Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Câu chuyện của một “ông bố lười”

Cà Phê

1. Tâm sự

Tui thường hay tranh cãi với bạn bè tui về chuyện sống chân thật trong một xã hội như Việt Nam. Nhiều người vẫn nói, thì cái xã hội mình nó thế, nên ai sống thật thà thì thua thiệt. Nói riết thành thói quen, ai cũng nghĩ rằng phải chấp nhận mọi thứ tồi tệ ở đây như một sự thật hiển nhiên. Nhiều khi tui mất hết niềm tin. Thế rồi, thỉnh thoảng tui lại đọc được những câu chuyện tuyệt vời về những con người tuyệt vời làm cho tui xúc động. Ví dụ như câu chuyện của Đỗ Mạnh Hà, một “ông bố lười” bỗng dưng trở nên nổi tiếng bởi bài văn thật thà của con trai anh. Cậu bé tả “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy lần cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả da (gia) đình cùng dọn bố trả rọn (chả dọn) rồi xuống chát Zalo với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố từ nay em không làm ôxin (osin) nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm”.

Câu chuyện về bài văn thì chỉ dừng ở mức vui vui ngộ nghĩnh, nhưng câu chuyện về cách mà Hà dạy con trai mình, và câu chuyện về cách Hà đã học cách dạy ấy từ cha mình mới thực sự làm tui xúc động.
Cũng như chuyện nhiều người ca thán về những anh cảnh sát giao thông ăn hối lộ nhưng vẫn hối lộ cho cảnh sát giao thông cho xong chuyện nếu chẳng may bị bắt, cũng có rất nhiều người thường ca thán về chuyện con em mình bị bắt làm văn mẫu nhưng cuối cùng cũng không đủ can đảm để khuyến khích con em mình thật thà với bài văn để có được con điểm cao cho đạt thành tích nở mày nở mặt. Đỗ Mạnh Hà khác. Anh khuyến khích con mình sống thật thà, và chẳng hề nề hà gì với chuyện nếu con của mình điểm số kém vì điều đó. Nếu một ngày kia, khi mà xã hội mình người ta dám hành động thật sự, thay vì chỉ ca thán nhưng lại hùa theo số đông sai trái để yên thân mình, để không bị thiệt thòi, thì may ra mới có một sự thay đổi. Câu chuyện của Hà cho tui niềm tin rằng, có những người cũng đã hành động, và tui muốn chia sẻ câu chuyện này để những người cũng đang muốn hành động cho một sự thay đổi biết rằng, họ không cô đơn.
Và tui gọi những người dám hành động là Những kẻ mộng mơ.
2. Và đây là câu chuyện của Đỗ Mạnh Hà
Vài lời gửi các nhà báo, Các báo đã đăng và cư dân mạng ủng hộ ông bố lười nhé.
Đầu tiên mình xin cảm ơn tất cả cư dân mạng về những phản hồi cư dân mạng dành cho mình và cháu.Xin chia sẻ thật rằng con mình chỉ là một đứa trẻ hết sức bình thường các bạn ạ.
Các bạn biết không ông bố lười trong mắt trẻ con khác với ông bố lười trong mắt người lớn.
Với mình chắc các bạn không tin nhưng mình là một học sinh cá biệt từ lớp 1 đến lớp 12 và chưa bao giờ đỗ đại học cả.Cũng chưa bao giờ được giấy khen của nhà trường.Tại sao mình có ngày hôm nay?
