Đỗ Trọng Khơi
Hôm nay, 27/7 - ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi được mẹ già ở quê gửi
cho sáu trăm ngàn, nói là quà nhà nước, phần dành cho con liệt sỹ đang
hưởng chế độ lương nuôi dưỡng vì mất sức lao động. Lòng tôi thêm bội
phần nhớ thương người cha liệt sỹ của mình, cũng như không tránh được sự
suy nghĩ về chiến tranh, ý nghĩa của cuộc chiến Nam - Bắc kéo dài gần
phần tư thế kỷ 20.
Với riêng tôi, một người con, cho dù ý nghĩa xã hội của cuộc chiến
và chiến thắng có lớn lao đến đâu, cần hay không cần, thì người cha của
tôi cũng đã mất. Ông mất khi tuổi đời còn rất trẻ, 36 tuổi. Ông mất đi
trong lúc chị em tôi còn thơ dại, đang rất cần được sự chăm sóc, che chở
của ông!
Cuộc chiến tranh mà cả hai phía chiến tuyến đều nêu ý nghĩa và nghĩa
vụ của mình là giải phóng, đánh bại phía bên kia. Giải phóng nửa phần
đất nước đang nằm trong tay chế độ "Nguỵ quyền bán nước", giải phóng nửa
phần dân tộc đang "chìm trong chủ nghĩa Tư bản". Đấy là tư tưởng chiến
đấu của người chiến sỹ phía miền Bắc, còn người chiến binh phía miền Nam
nghĩ gì về ý nghĩa giải phóng miền Bắc của họ? Chắc ý nghĩ cũng từa tựa
vậy. Rằng giải phóng nửa phần đất nước trong tay Việt cộng, tay sai của
Tàu cộng, Xô cộng và giải phóng nửa phần dân tộc đang chìm trong chủ
nghĩa Cộng sản…vv. Dù với lý do nào thì cuộc chiến dài dằng dặc và đẫm
máu trong cảnh huynh đệ tương tàn là một sai lầm không thể bao biện, của
giới lãnh đạo cả hai bên chiến tuyến.
Phải cho tới những ngày này, khi chiếc giàn khoan HD 981 của người
bạn Cộng sản khổng lồ Trung Quốc đến đặt và khoan sâu vào thềm lục địa
Việt Nam thì "giấc mộng" hoà bình, hợp tác, hữu nghị và XHCN tan tành
mây khói, người Việt Nam mới hoàn toàn tỉnh giấc. Hoá ra bấy nay Việt
Nam đã tin vào những thứ siêu hình hoang tưởng, viển vông, lệ thuộc, mất
chủ quyền độc lập, thậm chí còn tiềm ẩn hiểm hoạ dẫn đến mất nước. Thì
"Sơn thuỷ tương liên / Văn hoá tương đồng / Tư tưởng tương thông / Vận
mệnh tương quan", cứ sát sạt 16 chữ vàng này mà thực thi chả dẫn nước
đến ngày mất nước còn là gì nữa. Mới vỡ lẽ ra Cộng sản - Đại đồng - đồng
nghĩa cái gi gỉ gì cũng sẽ thuộc về Trung Quốc hết. Đâu đó từng dẫn
lời, cho rằng của ông Mao Trạch Đông, là "Trung Quốc muốn nhìn Việt Nam
đánh Mỹ tới người cuối cùng…" Đúng sai câu nói này dù chưa dễ xác định,
song ngày nay Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách khống chế, buộc giàng
Việt Nam lệ thuộc vào mình, từng bước với chiến thuật tằm ăn dâu, ăn dần
từng tấc đất biên địa và hải đảo của Việt Nam, nhằm cơ hội chiếm Việt
Nam làm khu tự trị kiểu Tân Cương, Tây Tạng. Còn lý lẽ nào biện minh
khác?
Đồng thì sẽ Hoá!
Và, cũng phải cho tới ngày này, khi thành luỹ cuối cùng của CNXH
Trung Quốc chính thức nã "quả tên lửa đạn đạo chí tử" vào niềm tin Việt
Nam thì hai chữ Giải phóng - giải phóng miền Nam khỏi CNTB - Đế quốc
khiến người Việt Nam tự vấn và âm thầm hiểu rằng mình đã đi sai hướng.
Chúng ta đã "giải phóng" được những gì ? Giải phóng nửa phần đất nước ư?
Quần đảo Hoàng Sa, rồi sau đó Gạc Ma, và đỉnh Lão Sơn cùng bao nhiêu
km2 đất biên giới, vịnh Bắc Bộ đã mất vào tay Trung Quốc thì sao? Giải
phóng tư tưởng, đưa miền Nam thoát khỏi chế độ TBCN có đúng đắn không,
và có thực sự làm được điều này không? Câu trả lời "rõ dành dành như
canh nấu mẻ" là không. Hoàn toàn không!
