Nhìn lại "7 hạn chế của bất đồng chính kiến Việt Nam"
Một dân tộc dũng cảm là một dân tộc dám nhìn thẳng vào sự thật.
Một người dám nhìn thẳng vào sự thật là một con người dũng cảm.
Nhân đọc lại bài viết “Bảy hạn chế của bất đồng chính kiến ở Việt Nam” của tác giả Lâm Yến được đang tải cách đây hai năm. Thấy những phân tích của các diễn giả về các hạn chế của bất đồng chính kiến Việt Nam (BĐCKVN) sao mà đúng thế. Tuy những phân tích này đã được mổ xẻ phân tích đã hơn hai năm, nhưng nó vần còn nguyên giá trị. Vì cho đến nay nhìn lại PTDCVN vẫn thấy không có sự chuyển biến đáng kể để khắc phục những yếu điểm mà TG nêu lên.
Tuy bài viết không phân chia ra những hạn chế một cách rõ ràng như BĐCKVN tít đầu đề, nhưng tôi có thể tóm lược bảy hạn chế đó như sau:
- Do điều kiện địa lý trải dài trên một kinh tuyến, nên các nhà đã không có sự tập trung để cùng nhau phối hợp hoạt động
- Phần lớn các nhà BĐCKVN đều đã cao tuổi, tuổi trung bình là trên 60
- Các nhà BĐCKVN chưa được dân chúng coi là biểu tượng về đạo đức và lương tri dân tộc, cũng như coi trọng việc làm chính nghĩa của họ.
- Các nhà BĐCKVN không có nhiều sáng kiến vận động xã hội, do đó thường dừng lại ở những bài viết phản kháng chế độ
- Việc tiếp cận với tư tưỏng và lý luận dân chủ phương tây và thế giới còn mờ nhạt, kém hiểu biết về khái niệm và giá trị dân chủ dẫn đến các hành động còn mang tính tự phát, lệch lạc đa phần là có tính bức xúc với chế độ dẫn đến bất đồng chính kiến chứ không phải là cuộc vận động xã hội hướng đến nền dân chủ
- Hạn chế thứ sáu là đa phần các nhà BĐCKVN hoạt động chính trị có tính đơn chiều, chỉ quan tâm đến tình hình chính trị mà không hướng đến hoặc phối hợp với các hoạt động xã hội khác.
- Các hoạt động của họ thường tập trung vào việc vạch ra sai lầm và tội ác của chế độ mà không có những hoạt động nhằm thay thế chế độ.
Nhận xét về bảy hạn chế đã chỉ ra
1. Khi điểm lại những hạn chế mà TG Lâm Yến đã vạch ra ta thấy tất cả những hạn chế trên, ngoại trừ điểm 1 do khách quan đem lại vì điều kiện địa lý, còn lại đều do chủ quan mà ra. Những hạn chế đó chính là câu hỏi để các nhà BĐCKVN phải trả lời và giải đáp?
2. Khi mà tại điểm 2 ta thấy trước thực trạng hạn chế về tuổi tác như vậy thì các vị tiền bối phải lo đến việc làm sao đào tạo hay bồi dưỡng cho thế hệ kế cận nhận thức, tư duy và bản lĩnh chính trị để thay thế lớp cha ông. Nhưng tiếc thay điều đó xảy ra không nhiều, ngoại trừ trường hợp của đảng dân chủ XXI, đã có chủ trương kế hoạch xây dựng lớp thanh niên kế cận là tổ chức tập hợp thanh niên dân chủ của Nguyễn Tiến Trung.
3. Hạn chế thứ ba là hạn chế lớn nhất, đó là họ đã không được dân chúng coi là biểu tượng về đạo đức và lương tri của dân tộc. Hình ảnh về những nhà dân chủ rất nhạt nhoà, không gây được ấn tượng trong dân chúng, thậm chí họ còn bị người dân xa lánh bất hợp tác, tất nhiên phần xa lánh là do phần nhiều họ sợ chế độ. Nhưng cũng có rất nhiều người họ xa lánh vì họ không hiểu các hoạt động của các nhà BĐCKVN có lợi cho ai, vì ai vv... Và điều đó cho đến hôm nay vẫn không được cải thiện thậm chí còn có nguy cơ thụt lùi, khi cái nạn dịch cực đoan ở hải ngoại tràn vào lại càng làm họ xa lánh hơn.
