Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Thủ đoạn đánh lạc hướng?

Luật sư Trần Lâm khấp khởi mang đến chia vui với tôi bức “Tâm thư gửi Quốc hội” cụ vừa viết. Tôi phải dùng chữ khấp khởi vì muốn mô tả đúng cái dáng điệu lật đật khi cụ bước vào nhà tôi trông giống như anh thanh niên Trần Lâm ngày nào trong Ban Tuyên truyền tỉnh bộ Việt Minh Lạng Sơn năm 1945. (Không biết mươi năm nữa tôi còn có được cái sự lật đật sôi nổi như cụ không? Quý lắm chứ!)

 
Cụ khuyến cáo tôi đọc lại ngay một bài viết từ tháng 9 năm 2007 để xác nhận một tiên đóan của cụ: “Quốc hội sẽ bước những bước “vì dân”.
Trong tâm thư lần này cụ viết: “Gần đây Quốc hội thẩm tra với thái độ thận trọng và triệt để các việc lớn của đất nước: Vinashin; Bauxite; Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… dư luận tán đồng, Quốc hội từ thụ động đến năng động, có hiệu lực và có kết quả rõ ràng”.
Thì ra, qua mấy màn văn nghệ, người ta cũng đã mua vui được… không ít người!
Chẳng có thế mà ông chủ tịch Quốc hội dám tuyên bố: “Một kỳ họp thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc với đồng bào và cử tri cả nước”.
Riêng với chúng tôi, kỳ họp Quốc hội thứ 8 này lại cho những ấn tượng thật bất an về những nguy cơ đối với tổ quốc chúng ta.
Hãy duyệt xét lại những nhiệm vụ cơ bản của Quốc hôi qua Điều 83, Chương VI của Hiếp pháp nước CHXHCNVN:
1 – Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2 – Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.
3 – Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
4 – Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Như vậy, đặt trên nhiệm vụ xếp hàng thứ tư: “Thực hiện quyền giám sát tối cao…”, “quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại” được xem là nhiệm vụ quan trọng hơn của Quốc hội.
Đại hội ĐCSVN lần thứ XI sắp khai mạc rồi, từ nay đến đó không còn kỳ họp nào của Quốc hội nữa. Đảng đã kêu gọi toàn Đảng toàn dân hãy đóng góp ý kiến cho Cương lĩnh và các Văn kiện Đại hội. Đây là dịp hiếm có để Quốc hội có thời cơ thực hiện trọng trách, tham gia “quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại” của mình.
Tại sao không đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội?
Tại sao không cho Quốc hội bàn, ngay cả khi ở đây đang nẩy sinh vấn đề bất ổn rất lớn. Bản dự thảo Cương lĩnh và các văn kiện dự kiến trình bầy tại Đại hội ĐCSVN lần thứ XI không chỉ bị “các thế lực thù địch” mà ngay cả Hội thảo gồm toàn những giáo sư và những người đã từng giữ những chức vụ cao trong Đảng (nhà báo Bùi Tín gọi đây là “Túi khôn dân tộc” ) như giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng; ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng; PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế; GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới; GS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng bộ môn Quản lí kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc; bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng … đánh giá rất xấu và yêu cầu phải viết lại.  
Sự xâm lăng của Trung Quốc đã là hiện thực, thể hiện qua tấm bản đồ hình lưỡi bò và tuyên bố Biển Đông nằm trong lợi ích cối lõi của họ. Sự kiện đó dẫn đến tình hình đột biến như luật sư Trần Lâm nhận định: “gần đây rất nhiều việc lớn về chính trị, về ngoại giao, có những việc vang động thế giới, xoay chuyển tình hình khu vực, đảo nghịch quan hệ giữa các nước ở Đông Nam Á…”, do vậy cụ đã viết tâm thư: “Tháng 12 tới Trung Quốc sẽ cử người tham gia tu chỉnh công ước ứng xử ở Biển Đông, hoạt động ngoại giao này vô cùng quan trọng, thiết nghĩ cần được Quốc hội xem xét kíp thời, có những ý kiến đề xuất, những đòi hỏi, với thái độ rõ ràng, thể hiện việc Quốc hội tham gia vào một việc lớn của đất nước. Như thế vai trò của Quốc hội mới toàn diện, nhằm đúng vào những điểm then chốt của đất nước”.
