Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Tiểu luận số 1: Bảy hạn chế lớn của bất đồng chính kiến ở Việt Nam

Lâm Yến 

 
Giữa những ngày giữa hè nóng bỏng này, trong khi một số “nhà bất đồng chính kiến” (hay còn được gọi là các nhà dân chủ) đang hưởng giây phút vinh danh và tự do giao kết ít ỏi tại bữa tiệc chiêu đãi do Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức nhân ngày Quốc khánh Hoa Kỳ [1] thì hai nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ là Đỗ Minh Tuấn và Trần Mạnh Hảo lại đang kịch chiến trên trang mạng talawas và công khai phê phương án chế độ và bày tỏ quan điểm ly khai chính thống của mình. Trong khi đó, “con hùm xám đường 4” một thời, tướng Đặng Văn Việt lại chọn đài RFA để phàn nàn rằng việc hệ thống tiếp tục bám víu lấy những quan điểm lạc hậu như độc quyền lãnh đạo [của Đảng Cộng sản] đang gây cản trở sự phát triển của xã hội [2]. Cách đây không lâu, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thuỷ [3] còn chọn VietnamNet - một diễn đàn chính thống của chế độ - để thẳng thừng chỉ trích rằng hệ thống chính trị hiện tại không hề có dân chủ.

Những diễn biến như thế cho chúng ta một không khí dân chủ sôi nổi và khiến chúng ta có cảm tưởng lạc quan rằng phong trào bất đồng chính kiến của Việt Nam hẳn đang có dấu hiệu lớn mạnh và các trí thức/văn nghệ sĩ cùng các cựu chiến binh ngày càng sẵn sàng lên tiếng ly khai chính thống. Có thực sự là phong trào dân chủ đang tiến những bước dài rất đáng lạc quan không? Bài nghiên cứu này muốn đưa ra một cách nhìn khác về bất đồng chính kiến ở Việt Nam và tập trung phân tích sự hình thành của không gian công phi chính thống cũng như vai trò tiềm tàng của nó trong việc đem lại sự chuyển biến về chất cho “phong trào” bất đồng chính kiến.
Bất đồng chính kiến ở Việt Nam
Năm năm trước, trong một nghiên cứu hiếm hoi về phong trào bất đồng chính kiến ở Việt Nam, Zachary Abuza nhận xét rằng bất đồng chính kiến ở Việt Nam còn non trẻ, yếu ớt, không được giới trí thức ủng hộ và bị chia rẽ do nguồn gốc đa dạng và phức tạp của những người tham gia phong trào này. Khi nói về hiện trạng và thiếu sót của phong trào, ông viết:
“… có ít trí thức dám thò cổ ra thách thức lại nhà nước vì nhà nước kiểm soát công ăn việc làm của họ. Đây là một khó khăn thực sự nếu [phong trào bất đồng chính kiến] muốn đạt được cơ sở ủng hộ rộng rãi hơn từ giới tinh hoa nhằm kêu gọi nhà nước thay đổi các chính sách hiện hành của họ. Như ông Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà bất đồng chính kiến từng than thở: “Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ ngày hôm nay, trí thức đáng lẽ ra phải nắm ngọn cờ đầu. Nhưng liệu có phải thế không? Hay là ngược lại? Phải chăng sâu thẳm bên trong, trí thức ghét sợ dân chủ, vì dân chủ có thể đưa đến việc họ bị mất các đặc quyền đặc lợi vốn được coi là của riêng họ qua bao đời.” Ông đã đưa ra một nhận định quan trọng. Lý do gì khiến các nhà bất đồng chính kiến không huy động được nhiều người đi theo mình? Lý do nằm ở sự thiếu sót của phong trào: Họ gặp khó khăn thực sự khi làm việc cùng với nhau. Điều này dễ hiểu thôi nếu chúng ta biết tất cả các nguồn gốc bất đồng xuất phát từ đâu. Các nhà bất đồng chính kiến bao gồm những động viên cộng sản kỳ cựu, những người ủng hộ chế độ Sài Gòn cũ, các tu sĩ Phật giáo và các trí thức chỉ muốn quyền tự do bày tỏ ý kiến. Họ thường không tin tưởng nhau, và do bị chia rẽ, Hà Nội có thể cô lập và kiểm soát họ.” [4]
