Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Viết tặng Huỳnh Anh Trí.


PHẠM THANH NGHIÊN

Anh Tú- Minh Hằng- Anh Trí.Chắc không ít người cảm thấy nực cười về tính chất ly kỳ của những cái gọi là “Bản kết luận điều tra vụ án”, hay “Bản cáo trạng ” do các Cơ quan điều tra, Viện kiệm sát A, B, C gì gì đó trong hệ thống thực thi pháp luật Việt Nam đưa ra. Nó giống như một câu chuyện trinh thám ly kỳ và hài hước được “xây dựng”, “sáng tác” vụng về rồi gán cho cái mác rất nghiêm chỉnh và nghiêm trọng là “quá trình Tố tụng hình sự”. Có điều, những câu chuyện khôi hài, nực cười ấy lại là những tấn bi kịch cho các nạn nhân, cho thân nhân của “đương sự”. Và xét rộng hơn, nó là những câu chuyện buồn cho cả một Dân tộc.
Bản Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp ngày 02 tháng7 năm 2014 về “vụ án”: “Gây rối trật tự công cộng” mà cơ quan này khẳng định các ông bà Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh (bị gọi là “bị can”) là môt câu chuyện mới nhất và rất điển hình cho kết luận trên của người viết. Nói “mới”, bởi trước “vụ án” này đã có hàng trăm nếu không nói là hàng ngàn, hàng vạn những “vụ án” vô lý, nực cười và ngớ ngẩn đã bóp chết không biết bao nhiêu thân phận người dân Việt Nam. Bản thân người viết cũng là nạn nhân của một câu chuyện như thế. Nói cho ngắn gọn và dễ hiểu: khi người dân nào đó công khai chỉ trích chế độ, bày tỏ khát vọng về Quyền con người, bất đồng về chính sách ngoại giao với Trung Quốc ắt sẽ bị cho là mối nguy hại cho đảng và nhà nước. Như thế tất nhiên phải bị trừng trị. Có nhiều cách nhưng thông dụng nhất vẫn là cho ngồi tù với một ngàn lẻ một lý do chả liên quan tới chính trị chính em gì sất. Tinh vi chưa!

Trở lại với cái gọi là “Bản kết luận điều tra” nói trên, người viết xin không đi vào phân tích các chi tiết vô lý mà cơ quan an ninh đưa ra. Bởi sự thật đã hoàn toàn bị bóp méo so với lời kể của các nhân chứng. Chỉ xin nêu một chi tiết thật nhỏ tưởng như không đáng kể. Nhưng, nó là cơn đau của bất cứ ai còn mang suy nghĩ và tình cảm của một con người bình thường.
Ở trang thứ ba của bản kết luận điều tra, vị trí thứ tự số 8 và 9 có ghi sơ về lý lịch của hai trong số 19 “đương sự” có liên quan là hai anh em ông Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí như sau:
8/ Huỳnh Anh Tú, sinh năm 1968; ngụ: 102 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, Tp Hồ Chí Minh
9/ Huỳnh Anh Trí, sinh năm 1971; ngụ: sống lang thang.
Thì ra chốn “thiên đường” xã hội chủ nghĩa này, cái sự “sống lang thang” cũng được xem là một nơi cư ngụ. Ông Huỳnh Anh Trí được chính quyền xác định (đúng hơn là quyết định) cho sống “lang thang”. Ông Huỳnh Anh Tú- anh ruột ông Trí - có vẻ “oách” hơn một tí. Ông được gán cho cái địa chỉ cụ thể hẳn hoi. Nhưng nó - căn nhà số 102 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP HCM- đã không còn là nhà của họ nữa kể từ sau khi gia đình họ lưu lạc. Hai anh em bị bắt năm 1999 chỉ vì “hồi còn ở bên Thái Lan thấy cảnh của người Việt sống lưu vong tại Campuchia và Thái Lan tôi rất bất mãn. Họ bấp bênh quá không một chỗ nương tựa, không ai bảo vệ quyền con người của họ. Xét ra họ là người vượt biên mà vượt biên khi không may mắn bị rớt lại không được đi sang nước thứ ba thì cuộc sống của họ giống như địa ngục vậy, rất đáng thương, chính chỗ đó là động lực khiến tụi tôi tham gia đấu tranh…(Huỳnh Anh Tú). Nhưng họ bị khép vào thứ tội mới nghe qua đã …dựng tóc gáy: “khủng bố chống chính quyền nhân dân”.
