Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Học lại hai tiếng "Đồng bào"

Nguyễn Ngọc Già

(Bài viết dành "tặng riêng những ai thật lòng đang còn hát yêu thương con người")
Qua bảy lần biểu tình (chưa tính cuộc xuống đường ngày 24/7/2011) của người Việt Nam trước hành động Nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm Tổ Quốc Việt Nam, một số người khăng khăng quan điểm: "Cuộc biểu tình có tổ chức từ một số trí thức Việt Nam" và "đó là cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ nhưng nấp dưới danh nghĩa chống Tàu", "cuộc biểu tình đã lợi dụng những người không hiểu biết, trong đó có cả sinh viên, học sinh để chống phá Nhà nước"... Đại loại, một số luận điệu:
- Họ bảo rằng, có làm (nghĩa là có tổ chức) thì có nhận, sợ cái gì?! Yêu Nước mà, quá chính đáng! Sao không dám nhận, không chịu nhận?!
- Họ quá rõ, dưới cái áo khoác "chống Tàu", là cái "thân thể đói khát dân chủ" hơn 60 năm qua, nhân chuyện "chống Tàu" rồi thì lợi dụng "chống Ta" (nghĩa là ĐCSVN).

- Họ cho rằng họ đang khách quan, trung thực, chân thành khi nhìn thẳng vào sự thật để trình bày, phân tích hiện thực nhằm để "quý vị" đừng quanh co né tránh, không những thế họ còn dùng "đôi mắt Rohto trong vắt" để bày vẽ, hướng dẫn những cách biểu đạt "lòng yêu nước" sao cho không bị mang tiếng: "dán mác chống Tàu", "lợi dụng dân đen"; sao cho "chính danh", "hợp pháp", "ôn hòa" và... cả "nghệ thuật" nữa(!)
Tự nhiên, họ bộc lộ sự nôn nóng bất thường đến thiếu kiên nhẫn để nèo nẹo đòi: "nhận đi, nhận đại đi mà!", "nhận rồi tôi chỉ cho cách" làm sao để "chính danh", "hợp pháp" và không ai có thể bóp méo... để quý vị "thoải mái" mà biểu tỏ "lòng yêu nước"(!) Trong sự thiếu kìm chế đó, họ đã phơi bày lồ lộ một sự thật hiển hiện - NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM chưa bao giờ có trong mấy chục năm qua, của đáng tội, đó chính là điều mà Nhà cầm quyền Việt Nam luôn cam kết "có" với Thế giới!
"Mớm cung", "ép cung", "dụ cung" trong lúc điều tra tội phạm cũng là phạm pháp. Vậy, cũng cần nhắc cho họ nhớ, những người xuống đường phản đối Trung Quốc HOÀN TOÀN CÒN ĐẦY ĐỦ QUYỀN CÔNG DÂN. Vì còn đầy đủ Quyền Công dân nên NHỮNG NGƯỜI XUỐNG ĐƯỜNG HOÀN TOÀN CHÍNH DANH, HỢP PHÁP. Họ ngây ngô đến mức nghĩ chữ "chính danh", "hợp pháp" chỉ dành riêng cho cái gọi là "TỔ CHỨC" - thứ mà họ cố săm soi nhưng không tìm thấy! Càng không tìm thấy họ càng nghi ngờ. Càng nghi ngờ họ càng làm mọi cách để (ít nhất) chứng minh họ đúng. Để làm gì nhỉ? Thật băn khoăn, tư cách họ là như thế nào để rao giảng, chỉ dạy "cái lòng yêu nước" theo kiểu "chân chính của họ"!.
Một câu hỏi buộc phải đặt ra: HỌ CHẲNG LẼ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM???
Những phân tích, dẫn giải của họ thật "nhẹ nhàng", "hợp lý, hợp tình" theo cái cách của người đứng bên "lề đường Việt Nam" để "vô tư", "khách quan" và "tỉnh táo" phân tích, nhận định, đề ra biện pháp để "giúp người Việt Nam chúng ta"(?!) Phải vậy không? Đáng buồn đến mức, phải chi họ thờ ơ, bàng quan với vận mệnh đất nước như những người mà họ thường lên án là "dân trí thấp", "chỉ biết hưởng thụ", "ích kỷ", "tham lam"... thì cũng ra một lẽ, đằng này... Giật mình để hỏi: chẳng lẽ họ không mang Quốc tịch Việt Nam? Tất nhiên, họ sẽ nói ngay: "Đừng nghi ngờ tình yêu nước trong sáng của tôi, tôi đang giúp bạn đấy!". Sự trong sáng một lần nữa, được đặc dấu hỏi cho họ, thay vì họ ngờ vực điều đó đối với những người xuống đường.
Hỡi ôi! Sao họ tự cho cái quyền nghi ngờ lòng YÊU NƯỚC của những người xuống đường mà lại không cho phép điều ngược lại? Chẳng lẽ đó là sự công bằng? Vâng, sự công bằng của những người tự cho là "yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh"(!)
Ôi chao! Sao họ lại tự vạch ra CÁI LẰN RANH rõ ràng đến khó chối cãi: Một bên là những người xuống đường, bên còn lại là họ??? Hai bên ư? Tôi nhớ, người Việt Nam nào cũng được dạy hai tiếng "ĐỒNG BÀO" - cái chữ mà chỉ có người Việt có thôi! Những tưởng chỉ có những thế lực trong bóng tối rắp tâm phản bội Dân Tộc là vạch rõ lằn ranh ở hai đầu chiến tuyến với nhân dân Việt Nam!!! Nào ngờ...
Chưa bao giờ những "con người tỉnh táo" này - dù chỉ một lần - thảng thốt, đau lòng trước những cú hốt người, chửi rủa, vu khống, đánh đập, dẫm đạp không thương tiếc của lực lượng an ninh chìm nổi đối với người biểu tình, cũng chưa nghe thấy họ lên tiếng về những cái chết thương tâm, uất ức, mờ ám của người lương thiện - những người chả dính dáng gì đến biểu tình - khi bị đưa về đồn công an. Sao thế nhỉ? Sao họ có thể bình thản đến lạnh lùng trước những đầu tóc bị túm, những cái miệng rướm máu, những cánh tay bị bầm tím... dám nào mong họ ngậm ngùi trước cánh tay của anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị mất! Dám nào mong họ nghẹn ngào trước thông tin mười đầu ngón tay anh Cù Huy Hà Vũ thâm tím và đôi tay run run như người bị Parkinson! Dám nào mong họ rưng rưng trước cái đầu sưng vù của cô gái Minh Hạnh nhỏ bé bị bọn "mang danh người" túm đầu dộng vào xe tù! Dám nào hy vọng họ phẫn nộ khi nhìn chiếc áo dài của cô Tạ Phong Tần bị chúng túm, kéo lôi một cách lếch thếch...