Đó là nỗ lực thoát nghèo. Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức bố mình là bộ đội mẹ mình cũng là bộ đội. Hai ông bà bị cái nghèo nó đeo đuổi dai dẳng khi mẹ về chế độ 176 năm 92. Còn bố mình thì cố gắng trụ lại quân đội và cũng phải từ giã công chức khi tuổi mới 45. Hai ông bà lăn lộn buôn đủ thứ nhưng cuộc sống vẫn bị cái nghèo khó cào cấu, cắn xé đến mức khó chịu.Mình lớn lên trong tình thương bao la của người cha và nỗi khổ dạt dào của người mẹ.Mình rất nghịch và luôn thích đánh nhau để thỏa mãn cái căm hờn khi đứa trẻ nào đó chê là đồ nhà bán Than đen nhẻm(than tổ ong). Mỗi lần như vậy Bố mình lại ân cần vỗ về dạy dỗ, thậm chí đánh rất đau sau đó ôm mình vào lòng và nói “ Bố xin lỗi con” Bố dạy mình tất cả và luôn cho mình cái tự do ngôn luận. Mình luôn có quyền nói ra những gì mình thích.Hết lớp 9. Bố hỏi “ Con có đi học nữa không? hay đi học nghề”vì mình học rất dốt và nghịch. Mình bảo tùy bố và Bố lại lặn lội đi tìm cô giáo dạy toán cho mình. Mình đỗ cấp ba Xuân Đỉnh vào lớp A đàng hoàng ngày báo điểm Bố thịt một con Ngan rất to và khao cả nhà. Mình vào cấp 3 với hành trang chả có gì. Mình lại đua đòi bạn bè và học rất dốt “. Vẫn Bố các bạn ạ. “ Con có muốn học nữa không hay về học nghề lái xe bố dạy”Mình bảo không con thích đạp xích lô chở Than giúp mẹ cơ. Ba năm mình làm nghề đạp xích lô và năm 12 mình thi thử tốt nghiệp toàn trường mình bị trượt tốt nghiệp. Lần thi thật may quá đỗ.
Mình trở về với nghề đạp xích lô tại 165 Đường Lạc Long Quân và một lần tình cờ mình đi chở Than thuê mình đã gặp được một cô giáo. Cô đã nói nhiều với Bố và Bố cũng phân tích cái khổ cái nghèo như thế nào rồi Bố Mẹ mình đi theo mình từng bước từng bước, dạy mình mọi thứ. Và ngày nay mình đã trở thành một cán bộ khoa học kỹ thuật có học vị cao khá đàng hoàng. Cũng vì những bước đi liêu xiêu dưới ánh nắng chói chang. Những lúc hai Bố con và mẹ cùng nhau ngụp lặn dưới bùn đen để móc từng xô bùn bẩn mang về nhào Than sau đó đóng thành tổ ong đem bán kiếm từng đồng cho mình đi học. Mình thấy sao mà đau đớn thế. Mình thù cái nghèo mình yêu cái chân thật của Cha Dạy. Bố bảo Cha mẹ bao năm phục vụ quân đội chỉ vì trong sạch thật thà nên nghèo con ạ.Thật thà không phải ngu đâu con nhé. Thật thà là điểm đáng yêu của con người đấy nhé. Và Bố tin rằng Bố làm gì cũng sẽ thành công, Nhưng biết không?. Thật thà + thời gian= Thành công chậm chạp có khi hết cuộc đời vẫn chưa đi qua được dấu bằng. Bố là thế! Mẹ là vậy!. Mỗi khi đi làm về bố thường mua cho chai Nếp Ga như kiểu cocacola bây giờ ý mà Bố mình phải cho xuống bể nước cho mát.Buồn lắm… .Nên mình luôn cố gắng từng ngày và yêu kinh doanh, mình mơ ước và bảo bố. Bố mẹ bán Vàng đen thì sau này con sẽ biến nghề này thành Vàng thật bố đợi mà hưởng thành quả của con nhé. Câu nói đó khi mình 18 tuổi khi nói mình ngụp lặn dưới sông tô lịch để móc bùn nhào than. Sau 17 năm mình đã thành đạt và cùng những gì tài năng bố dạy như võ thuật, bơi lội,nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, nhạc cụ…vvv cộng với mình kiếm được số tiền không hề nhỏ so với tuổi của mình. Giờ đây mình đã có hàng chục cái nhà mỗi cái trị giá hàng chục tỉ đồng thì Bố đã bỏ mình đi tự lúc nào. Còn mẹ mình cũng đang dần bỏ mình đi đối chọi với bệnh hiểm nghèo do lao lực làm nhiều quá để nuôi hai anh em mình ăn học.