Abuza đã đúng khi nhận định rằng thành phần bất đồng chính kiến của Việt Nam rất đa dạng và chính vì thế, họ hầu như không tìm được tiếng nói chung. Ngoài nguồn gốc đa dạng và số lượng ít ỏi mà Abuza đã đề cập (ít nhất 54 người theo Ân xá Quốc tế và khoảng 200 người theo Bộ Ngoại giao Mỹ [5]), bất đồng chính kiến ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại còn có hàng loạt những bất lợi khác: Thứ nhất, họ sống rải rác trên nhiều địa phương khắp cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng tới Đà Lạt, Sài Gòn. Hà Nội và Sài Gòn là 2 thành phố tập trung các nhà bất đồng chính kiến đông đảo nhất. Tuy nhiên, trong số những người có tên tuổi được biết đến rộng rãi, thì ngay cả ở hai thành phố này, con số cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thứ hai, nghiên cứu của Abuza cho thấy phần lớn trong số các nhà bất đồng chính kiến là những người cao tuổi. Trong số 25 nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất mà Abuza khảo sát năm 2000, độ tuổi trung bình của họ là 62 [6]. Gần đây có xuất hiện một số nhân vật trẻ tuổi hơn, nhưng số này nhanh chóng bị bỏ tù với những mức án nặng nề. Có người sau khi ra tù đã không tiếp tục lên tiếng nữa (ví dụ trường hợp của Lê Chí Quang).
Với tư cách là một nhà quan sát nước ngoài, những nhận xét của Abuza đã là những đóng góp tiên phong, rất hữu ích cho một hướng nghiên cứu xã hội còn đang bỏ ngỏ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những hạn chế sâu sắc khiến cho các nhà bất đồng chính kiến không thể “huy động được nhiều người đi theo mình” không chỉ bao gồm số lượng ít ỏi và sự đa dạng về nguồn gốc như Abuza chỉ ra [7] . Trong tiểu luận này, chúng tôi xin bổ sung thêm những hạn chế khác của bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Một điểm dễ nhận thấy là các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam chưa bao giờ được dân chúng coi là các biểu tượng cho đạo đức và lương tri dân tộc. Dĩ nhiên họ cũng có một số cảm tình viên từ các tầng lớp xã hội, nhưng hào quang của họ không vượt ra ngoài những vòng gia đình và bè bạn và những người đã biết về họ khá rõ. Một phần lớn những người ít biết về các nhà bất đồng chính kiến này khi nghe nói đến các hành động/quan điểm của họ thì hoặc cho họ là những người gàn dở bất đắc chí, hoặc ít nhiều nghi kỵ về động cơ của các nhà bất đồng chính kiến khi họ chọn cho mình con đường đối lập trực diện với hệ thống. Vì thế, ở mức độ nào đó, họ bị cô lập khỏi xã hội và không được các thành phần xã hội khác như sinh viên, trí thức, công nhân và nông dân ủng hộ.
