Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Điểm sách "Thung Lũng Tử Thần" của Vũ Ánh

Hoàng Nhất Phương
"Sự lựa chọn giữa cái đói cào cấu và sự giữ thẳng lưng cũng như nhân cách là một chọn lựa khó khăn!" [Trang 97] Nhà báo Vũ Ánh đã viết như vậy khi kể lại thời gian ở trong trại tù cải tạo, những ngày đội trưởng phải tổ chức các buổi góp ý, phê, và tự phê, rồi bình bầu mức ăn hàng tháng cho mỗi tù nhân cải tạo. Những giòng chữ lặng thầm thản nhiên viết ra tưởng chừng thật dễ, nhưng trong hoàn cảnh ăn đói, làm việc nặng, khi đau ốm chỉ có xuyên tâm liên chống trả lại các bệnh từ thông thường nhất là cảm lạnh đến nguy hiểm nhất là đau tim, hen suyễn, lao phổi, nhiễm trùng đường ruột…, thì sự giữ thẳng lưng cũng như bảo toàn nhân cách quả là việc rất khó. Thế nhưng nhà báo Vũ Ánh và các anh em tù cải tạo của ông đã làm được, vì họ còn có ý thức trong sáng về nhân cách, lòng trắc ẩn, và sự can đảm.
"Trong môi trường đói khổ và bị đàn áp, trong môi trường tù đày không thấy có ngày ra, trong điều kiện lao động khổ sai để trả nợ cơm áo hàng ngày bằng cái khẩu phần ít ỏi nói trên, một lát khoai mì,một hạt cơm qúi vô cùng. Cho nên, vào hoàn cảnh này, phải có một ý thức còn trong sáng về nhân cách, lòng trắc ẩn và sự can đảm mới có thể đối xử được tử tế với các anh em bạn tù chung quanh mình. Hơn thế nữa, bọn cán bộ trại giam Cộng Sản sẽ tìm cách triệt hạ bất cứ một người tù nào bằng cách này hay cách khác, nếu thấy người tù ấy còn đủ sáng suốt để làm cho những âm mưu hạ nhục, và nhất là âm mưu dùng sự kiểm soát bao tử để làm tê liệt suy nghĩ chính đáng của tù cải tạo không thành công…"
[Trang 99. Miếng Bánh Bẹp Bị Cắt: Trò Lũng Đoạn Thâm Độc]
Đoàn người tù cải tạo được "tuyển lựa" lên Thung Lũng Tử Thần, có nghĩa là bị đày vào chỗ chết bởi vì cái đầu không chịu cúi, bởi vì cái lưng không chịu cong, đã bị ngược đãi bị hành hạ bằng kiểu tra tấn vượt xa thời Đức Quốc Xã, nhưng họ không hề khuất phục. Những nhân cách đáng qúy nổi bật trong chốn lao tù nghiệt ngã ấy là ông N.Đ.Q. - thẩm sát viên Cảnh Sát Quốc Gia; là Linh Mục Nguyễn Luân - vị thừa sai trẻ đang thi hành mục vụ tại giáo phận Phan Thiết [Trang 190]; là anh sinh viên Đại Học Văn Khoa VmD - người tù cải tạo nhỏ tuổi nhất bị bắt khi mới 19 tuổi. [Trang 114] Tất cả những người này dù bị biệt giam, được "thưởng thức" chế độ "2 muỗng cơm, 2 muỗng nước và 2 muỗng muối" [Trang 189], nhưng vẫn can trường quyết bảo vệ niềm tin bảo vệ tư cách của họ. Nhà báo Vũ Ánh khẳng định:
"Quả thật không vào biệt giam, không bị thử thách thì cũng khó xét đoán được tư chất một con người. Biệt giam là cái thế giới đặc biệt, nơi con người bị tước bỏ tất cả mọi thứ một cách dễ dàng, kể cả quyền sống. Họa chăng người tù cải tạo chỉ còn giữ lại được nhân cách. Nếu đánh mất nhân cách trong hoàn cảnh này, người tù ấy chỉ còn là cái xác chết chưa kịp chôn mà thôi."
[Trang 189 -190: Những Nhân Cách Đáng Quý]
Linh Mục Nguyễn Luân bị suyễn nặng. Thuốc của gia đình gửi vào trại tù cho ngài bị bọn cai tù giữ lại, chỉ cấp nhỏ giọt cho người mang bệnh kinh niên như Linh Mục Nguyễn Luân. Nhà văn Vũ Ánh viết:
"Tôi có cảm tưởng bọn cai tù thích nhìn thấy người tu sĩ trẻ tuổi bị hành hạ vì căn bệnh nan y của ngài… Khi trại trưởng Lê Đồng Vũ vào kiểm tra khu biệt giam, hắn luôn dùng lời lẽ chế giễu tình hình sức khoẻ ngày một tồi tệ của ngài. Vũ thường mỉa mai: 'Thế nào anh Luân, mọi chuyện giấu diếm của anh đều ổn thỏa cả chứ, nhưng trông anh còn khoẻ lắm, phải khoẻ thôi anh ạ, vì anh còn nằm ở đây lâu đấy.' Những lần như thế chúng tôi có cảm tưởng rằng, Linh Mục Luân bỗng như đến từ một thế giới khác. Giọng của ngài không còn thều thào, khàn khàn do đờm và nước dãi lúc nào cũng đầy trong cổ họng. Ngài trả lời gọn gàng, dứt khoát, không giận dữ cũng không sợ hãi: 'Thưa cán bộ, ông nói quá đấy thôi. Nhưng so với các ông và với chế độ này, anh em chúng tôi lúc nào cũng mạnh. Bởi vì nếu chúng tôi không mạnh thì các ông đâu có sợ mà phải nhốt chúng tôi như thế này. Chính các ông mới là người yếu và lúc nào cũng sợ hãi, chứ không phải chúng tôi!"'