Trở về (nhưng không biết phải về đâu) sau 14 năm bị đọa đày nơi ngục tù cộng sản. Trong “Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù”, của Tổng cục VIII, trại giam An Phước (nhà tù cuối cùng giam ông Tú) và trại giam Xuyên Mộc (nhà tù cuối cùng giam ông Trí) yêu cầu hai anh em ông Huỳnh Anh Tú, Huỳnh Anh Trí “phải trình diện UBND xã/phường/thị trấn nơi về cư trú”. Trình diện tại “địa phương gốc” xong (vì dù nhà không còn nữa nhưng trước họ từng ở đó, đăng ký nhân khẩu hẳn hoi), hai anh em họ đến ở với người dì ruột ở quận 4, Sài Gòn. Chưa đầy nửa tháng, họ phải ra đi (lại vẫn chưa biết sẽ đi đâu) vì gia đình người dì dù thương cháu đến mấy cũng không chịu được sức ép từ chính quyền địa phương. Họ bắt đầu những ngày tháng nay đây mai đó để tiếp tục nuôi chí lớn, tiếp tục con đường tìm kiếm Tự do và Công lý cho Tổ quốc mình. Chính vì thế, hai anh em họ Huỳnh luôn nhận được sự “quan tâm đặc biệt” của chính quyền địa phương tại bất cứ nơi nào họ đi qua hay tá túc.
Sự quan tâm đặc biệt ấy đại loại thế này:
“Thực tế bây giờ hoàn cảnh của tôi đi đứng hay tạm trú rất phức tạp. Tôi lên làm chứng minh nhân dân thì họ nói anh không có hộ khẩu thường trú làm sao làm chứng minh nhân dân? Tôi mới nói là tôi ở tù mới ra, trước đó gia đình tôi vượt biên, nhà cửa bán hết và cũng không còn hộ khẩu, họ chỉ đông chỉ tây cuối cùng tôi giống như người vô gia cư” ( Huỳnh Anh Tú)
“ …bây giờ chưa có việc gì làm, vẫn còn rày đây mai đó…Vừa không có việc làm vừa không có chỗ nương thân và chính quyền lại không cho phép làm việc, cũng không cung cấp giấy tờ, hộ khẩu vậy chúng tôi làm sao sống được giữa xã hội bây giờ?….
“Thật sự bây giờ tôi cũng không biết nói như thế nào. Anh em Dân chủ trong nước nếu mà ai mở rộng vòng tay thì chúng tôi đến và tôi chỉ biết ghi nhận mà thôi. Thật sự thì cuộc sống anh em chúng tôi rất bấp bênh, nhà cửa không có…
“…nói tới hiện tại hay tương lai thì hiện nay tôi đang khó khăn. Không nhà không cửa, không người thân. Trong mười bốn năm tôi đã lưu lạc với gia đình đã mười mấy năm tại Campuchia, Thái Lan sau 14 năm ở trong ngục tù hôm nay ra tù tưởng rằng sẽ được một mùa xuân gọi là chút ý nghĩa. May mà có vòng tay mở rộng của chị Minh Hằng đón anh em chúng tôi chứ tôi nghĩ chắc họ muốn ép tôi vào đường cùng. Cho dù họ khủng bố tôi hay tôi có sống qua đêm nay hay không tôi không biết vì sức khỏe tôi bây giờ rất yếu”. (Huỳnh Anh Trí).
Cái “đêm nay” mà ông Huỳnh Anh Trí nhắc tới là Đêm giao thừa – thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm và cũng là thời khắc con người ta cần phải yêu thương nhau nhất. Cái đêm mà “nhà chị Bùi Minh Hằng bị công an bao vây từ 9 giờ tối tới gần sáng” nhưng “rất may là không có chuyện đáng tiếc xảy ra mặc dù công an đã dùng xe ủi sập một phần cổng nhà nhưng họ không tấn công vào như mọi người dự đoán”.