Lẽ ra giờ này chả ai còn phải đặt câu hỏi, phải bàn cãi rằng sao đã
đánh đuổi CNTB đi, nay lại phải coppi y xi bản chính cái mô hình kinh tế
thị trường của TBCN mới mong thoát đói và hy vọng phát triển. Và sao
không tìm đồng minh, đồng chí hướng xã hội là các anh Cu Ba, Bắc Triều
Tiên, mà lại cần đến bọn Mỹ, Nhật, Úc, Asean… cùng các nước Tư bản khác
để hiện đại hoá khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, dân chủ xã hội và
gìn giữ lấy chủ quyền đất nước. Điều nghịch lý bỗng thành thuận lý,
thành xu hướng tất yếu. Chỉ cần xét vậy đã thấy sự đúng sai, thật giả
rồi.
Vậy khi bản chất sự việc, xã hội "hai 5 đã rõ làm 10" như thế, chúng
ta có nên tháo gỡ đi cái khẩu ngữ "Giải phóng miền Nam", hay "Giải
phóng dân tộc" vẫn dùng day dứt mỗi dịp lễ tiết không? Không dùng chữ đó
nữa thì nên dùng chữ nào thích hợp nhất để nói về ngày 30/4/1975?
Theo tôi chỉ nên dùng một câu gọn gàng, chính xác nhất : THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC.
Nói như cố PTT chế độ VNCH Nguyễn Cao Kỳ : "Chúng tôi cũng muốn
thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh
em miền Bắc họ đã làm được điều này. Vậy tôi xin ngả mũ kính chào họ…"
Qủa là sòng phẳng và chính xác.
Để giải thích cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhằm thống nhất đất nước
(dù cho hai miền Nam - Bắc, bên nào giành được chiến thắng cuối cùng,
bên đó đều được xem là đã Thống nhất đất nước; hãy nhìn nhận thời Trịnh
Nguyễn phân tranh, hay thời loạn 12 xứ quân… ở nước ta; và hầu hết lịch
sử các nước, ít hay nhiều họ cũng đều có những phen ly loạn như vậy),
tất yếu khó tránh được câu hỏi, lý do vì sao đất nước đã bị chia đôi?
Qủa thực cuộc chiến đau thương kéo dài gần phần tư thế kỷ, ngoài mục
tiêu riêng mà chung giữa hai miền là Thống nhất đất nước, còn có mục
tiêu hoàn toàn riêng biệt, là Ý thức hệ.
Vậy có thể nói cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam từ
1954 đến 1975, là cuộc chiến với mục đích "hai trong một" - Chiến tranh
nhằm thống nhất đất nước và vì ý thức hệ. Chiến tranh để thống nhất đất
nước là cuộc nội chiến, còn chiến tranh vì ý thước hệ, ở Việt Nam thế kỷ
20, phải nói thẳng là từ bên ngoài áp đặt vào, là ngoại xâm. Chiến
tranh vì ý thức hệ, dù xẩy ra ở đâu, với bất kỳ quốc gia nào thì tính
dân tộc, lợi ích của nhân dân đều bị xem nhẹ, bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Lợi ích của "nhóm lợi ích nội địa" và của "nhóm lợi ích xuyên quốc gia"
mới là chính yếu. Đây là sự thật.
Vậy đã rõ, vấn đề ý thức hệ, khi khối Đông Âu và Liên bang Xô Viết
đã hoàn toàn khuất bóng, khi Trung Quốc cũng đã thành anh nhà hàng "treo
đầu dê bán thịt chó" đến nỗi tình hữu nghị đồng chí đã bị anh ta phơi
bày ra vẻ xấu xí, bỉ ổi và cũng nhờ vậy cái nền tảng ý thức hệ ở Việt
Nam trong những ngày tháng này mới thêm rõ tính phù hư, gian dối, thiếu
dưỡng khí hơn bao giờ hết.