4. Điểm thứ tư thì chúng ta thấy quá rõ ràng với cái hiện trạng đấu tranh theo một lối mòn do ai đó đã tạo ra, vẫn cứ cái lập luận mơ hồ cũ rích đã vạch ra: Là làm sao phải nói cho người dân trong nước hiểu được sai lầm, tội ác của CS để họ tạo lên lòng cảm thù chế độ và tự đứng lên lật đổ chế độ độc tài.
Rồi cái cách đấu tranh thụ động, theo kiểu tạt nước theo mưa, thấy có sự kiện gì xảy ra thì làm rùm beng ồn ào nên, sau đó thì lại im re. Y như kiểu “ếch kêu theo mưa vậy”. Do vậy họ đã không có sự sáng tạo trong các hoạt động đấu tranh hay theo cách đáu tranh truyền thống là vận động tối đa dư luận vào việc kiên trì thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.
5. Điểm hạn chế thứ năm là việc tiếp cận và hiểu về bản chất dân chủ thực tế còn rất mơ hồ không chỉ với các nhà BĐCKVN, các thành viên mà chính các nhà lãnh đạo của các tổ chức cũng đều rất hạn chế, đa phần chưa hiểu thế nào là cơ cấu dân chủ, nguyên tắc dân chủ và các hoạt động có tính dân chủ khác. Ngay như định nghĩa thế nào là đảng là tính đảng họ còn bị hạn chế. Chính vì chưa hiểu dân chủ cũng như chưa có tư duy chính trị một cách đầy đủ và sâu sắc đã dẫn đến tình trạng “Thầy bói xem voi” hay đi trên xe ngựa mà cứ ngỡ mình đang đi máy bay. Đi trên ôtô mà chẳng hiểu tính năng, công dụng của chiếc ôtô, chỉ biết nó ngồi lên nó để đi là đi thôi!
6. Hạn chế thứ sáu là đa phần họ chỉ tập trung vào việc đấu tranh về lĩnh vực chính trị với chủ đề bất đồng chính kiến về tư tưởng và lên án chế độ mà không biết rằng việc tham gia các công tác xã hội khác là vấn đề rất quan trọng. Vì chính trị nó liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Món ăn mà các nhà BĐCKVN bón cho người dân nghe chừng nó không hợp khẩu vị. Giá như họ biết rằng trong đời sống của người dân có những điều còn quan trọng hơn, cần thiết hơn, thực tế hơn là nghe họ tuyên truyền chính trị một cách khô khan. Nếu như họ biết kết hợp giữa sinh hoạt xã hội với việc vận động tuyên truyền chính trị, từ các vấn đề bức xúc của đời sống hàng ngày để lồng ghép đề tài dân chủ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nôm na như kiểu bán bia kèm lạc rang thì hay biết mấy. Cứ món lạc rang thì chắc dân chúng sẽ chán phè.
Họ phải có tư duy, vận dụng các vấn đề chính trị sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cho phép, phải tuỳ cơ ứng biến một cách linh hoạt, mềm dẻo mà chế độ cầm quyền không làm được gì họ. Nhưng vấn đề này xem ra còn là đề tài xa tít tắp với các nhà BĐCKVN.
7. Hạn chế cuối cùng được chỉ ra là các nhà BĐCKVN chỉ tập trung vào việc chỉ trích tố cáo các sai lầm và tội ác của chế độ mà không nhớ câu nói nổi tiếng của một triết gia phương tây “Muốn đẩy một chế độ đến bờ vực của sự sụp đổ thì hãy nuôi dưỡng mầm ác của nó”
Nhưng với cả điều này nữa các nhà BĐCKVN cũng không thèm quan tâm, thậm chí có người còn công khai mong muốn chế độ sửa chữa những sai lầm, chứ không mong muốn thay đổi chế độ. Đây là sự ngộ nhận ấu trĩ mong muốn thay đổi bản chất của con người cũng như của chế độ là điều không tưởng. Vì vậy TG Lâm Yến đã sử dụng cụm từ BĐCK là rất chính xác.
Kết luận và bổ sung
Cho đến hôm nay khi bài viết của TG Lâm Yến đã phổ biến hơn hai năm nhưng hình như nó không có tác dụng thẩm thấu đến các nhà bđckvn, các tổ chức chính trị VN hiện nay. Nó cũng cùng số phận có tính chất để tham khảo, góp vui với các tác phẩm có giá trị khác như những bài viết của cán bộ kiều vận Tâm Bảo, đã chỉ ra rất nhiều điều bổ ích cho PTDCVN.