Vì thế cho nên các bạn biết không. Cái nghèo đã cướp đi ông Bố của Mình và Bà Mẹ của mình đến nơi rồi. Ký ức còn lại chỉ là những trưa hè nắng 40 độ thì người ta ngồi mát còn gia đình mình thì ngụp lặn dưới sông Tô Lịch bẩn nhất Hà Nội để móc từng xô bùn bẩn về nhào Than đóng thành than tổ ong để bán. Nhưng đầy tiếng cười… .cười để quên đi cái khổ, cười để tin vào ngày mai.Cười để luôn tin rằng mình sẽ thành đạt.
Cho nên đến bây giờ mình có con mình luôn tôn trọng con và mong con giống mình giống ông Nội. Thật thà, dũng cảm, có sao nói vậy không được nói dối.. Có tài đến đâu hưởng đến đó và phải luôn cố gắng hết sức mình và răn con rằng như Bố mình răn dạy mình. Cái gì Bố sai dù là nhỏ nhất thì con nên sửa, cuộc đời con người được sinh ra và lớn lên, mất đi không được lâu đâu. Nên phải sống và phát triển theo đúng lứa tuổi. Như Bố dạy con không nên áp đặt mình vào người khác và bắt người khác làm theo ý mình. Mà con phải cố gắng làm theo người khác có chỉnh sửa theo tính cách của mình để hoàn thiện hơn. Nên tại sao mình luôn muốn con mình là Bạn của mình và không muốn con dấu mình cái gì cả. Mọi việc đều có cách giải quyết.Mình hiểu họ mình sẽ giải quyết tốt hơn. Mình làm việc rất chăm chỉ một ngày của mình thường từ 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc 2 h sáng. Không rượu bia, không thuốc lá, không gì hết. Chỉ biết kiếm tiền để cho con mình đỡ khổ và luôn là người bạn để con noi theo bố.
Mình viết vài lời không có ý biện hộ như một số bạn phản hồi là mình phải thay đổi nọ kia. Nhưng các bạn cứ xem học sinh, đã từng học mình phản hồi thì biết. Hay bạn nào có điều kiện về 165 phố Lạc Long Quân hỏi về quá khứ và hiện tại của mình mình thấy mình không hề xấu hổ mà mình còn chăm chỉ hơn tất cả những người bạn đồng tuổi học cùng mình. Nên tại sao vợ mình rất vui khi có mình bên cạnh là thế.
Mình dạy con mình sự dũng cảm,thật thà,tự lập,và phong cách nhẫn nhịn của người Nhật,mạnh bạo làm kinh tế tham vọng của người Mỹ,lãng mạn của người Pháp, cái đẹp của người Ý, Chuẩn mực của người Thụy Sỹ, tình yêu bất diệt và đẹp như mơ của người Nga,sự khôn khéo và tinh thần dân tộc yêu thương giống loài, của người Việt Nam và đặc biệt hơn nét thanh lịch lịch lãm của Người Hà Nội.Chứ mình không dạy cháu làm văn cho hay để được điểm cao hay học cho tốt để đứng lên đầu người khác cầm phong bì, hay quát mắng kẻ hèn, coi thường người yếu, đứng nhìn người lâm nạn thấy cướp thì im, thấy bất bình thì né chỉ bo bo cho bản thân mình.
Do đó cần làm quân tử thì phải lo được cho mình rồi mới lo cho người khác. Trên phải thông thiên văn, dưới phải tường địa lý, trà dư tửu hậu, đàm đạo văn chương. Chứ không dạy con theo kiểu khuôn mẫu mặc định.
Sống thế thì phí lắm.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"