Tuấn Khanh
Tặng tất cả những ai nhớ về một Sài Gòn thơ mộng
Này, tôi tin là bất kỳ ai trong số các bạn, kể cả tôi, những người
đang nhớ về Sài Gòn trong những ngày buộc phải rũ chiếc áo xanh thay vào
một bản vẽ tương lai, đều có quyền đặt ra một vài câu hỏi, dù là thì
thầm hay hỏi thật to.
Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ?
Trong những bức ảnh thời sự cuối tháng 7/2014, có thể thấy rất nhiều
người đứng lại, tần ngần ngắm nghía Sài Gòn, chụp ảnh kỷ niệm với những
chiếc lá xanh không quen biết. Chắc họ cũng đã không thể trả lời được
rõ ràng cho câu hỏi này, vì ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc
chia ly như vậy.
Sài Gòn tháng 7 bỗng không nóng bức như thường lệ. Cái lạnh đến sớm
một cách khó hiểu, từng chiều, làm hiu hắt thêm một thành phố toác rộng,
nhấp nhô với bê-tông. Tại vòng xoay phun nước, hai cụ già đang lóng
ngóng thay phiên chụp ảnh nhau làm kỷ niệm. Trước đây, nơi này nhộn nhịp
người qua lại bên hàng liễu xanh, giờ hoang vắng lạ. Chụp giùm cả hai
cụ một tấm ảnh, nhân tiện hỏi vui “Chỗ này có kỷ niệm riêng của hai
bác?”. Ông cụ cười, không trả lời mà lại hỏi “Người ta không chọn được
một nơi nào khác để làm nhà ga sao cậu?”.
Câu hỏi đó tôi lại không thể trả lời, cũng như hàng triệu người
thương mến thành phố của mình cũng không thể trả lời. Thậm chí, nhà ga
hiện đại, to đẹp tương lai sắp tới, hầu như cũng không ai nhìn thấy được
mô hình hay một bản vẽ giới thiệu về nó rõ ràng ở đâu, để mọi người có
thể hình dung về sự đánh đổi này. Đây là điều tối thiểu mà bất cứ một
cuộc làm mới nào ảnh hưởng đến con người, trên mọi quốc gia văn minh đều
phải thực hiện.
Thành phố hơn 300 năm tuổi, được liệt vào hàng kỷ vật của cả thế
giới đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn những chiếc cưa
máy gầm rú vật ngã từng cái cây đã đứng đó, lá cây rơi vãi như những
trang nhật ký của đời, từng ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà
lòng khó tả. À, vì sao chúng ta không thể chọn một vài phương án, và
người dân ở thành phố này sẽ cùng bỏ phiếu chọn lựa cho con đường phát
triển của chính mình? Chắc chắn London, Paris hay Moscow… hay bất cứ
đâu, khi xây một ga xe điện ngầm ở ngay một di tích nhiều tuổi của họ,
người dân chắc cũng sẽ muốn được bỏ phiếu, thể hiện tâm nguyện như vậy.
Và thôi, đừng nói với tôi về biểu quyết Hội đồng Nhân dân TP, tôi không
biết gì về họ, ngoài những hình ảnh vỗ tay nhiệt liệt và chơi game khi
nhấn nút biểu quyết.
Tôi nhìn thấy những cái cây được bọc rễ cẩn thận, khi được nhổ ra
nơi cư trú của nó giữa Sài Gòn. Chắc chắn đã có ai dặn dò việc chuyển
giao nó về một nơi nào đó để giữ lại trong tiếc nuối. Nhưng tôi cũng
nhìn thấy những cái cây được kéo xuống, cưa nhỏ và mang đi. Cây và cũi
là hai ý nghĩa khác nhau, nhưng cũi có tuổi 100 năm lại là một khái niệm
khác. Đại lộ Lê Lợi, một trong những đại lộ đẹp nhất Việt Nam với gió,
nắng và lá… được thay vào đó bằng điện, sắt và hầm ngầm, dù gọi là để
phát triển, thì dĩ nhiên cũng phải có chút chạnh lòng.
