Cánh Cò
Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Ngay khi chiếc máy bay dân dụng MH-17 rơi trên phần đất Ukraine do bị hỏa tiển Buk bắn, cả thế giới chỉa mũi dùi vào Nga nơi được xem là dung dưỡng, huấn luyện và cung cấp vũ khí cho phiến quân thân Nga do Igor Strelkov dẫn đầu chống lại chính phủ Ukraine.
Putin vốn là người bình tĩnh đến lạnh lùng cũng không khỏi chới với.
Phản ứng mạnh mẽ, đồng bộ từ các lãnh đạo thế giới khiến một tổng thống
dù có KGB đến mức nào cũng không khỏi rối trí. Đứa con nuôi thời vụ Igor
Strelkov chẳng những không biết che chắn cho Putin mà còn huênh hoang
khoe nhặng lên trên trang mạng xã hội rằng: “Chúng tôi đã cảnh cáo các
người đừng bay trên vùng trời của chúng tôi”.
Putin không còn cách nào khác là tạm im lặng. Không những ông ta chọn
giải pháp im lặng mà còn buộc tất cả truyền thông Nga phải im lặng theo
ông ta.
Thói quen “chỉ đạo truyền thông” của Putin từ khi lên cầm quyền đến
nay đã như bát nước đầy, giọt nước cuối ấy đã lên tiếng tẩy chay kênh
truyền hình Russia Today vì Putin buộc nói theo cung cách của Liên xô
chứ không phải của nước Nga dân chủ. Người phóng viên phản kháng ấy là
cô Sara Firth, nhân viên làm việc tại Anh của kênh truyển hình này.
Sara Firth không phải là người đầu tiên, trước cô là ban nhạc nữ
Pussy Riot, từng chế giễu châm chọc Putin nơi công cộng khiến ông tổng
thống thích cởi trần này điên tiết gô cổ cho biết mặt anh hùng!
Nước Nga sau một thời gian dài phân hóa, tan tác và tưởng chừng như
không vực dậy nổi đã vươn vai trong tám năm Putin cầm quyền. Người dân
từ đói, tới đủ ăn và dần dà vượt qua ngưỡng cửa mà trong suốt thời gian
cộng sản họ không ngớt mơ mộng tới: sống sung túc và dư giả.
Nga xem Putin là thần tượng, là cứu rỗi và ông ta nhanh chóng thay
thế Lenin đứng trên các tượng đài trong nhiều gia đình người Nga. Nhân
dân Nga thừa nhận công trạng của tổng thống Putin vì đã đưa nước Nga ra
khỏi bờ vực của đói nghèo, tự kỷ, và bị khinh thị bởi thế giới chung
quanh. Nước Nga với lịch sử huy hoàng không cho phép nó thua kém bất cứ
nước nào tại Châu Âu. Dù sao thì Nga cũng từng dẫn dắt phân nửa thế giới
dưới màu cờ đỏ.
Putin nhìn thấy và ông đã làm được điều đó.
Hai năm liền là người của năm do tạp chí Times bình chọn. Hai lần thủ
tướng và hai lần trong cương vị tổng thống, Putin đã chiếm trọn cảm
tình của người dân Nga dành cho ông. Tuy nhiên chính cái niềm tự hào,
khuynh hướng dân tộc cực đoan của người dân Nga cộng với giải pháp bạo
lực của Putin trong chính sách đối với các vùng đòi tự trị đã đẩy ông ta
vào con đường không lối thoát.
Năm 2008 Putin nhúng tay vào cái gọi là yểm trợ người dân miền Nam
Ossetia để cưỡng chiếm Gruzia. Tháng Ba năm 2014 một lần nữa quân đội
Nga lại mang quân vào lãnh thổ Crimea để bảo vệ kiều dân Nga và cuộc lật
đổ chính quyền Ukriane êm ái đã diễn ra. Putin lấy đất đai của người
khác cho dân Nga cai trị bên ngoài lãnh thổ của Nga đã khiến thế giới tự
hỏi khi nào thì Putin ngừng lại vai trò chính phục những nơi nào có
người Nga sinh sống khi chế độ ấy không đồng thuận với gấu Nga trong
chính trị cũng như kinh tế.
