Athena
Dạo gần đây bộ phim “Hoàng hậu Ki” (do đài MBC ở Hàn Quốc sản xuất)
đang được lăng xê nhiệt tình ở Việt Nam trên khắp các kênh truyền hình
hay từng chiếc xe bus. Bộ phim khai thác các khía cạnh về cuộc đời và
tình yêu có kèm chi tiết hư cấu của một nhân vật lịch sử người Cao Ly
cuối đời nhà Nguyên là Kỳ Hoàng hậu. Đây là nhân vật đã có ảnh hưởng
trực tiếp đến lịch sử 37 năm của triều đại nhà Nguyên.
Thời ấy xứ Cao Ly thần phục nhà Nguyên nên hàng năm phải nộp cống nữ.
Một số quan lại Cao Ly cấu kết với triều Nguyên khiến nhân dân rơi vào
cảnh lầm than, nhà cửa ly tán.
Mẹ của Yang-I đã chết trên đường khi bị bắt sang nước Nguyên làm cống
nữ nên Yang-I đã thề sẽ làm mọi cách cứu nhân dân Cao Ly thoát khỏi
luật lệ khắc nghiệt này. Cô đã giúp thế tử Wang Yu đập tan âm mưu bán
đứng đất nước của một vị vương gia. Người này vì muốn ngồi lên ngai vàng
xứ Cao Ly nên đã đang tâm bán rẻ tổ quốc và sinh mạng người nhân cho
nhà Nguyên. Cũng từ đó tình yêu giữa Yang-I và thế tử Wang Yu nảy nở.
Một thời gian sau đó không may Yang-I cũng bị bắt sang nước Nguyên.
Tại đây cô được hoàng đế nước này là Nguyên Huệ Tông sủng ái. Yang-I
được thăng từ hàng tài nhân lên tiệp dư và hoàng quý phi rồi sau này là
hoàng hậu. Trong suốt quãng thời gian sống trong cung đình Yang-I vẫn
luôn nhớ về quê hương và tìm mọi cách để giúp đất nước của mình bất chấp
những hiểm nguy đang rình rập xung quanh bởi thế lực của gia tộc nhà
thừa tướng nhà Nguyên là Yến Thiết. Yang-I đã chống lại hoàng hậu
Tanasili (con gái của Yến Thiết) để bảo vệ tài nhân Park và các cung nữ
là đồng hương của mình.
Về phần Wang Yu lúc này đã là phế vương phải lưu vong sang nước
Nguyên nhưng không vì thế mà mất đi ý chí của mình. Mặc dù được đối đãi
rất tốt ở đây nhưng vị vua mất ngôi này (cùng với sự giúp đỡ của Yang-I)
luôn nung nấu ý định phục vị để quay trở về xây dựng đất nước Cao Ly
những mong thoát khỏi ảnh hưởng của nhà Nguyên.
Khi mới phát sóng được vài tập, “Hoàng hậu Ki” nhận được rất nhiều
lời phản đối từ khán giả vì họ cho rằng đạo diễn và biên kịch làm như
vậy là xúc phạm đến lịch sử của Triều Tiên, coi triều đình Cao Ly xưa là
những kẻ bạc nhược và hèn kém trước ngoại bang. Tôi thì không nghĩ vậy,
xuyên suốt cả bộ phim không chỉ có những cuộc tranh đấu hay thanh trừng
đẫm máu mà còn là lòng tự tôn dân tộc của hai nhân vật chính là Wang Yu
và Yang-I, một đất nước với ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng nổi tiếng với
cây nhân sâm quý giá. Hai người họ Wang Yu và Yang-I đã làm mọi cách để
ngăn chặn việc buôn lậu muối qua nước Nguyên khiến giá mặt hàng này bị
đẩy lên cao hay việc chặn đứng nguồn tiền giả tràn vào Cao Ly từ những
kẻ thân Yến Thiết và cuối cùng là ngăn chặn việc nhà Nguyên đem quân
sang chinh phạt Cao Ly với mục đích sát nhập hai nước làm một… Nếu đó
không phải là niềm tự hào về đất nước hay lòng yêu nước thì thật khó lý
giải đâu là động lực để họ vượt qua muôn vàn khó khăn như vậy. Không
biết bao nhiêu lần Wang Yu đã phải đổ máu để giành lại từng tấc đất cho
Cao Ly và cũng chừng ấy lần Yang-I phải khóc thương đồng bào mình bị sát
hại.
[Liệu xem đến đây liệu người dân VN có chút liên hệ nào với tình hình
hiện tại ở Việt Nam hay không? Trong khi người dân bày tỏ thái độ chống
(lại ảnh hưởng của) Trung Quốc thì chính quyền Hà Nội lại đi ngược lại
với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Phải chăng ĐCSVN đã quá lệ thuộc
vào Trung Quốc về mọi mặt để giữ chế độ khiến tình hình chính trị - kinh
tế ở Việt Nam ngày càng phức tạp? Ai là người đã cho phép các mặt hàng
hay giống nông sản Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến nông dân điêu đứng
còn người tiêu dùng tổn hại sức khỏe? Ai là người đồng ý triển khai dự
án bauxite bất chấp những hệ lụy và sự ngăn cản của hàng chục ngàn người
dân? Ai là người đẩy những ngư dân không được vũ trang ra đối đầu với
tàu quân sự của Trung Quốc? Phải chăng chính quyền Hà Nội đã mất hết
liêm sỉ, không còn chút nào về khái niệm “dân tộc”, “quốc gia”, “đồng
bào” nên để Trung Quốc mặc sức giày xéo lên người dân Việt Nam?]
Quay trở lại với chuyện tình tay ba Wang Yu – Yang-I – Nguyên Huệ
Tông. Nếu phế vương Wang Yu là người đứng đắn, trầm tĩnh, bản lĩnh và
quyết đoán thì Nguyên Huệ Tông, ngược lại, không khác gì một đứa trẻ con
bị ép phải lớn, bị ép phải ngồi vào ngai vàng dù không biết chữ. Đặc
điểm chung của cả hai người này đều là yêu nàng Yang-I say đắm. Wang Yu
là người đến với nàng trước, luôn âm thầm hy sinh để bảo vệ nàng; còn
Nguyên Huệ Tông mặc dù là người đến sau nhưng lại là người có được
Yang-I cuối cùng.
Chính sức nặng của trách nhiệm quốc gia, dân tộc đã chia cắt Wang Yu -
Yang-I và đẩy người con gái xinh đẹp, thông minh này về phía Nguyên Huệ
Tông. Wang Yu đã không thể ở bên Yang-I trong lúc nàng gặp khó khăn hay
đau khổ tột cùng nhưng Nguyên Huệ Tông thì có. Đối với Wang Yu, ngoài
Yang-I, chàng còn cả đất nước Cao Ly phải gánh vác. Còn Nguyên Huệ Tông,
Yang-I là tất cả đối với chàng. Quyền lực hay ngai vàng chẳng là cái
quái gì hết. Dù người xem có thể tiếc cho Wang Yu – Yang-I nhưng thực
chất đây là chi tiết hợp lý bởi trong chính trị, không có chỗ cho tình
yêu. Không ai có thể nắm cả thiên hạ trong tay mà vẫn được ở bên người
mình yêu thương. Và quả thật, cuối cùng Nguyên Huệ Tông đã phải chết và
để lại Yang-I một mình trên đỉnh cao của quyền lực.