Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Những ngộ nhận về nước Nga

NGUYỄN TRẦN SÂM
nga

Dân tộc Nga là một trong những dân tộc vĩ đại. Nó đã sản sinh ra cho nhân loại những tên tuổi lớn như Pushkin, Tolstoy, Dostoyevsky,… trong văn học; Chaikovsky, Shostakovich,… trong âm nhạc,…; Kolmogorov, Pontryagin,… trong toán học; Mendeleyev, Cherenkov, Kapitsa,… trong khoa học tự nhiên – những tên tuổi đã tạo ra không ít những giá trị lớn lao. Đó cũng là một dân tộc đã góp phần quyết định vào việc loại bỏ họa phát-xít, giúp cho loài người được sống tương đối bình yên trong mấy chục năm qua.

Vào những năm từ cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, những thanh thiếu niên từ đất nước Việt Nam đang chìm trong khói lửa và những khổ ải do chiến tranh gây ra, được đến với một nước Nga mà mọi thứ đối với họ giống như ở thiên đường. Không chỉ mức sống cao hơn ở Việt Nam hàng chục lần, mà sự đối xử giữa những con người với nhau cũng thật sự mẫu mực. Những thầy cô người Nga và nhiều người lớn khác thì coi những thanh thiếu niên Việt Nam như thể con mình. Từng được sống trong bầu không khí đầy tình người đó, những người Việt Nam mãi mang trong tim tình yêu và sự biết ơn, không chỉ với những người Nga cụ thể, mà với cả dân tộc Nga nữa.

Trong những tháng năm khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều người Nga đã sát cánh với người Việt Nam. Nhà nước Liên Xô mà lực lượng nòng cốt là người Nga đã dành cho VN một sự chi viện to lớn.

Đó là sự thật không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, không thể vì tình cảm mà có những ngộ nhận theo kiểu tô hồng mọi mặt, đặc biệt khi thời thế đã thay đổi. Trong số những người ngộ nhận kiểu đó có cả những quan chức và học giả trên bậc thang rất cao (bộ trưởng, giáo sư, hoặc hơn thế nữa). Xin nêu một vài điều ngộ nhận phổ biến và nhận định tương ứng của chúng tôi.

Ngộ nhận thứ nhất: Người Nga tốt nhất thế giới và đại đa số dân Nga hiện nay vẫn yêu VN như thời VN chống Mỹ.

Đúng là đã từng có nhiều người Nga rất tốt. Nhưng ngày nay nếu sang Nga, người Việt không còn được thấy con người trong xã hội Nga hiện nay tốt như thế nữa. Một số tầng lớp còn có thái độ bài Việt điên cuồng. Để lý giải về điều này, cần phải viết nhiều trang. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói sơ qua về ba lý do: 1) tư cách của nhiều người Việt ở Nga không tốt; 2) xã hội Nga đã thay đổi, mối quan tâm của con người ngày nay khác trước; 3) sự tốt bụng thể hiện trước đây chủ yếu là thật, nhưng cũng có vài chục phần trăm là do được khích lệ bởi các yếu tố chính trị.

Cũng nên nhớ rằng không phải chỉ người Nga mới tốt. Quý vị hãy đi những nước khác nữa. Ở những nơi khác cũng rất nhiều người tốt, thậm chí cực tốt, mà đó là lòng tốt tự nó có, không được nhân lên bởi các yếu tố chính trị.

Người Nga sang phương Tây còn bị kỳ thị, có phần giống như người Việt, người Trung Quốc. Những hiện tượng như trong các giải bóng đá quốc tế, người Nga hay bị chơi xỏ (người Việt ở Đông Nam Á cũng vậy) có lý do của nó. Với chính sách đối ngoại, và cả đối nội, của mình, chính giới Nga đang làm cho hình ảnh nước Nga ngày một xấu đi trong con mắt bạn bè quốc tế. 

Ngộ nhận thứ hai: Nga là cường quốc hạng 1 thế giới, ngang hàng với Mỹ.

