Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Công viên biểu tình

Bài phỏng vấn ông giáo sư Carl Thayer của BBC cho thấy một điều là VN có rất nhiều tiến sĩ, mà sao BBC không phỏng vấn một vài ông tiến sĩ trong nước để xem họ có thông hiểu tình hình VN như cái ông giáo sư ở tận miền Nam trái đất ấy.  Ông tận bên Úc mà ông nói chuyện tình hình VN như là ông đang ở xứ Việt.  Còn mấy ngài "tiến sĩ Việt" thì có ông nói chuyện tình hình biển Đông như đang ở bên Trung Quốc thế mới khổ. 

Gs Thayer: VietNam nên có công viên biểu tình

Nguyễn Hùng (BBC) phỏng vấn Gs Carl Thayer.

Một bộ phận trí thức, sinh viên và người dân Việt Nam đã liên tục xuống đường ở thủ đô Hà Nội trong các ngày Chủ Nhật của bảy tuần vừa qua, và ba buổi cuối tuần liên tiếp tại TP Hồ Chí Minh.

Công an Việt Nam đã ngày càng mạnh tay liệt hơn để ngăn chặn các cuộc biểu tình, nhất là sau khi Việt Nam và Trung Quốc có thông báo chung về cùng có biện pháp để "định hướng dư luận" hồi cuối tháng Sáu.

Chính quyền Việt Nam nói với những người biểu tình rằng họ đã giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông với Trung Quốc và các cuộc biểu tình của người dân chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

Nguyễn Hùng của BBC đã hỏi chuyện Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, một nhà quan sát tình hình Việt Nam và trước hết được nghe ông bình luận về cách nhìn biểu tình của Việt Nam.

Phỏng vấn Gs Carl Thayer:

GS Carl Thayer: Điều hiển nhiên là các chính phủ chịu trách nhiệm về chính sách ngoại giao, nhưng dấu hiệu thực sự của một nền Dân chủ là người dân có quyền thể hiện quan điểm một cách hòa bình.

Người ta thường nói "Đá hay gậy có thể gây đau đớn nhưng những lời chửi mắng chẳng gây xây xát gì", và như thế chính sách ngoại giao của chính phủ không bị ảnh hưởng gì cả.

Nhưng hai chính phủ Việt Nam đã có thông cáo báo chí chung [với Trung Quốc] về chuyện định hướng dư luận và khiến chúng ta có thể suy luận.

Một trong những cách họ có thể làm là để cảnh sát nói với người biểu tình rằng họ cần phải dừng lại [sau một số cuộc biểu tình].

Và cảnh sát đã bắt đầu thông báo với người biểu tình là chính phủ chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề.

Nhiệm vụ của họ [cảnh sát] là bảo vệ Đại sứ quán Trung Quốc khỏi bị tấn công và không có dấu hiệu gì là điều này có thể xảy ra.

Tôi đã nghĩ là nhiều người trong giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam ủng hộ các cuộc biểu tình và bằng cách để cho các cuộc biểu tình diễn ra trong vòng kiểm soát, họ sẽ có lợi thế khi nói chuyện với Trung Quốc.

Việt Nam có thể nói rằng hành động của Trung Quốc làm thương tổn tình cảm của người dân Việt Nam chứ không phải chỉ có tình cảm của người Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Nhưng chúng ta không biết cụ thể chuyện định hướng dư luận có nghĩa là gì, Việt Nam sẽ phải làm gì và Trung Quốc sẽ phải làm gì [theo thỏa thuận đạt được].

ĐE DỌA

BBC: Việt Nam cũng nói rằng biểu tình là trái luật và đó là lý do họ giải tán các cuộc tụ họp?

GS Carl Thayer: Biểu tình là trái luật nhưng chúng ta biết là có hàng chục cuộc biểu tình diễn ra mỗi năm về đất đai và những chuyện khác và chính quyền vẫn để cho người dân biểu tình trong một khoảng thời gian.

