Song chi, nữ đạo diễn Việt Nam hiện tỵ nạn tại Nauy, bà viết về nhiều chuyện Người Việt mau quên, nhưng hình như bà kể thiếu, có những người Việt kêu khổ, than vãn đủ thứ chuyện khi ở trong nước, nhưng đến khi ra sống ở nước ngoài thì thể nào cũng khăn gói trở về VN, rồi từ đó bắt đầu "quảng cáo" cho VN là ở về nước vui lắm. Họ hình như quên đi những gì họ đã phải trải qua trước đó, họ bây giờ chỉ nhìn đến cuộc vui của chính họ mà không thấy rằng có rất nhiều cảnh khổ cảnh thương tâm đang xảy ra chung quanh họ. Họ không muốn góp tay hay làm gì cho những người còn lại, họ luôn nói "ôi bây giờ đổi mới rồi, khác hơn năm xưa rồi, vui lắm". Thế đấy, nếu không có những người Việt mau quên này, làm sao nền kinh tế Việt Nam có thể vực được với lượng khách du lịch mau quên và tiền gửi về biếu không?
Dĩ nhiên tôi không chỉ trích những người chọn lựa về sống hay thăm quê nhà, nhưng xin đừng có giọng điệu "VN đổi mới rồi", đó là cách nhìn rất thiển cận của một số người.
Theo blog RFA
Còn nhớ, vào tháng 10 năm 2002 đã xảy ra một vụ cháy lớn tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC (viết tắt của International Trade Center), Sài Gòn, đã làm chấn động dư luận người dân thành phố và cả nước. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi phần lớn toà nhà, cướp đi sinh mạng của hơn 60 người và bị thương 70 người. Từ vụ hỏa hoạn, qua các bài viết của báo chí lúc bấy giờ, người dân cũng như chính quyền mới nhận ra bao nhiêu vấn đề: nào ý thức thực hiện các nguyên tắc phòng cháy chữa cháy và các biện pháp thoát hiểm trong khi xây dựng, sửa chữa các tòa nhà cao tầng của người dân cũng như việc giám sát, kiểm tra các mặt này của những người có trách nhiệm chưa được tuân thủ nghiêm túc, nào công tác cứu hộ, cứu hỏa còn quá kém…Cũng từ vụ hỏa hoạn, báo chí khui ra hàng loạt các tòa nhà cao tầng, chung cư, các khu vực đông dân cư khác trong thành phố, lâu nay vẫn đang tồn tại trong một tình trạng rất dễ xảy ra hỏa hoạn và nếu xảy ra thì sự thiệt hại về nhân mạng, tài sản sẽ rất lớn. Trong đó ấn tượng nhất là chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 được xây dựng quá lâu, cũ nát với hơn 600 hộ gia đình, hơn 2000 nhân khẩu sống chen chúc bên trong hay các khu chợ Kim Biên, Bình Tây, chợ vải vải Soái Kình Lâm vải vóc, hàng hóa tràn ngập, rất dễ bắt cháy mà các gian hàng thì lại nhỏ, san sát nhau, lối đi hẹp tí…Dư luận xôn xao, người dân sống tại những khu vực không an toàn thì nhấp nhổm lo lắng. Rồi một thời gian mọi chuyện lại qua. (Mà thực tế thì tháng 2.2008 cũng đã xảy ra cháy ở chợ đầu mối Bình Tây, thiêu rụi 13 quầy hàng, may mà không có ai tử vong!). Nếu bây giờ báo chí lại làm một loạt phóng sự tại một số chung cư, các con hẻm, chợ, khu vực đông dân lao động…trong thành phố, lại vẫn sẽ thấy tình trạng người dân đang vô tư sống trong sự nguy hiểm như trên, với rất nhiều nguy cơ xảy ra cháy, không có gì thay đổi.