Nhiều người cho rằng Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay có sức mạnh ngang hàng với Mỹ. Điều này không đúng. Về kho vũ khí, quả là Nga có những thứ mà người Mỹ cũng phải gờm; nhưng Mỹ còn có nhiều thứ ghê gớm hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn tranh luận về điều này. Còn về mặt kinh tế và tầm ảnh hưởng thì Nga thua Mỹ rất nhiều. Tổng thu nhập quốc nội của Mỹ năm 2013 là 16.8 ngàn tỉ USD (với 318 triệu dân), của Nga chỉ vào khoảng 2 ngàn tỉ USD (rất khó tìm con số chính thức) với 143 triệu dân. Với tiềm lực kinh tế chưa bằng 1/8 của Mỹ, nếu Nga dốc sức chạy đua vũ trang thì kinh tế nước này sẽ nhanh chóng kiệt quệ.

Về đời sống, kể cả thu nhập lẫn những quyền tự do, dân chủ và mối quan hệ giữa người với người, nước Nga còn thua phương Tây nhiều lắm. Nếu có điều kiện, quý vị hãy đi mà so sánh.

Về quan hệ đồng minh, Nga chỉ còn nắm được vài quốc gia lạc hậu nhất ở Trung Á, vốn thuộc Liên Xô trước đây. Tất cả những nhà nước cựu Soviet “có máu mặt” đều lần lượt bỏ Nga để quay sang Tây. Đầu tiên là 3 nước Baltic, sau đó đến Moldova, Gruzia, rồi Ukraina, sắp tới là Bạch Nga (Belarus). Đó là lý do khiến người Nga, đặc biệt là Putin, rất điên tiết. Và khi điên thì họ càng không hiểu được rằng cần tự hỏi tại sao người ta lại bỏ mình mà đi. Hiện Nga đang phải ve vãn Trung Quốc, vài nước trong nhóm BRICS và vài nước Mỹ Latin, thậm chí cả Triều Tiên, để bớt trơ trọi. Trong khi đó, số các nước đồng minh và thân Mỹ ít nhất đã có vài ba chục.  

Ngộ nhận thứ ba: Putin là chính khách số 1 của thế giới. Putin cũng yêu VN như người VN yêu nước Nga. VN là đối tác quan trọng nhất của Nga.

Những người ngưỡng mộ Putin ở Việt Nam, kể cả những giáo sư hay viện trưởng viện nghiên cứu này nọ, khi nói về ông ta đều thể hiện cái vẻ làm cho người nghe có cảm giác họ rất gần gũi với ông ta. Họ đặt mình vào vị trí người phát ngôn của Putin và có vẻ rất hãnh diện về vài trò tự nhận ấy. Có những điều mà chính Putin không dám nói, nhưng mấy phát ngôn viên này nói thẳng ra với vẻ rất hăng. Thí dụ gần nhất là về vụ MH17. Trong khi Putin không hề phủ nhận trách nhiệm của lực lượng thân Kreml trong việc bắn hạ (nên nhớ chỉ có truyền thông Nga phủ nhận), thậm chí còn bóng gió biện hộ cho hành động man rợ này, thì các phát ngôn viên này cực lực lên án thái độ của phương Tây. Và họ cũng thường xuyên dẫn lời, tổng thống Vladimir Putin nói thế này, tổng thống Vladimir Putin nói thế nọ, giống hệt như Lenin nói thế này, Lenin nói thế nọ trước đây. “Cảnh cáo Mỹ đến Crưm, tổng thống Putin không đùa!” một vị tướng nói. “Với toàn bộ tầm nhìn chiến lược toàn cầu của Putin cũng như của nước Nga,… chuyện chấp nhận để Trung Quốc để thao túng ở Biển Đông rồi đe dọa Việt Nam, trước hết là một đồng minh chiến lược của nước Nga ở Đông Nam Á, chắc chắn Nga sẽ không thể chấp nhận”, một vị TSKH viết. Dân thường như tôi, nghe họ nói mà phục sát đất, kính nể vô cùng!

Nhưng thật mỉa mai! Ngay vào lúc có biết bao nhiêu người Việt hy vọng ông anh Nga đe TQ không được ăn hiếp VN thì Putin đến Thượng Hải ôm hôn Tập Cận Bình, ký một loạt những hợp đồng lớn, và không hề quan tâm chút nào đến nguyện vọng của mấy vị tướng với giáo sư người Việt.