[Trang 191-192]
"Thung Lũng Tử Thần" là tên gọi một lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước, thuộc quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Khánh - tên gọi mới của tỉnh Phú Yên - nơi có trại cải tạo A-20, do những sĩ quan quân đội và các cấp chỉ huy trong công chức Việt Nam Cộng Hòa đặt ra. Nơi đây thời chiến tranh có một trại Lực Lượng Đặc Biệt cũ, cách trại A-20 khoảng 10 cây số. Theo lời kể của nhà báo Vũ Ánh, từ ga xe lửa La Hai vào đến trại, thân nhân tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối trong mùa mưa, nguy hiểm nhất là Suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ chảy xiết. "Thung Lũng Tử Thần" là quyển sách đầu tiên và cũng là quyển sách duy nhất của nhà báo Vũ Ánh, người đã qua đời đột ngột tại nhà riêng vào ngày 14 tháng 3 năm 2014, sau khi gửi bài viết cuối cùng đến tòa soạn nhật báo Người Việt. "Thung Lũng Tử Thần: Hồi Ức Một Người Tù Cải Tạo" dày 283 trang, tập hợp 31 bài viết của ông, được đăng hàng tuần trong mục Sổ Tay của nhật báo Người Việt từ tháng 7 năm 2013.
Nhà báo Vũ Ánh sinh ngày 5 tháng 5 năm 1941 tại Hải Phòng, qua đời ngày 14 tháng 3 tại California, USA. Ông là học sinh Trường Trung Học Chu Văn An, và là Sinh Viên Đại Học Luật Khoa. Cuộc đời của ông có thể tóm tắt qua những giai đoạn sau:
*. 1973-1975: Là Trưởng Phòng Bình Luận/Chánh Sự Vụ Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia.
*. 1975-1988: Là tù cải tạo ở trại giam Chí Hòa, Z30 C Hàm Tân, A 20 Xuân Phước.
*. 1992-2014: Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO.
Nhà báo Vũ Ánh cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông tại Hoa Kỳ qua các vai trò Ký Giả, Bình Luận Gia, Tổng Thư Ký và Chủ Bút của các Nhật Báo Người Việt, Viễn Đông, của Đài Văn Nghệ Truyền Thanh, VNCR, Little Saigon Radio, Saigon Radio Houston, Đài Truyền Hình Little Saigon Radio, SBTN.
Nhà báo Vũ Ánh viết "Thung Lũng Tử Thần: Hồi Ức Một NgườiTù Cải Tạo," để nói lên cách nhìn của riêng ông về giai đoạn lao tù đặc biệt, sau ngày Miền Nam Việt Nam thất trận. Ông viết vì cháu nội của ông - Catherine Vũ 11 tuổi hỏi cha của cháu (- là con trai của nhà báo Vũ Ánh -): "Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?" Ông ghi lại hồi ức "Thung Lũng Tử Thần" chỉ với mục đích để "…con cháu tôi, con cháu những người bạn đồng tù với tôi, cũng như để những người nào chưa từng biết, chưa từng trải qua ngày tù nào trong các nhà tù Cộng Sản sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, dùng làm tài liệu tham khảo, đối chiếu và suy nghiệm khi cần thiết sau này." [Trang 271]
Mặc dù viết: "Tôi không có tham vọng được mọi người coi đây như một sử liệu mà chỉ là một tài liệu, và khi sử dụng nó cần phải đối chiếu với những tài liệu khác, trước khi đi đến kết luận về chế độ lao tù Cộng Sản trong giai đoạn từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975…" [Trang 271] Nhưng những người đồng thời với nhà báo Vũ Ánh, những người từng chia sẻ kiếp tù cải tạo với ông, cũng như thế hệ đàn em, thế hệ con cháu của ông tin rằng, "Thung Lũng Tử Thần" ở chừng mực nào đó cũng là một tài liệu sử học. Và như nhà văn Vũ Ánh viết trong lời kết: "Điều bình an nhất trong lòng là tôi còn nhớ và đã ghi lại được nơi đây nhiều điều, chính tôi đã trải qua ở Thung Lũng Tử Thần." Những điều ông còn nhớ và đã ghi ra, được xem như kỷ vật sử thi vô giá để lại cho người Việt ở hải ngoại, cũng như người Việt đang sống tại quê hương.
Hoàng Nhất Phương
11:14am Thứ Hai ngày 21 tháng 7 năm 2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"