Vậy tại sao chính phủ lại không thể chấp nhận cuộc tuần hành ôn hòa để nêu quan điểm [của người dân].

Khi chịu khuất phục trước Trung Quốc, Việt Nam đi vào đường một chiều. Việt Nam có thể làm được gì khi mà báo chí hay blogger ở Trung Quốc mở cuộc tấn công?

Đây là điều thiếu công bằng và tôi cho rằng Việt Nam đã phải làm nhiều hơn nhiều để kiểm soát người dân của mình so với Trung Quốc.

Có thể hai bên hoán đổi theo kiểu nếu Việt Nam ngưng biểu tình thì báo chí Trung Quốc như Global Times (Hoàn cầu Thời báo) sẽ bị bịt miệng và không có những bài xã luận kích động và báo chí Trung Quốc sẽ không nói với chuyện 'dạy cho Việt Nam một bài học' nữa.

Thực tế là ngay cả Hiến pháp của Việt Nam cũng không nói tới quyền biểu tình mà nói về quyền người dân được thể hiện ý kiến.

Việt Nam đang muốn chủ động hòa nhập vào cộng đồng Thế giới và một phần của quá trình này là người dân phải có Quyền tụ tập và thể hiện ý kiến một cách hòa bình.

Đương nhiên tất cả các cuộc biểu tình phải theo luật định. Nhưng Việt Nam vẫn chưa đi xa tới mức như vậy.

Đánh giá của cá nhân tôi là chính quyền Việt Nam và lực lượng an ninh có sự ngạo mạn và họ cho rằng họ có thể bóp nghẹt sự bất đồng.

Phải nói rằng biểu tình là cách thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam và người ta biểu tình vì sự toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải để lật đổ chính phủ Việt Nam.

Các cuộc biểu tình có thể được xem là ủng hộ tính chính danh của chính phủ chứ không phải là chống lại.

BBC: Nhưng làm sao chính phủ có thể chắc chắn như vậy được. Nếu hôm nay người dân có thể biểu tình chống Trung Quốc thì một ngày khác họ cũng có thể biểu tình phản đối nhiều thứ khác?

GS Carl Thayer: Đó là cách nhìn của lực lượng an ninh.

Chẳng hạn như trong vụ bauxite chúng ta thấy có sự liên kết vì cùng một vấn đề khi các nhà bảo vệ môi trường, các nhà hoạt động vì dân chủ, các tu sỹ Thiên Chúa giáo, các nhà sư, các đại biểu Quốc hội và các nhà khoa học và các quan chức về hưu đều trở thành một mạng lưới chung.

Đây là điều làm chính phủ cảm thấy bị đe dọa vì đó là vấn đề mà người ta có cảm giác mãnh liệt.

Hồi năm 2007, tôi đã bình luận rằng nếu các cuộc biểu tình khi đó không phải do chính phủ tổ chức mà các sinh viên tự có được thông tin về hành động của Trung Quốc từ nguồn của họ, tự tổ chức biểu tình vào giờ nhất định và họ cùng xuất hiện trong một màu áo, vậy câu hỏi đặt ra là liệu họ còn có thể làm gì khác nữa.

Sau đó lực lượng an ninh đã tới các trường và đe dọa đuổi việc và đuổi học các sinh viên và giảng viên.

BBC: Qua sự phát triển xã hội dân sự ở các nước hiện đang cho phép biểu tình như Thái Lan, Malaysia và Singapore, chúng ta có thể nhận xét như thế nào về Việt Nam? Liệu chính phủ có đi theo hướng tương tự ngay cả khi không có sức ép của người dân hay không hay nó còn tùy thuộc vào chuyện người dân hành xử như thế nào?

GS Carl Thayer: Đây là câu hỏi phức tạp.

Cuối cùng Singapore cũng lập ra một công viên Hyde Park dạng mini [nơi người dân có thể tới phát biểu ý kiến, biểu tình - giống mô hình công viên Hyde Park ở London].