Vụ cháy kinh hoàng tòa nhà ITC, Sài Gòn. Nguồn: cand.comTừ nhiều năm nay, tại những thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn… cứ mùa mưa đến là phố ngập thành sông. Đi trên đường, ngoài những tai nạn giao thông vẫn xảy ra quanh năm, lại thêm nguy cơ đến từ dây điện bị hở đâu đó gây điện giật, cây đổ, những miệng cống thoát nước không đậy nắp hoặc chỉ gá tạm, những chỗ mặt đường bị sụt thành “hố tử thần”… gây ra bao nhiêu cái chết oan uổng cho người dân. Khi chuyện xảy ra, báo chí và dư luận bức xúc lên tiếng, những cá nhân, ban, ngành… liên quan lại đổ lỗi cho nhau rồi cũng có kiểm tra, sửa chữa… nhưng mùa mưa năm sau, lại vẫn có những cái bẫy, cái hố tử thần khác mọc lên, và lại vẫn sẽ có người chết.
Nằm day mặt ra biển Đông, năm nào Việt Nam cũng chịu mưa bão, lũ lụt, thiệt hại nặng nề về con người và tài sản: hàng chục hàng trăm người chết, mất tích, hàng ngàn người lâm vào cảnh trắng tay do nhà cửa bị cuốn trôi, hoa màu, vườn tược bị ngập chìm trong lũ… Và cứ càng năm lũ lụt càng lớn, thiệt hại càng nặng hơn, trong đó ngoài yếu tố thiên tai, còn có cả nguyên nhân từ con người, từ nạn chặt phá rừng bừa bãi, thủy điện xả lũ vô tội vạ… Năm nào người dân cũng nhiệt tình gom góp tiền cứu trợ cho đồng bào ở những vùng bị thiên tai, theo đúng tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Nhưng cũng đã có những ý kiến, những bài báo chỉ thẳng rằng vấn đề không chỉ năm nào nhà nước và nhân dân cũng phải bỏ tiền bỏ công sức ra để bù đắp lại những thiệt hại do bão lũ gây ra, mà phải nghĩ đến những biện pháp giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ra lũ lụt từ phía con người. Nếu không, năm sau rồi nhiều năm sau nữa, chúng ta lại vẫn có người chết, có người mất hết tài sản vì lũ, vẫn phải tổ chức cứu trợ, báo chí lại đăng những tấm hình thương tâm của đồng bào vùng bị thiên tai, lại vẫn những gói mì tôm, những manh áo rách được chuyển đến, các quan lớn lại tiếp tục chất vấn nhau thủy điện có phải là một trong những nguyên nhân làm cho lũ lụt nặng nề không và làm cách nào để khắc phục v.v…
Không chỉ trong những chuyện thiên tai, nhân họa, bất cứ chuyện gì của xã hội Việt Nam hôm nay, cứ hễ báo chí xới đến đâu thì người dân biết tới đó. Từ một vụ nữ sinh đánh nhau quay thành video clip tung lên mạng bị phanh phui, dư luận bàng hoàng khi biết rằng đây không chỉ là một hiện tượng riêng lẻ, chỉ cần vào google gõ “nữ sinh đánh nhau” là hàng loạt thông tin, hàng loạt video clip tràn ngập trên mạng, có những vụ không chỉ đánh mà còn lột quần, xé áo của nhau… Mọi người bức xúc. Các nhà báo, nhà giáo, nhà tâm lý học… thi nhau lên tiếng về sự sa sút đạo đức của học sinh, trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường trong vấn đề giáo dục cho các em v.v…Nhưng rồi cũng chỉ đến thế.
