Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Từ khác biệt văn hóa đến dị biệt chính kiến

Hạ Long Bụt sĩ


Nhìn vào lịch sử văn hóa Anh và Mỹ, ta thấy những điểm nổi bật sau đây:

1- Không có độc tài, không mắc bệnh tôn sùng lãnh tụ.
2- Không mắc bệnh giáo điều, lý thuyết xuông, không nhiễm ý thức hệ Mác xít.
3- Ða số theo Tin Lành.

4- Giáo dục thực tiễn, suy nghĩ thực tế, Triết học không giảng dậy ở Trung học, chỉ là môn nhiệm ý ở Ðại học. Không có triết gia, chỉ có kinh tế gia (worldly philopsophers), trọng kỹ thuật thương mại. Không đặt nặng khoa bảng, không đặt Hàn Lâm Viện, tránh tạo lớp lang học phiệt. Thi cử ở Mỹ theo lối trắc nghiệm, rộng lượng với bằng cấp ngoại quốc, đại học gắn bó với thị trường kỹ nghệ.

5- Khối nói tiếng Anh bao vòng quanh trái đất, từ Anh, Mỹ, Gia Nã Ðại sang Úc, Tân Tây Lan, Ấn, Hồi... hầu hết nhân loại học tiếng Anh, vượt trội số người nói tiếng Pháp, Ðức hay Nga. Ngay Á Ðông cũng chỉ học tiếng Anh. Anh ngữ mặc nhiên là ngôn ngữ thế giới, Mỹ kim mặc nhiên là tiền tệ thế giới.

6- Suốt mấy trăm năm nay, Anh rồi tới Mỹ, cả hai có tầm nhìn Toàn cầu, rộng lớn bao quát, mà nước nhỏ như Pháp, Ðức, hạn hẹp khép kín như Nga, khó có thể so sánh và khó tạo ảnh hưởng toàn cầu như Anh, Mỹ.

7- Ðối xử tương đối tử tế với người Do Thái. Chung sống và cho người Do Thái cơ hội góp phần phát triển quốc gia xã hội.

8- Anh biết buông bỏ thuộc địa rất sớm, biết tương kính hòa giải với đối thủ như Gandhi, sau này người Nam Phi gốc Anh cũng biết nhượng Mandela, chính trị mềm dẻo khôn ngoan, biết tiến biết lùi để giữ quyền lợi, không mắc bệnh "kiến tiểu lợi, loạn đại mưu" như Pháp. Không có thuộc địa nào theo Cộng Sản, ngay cả Hồng Kông nằm trên đất Tầu Cộng cũng được tôn trọng tới hết hòa ước.

Pháp, Ðức, Nga, mang một số nét văn hóa chung:

1- Cùng trên đại lục Âu châu, từ Paris sang Mạc Tư Khoa cũng chỉ bằng từ Nữu Ước sang San Francisco.

2- Văn hóa giao lưu từ thế kỷ XVII, XVIII... khi nước Pháp còn là trung tâm văn hóa Âu châu, khi Paris còn là kinh đô ánh sáng của các nước, chỉ tới cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX, Anh quốc Luân Đôn mới trở thành một trung tâm văn hóa mới cạnh tranh với Âu lục.

3- Ưa tôn sùng thần tượng: Nã Phá Luân, Bismark, Hitler, Lenin, Stalin... Khi De Gaulle chết, Pampidou than khóc "De Gaulle est mort, La France est veuve" (De Gaulle mất đi, nước Pháp thành góa bụa).

4- Ưa triết lý, ưa bàn luận lý thuyết: triết lý Ðức với Kant, Hegel, Husserl, Heidegger, Marx... ảnh hưởng sang Pháp, Nga... từ Mác xít tới Hiện sinh. Trí thức trăn trở về tri hơn là đi thẳng vào hành, nhìn chính trị như một diện của triết lý đạo đức hơn là một mặt của thực tế kinh tế xã hội như Anh Mỹ. Về điểm này Tầu, Việt, có phần tương đồng. Tả phái xã hội, Mác xít Cộng sản, nảy nở khá mạnh, ngay ở Pháp, vì lối nhìn vọng tưởng đạo đức ngồi tháp ngà nhìn xuống thương xót dân nghèo, dân bị trị, mà không chắc gì nắm được thực tế Thiện Ác. Trí thức bàn luận chính trị theo cảm tính xúc động nhất thời, lãng mạn hơn là thực tế, ưa diễn dịch tổng quát hoá (généralisation, déduction gratuite) hý luận bàn bạc kiểu Tam quốc chí.

5- Pháp theo Công giáo La mã, Ðức nửa Tin lành nửa Công giáo, Nga theo Thiên Chúa giáo Chính thống. Không khoan dung với người Do Thái, Nga hoàng lẫn CS Nga đều khắt khe với Do Thái, Ðức Quốc Xã diệt Do Thái đã đành mà ngay Pháp cũng chẳng đối xử tốt đẹp gì với người Do Thái.