Singapore cũng có bầu cử và dành ghế đại biểu quốc hội đặc biệt cho phe đối lập thua cuộc nhưng được nhiều phiếu nhất trong số những người thua. Những đại biểu có tư cách ở nghị viện nhưng không được bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ hay trong các vấn đề liên quan tới tiền tệ.

Đó là một dạng Dân chủ hạn chế.

Còn vấn đề của Việt Nam là mặc dù Đảng Cộng sản nói họ dân chủ nhưng không phải vậy. Đó là sự ngạo mạn độc đoán từ trên xuống. Ba phần trăm dân số [các đảng viên] và giới lãnh đạo tin rằng họ được thừa kế lịch sử và có quyền quyết định thay cho người dân.

Thực tế là điều kiện xã hội ở Việt Nam đã thay đổi và chính quyền cần bắt đầu chấp nhận những thay đổi đó.

Trong trường hợp cụ thể này, họ cần đảm bảo các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, cho người biểu tình một khoảng thời gian, chẳng hạn ba tiếng, để nói lên quan điểm của họ.

Việc sử dụng bạo lực trong một cuộc biểu tình không phải để chống lại chính phủ Việt Nam làm cho người dân có cảm giác có tình trạng bạo lực rộng khắp.

Ngoài ra, tôi đặt câu hỏi là tại sao các bộ trưởng không thể tới các trường đại học để nói chuyện với sinh viên như ở đất nước tôi hay ở London.

Người ta có thể cử Bộ trưởng Quốc phòng tới nói chuyện với các sinh viên và trả lời các câu hỏi của họ.

Các cuộc biểu tình này có mục đích lấp khoảng trống vì chính phủ chỉ trả lời Trung Quốc thôi mà không trả lời người dân của chính họ.

Chính phủ đã không làm tròn nghĩa vụ trả lời cho người dân thấy họ sẽ bảo vệ chủ quyền như thế nào.

Không phải tất cả các hành động của chính phủ đều có thể công bố được nhưng ngoài tuyên bố lần một của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết về chủ quyền, người ta không thấy các bài xã luận chính thức giải thích chính sách, không thấy các quan chức sẵn sàng chấp nhận những lời mới tới nói chuyện với giới sinh viên.

Quan điểm của tôi là người ta cần ủng hộ các cuộc biểu tình vì họ điền vào chỗ trống khi mà chính phủ không làm cho người dân tin tưởng, bản thân họ không tin dân và họ là những người ngạo mạn.

NGẠO MẠN

BBC: Câu hỏi đặt ra là sự ngạo mạn đó từ đâu mà ra?

GS Carl Thayer: Bởi vị họ cầm quyền mà không bị thách thức. Họ nghĩ rằng họ có tính chính danh khi được Đảng bầu ra để đại diện cho cả dân tộc, và điều này cũng không bị thách thức.

Hơn nữa họ có hệ thống chính trị trong đó họ có thể kiểm soát được thông tin trong khi các chính sách của họ không bị thử thách. Đó là lý do họ ngạo mạn. Họ cho rằng chỉ họ có trí khôn để ứng phó với Trung Quốc. Không ai khác có thể cải thiện chính sách bằng cách bình luận hoặc phân tích các dữ kiện.

Sự ngạo mạn xuất hiện vì họ không bị thách thức. Ở bên trong Đảng thì có, nhưng ở bên ngoài thì không. Dân chúng được coi là thần dân chứ không phải là người có quyền tham gia.

Khi xã hội phát triển... không thể có chuyện người dân không được quyền có ý kiến về chính sách, về đường lối về đạo đức ứng xử của chính phủ. Chính phủ có quyền giữ kín những dữ kiện nhưng không thể làm như vậy đối với chính sách và đường lối.