Ngộ nhận thứ tư: Các nhà lãnh đạo VN có thể khéo léo “khuyên nhủ” để lãnh đạo Nga đưa nước này trở về chế độ Soviet như trước đây hoặc một chế độ tương tự như vậy.

Đúng là Putin hiện nay đang cai quản nước Nga theo kiểu khá giống với thời kỳ độc đảng. Đa đảng, nhưng các đảng khác quá yếu. Và với những mưu ma chước kiểu KGB, Putin đã triệt hạ mọi đối thủ chính trị tiềm năng.

Tuy nhiên, ông ta làm điều này không phải vì các “đồng chí” lãnh đạo VN. Ông ta làm vì chính ông ta. Khi thấy chế độ Soviet tan rã, Putin đã tỏ ra sẵn sàng phục vụ ông chủ mới, lúc đó là Yeltsin. Với tham vọng một mình cai quản thiên hạ, ngay cả chế độ Soviet cũng không thể làm ông ta vừa lòng. Tham vọng quyền lực thể hiện ra trong mười mấy năm qua cho thấy rõ điều đó. Mô hình nhà nước mà ông ta thích là kiểu nhà nước của al-Assad, Gaddafi, Saddam Hussein. Cũng vì tham vọng quyền lực vô hạn mà ông ta đã không chịu nổi khi Gruzia và Ukraina có ý định ngả theo EU. Năm 2008, ông ta đã dội bom xuống Tbilisi chính vì lý do đó. Các đồng chí VN cũng ít nhiều cần cho ông ta, nhưng không thật sự quan trọng. Và với tính tự cao không giới hạn, khi nói những lời mỹ miều về lãnh đạo VN, chắc chắn ông ta cười thầm trong bụng.

Có một người trên đường đi chỉ dừng lại ở nước Nga vài ngày, nhưng đã có những cảm nhận rất đúng về nước Nga. Đó là nhà văn Đào Hiếu. Trong phần cuối của tiểu thuyết Lạc Đường, mặc dù thừa nhận “Nước Nga có một quá khứ huy hoàng, một nền nghệ thuật vĩ đại, một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, ông vẫn nhận ra ngay nước Nga hiện tại thật lạc lõng trong thế giới này và có những mặt tầm thường.

Một người khác, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân, người đã từng ở Nga khá lâu, đã viết những dòng sau đây về nước Nga ngày nay:

“Giá cả cao ngất ngưởng, Người Nga mặt đăm chiêu, Công khai ghét người Việt. Người da đen cũng nhiều. Quảng trường Đỏ vẫn thế. Vẫn thế lăng Lênin, Không ai xếp hàng viếng, Thậm chí chẳng ai nhìn.”

Nói những điều trên, chúng tôi không muốn khẳng định rằng nước Nga xưa kia cái gì cũng tốt, còn bây giờ thì cái gì cũng dở. Không. Cái dở hiện nay chính là hậu quả của một cái gì đó ẩn sâu bên trong cấu trúc xã hội mà chưa được nhận ra khi mọi thứ đang còn êm ả ngoài bề mặt. Giống như việc hai ông cán bộ già ở ta, trong vở kịch Ông Không Phải Là Bố Tôi của Lưu Quang Vũ, khi ôn lại quá khứ những năm đầu thập niên 1950, đã nhận ra: “Hóa ra những cái lộn xộn bây giờ bắt đầu từ thời đó.”

Sống trong thế giới ngày nay, không thể dùng lối nghĩ của 40-50 năm về trước được nữa. Trong một vấn đề như xung đột Nga-Ukraina, không thể chỉ nhìn bằng con mắt của những người “tựa mạn thuyền rồng” (“thuyền rồng” ở đây là nước Nga và Putin). Vậy còn cách nhìn của những người từng du học ở Ukraina và chịu ơn những con người ở đó, và cách nhìn của nhiều người khác nữa, thì sao?

NGUYỄN TRẦN SÂM

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"