Điểm bất lợi thứ tư là họ không có hoặc có rất ít sáng kiến vận động xã hội, và do đó thường chỉ khẳng định lập trường bất đồng bằng một số bài viết và dừng lại ở đó. Thực ra, điều này cũng dễ hiểu nếu chúng ta đã nhận ra các điểm yếu trước như không có tiếng nói chung, sống tản mát khắp nơi, tuổi cao và bị quản chế chặt chẽ. Sáng kiến vận động xã hội cần có môi trường màu mỡ để hình thành, và một trong những điều kiện tiên quyết là cần có môi trường để thảo luận/trao đổi và cọ xát. Việc đứng ra xin lập Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” của hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương [8] có thể coi là một trong những sáng kiến ít ỏi xuất hiện trong điều kiện tương đối thuận lợi của những năm 2001-2002, khi Đảng cộng sản còn đang bối rối với những chỉ trích gay gắt về vấn đề biên giới và cơ cấu quyền lực trong bộ máy còn đang trong giai đoạn củng cố sau Đại hội IX. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp của sáng kiến này thì số người ký đơn quanh quẩn vẫn là các nhà bất đồng chính kiến đã có tên tuổi chứ không hề có sự tham gia từ bên ngoài. Sự cô lập của các nhà bất đồng chính kiến (điểm yếu thứ 3 nêu trên) được thể hiện khá rõ ràng trong ví dụ này.
Thứ năm là họ không được tiếp cận hoặc không chủ động tìm cách tiếp cận với các lý thuyết về chuyển đổi dân chủ, với thực tiễn sinh động và các kinh nghiệm đấu tranh của các phong trào dân chủ/nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Thật đáng ngạc nhiên là cho đến thời điểm này, đại bộ phận giới trí thức, bao gồm cả trí thức bất đồng chính kiến chưa biết gì về các khái niệm vốn đã trở thành phổ biến trong các xã hội hiện đại như “xã hội dân sự” (civil society) [9] , “quyền lực của những người không có quyền lực [10] ” (power of the powerless), các lý thuyết về đấu tranh bất bạo động [11] (nonviolence); những thành công vĩ đại, những gương mặt lỗi lạc, nguồn cảm hứng và các bài học kinh nghiệm phong phú của các phong trào đấu tranh dân chủ trên thế giới [12] . Ngay cả Trần Mạnh Hảo, người gần đây đã lên án gay gắt bản chất của chế độ hiện hành [13] cũng suy diễn một cách đơn giản và ngây ngô rằng “xã hội dân sự = xã hội dân làm chủ mọi sự”. Hay như Đỗ Minh Tuấn, trong một bài báo dài khẳng định dứt quát lập trường ly khai chính thống của mình [14] (cái mà ông gọi là “rửa tay gác kiếm”) cũng không rõ ràng hơn. Ông lầm lẫn giữa các thành quả cá nhân, khoảng tự do cá nhân hoặc khả năng gây ảnh hưởng lên hệ thống của cá nhân với tư cách là một người nằm trong hệ thống hoặc gắn bó với hệ thống, sử dụng các quan hệ cá nhân và hướng vào các mục tiêu cá nhân với khái niệm quyền lực của con người trong xã hội dân sự theo nghĩa thực của nó [15] .
Việc thiếu các lý thuyết và các bài học kinh nghiệm của các phong trào dân chủ của thế giới cũng một phần giải thích hiện tượng thiếu sáng kiến vận động xã hội của các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Nó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao không có nhiều nhân vật trong giới tinh hoa ủng hộ hoặc tham gia vào nhóm bất đồng chính kiến. Không được trang bị thông tin và lý thuyết cần thiết, kể cả những người đã “thức tỉnh” cũng cảm thấy bất lực và buông xuôi, không dám quan hệ với những người bất đồng chính kiến thành danh, chứ đừng nói là có ý định trở thành một trong số họ.
Những vụ đình công/biểu tình quy mô lớn đang diễn ra thường xuyên đến nỗi báo Thanh Niên gọi đây là “nghịch lý đình công”, rõ ràng nó là một hiện tượng “lạ lùng” với chế độ vốn vẫn khẳng định mình đại diện cho quyền lợi của người lao động. Tuy thế, người ta chưa hề thấy vai trò của các nhà bất đồng chính kiến (đối lập) trong những sự kiện như thế này. Trên nóc chiếc xe hơi kia vẫn thiếu hình ảnh một nhà đối lập có tài minh biện.