Thiết tưởng khi điểm lại những hạn chế của các nhà BĐCKVN sau hơn hai năm TG đã đúc kết, để thấy được cái nhược điểm lớn nhất của các nhà BĐCKVN là hoạt động theo cảm tính và quá thủ cựu, bảo thủ. Không rút ra được bất kỳ điều gì của bài học ngày hôm qua.
Qua đây, tôi xin cũng có một vài nhận xét bổ xung mà TG Lâm Yến chưa chỉ ra nhằm làm sáng tỏ vấn đề về những hạn chế, nhược điểm của người VN nói chung và các nhà BĐCKVN nói riêng.
Nếu chỉ ra khiếm khuyết thì rất nhiều. Nhưng tôi chỉ xin nêu lên hai nhược điểm lớn nhất mà chúng ta thường mắc phải. Đó là căn bệnh hình thức hay bệnh lười tư duy, sáng tạo. Người Việt chúng ta thường xem xét sự vật một cách rất hời hợt, hay nói một cách khác chỉ giỏi tìm tòi bới móc người khác theo cảm tính để thoả mãn tính hiếu kỳ vô bổ, theo sở thích cá nhân mà ta thường gọi là “Kiếm câu chuyện làm quà ”.
Còn để đi tìm nguyên nhân cho sự kiện đó chưa thành hay thất bại vì lợi ích chung họ thường bỏ qua hay chỉ làm một cách chiếu lệ.
Khi ta làm một công việc gì chưa thành chưa đạt được hiệu quả thì thường tự đặt ra câu hỏi tại sao? Vì sao? Do đâu lại như vậy vv.. để mổ xẻ phân tích kỹ lưỡng thấu đáo vấn đề đó. Phải “bới đất lật cỏ” vấn đề đó nên, để tìm xem nguyên nhân của nó do đâu mà chưa thành công. Nhưng điều đó đến nay vẫn chưa được nhìn nhận và khắc phục, để rồi vẫn cứ sẵn cái vết xe đổ trước đó để đi.
Họ quên mất một điều quan trọng là họ đang đi “làm cách mạng” Có nghĩa là thay cái cũ bằng cái mới, thay cái tư duy cũ kỹ bằng một tư duy năng động sáng tạo hơn. Trong khi họ đòi CS phải thay đổi, phaỉ dân chủ nhưng họ lại không chịu thay đổi và cũng hành động cũng rất phi dân chủ.
Một nhược điểm quan trọng khác đó là về khả năng phân biệt đâu là chính, tà, ngay, gian vv... người nào có khả năng, năng lực ra sao rất ít sự lựa chọn đúng đắn. Họ thường a dua chạy theo số đông, chỉ để tôn vinh những kẻ háo danh chuộng chức tước bằng cấp vv...
Bệnh háo danh cũng là một nhược điểm khó chữa của người Việt. Chỉ cần một nhóm năm, bảy người để lập ra một tổ chức này nọ rồi đưa nhau lên làm chủ tịch nay tổng trưởng nọ. Thường mỗi tổ chức với hình thức bầu bán bất quá chỉ độ dăm chục người tham gia, sẽ không thể hiện đúng năng lực của người lãnh đạo để kêu gọi cộng đồng. Những vị lãnh đạo này thường tự huyễn hoặc mình là lãnh tụ của số đông quần chúng, đứng trên chín tâng mây để lãnh đạo và cũng rất ích kỷ không muốn có kẻ khác chen vào để chia quyền lãnh đạo.
Họ chưa thoát ra được cái chữ TÔI tầm thường nhỏ bé. Tư tưởng của họ chưa xác định được rằng công cuộc dân chủ hoá đất nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người Việt Nam. Việc dấn thân là trách nhiệm báo đền nợ nước. Cương vị trọng trách càng cao, trách nhiệm càng nặng nề, chứ không phải một thứ bổng lộc được ân sủng. Nếu họ không nhận thức được điều này chứng tỏ họ có động cơ cá nhân, họ chỉ là những kẻ cơ hội.
Một điều quan trọng nữa là các nhà BĐCKVN phải dám nhìn thẳng vào sự thật vì:
Nếu cứ khư khư che giấu, huyễn hoặc, tự ru ngủ mình thì dân tộc đó, con người đó là kẻ hèn nhát và sẽ tự làm suy yếu mình đi mà thôi!
Hà Nội 15.02.2009
Như Hà
Liên Minh Dân Tộc Việt Nam
Như Hà
Liên Minh Dân Tộc Việt Nam