Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Cần ý thức Việt nam vẫn đang là cá nằm trên thớt

Thục Quyên
Hôm nay là ngày thứ 86 kể từ khi China tự tung tự tác, ngang nhiên cắm giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và đưa cả tàu quân sự vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thản nhiên đuổi bắt, đâm chìm tàu bè của ngư dân Việt. Máu đã đổ, người Việt đã chết.
Ngày thứ 76, China đã di chuyển giàn khoan này và bộ ngoại giao của họ kèm ngay tuyên bố khẳng định thế giới không nên nhầm lẫn xem việc di chuyển giàn khoan HS–981 là một động thái rút lui, và đồng thời tiếp tục ngang ngược tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của họ.
Haiyang Shiyou 981 sẽ cắm ở địa điểm mới nào, vì những lý do gì đã đổi vị trí, âm mưu bành trướng của Bắc Kinh sẽ tiến triển ra sao, theo chiều hướng nào, đều là những câu hỏi mà Việt Nam hoàn toàn không có khả năng nắm vững câu trả lời.
86 ngày người Việt trong và ngoài nước xao động, phân tích, trích dẫn, bàn cãi, góp ý. Quan chức thì câm lặng hay tùy lúc mà "tát nước theo mưa" phát biểu hùng hồn.
Nhưng điều chắc chắn duy nhất và là điều quan trọng nhất mà dân tộc Việt Nam phải nhìn thấy, hiểu, và lo lắng: Chúng ta vẫn hoàn toàn nằm trong thế bị động.

Giáo Sư Carlyle Thayer thuộc Học viện quốc phòng Austria đã tóm tắt tình trạng trong một câu nói đơn giản “Nếu Trung Quốc muốn đặt giàn khoan ở đó vô thời hạn thì Việt Nam cũng không làm gì được”.
Chuyện Biển Đông và giàn Khoan Haiyang Shiyou 981 là chuyện chủ quyền đất nước, phải giải quyết trên bình diện quốc gia với quốc gia, do đó những lực chính nằm trong tay các chính phủ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh mưu tính thâm hiểm ra sao, dân Việt Nam không thể biết là điều dĩ nhiên, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì thì chúng ta có biết hay không?
"Ta là ai" nếu không nắm vững thì lấy gì để phòng thân mà hòng làm chủ tình hình, đối đầu với giặc?
86 ngày đằng đẵng, dân Việt đã làm gì để tìm hiểu và định rõ tình trạng đất nước hầu nắm vận mạng dân tộc trong tay? Tình trạng và khả năng chống cự của chúng ta có thay đổi chút nào không?
Mịt mù!

Cách đối phó nguy cơ quốc gia mất chủ quyền của nhà cầm quyền Việt Nam.