Dù nhẹ nhàng, dè dặt, mấy dòng trên phải được xem là lời phê phán và nhắc nhở đích đáng.
Tại sao không đưa vào chương trình nghị sự để Quốc hội bàn?
Tại sao không cho Quốc hội biết ngay cả khi chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng Lê Quang Bình chính thức yêu cầu báo cáo tình hình Biển Đông trước Quốc hội?
Cách đây mấy năm, sau khi đọc bản báo cáo của Bộ Quốc phòng trước Quân ủy Trung ương, trong tâm trạng rất bất bình, tôi đã viết bài “Bộ Quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình – Cảnh báo nguy cơ mất nước”. Trước tình hình này, bài tôi đang viết, đúng ra phải mang tiêu đề: “Quốc hội rời bỏ nhiệm vụ chính của mình – Cảnh báo nguy cơ mất nước”.
Thật vậy hãy đối chiếu với những hoạt động của Quốc hội ta khi còn trứng nước: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà”. Đấy là lời phát biểu của Hồ chủ tịch trong buổi bế mạc hội nghị Quốc hội đầu tiên.
Ngày nay Quốc hội đã lớn mạnh hơn nhiều, với số đại biểu đông gấp bội, đa số có trình độ đại học cùng khá nhiều giáo sư, tiến sỹ. Tại sao Quốc hội né tránh “những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà” mà chỉ hùa nhau quẩn quanh với những vấn đề vụn vặt?
Tất nhiên, bauxite, Vinashin… đều là những vấn đề lớn và rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với hai chủ đề nêu trên, những vấn đề này chỉ đáng xem là vụn vặt.
Tệ hơn, chỉ bàn cái vụn vặt mà cũng không thấu tình, đạt lý.
Xem xét thành tích, khuyết điểm, yêu cầu cải tổ tổ chức, xử lý cán bộ của Vinashin là công việc của bộ chủ quản, của Chính phủ, không phải việc của Quốc hội. Nhiệm vụ của Quốc hội là xem xét chủ trương hình thành cùng chế độ vận hành Vinashin và các “Vinashin” sai đúng ở chỗ nào.  Có như vậy mới giải quyết được vấn đề có tính quốc gia của Vinashin. Nói cách khác, xử lý vấn đề của riêng Vinashin là công việc của bộ chủ quản, Quốc hội phải bàn bạc vấn đề thuộc hệ-thống-Vinashin.
Bàn đến vấn đề bauxite bây giờ mà chỉ nhắm đến chỗ bỏ phiếu đình chỉ khai thác hay không cũng không thật trúng.
Liên quan đến bauxite Tây Nguyên có hai vấn đề: chính trị và công nghệ-kinh tế.
Vấn đề chính trị quan trọng hơn. Đó là: tại sao đưa đông đảo người Trung Quốc vào Tây Nguyên? Ai chủ trương chuyện này? Tại sao Tổng Bí thư ra nước ngoài đề đàm phán, quyết sách vấn đề khai thác bauxite là vấn đề cụ thể của chính quyền?
Liên quan đến vấn đề công nghệ-kinh tế thì tất cả những ý kiến bảo vệ và phản bác đã nêu đều chưa đủ sức thuyết phục. Cần có một vài hội thảo khoa học nghiêm túc, tại đó có trình bầy các bản báo cáo của những người chủ trương, người lập dự án, người thiết kế thi công và các báo cáo phản biện. Muốn có báo cáo phản biện nghiêm túc phải có các nhà khoa học được nghiên cứu tài liệu cụ thể và đi khảo sát thực địa. Các đoàn khảo sát phản biện này có thể do Nhà nước tổ chức, có thể từ các tổ chức tư nhân. Vừa qua Nhà nước đã cho Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát. Yếu tố khách quan của đoàn này chắc có phần hạn chế. Cần có thêm vài đoàn độc lập có sự tham gia của các chuyên gia giỏi từ nước ngoài (Hungary, Australia…). Người viết bài này sắn sàng đăng ký tổ chức một đoàn khảo sát khoa học độc lập và nghiêm túc như thế mà không đòi hỏi kinh phí từ nhà nước.