***
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đầy chốn đây?
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
Còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi?
(Phúc âm buồn - Trịnh Công Sơn) (1)
Phúc âm buồn 
 
Tiếng hát của nữ ca sĩ Cẩm Vân chơi vơi, da diết, cô hát thay cho thân phận "con-vật-người-Việt-Nam" đang nằm co ro trên mảnh đất Việt Nam với tình người hoang phế!
Nước mắt bây giờ sao hiếm đến lạ!
Tôi nghèn nghẹn...
"Người Mẹ Bàn Cờ" (2) trong những năm trước 1975, mà Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (một trong những người khá nổi tiếng của "phong trào đấu tranh sinh viên học sinh") đã xúc động từ thực tế ông và đồng đội trải qua gian nan, nguy hiểm, nếu không được dân che chở, thương yêu, đùm bọc chắc gì còn sống để viết bài ngợi ca:

Có người mẹ Bàn Cờ
tay gầy tóc bạc phơ,
chuyền cơm qua vách cấm,
khi ngoài trời đổ mưa.
Có người chị Bàn Cờ
lính ngồi gác đầy sân,
nhận sinh viên làm chồng
rồi đưa về đầu đường.
Có người em Bàn Cờ,
tảo tần trao tin thơ.
Đưa anh về cuối lối
rồi nhìn theo bơ vơ.
Người Việt Nam Bàn Cờ,
tình Việt Nam như thơ...
(Người Mẹ Bàn Cờ - Trần Long Ẩn).
Cái ngày xưa ấy, tay mẹ nhăn nheo, run rẩy chuyền từng nắm cơm qua song sắt trại giam để tiếp tế cho con và các bạn tù của con miếng ăn để đủ sức chống chọi với những khảo tra đòn thù, mẹ đâu có hỏi con: "Con ơi! con tham gia tổ chức nào vậy con?"
Cái ngày xưa ấy, bà chị đang trong phòng tắm, đồng đội con hớt hãi trốn vội vào nhà vì bị cảnh sát rượt đuổi, chính chị chấp nhận khỏa thân lõa lồ làm lá chắn cho đồng đội con trước "bọn ác ôn", chị con đâu có hỏi con rằng: "Em ơi! Em thuộc đảng phái nào vậy em?"
Cái ngày xưa ấy, thằng em trai mới hơn mười lăm tuổi đầu - thằng con nít ham ăn, ham chơi đó, chỉ cần biết anh mình đang cần và thế là cắm đầu cắm cổ chạy đưa thư cho các đồng chí của con, không quan tâm đó là thư gì. Nó vì lanh lẹ, qua mắt cảnh sát để đưa "đồng chí, đồng đội" của con thoát khỏi tay cảnh sát, qua một con hẻm nhỏ mà chỉ có nó biết, lúc đó nó đâu có hỏi con và đồng chí của con: "Anh ơi! anh thuộc phe nhóm nào vậy anh?".
Mẹ, chị, em của con chỉ cần biết đó là người ruột thịt, thân thiết và phải làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ, trợ giúp.
Con nghĩ sao, nếu như mẹ, chị, em con ngày xưa hỏi con rằng: "Con cầm tiền của bọn nào, cầm bao nhiêu mà đi chống chính quyền?".
Dù quê mùa, thất học và trải bao đắng cay cuộc đời nhưng mẹ vẫn giữ được sự bao dung, nhân hậu trước những đứa con thành đạt, giỏi giang, để giờ quay ra nghi ngờ mẹ, nghi ngờ chị, nghi ngờ em đang xuống đường chống bọn bành trướng Trung Quốc, vậy sao con?
Nếu vậy, thì thôi cũng đành "xin làm người hát rong"(3) mà hát lần nữa cho con nghe:

Kiếp này xin làm người hát rong
Để cho tình yêu lên tiếng
Để cho trái tim bội bạc
Không còn đến trong đêm hoa đăng
Sẽ còn câu chuyện người hát rong
Còn nghe ngày sau kể tiếp
Tặng riêng những ai thật lòng
Đang còn hát yêu thương con người.
(Xin làm người hát rong - Trần Long Ẩn)
 
Ngoài kia trời đang mưa và...tôi khóc!
Saigon, 20h30 ngày 24/7/2011
Nguyễn Ngọc Già

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"