Tới đây xin thưa, về cá nhân, dù rất ít lòng tin song tôi không nói
là CNXH không thể xây dựng thành công ở Việt Nam. Biết đâu mai kia Đảng
CSVN sẽ xuất hiện một bậc toàn năng toàn trí. Lại đành phải chờ đợi. Và
trước mắt đành tạm chia sẻ với ý kiến của ông TBT Nguyễn Phú Trọng: "…
Không biết hết thế kỷ 21 này chúng ta đã xây dựng được thành công CNXH
chưa…" Nhưng, lại "nhưng" không thể không tự vấn, đã rằng như thế thì
chúng ta có nên mạo hiểm đưa dân tộc đi trên con đường chính ta đã tiên
lượng trước 100 năm nữa cũng khó tới đích? Xin nhớ cho là phải cộng thêm
vào số 100 này với 84 năm, tính từ năm thành lập Đảng CSVN 1930 tới
2014 - năm TBT Nguyễn Phú Trọng nói câu trên, và chúng ta đã nhiều phen
đem cơ thể, khí huyết dân tộc ra thử nghiệm với đủ các loại vắc xin Cải
cách ruộng đất, Cải tạo công thương, cùng đủ các loại cương lĩnh, nghị
quyết, nghị định, thông tư vv… mà đất nước vẫn trong tình trạng tiểu
nông nghèo hèn, manh mún, thành tích giả tạo, lạc hậu. Đóng góp giá trị
Việt cho nhân loại được thế giới họ xếp vào loại đội xổ, đứng trên có
một nước duy nhất, là Libi.
Ôi, 184 năm - nghĩa là bằng tám, chín thế hệ người Việt Nam đã và sẽ
còn được đưa ra để trải đường, lót ổ. Qủa là chuyện ghê gớm lắm, không
thể nói như đùa thế được!
Cuộc chiến tranh ý thức hệ lẽ ra nó đã phải chấm dứt trong một nước
Việt Nam thống nhất, độc lập tự lâu rồi. Thật vô cùng xót xa là nó đã
không hề chấm dứt trong tư tưởng con người, ở cả hai chiến tuyến. Người
chiến thắng chưa hoàn toàn bao dung, người chiến bại dường vẫn còn kia
sự hận thù. Đây cũng là một thực tế. Lý lẽ bao biện cho mối lòng vị kỷ
này, thật hợp với lời ta thán: "Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?" Bởi cái
ý chí vị kỷ, vị thân đó chăng mà đất nước còn chìm đắm trong vòng vây
tư tưởng thể chế, cơ chế, mà lợi ích dân tộc, nhân dân bị xao nhãng,
thậm chí rất có thể nó được dâng như một cống vật cho ngoại bang, hoặc
cho chính trái tim sân hận của mỗi người.
Những ngày tháng này, đất nước đang lâm nguy trước hoạ xâm lăng,
đang bồn chồn, dè dặt dấn bước cho khúc ngoặt xã hội mới, hơn bao giờ
hết, nguyện xin ngọn lửa Ý THỨC HỆ được dập tắt trong lòng mỗi người, dù
người thường dân hay đang lãnh đạo đất nước, hay người đã thất thế phải
ra đi, dù cho nó còn hằn như một vết thương, hay đang đem lại lợi ích
to lớn cho cá nhân mình đến đâu.
Đạt tới hoàn cảnh xã hội đó, ngày 27/7 hằng năm hoàn toàn có thể trở
thành "Ngày Kỷ Niệm Buồn" mang sức mạnh tri ân và nhắc nhở, lay động
tâm thức, tình cảm cộng đồng xã hội cũng như riêng cho những gia đình
Thương binh - Liệt sỹ - Tử sỹ toàn quốc, không phân chia Cộng sản, Cộng
hoà. Vì lý do giản dị, Cộng Sản, hay Cộng hoà, nhà Đinh, Lê, Lý, Trần,
hay nhà Trịnh, nhà Nguyễn…thảy đều là con dân đất Việt, thuộc về tộc
Việt.
Mỗi vết thương của tình thương đau, chia sẻ đều cho hy vọng thành một giá trị!
Tôi hằng mong núi rừng Trường Sơn sẽ được xây dựng thêm một nghĩa
trang nữa cho những người lính chiến phía Việt Nam Cộng Hoà (cũ), lấy
tên là NGHĨA TRANG TỬ SỸ TRƯỜNG SƠN, bên cạnh NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG
SƠN dành cho những người lính hy sinh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Khi ấy, tình hoà hợp, đoàn kết dân tộc không chỉ đến với người đang
sống, mà những làn hương khói thơm thảo từ những mộ phần liệt sỹ - tử sỹ
toả sang vấn vít nhau, hẳn sẽ cho những linh hồn người lính trận niềm
an ủi. Khi ấy nhân loại sẽ phải nghiêng mình trước giá trị nhân văn, văn
hoá tinh thần, tình cảm con người Việt Nam.
Một ý tưởng vui vui trong ngày kỷ niệm đầy đau thương, 27/7 - Ngày
Thương binh Liệt sỹ, nguyện mong sao ý tưởng này không chỉ là ý tưởng
của riêng tôi.
Đêm 27/7/2014