Đặt vấn đề hủy bỏ hoàn toàn dự án khai thác bauxite là vạn bất đắc dĩ. Sau khi xem xét nghiêm túc, thấu đáo, nếu cần chỉ dừng lại ở việc khai thác hai khu mỏ thí điểm Tân Rai, Nhân Cơ với sự tư vấn của các chuyên gia Hungary, Australia… trong việc xây dựng tường bao bùn đỏ và các vấn đề công nghệ, kinh tế cơ bản khác.
Hủy bỏ hẳn dự án bauxite không những gây lãng phí mà còn làm xấu đi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Tôi càng ngạc nhiên và phẫn nộ khi kỳ họp Quốc hội vừa qua kết thúc với hai bản nghị quyết mà trong đó Nghị quyết hàng đầu lại là về Dung Quất.  
Chủ trương đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ở Dung Quất là một chủ trương sai lầm rất tai hại. Chủ trương đưa ra từ 1996 để đề ra một dự án triển khai từ 1997 với kế hoạch nhà máy sẽ cho sản phẩm đầu tiên vào năm 2001. Không chỉ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước (trong đó có người viết bài này) mà Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên Hợp Quốc… đều đã chỉ ra những bất hợp lý rõ rệt và đều khuyến cáo không nên chọn địa điểm này. Do vậy, các tập đoàn tư bản có kỹ thuật hiện đại và vốn lớn đều lảng tránh. Mời kèo mãi mới được một tập đoàn của Nga nhưng rồi họ cũng đành bỏ cuộc nửa chừng. Qua hết nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải vẫn không triển khai được. Sau 9 năm chậm trễ vì dự án phải thực hiện trong tình trạng chắp vá, “cố đấm ăn xôi”, khi chính thức bàn giao, nhà máy vẫn còn 7 tồn tại và 34 lỗi.
Nếu nhà máy lọc dầu đầu tiên đặt ở Bà Rịa, Vũng Tàu ( Dung Quất có thể là địa điểm đặt nhà máy lọc dầu số 2, số 3) thì ta đã có xăng dầu cách đây mười năm. Không kể việc bội chi hơn nửa tỷ USD của dự án, nếu kể cả khoản chênh giữa bán dầu thô rẻ, mua các sản phẩm dầu mỏ đắt trong suốt mười năm qua thì khoản lãng phí gây ra do dự án Dung Quất lớn hơn rất nhiều lần Vinashin. Chưa kể điều trớ trêu này: nhà máy lọc dầu đầu tiên được thiết kế để xử lý dầu ngọt (ít sunphua), mười năm qua dầu ngọt khai thác được đã bán hết. Bây giờ muốn nuôi sống Dung Quất người ta phải nhập dầu từ nước ngoài!
Vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn dám nêu nghị quyết: “Đến thời điểm này, có cơ sở để khẳng định nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng”.
Tội này là tội của độc tài, độc đoán, không chịu tiếp thu điều hay lẽ phải, tội của chủ trương đường lối chứ đâu phải tội của những người thực hiện.
Điều đáng đặt câu hỏi nữa là tại sao Quốc hội không đưa vào chương trình nghị sự những việc chính yếu mà lại cố ý ngoắc thêm Dung Quất vào những Vinashin, bauxite… vốn đã ngổn ngang.
Phải chăng người ta muốn chứng minh Chính phủ này đang hết sức bê bối, bất lực? (Và thế là, để triệt hạ uy tín của nhau, người ta đã triệt hạ nốt lòng tin của dân vào Đảng vốn đã xuống rất thấp). 
Phải chăng người ta muốn dọn đường cho ai đó thênh thang đoạt lấy cái ghế Tổng Bí thư?
Đây là thủ đoạn gì?  Chủ trương của ai? Phải chăng có sự chỉ đạo từ nước ngoài?
Có người cho rằng không chỉ có “Vũ Ngọc Nhạ” trong đầu não Đảng, Quốc hội mà nhan nhản đó đây những tình báo nước ngoài nằm tại các phường, xã của ta. (Chẳng thế mà hacker Tần Thủy Hoàng đâu từ Trung Quốc cũng tích cực tham gia đánh phá các trang web dân chủ tiếng Việt).
Xin hãy tỉnh táo. Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay là ngăn chặn nguy cơ chui vào rọ ngoại bang đã, để rồi mới còn có thể tiếp tục bàn luận với nhau về những con đường tối ưu tiến tới dân chủ hóa đất nước.
Hà Nội 1 tháng 12 năm 2010
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: ( 04 ) 35 534 370
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"