Châu Âu biết đến Trung Hoa, Nhật Bản, Malaysia và Chăm Pa trước khi biết đến chúng ta. Biển Đông của chúng ta được chúng ta gọi là Biển Đông vì biển ở phía Đông. Được người Trung Quốc gọi là Nan Hai vì ở phía Nam, được các nước Đông Nam Á gọi là China Sea. Rồi trên bản đồ tên Biển Chăm Pa được thay thành Biển Trung Hoa bởi người Bồ Đào Nha, lúc đó là cương quốc số một về hàng hải, vẽ bản đồ là Mar Da China. Sau này đổi thành Nam Trung Hoa để phân biệt với vùng biển phía bắc.
Quay lại lợi thế địa lý. Vì các lý do cấm xuất nhập khẩu ở Nhật, cấm đạo ở Nhật và Trung Quốc, tự nhiên Phố Hiến và Hội An trở thành hai thương cảng lớn, đặc biệt là Hội An. Các tàu buôn và truyền giáo bắt đầu đi từ Mallaca, Macao và Nhật bản đến Hội An và Phố Hiến.
Phố Hiến còn là nơi tụ tập của thương nhân Hoa bởi triều đình, lúc đó là chúa Trịnh, cấm tiệt người Hoa sống ở Kẻ Chợ.
Người Châu Âu gọi tên hai nước riêng biệt. Nước của Vua Nguyễn là Cochinchina. Nước của vua Lê và Chúa Trịnh là Tonkin. Bất chấp nguồn gốc của hai cái tên này, nhưng khi dịch ra tiếng Việt thì Cochinchina phải là Vương Quốc Đàng Trong (Xứ Đàng Trong, Nam Hà) còn Tonkin phải là Vương Quốc Đàng Ngoài (Xứ Đàng Ngoài, Bắc Hà, Bắc Kỳ, Bắc Bộ). Tên riêng Gulf of Tonkin hiện vẫn còn tồn tại.
Cochin là cách đọc tên Giao Chỉ bằng tiếng Malay rồi phiên âm qua tiếng Bồ. Cochinchina là Nước Giao Chỉ thuộc Trung Hoa, nhưng chỉ là tên gọi, bản chất là chỉ Đàng Trong. Sau này xứ Đàng Trong (Cochinchina) sáp nhập với Miền Tây (của Mạc Thiên Tứ) và được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Nam Phần, Nam Kỳ, Nam Bộ … và rồi hiện nay được gọi là Miền Nam.
Tất cả các thuyền bè, của hải quân, nhà buôn hay truyền giáo. Đến Đàng Trong hay Đàng Ngoài, từ Macao, Mallaca đều đi qua một bãi đá ngầm lớn rồi vào cửa biển Hội An hoặc ra bắc vào cửa Thái bình rồi đến Phố Hiến. Bãi đá ngầm lớn này dần dần được ghi trên bản đồ là Paracel rồi là Paracel và Spratly. Bãi đá ngầm này được người Châu Âu cho rằng thuộc về Xứ Đàng Trong. Không phải vô cớ mà khi thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh Gia Long, xác lập lãnh thổ của Đế Quốc An Nam (Việt Nam) trên các hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo … Ở đây có một sự tò mò, xứ Đàng Ngoài, thời Lê Thánh Tôn, hải quân khá mạnh, đánh được cả Champa là nước có hải quân một thời hoành tráng, tại sao không biết nhiều về biển đảo?
Có một chi tiết là trong cuộc cạnh tranh chiếm đất thuộc địa của Anh và Pháp nhân lúc Bồ Đào Nha suy yếu, người Anh đã đến Việt Nam (ngày nay) rất sớm. Họ đã chiếm Côn Đảo (đặt căn cứ hải quân, văn phòng thương mại) mấy năm rồi lại bỏ đi. Họ cũng đặt văn phòng thương mại ở Phố Hiến, rồi Kẻ Chợ, rồi cũng bỏ đi. Người Hà Lan cũng bỏ xứ Đàng Ngoài mà đi. Người đến sau, là người Pháp, cuối cùng lại là kẻ chiếm miền đất này. Khi người Pháp đến Côn Đảo hơn 100 năm sau, họ còn thấy tàn tích nhà cửa pháo đài do người Anh xây dựng. Có lẽ ở gần cái vũng phía đầu sân bay Cỏ Ống bây giờ. Ở Côn Đảo có một mũi là mũi Tàu Chìm hay gì đó, có lẽ là tàu của quân Anh đến đây và bị đắm.
Một chi tiết nữa là các Vua Đàng Trong (Chúa Nguyễn) rất thích sử dụng người Châu Âu (linh mục, sỹ quan có kiến thức) vào các việc sau đây: bác sỹ, nhà thiên văn, xây dựng, sản xuất vũ khí. Cho nên công cuộc xây dựng đế chế và sau này là xây dựng đất nước của Nguyễn Ánh dựa vào các cá nhân Châu Âu rất nhiều. Trong đó có Cha Cả, một linh mục khi chết, coi như là được Gia Long cho làm quốc tang. Câu chuyện sử dụng ngoại bang (cầu viện) của Nguyễn Ánh không chỉ bị miền bắc sỉ vả là cõng rắn cắn gà nhà (có lẽ bây giờ sách giáo khoa vẫn dạy thế), bị Nguyễn Huệ đánh cho một trận tơi bời Rạch Gầm, mà còn lưu truyền trong dân gian Côn Đảo dưới câu chuyện Hoàng Tử Cải và bà phi tên tục là Răm. Nhưng những gì ông làm được, cho đến nay, vẫn chưa có ai làm được hơn.
Trước khi Nguyễn Huệ nổi lên như một thế lực thì đã có những người Châu Âu buôn súng đại bác bán cho Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh). Có cả người Bồ ở lại xứ Đàng Trong, mở xưởng đúc đại bác ở gần Huế để bán cho vua Đàng Trong. Người nước ngoài cho rằng người Việt học nghề và làm nghề giỏi. Chỉ cho họ cách làm là họ có thể làm được. Người nước ngoài cũng cho rằng xứ Đàng Ngoài quá nghèo, không có vốn, họ làm được nhiều thứ để xuất khẩu, nhưng phải đặt hàng và ứng tiền thì họ mới làm. Điều này khiến cho quay vòng vốn rất chậm. Sản lượng xuất khẩu thấp. Họ cũng nhận thấy phụ nữ thích lấy người Châu Âu, kể cả với giá rẻ, để sinh con lai cho đẹp. Giá rẻ là vì hồi đó có thể bán vợ. Đàn ông nghèo, bán vợ cho các nhà buôn nước ngoài vài tháng, khi họ đang ở Phố Hiến hoặc Kẻ Chợ để đợi giao hàng.
Quay lại bài viết của Nguyễn Đình Đầu. Câu diễn giải của NĐĐ rằng Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa) là thuộc về Giao Chỉ (Cochi) là không chính xác. Chính xác phải nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Vương Quốc Đàng Trong (Cochinchina) của các Vua Nguyễn.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"