Hay những vụ công an đánh chết người rồi đổ thừa là tự tử hay đột quỵ, công an hành xử tệ hại với người dân, lạm dụng quyền lực và vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền mà một trong muôn ngàn ví dụ gần đây là video clip do chính công an thị xã Cẩm Phả quay cảnh các cô gái bán dâm bị bắt, không cho họ mặc quần áo, nói năng cư xử với họ như với súc vật. Điều đáng nói là nếu những hình ảnh này không bị lộ ra, và bị dư luận lên án mạnh mẽ, thì bản thân tất cả những kẻ quay và xem video clip này-những “công an nhân dân” vẫn không hề có cảm giác gì về hành động của mình hay những kẻ này tự cho rằng mình có quyền hành xử với các cô gái bán dâm-“hạng người thấp kém” như vậy? Còn các ông xếp của họ, trưởng công an xã hay giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh thì tuy thừa nhận đây là hành động không thể chấp nhận được nhưng gọi đó là “vi phạm quy trình công tác”, “tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy” chứ tránh nói đến thực chất đây là sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh việc phải điều tra cho ra ai đã phát tán video clip này để xử lý, như thể việc làm lộ clip là nặng tội hơn việc đã quay và cách hành xử với các cô gái bán dâm! Ai dám đảm bảo rằng ở khắp nơi trên đất nước này, việc công an hành xử với những người bị bắt vì tội này tội khác như thế không là chuyện vẫn thường xảy ra, và vì không quay phim nên không bị lộ, còn người dân thì không dám phản ứng, không dám kiện tụng nên không ai biết?
Xã hội Việt Nam bây giờ có quá nhiều chuyện sai trái xảy ra hàng ngày. Mở báo ra, bật ti vi lên, người dân cứ bội thực vì các thông tin cướp giết hiếp, tai nạn, thiên tai, các vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng với mức độ ngày càng nặng. Chưa kịp nguôi nỗi bức xúc trước vụ việc này đã lại có ngay vụ việc khác, nặng nề hơn. Cơn lũ thông tin cuốn người ta đi. Đời sống với bao nỗi lo âu hàng ngày cuốn người ta đi. Mấy ai kịp nhớ để đặt câu hỏi đến cùng những vụ việc sai trái, những vấn nạn trong xã hội đã từng xảy ra hay đã từng được dư luận xới lên, liệu đã được xử lý, khắc phục đến nơi đến chốn hay tháng sau năm tới vẫn sẽ xảy ra những vụ tương tự? Lâu lâu báo chí nhớ đến đâu đảo qua đến đó thì thấy… đa phần vẫn như cũ! Từ những số phận cá nhân đơn lẻ như ba thanh niên tỉnh Hà Đông bị tù oan về tội hiếp dâm cả mười năm trời, nay đã được thả ra gần cả năm nhưng một phiên tòa phúc thẩm chính thức tuyên bố họ vô tội thì vẫn không biết bao giờ mới mở lại, nói gì đến việc ai sẽ đền bù cho họ những tổn thất nặng nề về danh dự, nhân phẩm, cái giá của mười năm tuổi xuân trôi qua trong nhà tù, chưa kể một người còn bị nhiễm HIV chỉ vì sự ẩu tả vô trách nhiệm của các cán bộ trạm xá trại giam!! Hay hai cô nữ sinh Thúy, Hằng trong vụ án ép buộc học sinh phải bán dâm phục vụ ông Hiệu trưởng và các quan chức tai to mặt lớn tại tỉnh Hà Giang, vẫn đang phải ngồi tù từ phiên xử sơ thẩm vào tháng 11. 2009 đến giờ mặc cho dư luận lên tiếng cho rằng các em thật ra là những nạn nhân và không đáng phải chịu những bản án tù 5, 6 năm như thế…