BBC: Từ những gì ông nói thì có nghĩa là người dân cũng chịu trách nhiệm đối với hành vi hiện nay của chính phủ vì họ đã im lặng và không thách thức những gì chính phủ làm?

GS Carl Thayer: Cái chính ở đây vẫn là chính phủ. Những người cộng sản tin vào việc huy động dân và tạo sự đồng thuận lớn nhưng họ đã không làm như vậy. Họ ngạo mạn khi họ không đếm xỉa tới dân và không muốn giải thích với người dân tại sao cách họ giải quyết vấn đề với Trung Quốc hiện nay là hiệu quả.

Cũng có thể họ không muốn công chúng biết tới sự thật bất tiện. Rất có thể, và tôi tin là chính phủ đang chia rẽ trong chuyện đối phó với Trung Quốc. Đây là vấn đề phức tạp và [chia rẽ] cũng là chuyện bình thường.

Và các cuộc biểu tình này cũng nói lên điều đó. Nó là cơ hội để những người không đồng tình với chính phủ nêu ra quan điểm của họ.

Tôi là người theo truyền thống Dân chủ Tự do và ủng hộ quan điểm "tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ dùng mạng sống của tôi để bảo vệ quyền được nói của anh".

Khi tôi đi ra đường và người ta đưa cho tôi truyền đơn, tôi không xé nó đi và vất xuống đất. Kể cả khi tôi rất ghét những truyền đơn đó, tôi vẫn có thể lịch sự từ chối, hoặc tôi sẽ vất nó vào thùng rác sau khi nhận.

Tôi phải tự kiềm chế bản thân và có thể tôi bất đồng quan điểm với người khác nhưng không phải trở thành thù địch.

Đó là cách tôi được nuôi dạy
BBC: Như vậy nó cũng còn liên quan tới chuyện người ta được giáo dục thế nào nữa?

GS Carl Thayer: Đúng vậy. Việt Nam nói rằng họ muốn trở thành nước giàu có, công bằng văn minh, và nhiều thứ khác. Văn minh ở đây chính là tôn trọng lẫn nhau, hiểu rằng chúng ta có những ý kiến khác nhau.

Và có những lúc chính phủ có quyền thực hiện những chính sách của họ và chúng ta không thể dùng bạo lực để chống lại. Cũng có thể có người muốn có hành động bất tuân dân sự - khi mà họ cố tình phạm luật để bị bắt và thu hút sự chú ý của công luận tới quan điểm của họ.

Đây là một thái cực và có lẽ Việt Nam còn chưa sẵn sàng cho những trường hợp này.

Nhưng thái cực khác là Việt Nam vẫn cứ tiến hành chính sách ngoại giao của họ nhưng người dân có thể không đồng ý với chính sách đó.

Việt Nam nhấn mạnh tới 'đại đoàn kết' nhưng trong cách ứng xử với Trung Quốc thì điều này là không thể đạt được. Và nó càng khó đạt nếu chính phủ cứ giữ sự im lặng vì sợ mất lòng Trung Quốc trong khi lại không để ý gì tới người dân.

Tôi nghĩ chính phủ cần giải thích nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, nghe dân nhiều hơn. Mà người dân có biểu tình vì dân chủ đâu, họ đặt vấn đề về Trung Quốc đấy chứ.

BBC: Ông có thực sự nghĩ là Trung Quốc để ý tới các cuộc biểu tình ở Việt Nam đến thế không?

GS Carl Thayer: Không. Trung Quốc đổ hết lên đầu chính phủ Việt Nam những gì đi ngược lại ý muốn của họ về chính sách hay chủ quyền, kể cả chuyện thay đổi sách giáo khoa liên quan tới các bản đồ biển đảo. Họ liên tục dọa nạt Việt Nam giống như vụ Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc liên tục dọa nạt tổng thống [Hoa Kỳ] với hy vọng một ngày nào đó tổng thống sẽ khuất phục và để ý tới ý muốn của Trung Quốc.

