GS Nguyễn Văn Tuấn
Nhìn kĩ những gì xảy ra ở VN gần đây thì tôi nghĩ VN chẳng đổi mới
trong tư tưởng và cách hành xử. Có thể lấy vụ Nhã Thuyên để minh hoạ cho
nhận xét đó. Nhã Thuyên viết một luận văn về một nhóm văn chương có tên
là “Mở Miệng”, và luận văn được cho điểm tuyệt đối 10/10. Nhưng đùng
một cái, người ta lập một hội đồng khác đánh giá lại luận văn và thu hồi
bằng thạc sĩ của cô ấy. Trước và sau sự kiện đó, trên báo chí xuất hiện
những bài viết “đánh” Nhã Thuyên, mà ngôn ngữ và luận điệu y chang như
những bài thời Nhân văn Giai Phẩm. Như vậy, chúng ta thấy về học thuật,
chẳng có gì đổi mới. VN vẫn là nước thiếu tự do học thuật. Vụ Nhã Thuyên
cho thấy một cách rõ nhất nền học thuật VN chẳng có gì đổi mới so với
thời bao cấp.
Có thể lấy ngành giáo dục ra làm một minh hoạ khác. Người lãnh đạo
ngành giáo dục kêu gọi cải cách. Các nhóm nhân sĩ trí thức cũng cho rằng
nền giáo dục VN cần phải có cải cách triệt để để hội nhập quốc tế.
Nhưng làm sao cải cách được khi cái vòng kim cô chính trị vẫn còn lơ
lửng trên đầu. Giáo dục VN hiện nay lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo
dục. Mở bất cứ quyển sách giáo khoa nào về văn học, sử, thậm chí địa lí,
chúng ta đều thấy rất nhiều nội dung trong đó mang tính tuyên truyền
một chiều. Có những nội dung tuyên truyền mang tính bịa đặt (như câu
chuyện Lê Văn Tám) nhưng mãi đến nay vẫn chưa sửa. Nói chung, chẳng có
gì đổi mới gì trong giáo dục.
Ngành giáo dục chịu sử điều khiển của Ban tuyên giáo. Ban tuyên giáo
là một thiết chế rất đặc biệt trong hệ thống tổ chức theo mô hình Mao –
Stalin, có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ hệ thống văn học và giáo dục, thậm
chí kiểm soát tư tưởng của người dân. (Mở ngoặc để nói thêm là thời đại
ngày nay (với internet và xa lộ thông tin toàn cầu), có ai điên rồ đến
nỗi kiểm soát suy nghĩ của người dân, vì việc làm đó hoàn toàn không thể
và không tưởng). Nhưng về mặt cơ chế thì hoàn toàn chẳng có gì đổi mới.
Ở bất cứ cấp nào thì đảng và Nhà nước vẫn song song nhau. Về nhân sự,
cách làm của VN cũng chẳng có gì đổi mới. Cách tuyển dụng cán bộ hay bổ
nhiệm thì vẫn theo kiểu “qui hoạch” và “cơ cấu”. Tất cả mô hình hoạt
động này đều là “di sản” của mô hình tổ chức Mao-Stalin. Nói cách khác,
về cách tuyển dụng nhân sự, vẫn chẳng có gì đổi mới.
Nhìn bề ngoài thì có lẽ nhiều người nghĩ rằng VN đã đổi mới nhiều và
hiện đại nhiều. Quan chức đã bắt đầu biết mặc veston và thắt caravat
(thay vì mặc áo đại cán), biết nói chút đỉnh tiếng Anh. Cơ quan mới mẻ
và văn minh hơn (chứ không còn tình trạng văn phòng có sẵn cái giường
ngủ). Nhưng đó chỉ là bề ngoài, chứ phía trong thì tôi có cảm giác vẫn y
chang như cũ, như thời bao cấp. Có khi nó thể hiện ra cách nói làm cho
người ta ngỡ ngàng. Không hề có đổi mới trong tư duy và cách làm việc,
thì rất khó mà nói đến chuyện hội nhập quốc tế.