Putin không chần chừ khi dùng chính sách mạnh bạo với những ai không
đồng ý với cách mà Putin bẻ cong luật pháp, cưỡng bức tự do báo chí, đàn
áp đối lập và bỏ tù bất cứ ai chống lại ông ta. Cách mà ông xử sự vào
những năm đầu thế kỷ 21 khiến người ta nhớ lại thời vàng son của Xô viết
khi tất cả đều ngẩng cao đầu tung hô thần tượng Lenin mặc cho bụng đói
mắt hoa và tem phiếu dẫn đường phía trước.
Dân chúng Nga thiếu ăn nên mơ ngày mà đất nước của họ chinh phục thế
giới bằng bất cứ phương tiện gì. Putin đã làm điều đó, và dân Nga vỗ tay
tán thưởng.
Người dân nào sản sinh ra chính phủ ấy là một câu đáng suy nghĩ, ít nhất trong trường hợp này.
Putin lấy dầu hỏa của đất nước làm vũ khí và nguồn tài nguyên trời
cho ấy đã dần kiệt quệ khi bị khai thác tận cùng giới hạn. Người Nga cảm
thấy điều đó đang tiến tới dần với nền kinh tế "tự ăn lấy mình" và giải
pháp mà họ trông chờ vẫn là thụ động dựa vào cơn hứng khởi của Putin.
Putin làm gì dân cũng tán thành. Putin sai thì toàn dân im lặng như
không biết. Putin thắng thì cả nước mừng như chính mình chiến thắng. Hội
chứng dựa dẫm và tôn sùng lãnh tụ ấy đã đẩy Putin vào vụ máy bay MH-17
vì kẻ chiến thắng nào cũng có thói quen xem sức mạnh là cứu cánh của mọi
giải pháp.
Sức mạnh của Putin lần này xem ra khó được dân Nga hưởng ứng bởi cả
thế giới lên án và đang cùng nhau vây quanh con gấu Nga nay đang lẻ loi
trong khu rừng Bạch dương trắng toát cô đơn.
Dân sẽ không đứng về kẻ yếu. Putin đã tự làm yếu mình khi dùng con cờ
Igor Strelkov phá hoại Ukraine. Putin tính sai nước cờ và người dân Nga
đã bắt đầu tỉnh ngộ.
Putin có lỗi với dân tộc Nga khi tán dương và song hành với chủ nghĩa
dân tộc cực đoan của một bộ phận dân chúng. Putin xem thường đối lập vì
đã đưa ra những ý kiến khác biệt. Putin giam giữ niềm tin vào luật pháp
của người bất đồng chính kiến qua sự hò hét của dân chúng đòi đưa ông
lên làm vua vĩnh viễn, miễn là Nga trở thành một đế chế như xưa kể cả
một đế chế được xây bằng máu xương đồng loại.
Hai trăm chín mươi tám con người với máu thịt tung tóe trên bầu trời
là tiếng chuông nguyện cuối cùng cho Putin và cho nước Nga, với những
thần dân tin vào lãnh tụ một cách mù quáng và rồ dại.
Thế giới đã thấy rõ hơn sức mạnh của vũ khí Nga cũng như tác hại của
nó nếu qua tay một nhà độc tài máu lạnh. Nó còn nguy hiểm hơn vạn lần
nếu được sử dụng bởi cả một dân tộc khi chỉ cần máu và ánh sáng lóe lên
từ gươm bén mở đường cho sự phồn vinh mà họ ao ước.
Putin đang sống trong sự may rủi ấy. Liệu thế giới có để cho ông ta thử thời vận thêm một lần nữa hay không?
Nguồn: RFA Blog