Một bất lợi khác của bất đồng chính kiến ở Việt Nam là quan tâm đơn chiều. Tuyệt đại đa số các nhà bất đồng chính kiến tập trung vào phê phán chính trị trực diện với hệ thống thượng tầng. Ngoài hai ngoại lệ hi hữu là hai cuộc vận động chống tham nhũng và chống các hiệp ước về chủ quyền lãnh thổ được cho là bất bình đẳng [16] , họ chủ yếu tập trung vào đòi hỏi tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến, đòi dân chủ pháp trị. Họ không quan tâm đến các biểu hiện sinh động của sinh hoạt dân chủ trong đời sống, và vì thế, không hướng vào đấu tranh nhằm hình thành hoặc mở rộng các biểu hiện sinh động ấy. Tự do báo chí hoặc tự do ngôn luận là cái xa lạ với những người lao động Việt Nam bình thường, vốn ít khi dành thời gian đọc báo và không quan tâm đến chính trị. Với những người nông dân mất đất do nhà nước thu hồi để xây các khu công nghiệp, thương mại và giải trí, nhu cầu này có vẻ hiện thực hơn. Nhưng tiếc thay, ngoài ngoại lệ hi hữu là Nguyễn Khắc Toàn, một nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù [17] - người đã đứng ra giúp nông dân thảo đơn kêu oan với chính phủ, hoặc Phương Nam, một nhà bất đồng chính kiến mới xuất hiện, gần đây đã chụp ảnh với những người dân quận Bình Thạnh, Sài Gòn ra Hà Nội khiếu kiện [18], thì chẳng có ai nào đứng ra giúp dân chúng minh biện các nhu cầu của họ và lên tiếng cho các đòi hỏi của họ.
Nếu những bài báo dài dằng dặc trên tạp chí Cộng Sản không hấp dẫn được quần chúng, thì những bài phê phán nghiêm khắc chủ nghĩa Marx của các nhà bất đồng chính kiến đăng trên các trang mạng cũng xa lạ như thế. Cái chính trị mà dân chúng quan tâm là cái chính trị biểu hiện cụ thể trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày chứ không phải cái đúng sai của một học thuyết mà họ chẳng bao giờ quan tâm đến. Vì thế, khẩu hiệu đổi mới chính trị mà những nhà bất đồng chính kiến này đưa ra vừa bị chính quyền hằn học, vừa bị quần chúng thờ ơ. Chúng thiếu cái sinh khí xã hội và trở nên khô cứng không khác gì những giáo điều của hệ thống. Nếu khẩu hiệu mà hệ thống đưa ra là giáo điều thì các khẩu hiệu mà các nhà bất đồng chính kiến đưa ra cũng không kém giáo điều hơn, vì chúng không được chi tiết hoá bằng những diễn biến hiện thực của cuộc sống.
Thứ bảy, họ là những người phê phán hệ thống, nhưng không phải là những người thách thức hệ thống bằng một mô hình khác được minh biện kỹ lưỡng. (Có lẽ Abuza cũng ít nhiều ám chỉ điều này khi ông gọi họ là các nhà đối lập trung thành (loyal opposition)). Các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nhiều khi cũng nói đến một thể chế dân chủ pháp trị thay thế cho thể chế cộng sản, nhưng đã không có một nỗ lực cụ thể nào hướng tới việc nghiên cứu nền dân chủ phương Tây và cấu trúc nên các mô hình dân chủ cho một xã hội phương Đông chậm phát triển và có nhiều điểm đặc thù như Việt Nam. Điều này không phải là khó hiểu, vì các tài liệu nghiên cứu về dân chủ phương Tây bằng tiếng Việt hầu như không tồn tại ở Việt Nam sau năm 1975. Khả năng tiếp cận vào kho kiến thức chính trị của thế giới từ trong nước trở nên cực kỳ hạn chế và đòi hỏi vốn tiếng Anh tốt - là cái mà tuyệt đại đa số các nhà bất đồng chính kiến cao tuổi không có được. Có lẽ Phạm Hồng Sơn là người đầu tiên trong số các nhà bất đồng chính kiến trẻ hơn của Việt Nam đã nhìn ra tầm quan trọng của việc nghiên cứu mô hình thay thế này và ông đã thực hiện việc dịch tập tài liệu “thế nào là dân chủ”. Có lẽ vì Đảng Cộng sản cũng nhìn thấu mối nguy hiểm tiềm tàng của việc hiện hữu một mô hình thay thế, họ đã tống giam ông với mức án hà khắc [19] .
