Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Tội yêu nước

Nguyễn Hưng Quốc (Tiền Vệ)

Ở đời, có nhiều thứ tội. Tội giết người. Tội cướp của. Tội ăn trộm. Tội lường gạt. Tội hiếp dâm. Tội tàng trữ hay buôn bán ma túy. Tội hành hung người khác. Tội trốn thuế. Tội lái xe quá tốc độ hoặc lúc đang say. Tội khai man hay làm giấy tờ giả (kể cả bằng cấp giả!). Tội phá rối trật tự công cộng. Tội bôi nhọ hay xâm phạm đời tư người khác. Vân vân.

Hầu hết các tội ấy đều được ghi rõ trong luật pháp với những khung án rõ ràng ở từng nước.

Riêng trong Hiến pháp, ít nhất là Hiến pháp Việt Nam, người ta còn nêu đích danh một tội: “phản bội tổ quốc là tội nặng nhất” (điều 76).

Cả trong Hiến pháp lẫn luật pháp, không những của Việt Nam mà còn của cả thế giới, tôi dám chắc không ở đâu ghi cái tội này: Tội yêu nước.

Vậy mà, trên thực tế, nó lại bị xem là một cái tội, thậm chí, tương đương với cái tội được ghi là “nặng nhất” trong Hiến pháp.

Chứ không phải sao? Thì hãy cứ nhớ lại thời Pháp thuộc mà xem. Hầu hết những người mà chúng ta xem là anh hùng của thời ấy đều là những kẻ từng bị buộc “tội yêu nước” đấy! Trong phong trào Cần Vương, ở Quảng Nam, Trần Văn Dư bị xử bắn, Nguyễn Duy Hiệu bị hành hình; ở Quảng Ngãi, Lê Trung Đỉnh bị giết; ở miền Bắc, Nguyễn Cao bị xử trảm; trong các cuộc vận động chống Pháp sau đó, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Thái Học, v.v... bị tử hình; Phan Bội Châu bị tuyên án tù chung thân, sau, đổi thành án quản thúc; tất cả đều bị ghép vào một tội: Tội yêu nước!

Dĩ nhiên, chữ “tội yêu nước” ấy là chữ của lịch sử, về sau. Thời ấy, trước tòa án, qua miệng của công tố viên cũng như chánh án, tội của họ là tội “làm loạn” hay “làm giặc”. Không ai dám nói là họ mắc “tội phản bội tổ quốc”. Nhưng thực chất ý nghĩa của “làm loạn” hay “làm giặc” thì cũng vậy.

Có điều, ai ghép tội và tuyên án họ? Đó là thực dân Pháp và tay sai của Pháp: kẻ thì không được quyền nói đến sự trung thành đối với tổ quốc trên đất Việt Nam và kẻ thì không được phép nói vì bản chất của họ, khi chấp nhận làm việc cho Pháp, đã không đặt ra vấn đề trung thành hay không trung thành với tổ quốc rồi. Vậy mà, suốt gần cả trăm năm, cả Pháp lẫn những người làm tay sai cho Pháp đều nhân danh lòng yêu nước, hoặc ít nhất, sự ổn định của đất nước, để xét xử những người yêu nước thực sự.

May, lịch sử công minh. Những sự hy sinh của bậc anh hùng dám chấp nhận ngay cả cái chết để cứu nước ấy đã được mọi người ghi nhận. Hiện nay, tên tuổi của họ còn sáng rỡ trên sử sách. Ai cũng biết rõ một điều: Họ không có tội gì cả, trừ “tội” yêu nước.

Không ngờ cái điều hài hước một cách cay đắng như thế bây giờ lại lặp lại.

Trong suốt mấy chục năm vừa qua, có vô số người bị bắt ở tù, thậm chí, bị hành hình, chỉ vì “tội” duy nhất: tội yêu nước.

Xin miễn nhắc lại những chuyện đau lòng ngay sau năm 1975 với trại tù và trại cải tạo nhan nhản khắp nơi: Tạm thời cứ coi đó là chuyện thuộc quá khứ, gắn liền với những “điều kiện lịch sử và khách quan” nhất định. Cũng xin miễn nhắc lại những vụ án gắn liền với các cuộc vận động đánh đổ chính quyền một cách bạo động: Đó là nhiệm vụ của các sử gia sau này.

Chỉ xin mọi người nghĩ và nhớ đến những người bị bắt bớ chỉ vì “tội” duy nhất là chống lại Trung Quốc, và một phần nhỏ, nạn độc tài trong nước, như nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, blogger Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Còn nữa. Những người vì tham gia các cuộc biểu tình chống sự gây hấn và xâm lấn của Trung Quốc trong các ngày Chủ nhật vào tháng 6 vừa qua mà bị công an bắt bớ, quấy nhiễu và đe dọa, đã phạm tội gì?

Vâng, tất cả những người đó đã phạm tội gì?

Câu trả lời không thể tránh được: Tội yêu nước.

Tôi cho không có gì phản ánh đầy đủ diện mạo của nhà cầm quyền bằng sự kiện biến lòng yêu nước thành một cái tội.

Ngày xưa, chỉ có bọn cướp nước và bán nước mới làm điều đó.

Còn bây giờ?

Tôi không nghĩ, và thực tình, không muốn nghĩ những người cầm quyền hiện nay là bán nước. Không, nhìn vào quá khứ của nhiều người trong họ, tôi không nghĩ vậy.

Nhưng nếu vậy, tại sao họ lại trấn áp những người yêu nước? Tôi nghĩ nguyên nhân chính là họ muốn được độc quyền yêu nước: Chỉ có họ mới yêu nước; chỉ có cách yêu nước của họ mới có hiệu quả. Còn người khác? “Bọn mày hãy câm mồm lại! Hãy ở yên trong nhà! Đừng hoan hô, đừng đả đảo, đừng tụ tập, đừng biểu tình gì cả! Hãy để tao lo! Bọn mày mà xớ rớ là tao bắt, tao đánh, tao nhốt! Nghe chưa?” Dĩ nhiên, họ không nói thẳng ra như thế. Nhưng bất cứ ai theo dõi các sinh hoạt chính trị tại Việt Nam hiện nay đều biết rõ là họ nghĩ thế.

Bán nước và độc quyền yêu nước khác hẳn nhau về động cơ. Nhưng biểu hiện bên ngoài và không chừng cả hậu quả nữa, lại là một.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"