6- Pháp buông bỏ Thuộc địa rất muộn, tiếc rẻ, thiếu thực tiễn khôn ngoan như Anh. Cả Ðông Dương bị xáo động và thành Cộng Sản, chiến tranh 10 năm ở Algérie.

7- Anh đi sát với Mỹ, nên Anh Mỹ là một khối đại cường, Nga từ CS đến nay còn là một đại cường quân sự, Tầu Cộng có nhân số để trở thành một nước lớn, còn Pháp với 60 triệu dân, kinh tế cũng chỉ hơn tiểu bang California một bậc, cho nên Pháp không có thực lực của một đại cường, cả về văn hóa, kinh tế lẫn quân sự.

8- Pháp bị Ðức xâm lăng hai lần trong thế kỷ XX, Nga và Ðức từng là đối thủ của nhau, ba nước này nếu có đứng chung thì cũng khó tin cậy nhau lâu dài. Thập niên 1960 De Gaulle cũng từng đi Nga tính thế liên hoàn, Pháp đã từng bênh vực Cộng sản và chống đối Mỹ ở Việt Nam. Năm 1968 khi CSVN giết cả ngàn người ở Huế thì J Paul Satre cùng B. Russell lập tòa án quốc tế lên án Mỹ gây chiến ở VN, nay Pháp có lên án Mỹ ở Iraq thì cũng không phải là lần đầu tiên chống Mỹ. Khối Anh Mỹ và Pháp chưa từng hòa hợp với nhau trong lịch sử Âu châu.

Vì Việt Nam là một thuộc địa cũ của Pháp nên cả ba thế hệ trí thức chính trị Việt Nam, từ thời đệ nhất thế chiến đến nay, thật ra vẫn chưa ra thoát ảnh hưởng văn hóa Pháp. Ðiều tệ hại nhất là Paris lại là cổng ngõ của Moscow, nên bao tầng lớp sinh viên trí thức Việt Nam bị vướng vào Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế, mà không vướng vào Mác xít thì cũng ảnh hưởng lối nhìn chính tình thế giới theo lối nhìn của Pháp, không chấp nhận lối nhìn thực tế của Anh, Mỹ. Người Mỹ sang Nam Việt Nam thập niên 1960 gặp toàn lớp người được đào tạo ở Pháp, bằng cấp Pháp, từ chính quyền Ngô Ðình Diệm đến Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Cao Miên, Lào, cũng vậy, kể cả các quân nhân cấp tướng tá vẫn là cựu quân nhân thời Pháp, ngay cả Pol Pot cũng thoát thai từ văn hóa khuynh tả thân Cộng của Pháp, các trí thức CS miền Bắc VN đa số theo Pháp, từ Nguyễn Khắc Viện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xiển... cho tới Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp đều xuất thân Tây học, cho nên Mỹ chẳng những phải đối đầu với Nga Tầu mà còn phải đối đầu với những người mang ảnh hưởng Pháp vốn chống Mỹ. Ðiều đáng chú ý là Anh quốc không đi cùng với Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, mặc dù Anh được lợi nhiều trong việc Mỹ cản làn sóng đỏ đổ xuống những vùng ảnh hưởng Anh như Tân Gia Ba, Mã Lai.

Văn hoá và chính trường Pháp rất lấp lửng, bề mặt thường tả khuynh thân Cộng, bề sâu không hẳn như vậy vì chưa bao giờ đảng CS được nắm quyền ở Pháp. Điều tai hại là mấy thế hệ trí thức Việt Nam chịu ảnh hưởng phe tả, và đường lối ngoại giao đi dây của Pháp, khiến cả Đông Dương bị đẩy về phía Nga, Tầu Cộng hơn là về phía Anh-Mỹ nở rộ vòng quanh Á Đông: Úc, Nam Dương, Tân Gia Ba, Mã Lai... Nói khác đi vì dị biệt dị ứng với Anh Mỹ mà Pháp nghiêng về phe tả Nga Sô-Tầu để cản mũi kỳ đà.

Cho tới ngày hôm nay, Việt kiều ở vùng ảnh hưởng Pháp, kể cả Quebec, Canada, cũng theo xu hướng hạ bệ Mỹ, Anh: Y tế Mỹ tệ nhất, kinh tế Mỹ khủng hoảng nhất, đô la Mỹ xuống nhất… Những phê bình chủ quan phiến diện ấy, so sánh con ếch với con bò, bộc lộ sự so bì ghen ghét, và khi hỏi họ muốn thay thế Mỹ bằng nước nào và cách nào, thì không thấy câu trả lời thỏa đáng.

Thế nên, trong tương lai gần, phải để Tầu Cộng-Bắc Hàn áp lực gây hấn khắp Á Đông, Hồi giáo cực đoan khủng bố khắp Âu Mỹ Phi châu Trung Đông… thì thế giới mới hoàn toàn tỉnh ngộ thừa nhận Anh Mỹ như một đối lực cần thiết nhất để chống lại bạo lực vậy.

(Bài này đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 khoảng 2003, được cập nhật tháng 11-2010)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"