Điều gì khiến bất đồng chính kiến ở Việt Nam mang trong mình những hạn chế như thế? Và làm thế nào để bất đồng chính kiến thực sự là một phong trào với diện mạo mới và sức mạnh mới khác hẳn với giá trị tượng trưng của bất đồng chính kiến hiện nay? Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết những câu hỏi này bằng việc phân tích nguồn gốc của các nhà ly khai, và việc thiếu vắng một không gian công phi chính thống, trong các phần sau.
(Tác giả xin chân thành cảm ơn Khải Minh đã có những góp ý quan trọng giúp nâng cao chất lượng của bài viết.)
© 2005 Duy Tân Trẻ
© 2005 talawas
_________________________________________________
[1]RFA: Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn mở tiếp tân có sự tham dự của đại diện tôn giáo và các nhà dân chủ Việt Nam; phát thanh ngày 5 tháng 7 năm 2005
[2]RFA: Cảm tưởng của ông Đặng Văn Việt về Dự thảo Báo cáo Chính trị cho Đại hội 10. Phát thanh ngày 6 tháng 7 năm 2005
[3]VietnamNet: Xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam mới; đưa lên mạng ngày 29 tháng 4 năm 2005
[4]Zachary Abuza: Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents; Havard Asia Quarterly, Volume IV, No. 2. Spring 2000.
[5]Zachary Abuza: ibid
[6]Zachary Abuza: ibid
[7]Zachary Abuza: ibid
[8]Xem đơn xin thành lập Hội nhân dân ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng tại: http://www.ykien.net/vdhchongtn.html
[9]Theo Larry Diamond: “Xã hội dân sự ở đây được hiểu là một mảng của đời sống xã hội có tổ chức, mang tính tự nguyện, tự tái tạo, (hầu như) tự tài trợ, độc lập với nhà nước, và gắn bó với nhau bằng một trật tự pháp lý hay một số nguyên tắc chung. Nó khác với “xã hội” nói chung ở chỗ nó gồm các công dân hành động tập thể trong môi trường công (public sphere) để thể hiện các lợi ích, quan tâm và các ý tưởng của họ, cũng như trao đổi thông tin, giành các mục tiêu chung, yêu sách với nhà nước, và trông chừng các quan chức. Xã hội dân sự là một thực thể trung gian, nằm giữa môi trường tư (private sphere) và nhà nước. Như vậy, nó loại trừ đời sống cá nhân và gia đình, các hoạt động nhóm hướng nội (ví dụ như thể thao, giải trí hay tâm linh), các hoạt động kiếm lời của các doanh nghiệp, và các nỗ lực chính trị nhằm giành quyền kiểm soát chính quyền. Các nhân vật trong xã hội dân sự cần sự bảo vệ bởi một trật tự pháp luật được thể chế hoá nhằm bảo đảm quyền tự trị của họ và quyền tự do hành động. Do đó, xã hội dân sự không chỉ hạn chế sức mạnh nhà nước mà còn đem lại chính nghĩa cho quyền lực nhà nước, khi quyền lực đó dựa trên pháp quyền (rule of law). Khi bản thân nhà nước lại không có luật lệ và coi thường quyền tự trị của cá nhân và các nhóm, xã hội dân sự vẫn có thể tồn tại (dù chỉ dưới hình thức sơ khai hay hoang tàn) nếu như các thành tố của nó vận hành theo một nhóm các nguyên tắc được chia sẻ (thí dụ như những [nguyên tắc] tránh sử dụng bạo lực và tôn trọng đa nguyên). Đây là điều kiện không thể tối giản trong chiều cạnh “dân sự” của nó.” Để hiểu thêm về xã hội dân sự và vai trò của nó, bạn đọc có thể tham khảo các bản dịch trong series “xã hội dân sự” do nhóm Duy Tân Trẻ dịch và giới thiệu trên talawas.