Những vụ việc lớn hơn, ảnh hưởng đến cả nước, cũng chẳng khác gì. Như vụ tốn kém quá nhiều, hoang phí một cách không cần thiết trong đại lễ 1000 năm Thăng Long mà báo chí, dư luận nói ròng rã suốt một thời gian dài từ khi bắt đầu chuẩn bị cho tới trong và sau những ngày đại lễ, đến bây giờ cũng đã thành “cứt trâu hóa bùn” khi con số chính xác chi cho đại lễ là bao nhiêu vẫn chưa ai có thể kiểm chứng một cách minh bạch, khách quan. Ai nói thì cứ nói, tiền vào túi những ai cũng đã vào rồi, những cái chướng tai gai mắt, phản thẩm mỹ, văn hóa lùn…trong dịp đại lễ rồi người ta cũng quên. Vụ phá sản Vinashin gây ra gánh nợ khồng lồ hàng trăm nghìn tỷ đồng hay vụ cho thuê rừng, khai thác bauxite Tây Nguyên…cũng thế. Dư luận bây giờ đang nóng, trong kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa 12 đang diễn ra, nhiều đại biểu cũng đang chất vấn, đòi truy đến cùng trách nhiệm, nhưng bảo đảm rồi mọi việc vẫn đâu vào đó. Lời hứa Vinashin sẽ trả được nợ sau dăm năm nữa liệu có ai nhớ, ai kiểm tra, giám sát? Một ví dụ nhỏ, ông Bộ trưởng Bộ y tế ba năm trước khi mới nhậm chức đã nhiệt tình hứa: “Sẽ chấm dứt tình trạng một giường hai, ba bệnh nhân” (Báo Tiền Phong ngày 8.8.2007) còn bây giờ khi các đại biểu quốc hội truy thì lại bảo tôi không hứa, rằng đó chỉ là chuyện tầm phào, thì sao? (Báo VNExpress.net ngày 22.11.2010). Dự án cho thuê rừng hay khai thác bauxite vẫn tiếp tục được triển khai, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đã bị quốc hội bác bỏ hồi phiên họp tháng 6. 2010, tưởng thế là xong rồi, nay những kẻ tham tiền lại lôi ra, cố tìm cách làm cho bằng được.
Có vẻ như nhà nước Việt Nam rất thuộc lòng một số bài bản như sau: trước mọi vụ khiếu kiện, mọi lời ta thán của người dân thấp cổ bé họng cho đến mọi sự phản biện có tình có lý của đông đảo giới trí thức, nhân sĩ…nếu lơ được thì cứ lơ, cứ sử dụng “sự im lặng đáng sợ” làm mọi người lâu dần phát mỏi mệt, chán ngán không nói nữa là xong, còn nếu dư luận quá nóng quá ồn ào thì cứ hứa hẹn sẽ kiểm điểm, sẽ khắc phục, xử lý, hứa và hứa…Rồi thời gian qua, lại có chuyện khác xảy ra, người ta lại quên chuyện cũ để tập trung vào chuyện mới, thế là các bác lại cứ “việc ta, ta làm”.
Những người lãnh đạo mạnh miệng hứa rồi quên. Còn người dân, lâu ngày cũng... quên. Có phải bản chất của người Việt phần nào cũng hời hợt, gặp chuyện gì thì bộc phát ngay lúc đó rồi thôi? Có phải một phần vì xã hội Việt Nam bây giờ nhiều chuyện sai trái quá, với mức độ càng ngày càng nặng nề nên mọi người cũng dần dần trở thành quen, miễn nhiễm, giống như một người đã sống quá lâu với căn bệnh mãn tính đến mức trở thành quen với tình trạng bệnh tật của mình? Tất cả đều đúng. Sự mau quên này bản thân nó như một liều thuốc kháng sinh giúp cho người Việt Nam có thể tiếp tục sống chung với những sự sai trái. Và giúp họ vẫn giữ được nụ cười, tinh thần lạc quan dù đời sống bộn bề bao nỗi lo toan, bức xúc. Ngược lại, chính điều này cũng góp phần tạo điều kiện cho cái sai trái tiếp tục tồn tại, sinh sôi nảy nở trong xã hội.
Bởi nếu người Việt chúng ta không giỏi chịu đựng đến vậy thì nhà nước này chắc chắn đã không thể tồn tại được đến tận bây giờ!