Trung Quốc có cách nói cửa miệng là một vấn đề gì đó "làm tổn thương người dân Trung Quốc", nhưng nó cũng làm tổn thương cả người dân Việt Nam nữa.

Trung Quốc luôn tìm đủ mọi cách để gây sức ép đối với Việt Nam. Tôi đã hỏi thẳng [các quan chức Việt Nam] chuyện tại sao Trung Quốc lại phản đối ông Phạm Bình Minh (con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - tên thật là Phạm Văn Cương) làm ứng viên vào chức bộ trưởng ngoại giao.

Câu trả lời là qua các kênh khác nhau, Trung Quốc nói rằng họ không thích ông [Phạm Bình Minh].

Người ta không cho tôi biết câu chữ cụ thể của Trung Quốc, nhưng đây là chuyện thật lạ lùng. Và chúng ta cũng biết chuyện gì xảy ra với ông Nguyễn Cơ Thạch.

Do vậy những đồn đoán về bí thư các tỉnh phía Bắc mà ông nghe thấy [cựu bí thư một số tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc sẽ về giữ những chức vụ quan trọng ở Hà Nội] cũng là một phần của sức ép từ phía Trung Quốc.

Họ sẽ làm tất cả để Việt Nam cuối cùng phải chịu thua. Nó cũng giống như mưa rơi xuống đá, dần dần đá cũng mòn.

Người ta nói rằng tất cả các nước đều bình đẳng nhưng không phải vậy. Trung Quốc là kẻ bắt nạt và họ hành động như vậy.

Có lần tôi ở Washington và một nhà ngoại giao Trung Quốc hỏi tôi có hài lòng không khi hai anh em trai trong một nhà đánh nhau. Câu trả lời của tôi rất dài, nhưng tôi nói ngay từ đầu là hai nước các ông [Trung Quốc và Việt Nam] đã đồng ý năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và tôi muốn các ông tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

BBC: Khi Trung Quốc gây sức ép đối với Nhà Trắng, thường họ khó đạt được gì, trong khi đó Việt Nam là nước nhỏ hơn và chuyện Trung Quốc gây sức ép thành công là có thể hiểu được?

Trong trường hợp Australia, chúng tôi có một công dân Australia sinh ra ở Trung Quốc và làm việc cho công ty khai thác mỏ ở Trung Quốc. Ông Stern Hu bị Trung Quốc bắt và bị tố cáo phạm tội gián điệp thương mại.

Phe đối lập Australia cũng làm đúng những gì mà người biểu tình ở Việt Nam làm, đó là gây sức ép đối với chính phủ.

Chính phủ [Australia] gặp tình thế khó khăn. Nếu họ to tiếng với phía Trung Quốc thì ông Stern Hu sẽ bị trừng phạt thêm. Còn nếu họ phản đối lặng lẽ thì sẽ bị cáo buộc là không làm gì.

Nhưng rồi một bộ trưởng Trung Quốc nói họ "nghe thấy tiếng ồn ào từ phía Nam", ám chỉ sự phản đối từ [phe đối lập] Australia.

Và trong một thời gian sau đó các bộ trưởng Australia đã có lịch sang thăm Trung Quốc nhưng những người phía tương nhiệm Trung Quốc không tiếp.

Khi đó ông Kevin Rudd là Thủ tướng và khá cứng rắn với Trung Quốc. Trung Quốc cũng nặng tay [trong vụ Stern Hu].

Đáng ra chúng tôi có lẽ nên xử lý mọi việc lặng lẽ hơn. Phe đối lập quá to tiếng khiến chính phủ không thể im lặng [Australia đã triệu đại sứ Trung Quốc tới gặp]. Còn khi chính phủ nêu vấn đề thì Trung Quốc bảo đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ và ông Stern Hu chịu hậu quả.

Ông ấy và gia đình ông không được phép rời Trung Quốc. Nó cũng cho thấy giới hạn của những gì Australia có thể làm được.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"