Ngày 3/7, trong chương trình quốc hội tiếp xúc với cử tri thị xã Quảng Yên và Thành phố Uông Bí, ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tóm tắt việc làm của nhà nước Việt Nam trong những ngày tháng qua một cách rất tiêu biểu:
"Đảng và Nhà nước đã thực hiện các biện pháp đấu tranh chính trị - ngoại giao ở mức cao nhất, 3 lần gửi công hàm lên LHQ phản đối hành vi của Trung Quốc, tổ chức 5 cuộc họp báo quốc tế, sử dụng tất cả các kênh để đấu tranh… với mục tiêu giữ vững chủ quyền an ninh, môi trường hòa bình, phát triển quan hệ với các nước để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước."
Chúng ta hãy ghi nhận rõ ràng và đứng đắn các sự kiện Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu ra để đừng bị lạc hướng bởi những thông tin giật gân hằng ngày.
Đúng như ông Minh nói, trước hết là Đảng. Đảng Cộng Sản trước sau vẫn là trên hết. Quyết định, hành động và chịu trách nhiệm. Người dân phải sáng suốt để hiểu: bất kể ai, im lặng trốn tránh hay tuyên bố rôm rả, thì cũng chỉ là những nước cờ của Đảng. Một mê hồn trận làm người dân chóng mặt, bó tay trước những mưu lược của giặc, trong lúc đáng lý chúng ta cần dồn hết sức bình sinh để chống lại những thủ đọan khủng khiếp của China.
Đảng và nhà nước đã thực hiện các biện pháp đấu tranh chính trị - ngoại giao ở mức cao nhất có nghĩa là họ đã làm tất cả những gì họ muốn và có khả năng làm. Đảng và nhà nước xác nhận không thể làm hơn những gì đã làm cho tới ngày hôm nay. Vậy trách nhiệm của những người Việt còn muốn tranh đấu chống ách xâm lăng của Bắc Kinh là nhận định rõ ràng những việc làm và khả năng của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Vấn đề của Việt Nam không phải chỉ vỏn vẹn là giàn khoan ở hay đi, mà vấn đề là Tại sao China lại tin tưởng Việt Nam sẽ không dám và không thể chống cự khi bị họ xâm lấn?
Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng họ đã có trong tay từ năm 1958. Vậy còn có những điều kiện thuận lợi nào khác để China ngày nay chắc bước như vậy?
Hơn 40 năm qua nhà nước Việt Nam đã làm gì khi ngư dân Việt Nam bị cấm bén mảng đánh cá tại không gian biển đảo ở Hoàng Sa? Khi ngư dân Việt bị đánh đắm tàu, bắt giam, hành hạ vô nhân đạo, giết chết đòi tiền chuộc xác, hoặc phải ký những bản viết tiếng Trung Hoa thừa nhận đã vi phạm không gian chủ quyền của China thì Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đã làm gì, nói gì để bảo vệ dân? Tuyên bố gì trước công luận quốc tế?
Hay cho tới ngày giàn khoan Haiyan Shiyun 981 xuất hiện chỉ là một sự tảng lờ trước lời kên cứu của ngư dân, và khi không còn có thể ém nhẹm tin tức thì kiêng nể không dám cả nhắc đến tên thủ phạm? Những danh từ "tàu lạ", "máy bay lạ", "tàu mang cờ nước ngoài" đã đi vào lịch sử để đánh dấu khả năng và tinh thần trách nhiệm của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam hiện nay.
Chính thái độ không phản kháng ròng rã 40 năm này đã là sự mời chào China toàn quyền hành xử trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chính sự né tránh loan tin, đã là tín hiệu chính thức của đảng CS và nhà nước Việt Nam "sẽ chấp nhận và tuân thủ" gởi tới China.
Yếu tố bất ngờ duy nhất cả đôi bên không đề phòng là mức quyết liệt phản đối của dân tộc Việt. Bất ngờ và vũ bão nếu so sánh với thái độ thờ ơ và cam chịu, cũng một phần do thiếu hiểu biết, đối với tình trạng mất đất tại vùng biên giới, mất rừng, núi, mỏ ngay trong lòng đất nước, và sự nô lệ kinh tế trong suốt khoảng thời gian được ru ngủ với "ổn định chính trị, phát triển làm ăn, xây dựng đất nước".
Đảng CS và nhà nước Việt Nam loay hoay cắt nghĩa về công hàm của ông Phạm Văn Đồng với thế giới nhưng Đảng CS và nhà nước VN cắt nghĩa sao cho hiệu lực về những tài liệu sách giáo khoa địa lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chính Bộ Giáo dục in vào năm 1974, trong đó có nói đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo các tên gọi Trung Quốc, và cũng các tài liệu đó diễn tả các quần đảo này như thuộc về China?
Những điều kể trên không mới mẻ gì, nhưng giá trị quyết định của chúng trong cuộc tranh đấu giành lẽ phải trước công luận thế giới của Việt Nam không giảm mức quan trọng theo thời gian và là những sự kiện đang được China đưa ra trước LHQ mà nhà nước Việt Nam chưa trả lời được thích đáng.
Ông Phạm Bình Minh nhắc tới ba lần gởi công hàm lên LHQ.
Vào kiểm soát hư thực tại trang nhà của Phái Đoàn Thường Trực của Việt Nam tại LHQ (http://www.vietnam-un.org/en/vnun.php?cid=33) thì có thể thấy thư chính thức đầu tiên của Việt Nam gởi cho LHQ là vào ngày 8-06-2014 (mặc dù được để ngày viết là 7-06-2014 và thực sự ngày 11-06 mới tới nơi) sau khi bộ ngoại giao China vừa trưng bằng cớ kết tội Việt Nam và đã được người đại diện China tại LHQ Wang Min chuyển ngay đến Tổng Thư Ký Ban Ki Moon "(Việt Nam đã)... ngăn trở mạnh mẽ một cách bất hợp pháp các hoạt động của Trung Quốc. Những hành động như vậy làm ảnh hưởng đến tự do lưu thông và an toàn hàng hải tại vùng biển này, gây thiệt hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực".
Người dân Việt cần đòi hỏi Đảng CS và nhà nước Việt Nam trả lời rõ ràng tại sao có sự chậm trễ này? Một chậm trễ đã đẩy Việt Nam từ thế chủ động vào thế bị động.
Hơn một tháng sau khi lãnh hải bị xâm lấn mới đưa ra LHQ! Đây là âm mưu gì hay là vấn đề khả năng?
Cũng cần biết trong bản báo cáo chính thức của Việt Nam gửi LHQ ngày 7-07-2014, Việt Nam cho biết kể từ ngày 2-05-2014 đã 30 lần dùng mọi phương tiện liên lạc để yêu cầu China họp bàn về vấn đề giàn khoan HS981.
Trong bức thư của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đề ngày 4-05-2014 gửi Phái đoàn Thường trực China tại LHQ, Việt Nam vẫn giữ vững mong muốn được giải quyết song phương vấn đề, không hề "phát triển quan hệ với các nước để bảo vệ chủ quyền" như ông Phạm Bình Minh tuyên bố.
Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và sẵn sàng giải quyết một cách hòa bình mọi tranh chấp và khác biệt liên quan đến vấn đề trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán song phương.
Thêm điều lạ là không những hiện tượng trích dịch từ các báo ngọai quốc qua các báo lề phải Việt Nam đầy sai lầm và bịa đặt, ngay cả trang nhà chính thức của Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại LHQ tiếng Việt và tiếng Anh cũng khác nội dung nhau một trời một vực. Thí dụ bản tiếng Anh đăng bài phát biểu của tướng Phùng Quang Thanh tại hội nghị Shangri-La cuối tháng năm vừa qua chỉ thấy oai hùng buộc tội China mà chẳng thấy nhắc tới "tình anh em, xích mích trong gia đình" chi cả.
"Tất cả các kênh để đấu tranh đã được Đảng CS và nhà nước Việt Nam sử dụng" như ông Phạm Bình Minh nói là như vậy. Thêm vào là sự lặng câm của ông Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là lời tuyên bố xôm tụ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kịp thời để giải tỏa tâm lý người dân, vuốt ve sĩ diện dân tộc. Trong khi mọi sự quyết liệt chỉ thấy được đem ra để đối đầu với chính những người dân Việt biểu tình bất bạo động, công khai chống bành trướng Bắc kinh.
Những người này đang bệnh hoạn, mòn mỏi chờ chết trong các nhà tù Việt Nam!