[10]Đón xem chính luận “Quyền lực của không quyền lực” của Vaclav Havel do nhóm Duy Tân Trẻ dịch và chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc trong thời gian gần.
[11]Đón xem chuỗi bài về Bất bạo động do nhóm Duy Tân Trẻ dịch và chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc.
[12]Bạn đọc có thể tham khảo trong series bài về Giải Nobel Hòa bình do Duy Tân Trẻ giới thiệu trên talawas.
[13]Trần Mạnh Hảo: Con người có quyền lực gì trong một xã hội phi dân sự?; talawas, Tháng 6, 2005.
[14]Ðỗ Minh Tuấn: Quyền lực con người trong xã hội dân sự; talawas, Tháng 6, 2005
[15]Trong lý thuyết chính trị học hiện đại, quyền lực con người trong xã hội dân sự được hiểu là quyền lực của những người không có quyền lực khi, bằng hành vi của mình, họ bộc lộ bản chất thực của hệ thống mà nhà cầm quyền luôn tìm cách che giấu, và bằng việc liên kết với nhau để hình thành một xã hội song song (với nền văn hóa song song, cơ sở kinh tế song song và hệ tư tưởng song song) họ làm xói mòn cơ sở quyền lực của nhà cầm quyền, hoặc bằng việc tự tổ chức lại, họ trở thành những chủ thể quyền lực có sức mặc cả với hệ thống.
[16]Ngay cả trong trường hợp đấu tranh chống tham nhũng (hay nói chính xác hơn là lên án tham nhũng) và đấu tranh bảo vệ lãnh thổ (đúng hơn là lên án Đảng Cộng sản nhượng đất cho Trung Quốc) thì các nhà bất đồng chính kiến cũng thường đi đến cùng của vấn đề và thường là dẫn tới những đòi hỏi dân chủ.
[17]Amnesty International trong thông cáo báo chí số 240, ra ngày 20 tháng 12 năm 2002 đã nói về Nguyễn Khắc Toàn như sau: “…ông được cho là đã phát tán tài liệu về các cuộc biểu tình tại Hà Nội và các thư thỉnh nguyện của nông dân lên án tình trạng bị chính quyền cướp đất ra cho các nhóm vận động Việt Nam ở nước ngoài. Rõ ràng là ông cũng giúp các đại diện của nông dân khi họ có mặt ở Hà Nội như thảo giúp các thỉnh nguyện thư gởi chính phủ.” (kiểu chữ nghiêng do tác giả thêm vào)
[18]Xem thư và hình ảnh của Phương Nam chụp chung với nhóm người biểu tình tại: http://www.ykien.net/khieukien07.html
[19]Theo thông cáo báo chí ra ngày 1 tháng 6 năm 2005 của Amnesty International: “Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, 37 tuổi, một thương gia và một bác sĩ có tài, bị bắt ngày 27 tháng 3 năm 2002 vì đã viết và gửi các bài bộ áo về dân chủ và nhân quyền lên Internet. Tại phiên tòa xét xử ông vào ngày 18 thágn 6 năm 2003, ông bị kết tội “gián điệp” theo điều 80, bộ luật hình sự và bị kết án 13 năm tù giam cộng thêm 3 năm quản chế sau khi ra tù. Ông hiện đang bị giam giữ tại trại giam Yên Định, Thanh Hóa”
Xem: http://web.amnesty.org/library/Index/ENGASA410182005

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"