Công nhận may thật! May là khi ấy chỉ bị “ủi sập một phần cánh cổng” mà không ai… bị sao cả. Vì mãi hơn 10 ngày sau, gần hai mươi người trong đó có cả bà Bùi Thị Minh Hằng, anh em ông Huỳnh Anh Tú, Huỳnh Anh Trí mới bị bắt, bị đánh đập về cái gọi là tội “gây rối trật tự công cộng” khi đang đi thăm người quen, chính xác là đang tham gia giao thông một cách bình thường và đúng luật. Càng may hơn là sau mấy ngày bị tạm giam, bị tịch thu (cướp) tài sản cá nhân, bị đánh đập thì mười mấy người được thả, chỉ có ba người là bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh “được” giữ lại để bổ sung nhân lực đang bị khuyết thiếu trong nhà tù. Nên mới có cái bản kết luận điều tra (khảo) trên. Cái sự “may” trong Đêm Giao Thừa ấy còn là không ai bị …chết ngay. Mà tới tận mấy tháng sau, chính xác là ngày 5 tháng 7 năm 2014, mới có người phải chết. Ông Huỳnh Anh Trí đã qua đời ở tuổi 43 do nhiễm HIV/AIDS trong thời gian bị cầm tù. Nguyên nhân dẫn đến việc ông Trí bị nhiễm HIV được chính ông, cũng như nhiều nhân chứng đáng tin cậy và ngay cả người viết cũng khẳng định rằng do chính sách tàn bạo và bất nhân của nhà tù gây ra. (xin xem phóng sự gồm 4 video clip do Truyền Thông Chúa Cứu Thế Việt Nam (VRNs)thực hiện, vạch trần một tội ác khủng khiếp của chế độ CSVN đối với những người bất đồng chính kiến).
Người Tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí, khi cận kề cái chết vẫn không sợ chết. Vẫn bình thản và an nhiên. Vẫn không thù hận dù ông có nhiều lý do nhất để thù hận. Vẫn lo lắng cho người khác dù biết cơ hội dành cho mình đã không còn nữa. Câu hỏi của ông với Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh “Con thì đã xong rồi, nhưng còn các anh em trong tù thì sao?” mãi mãi là một nỗi ám ảnh cho tất cả chúng ta, những người còn biết xót thương thân phận con người.
Cuộc đời ngắn ngủi bốn mươi ba năm với những năm tháng phiêu dạt tại xứ người và thời tuổi trẻ bị chôn vùi trong chốn ngục tù. Nhưng, chắc chắn lịch sử sẽ dành cho ông một chỗ dù khiêm tốn nhưng hết sức trang trọng và xứng đáng như sẽ dành cho người thầy giáo, Tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định và nhiều người khác đã vì Tự do của Đất nước này mà chịu cành tù đày. Không có ngôi nhà riêng do mình sở hữu, nhưng Huỳnh Anh Trí chưa bao giờ là “kẻ lang thang không nơi cư ngụ” cho dù nhà cầm quyền này muốn thế. Ông sống trong sự bao bọc, tình yêu thương của đồng đội, của đồng bào mình và đã dành những tháng ngày ngắn ngủi cuối đời với chút sức lực cuối cùng để lên tiếng cho Tự do và Nhân quyền của quê hương Việt Nam. Trong một lần nói chuyện với tôi, Huỳnh Anh Tú có nói rằng ngoài cuộc sống của mình, ông sẽ sống thêm phần của em trai ông - Huỳnh Anh Trí. Vâng, chúng ta- những người Việt Nam khốn khổ- không chỉ sống riêng cho bản thân mình mà còn sống thêm phần cho người khác. Như chúng ta đã phải mang hai thân phận trong một cuộc đời mình: thân phận của riêng mình và thân phận của cả một Dân tộc.
Xin hãy yên lòng nhé, Huỳnh Anh Trí!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"