Cách đối phó nguy cơ quốc gia mất chủ quyền của người dân Việt

Khả năng tập trung vào những điều quan trọng là một năng lực rất mạnh, có lẽ quan trọng nhất trong một đất nước mà con người liên tục bị thông tin không trung thực thao túng.
Đứng trước mối nguy ngoại xâm và để hoạch định một chương trình chống cự có hiệu quả, tiên quyết là định rõ sức mạnh và vị trí cùng thế đứng của mình, rồi mới tới của đối phương. Sự èo uột ngày hôm nay của Việt Nam không từ thực tế Việt Nam là một nước nhỏ đối đầu với một China khổng lồ vì thực tế này đã có từ ngàn xưa và ông cha ta đã chứng minh có cách để đối trị. Sự èo uột là do dân Việt đã chấp nhận giao vận mạng dân tộc cho trí thông minh, sự đạo đức và khả năng của một nhóm người quá nhỏ là đảng Cộng Sản. Nguy hiểm hơn nữa là người dân Việt đã chấp nhận hay cả không cần lưu tâm tới những quyết định trên sự sinh tồn của dân tộc mà Đảng Cộng Sản Việt Nam không những toàn quyền quyết định mà còn giữ bí mật tuyệt đối cho tới ngày hôm nay, vì "bí mật" chính là sức mạnh của họ.
Sự èo uột là do thói quen than vãn, khao khát nhưng không có khả năng giải quyết bằng hành động. Vài chục ngàn bài viết rủa xả nhà cầm quyền là hèn nhát, bán nước, không bằng hành động cùng nhau đổ ra đường, cương quyết đòi nhà cầm quyền tường trình, rõ ràng và với chứng cớ, không những về Thỏa thuận Thành Đô mà về tất cả những thỏa thuận, nhượng bán quyền lợi, đất đai của Việt Nam cho China hay cho các nước khác. Đó là quyền và bổn phận của người dân Việt phải biết chuyện gì đã và đang xảy ra cho mình và con cháu mình. Trách nhiệm đòi hỏi và luật pháp cho phép. Phải biết rồi phải chủ động quyết định có chấp nhận hay không?
Chỉ cần một chút thiện chí và tổ chức là có thể trong vòng vài tuần lễ có được một tấm bản đồ những nơi China đã đem người đến cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và con số ước lượng những nhóm người này. Sợ bị ngoại xâm mà không ai nắm vững sự hiện diện của những đoàn ngoại nhân này thì một mai nước có mất e rằng còn bị thế giới xếp dân tộc mình vào loại thiếu trí khôn. Nói rằng đó là việc của nhà cầm quyền, rất đúng. Nhưng nhà cầm quyền đã không làm bổn phận của họ thì dân phải giải quyết, bằng cách này hay bằng cách khác, như nhiều dân tộc khác đã làm.
Bằng chứng là trong vụ giàn khoan HS 981, Đảng CS và nhà nước Việt Nam e dè thần phục trước sự hung hãn của China, nhưng khi người dân cương quyết tỏ ý chí thì cả hai đảng CS anh em Tàu-Việt đều hiểu rằng phải tính con đường khác. Nhà cầm quyền China cũng phải nhận thấy chửi rủa nhóm cầm quyền CSVN là vô ơn bạc nghĩa thì những người này cũng không thể đi ngược lại quyền lợi của dân tộc Việt Nam trong thanh thiên bạch nhật.
Con đường mới, sau khi giàn khoan HS981 đổi vị trí, là trở về con đường cũ "đàm phán song phương" trong bí mật, con đường từng đem biết bao lợi lạc cho China cho tới ngày nay.
Vẫn những người cũ, mưu đồ cũ, cách thức cũ.
Liệu người dân Việt có lại ngoan ngoãn làm con cá nằm trên thớt, hớp từng hớp không khí cuối cùng?
Liệu người dân Việt có cấp thời hành động để Việt Nam bắt lại thời điểm cùng với Mỹ và các nước ASEAN thương lượng với China? Hay chịu chết chờ thời điểm đàm phán China-Mỹ trên đầu dân tộc?
Thục Quyên

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"