Ai cũng muốn đất nước mình đẹp hơn, hiện đại hơn. Việc xây dựng và
buộc phải hy sinh một điều gì đó, đôi khi là điều cần thiết, không thể
chối cãi. Nhưng với những gì lâu nay mà từng người dân Việt được biết,
thì việc tiếc nuối pha lẫn sự lo âu là một điều có thật.
Ai cũng nhớ rằng Sài Gòn là một vùng đất lún, cần hàng ngàn tỉ để
phục hồi nhưng vẫn chưa làm được. Ai cũng nhớ rằng cả nước đã có những
công trình kéo dài ngày này qua ngày khác và xuống cấp do thiếu tổ chức
và đồng bộ. Nhưng điều đó không quan trọng rằng, ai ai cũng nhớ rằng
trên đất nước này, đã có rất nhiều công trình được gắn mác hạng mục quốc
gia, quan trọng hơn cả ga xe điện ngầm này, được ca ngợi hết mực, nhưng
bị đục ruỗng, chỉ vài tháng, hoặc một năm đã hư hỏng, đã rời rã. Thậm
chí những con đường sinh lộ của cả quốc gia được tìm thấy cốt tre pha
xi-măng dỏm. Một cái cầu vừa xây xong, tháng sau đã không dùng được
nữa…v.v nhưng không hề thấy có ai phải chịu trách nhiệm. Những câu
chuyện có thật và liên tục như vậy đã hoang phí ngân khố và niềm tin của
cả quốc gia đến tận cùng.
Tất cả những điều đó xảy ra, buộc người dân có quyền bồi hồi và lo
sợ cho cái sẽ đến, đánh đổi, rằng liệu có thật sự đáng giá hay không? Họ
cũng cần được nghe một ai đó nói cho họ, quả quyết về tương lai hoặc có
ai đó chịu trách nhiệm rõ ràng cho những bất cập sẽ tới. Đơn giản vì họ
là cư dân, là chủ nhân của thành phố này. Nhưng tiếc là, chỉ có tiếng
gầm rú của cưa máy, của những công nhân hò nhịp thay cho tiếng nói của
họ, hạ gục từng cái cây quen thuộc và tin cậy của họ gục xuống.
Cây có linh hồn không? Thật ngớ ngẩn cho câu trả lời, nhưng nếu như
hàng cây đã từng ngắm nhìn thành phố qua bao thế hệ, chắc chắn đã chia
sẻ cùng con người nơi này những điều bí ẩn, nhưng đủ để hồi sinh nhau
qua nhiều khốn khó.
Nếu nhắc lại, có thể chúng ta sẽ bật cười khi nhớ đến nhiều bài báo
lo về sinh mạng của một con rùa già ở Hồ Gươm, Hà Nội. Thậm chí đã có
các báo cáo khoa học đòi cải thiện tình trạng ô nhiễm của nước hồ để cứu
con rùa đó. Người ta ca ngợi đó là di vật, là niềm tin. Nhưng hạ gục
thật nhiều hàng cây trăm tuổi, lấy đi lá phổi của hàng triệu người thì
đã chẳng có một sự chất vấn nào xứng đáng cho di vật hay niềm tin.
Một người bạn trên Facebook, anh Alvin Tango, nhắc tôi về câu chuyện
được đăng trên báo Trung Quốc, rằng có người đàn ông đã bán một trái
thận để mua Ipad, để sống với đời hiện đại của mình. Người Sài Gòn khi
chịu cắt đi hơi thở quen và lịch sử của mình, chắc cũng cần nghe một lời
giản thích chân tình hơn là một mệnh lệnh.
Tất cả mọi người hiện chỉ nhìn thấy những tiếng thở dài về một Sài
Gòn quen thuộc. Phải chăng thói quen nhẫn nại chịu đựng và chấp nhận mọi
thứ, việc tăng liên tục xăng, điện… cho đến những cuộc tấn công máu
lạnh của công an vào dân thường ngay trên đường phố, mỗi ngày nhìn thấy
trên báo chí, đã khiến mọi người chỉ còn khả năng đóng kín cửa, thì thầm
và sụp đổ khả năng tư duy phản biện về điều thiết thân của mình?
Và có thể vì vậy, lặng lẽ thương nhớ những hàng cây cũ giữa tiếng
máy cưa, là điều duy nhất những người yêu Sài Gòn có thể thấy được vào
lúc này.