Viết Từ Sài Gòn
Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin trong nước lại đưa những
“hình ảnh đẹp” chẳng hạn như một quan chức nhường chỗ ngồi cho cụ già
trên xe bus, một cảnh sát giao thông đỡ một cụ già lên xe gắn máy, một
nhóm cảnh sát giao thông đưa một sĩ tử về phòng và đãi cơm trưa, một
cảnh sát giao thông quét dọn đường phố… Nôm na là thế, và điều này được
xem là hành vi đẹp, hành động mẫu mực. Mới đọc thấy cảm động thực sự,
đọc lâu, ngẫm lại cũng thấy cảm động. Nhưng nếu ngẫm kĩ, không khỏi thất
vọng tràn trề về cái xã hội mình đang sống, thất vọng là điều đương
nhiên!
Thử nghĩ, tất cả những hành động trên đây có gì là cao đẹp hoặc mẫu
mực? Đó chỉ là hành vi rất thường nhật và đã là con người có suy nghĩ,
có lương tri, không có ai là không hành động như thế cả. Điều này, trong
một xã hội không cần phải tiến bộ cho mấy, người ta vẫn có thể xem là
chuyện thường ngày, chẳng có gì phải đáng bàn luận mà cũng chẳng có gì
để tôn vinh cả!
Thế nhưng với Việt Nam, đó là hành động cao cả, cao quí, mẫu mực gì
gì đó. Vì sao người ta lại đi tôn vinh những thứ rất thường tình như
thế? Có hai câu trả lời: Khi xã hội quá hiếm sự tử tế thì một sự tử tế
rất nhỏ cũng trở thành điểm sáng và; Xã hội đang ở vào giai đoạn khủng
hoảng trầm trọng về nhân tính, báo chí trở thành trò hề.
Ở vấn đề xã hội quá hiếm sự tử tế, có lẽ không cần bàn nhiều, khi mà
người ta có quá nhiều bất an và nỗi lo mỗi khi đối diện với nhân viên
công lực, và con người cảm thấy rắc rối, căm phẫn mỗi khi đến cơ quan
nhà nước. Bù vào, khi nói về nhân viên nhà nước, dù sao chăng nữa cũng
là cán bộ, cũng là chuẩn mực, đặc biệt là các ngành nhà giáo, công an,
tòa án và y tế, người ta lại nói về những nơi không tử tế, thiếu hẳn
tình người và lương tri.
Nói đến nhà giáo, người ta hay nghĩ đến những ông thầy la cà quán
nhậu, ăn bẩn của học sinh, ép học sinh vào con đường trụy lạc, nô lệ
tình dục cho các quan, nói đến công an, người ta nghĩ đến một đội ngũ
bạo lực và tàn nhẫn, vô tâm, nói đến bác sĩ, người ta nghĩ ngay đến
những cái máy chém, nói đến tòa án, người ta nghĩ ngay đến những con bù
nhìn bị giật dây… Chính vì thế, xã hội trở nên thiếu hụt sự tử tế hơn
bao giờ hết, mỗi một hành vi nhỏ, tưởng chừng chẳng có gì để bàn lại trở
thành hành vi mẫu mực, đáng kính trong cái xã hội này.
Ở khía cạnh báo chí trong nước trở thành trò hề, có thể nói rằng
không có một cách nhìn nào chính xác hơn cho báo chí trong nước một khi
mọi tổng biên tập của mọi tờ báo đều là kẻ quì lụy và bưng bô cho ông
tổng biên tập lớn nhất là đảng Cộng sản Việt Nam. Chính bởi sự quản lý,
giám sát quá chặt chẽ, những phóng viên, nhà báo trực thuộc nhà nước bắt
buộc phải là một kẻ bồi bút tung hô chế độ để kiếm sống, nhân phẩm và
lòng tự trọng của giới cầm bút nhà nước trở thành thứ hàng xa xỉ, không
hợp mốt và đi ngược cơ chế. Mỗi nhà báo chỉ còn một con đường duy nhất
là ca ngợi, nịnh bợ chế độ. Những ai không làm thế sẽ là một Dương Chí
Dũng hoặc một Trương Duy Nhất, Huy Đức thứ hai…
Và một khi phải sống và làm việc trong môi trường ngợi ca, tung hê
như thế, những cây bút nhà nước không có, tuyệt nhiên không có cơ hội
phản biện với cái xấu, hoàn toàn không được phép lên án cái xấu nếu như
cái xấu ấy có gốc rễ từ đảng Cộng sản. Họ phải bằng mọi giá tìm tòi,
vạch từng chân tơ kẽ tóc của chế độ để tìm nốt ruồi son. Và mỗi hành
động, dù rất bình thường (nếu không nói là tầm thường, thường tình) cũng
có thể được thổi phồng thành hiện tượng tiêu biểu và được ca ngợi tít
tận mây xanh. Thậm chí, kẻ cầm bút ca ngợi cảm thấy tự hào vì mình đã
nêu được một gương tiêu biểu cho xã hội, ngành nghề.
Thử hỏi, một cái xã hội mà mọi nơi, mọi chỗ đều có tham nhũng, mãi lộ
và rút ruột thì một vài người tốt ấy có thật tình là tốt hay không? Cái
hình ảnh anh công an gaiao thông quét gương vỡ tại thành phố Hà Nội,
người ta quên bình luận rằng trước đó, một vụi va chạm xe đáng kể đã xãy
ra bởi chiếc xe chạy trước phanh quá gấp khi bị cảnh sát giao thông
thổi, khiến chiếc xe chạy sau đâm sầm vào và vỡ tan tành mặt kính. Lúc
đó, cảnh sát giao thông đã xử lý nhanh cho hai xe tiếp tục chạy và đứng
ra quét gương vỡ.
Vậy, nếu xét về bản chất của hành vi quét gương kia, đã thật sự tốt
hay không mà báo chí cứ ca ngợi như thế? Và phóng viên chụp hình, đưa
tin kia có quá vội vàng khi đưa tin? Câu trả lời là phóng viên kia có
thể biết mọi chuyện, có thể nhìn thấy nguyên nhân, nhưng anh/chị ta đã
xuất sắc trong việc tự biên tập sự việc theo hướng đảng, anh đã bỏ khác
đoạn trước, lấy một đoạn duy nhất có hình ảnh cảnh sát giao thông quét
đường để làm gương tiêu biểu. Trong trạng huống này, anh cảnh sát giao
thông là kẻ giảo hoạt còn tay phóng viên chỉ là kẻ xu phụ, léo hánh.
Nhưng dẫu sao, vẫn cám ơn anh/chị ta vì đã đưa ra một hình ảnh không đến
nỗi tệ. Chỉ có điều đưa xong rồi lại tung hê thì quá ư sống sượng và
tầm thường!
Và đến đây, gương mặt thật của sự tử tế nhà nước đã quá rõ, tìm đỏ
con mắt cũng chỉ thấy những trò tung hứng, trò hề của một nền báo chí
phục vụ chế độ. Kẻ diễn kịch, kẻ ghi hình và tung hê. Mọi trò hề cứ như
thế diễn ra mỗi ngày và nhân dân lúc nào cũng bị bọn họ làm cho há hốc,
kinh ngạc. Một xã hội như thế gọi là gì?!