Trà Giang
Họ đại diện cho bên thắng cuộc, đầu cơ vào sự thắng cuộc,
ăn theo cửu vạn vào quyền bính được thiết lập sau thắng cuộc...
ăn theo cửu vạn vào quyền bính được thiết lập sau thắng cuộc...
Tôi sống ở một tỉnh lẻ, rất nhỏ, quanh năm lo kiếm miếng ăn đã là
khó, nên nói đến chuyện lớn như thế này là quá sức, là lãng phí.
Cơ sự là vì chuyện qua đời của nhà văn Tô Hoài. Lúc nhỏ tôi có đọc,
học “Dế Mèn phiêu lưu ký” của ông; lớn lên cũng đọc thêm một số tác phẩm
của ông, nhất là các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa văn học lớp
12, thuộc phần văn học cách mạng Việt Nam, gần đây nhất là “Ba người
khác”.
Việc qua đời và tang lễ của ông (tổ chức 11 ngày sau ngày mất, rất
mất vệ sinh) được nhà nước, giới văn nghệ, báo chí và hoạt động truyền
thông trong nước trân trọng, như một biến cố. Tuy nhiên, giới văn nghệ
sĩ cao tuổi, “lưu dung” ở phía nam, số người Việt ở nước ngoài, nhất là
giới văn nghệ sĩ di tản, vượt biên, tị nạn, lưu vong, chỉ lác đác vài
người viết về biến cố này; và cách viết cũng chỉ loanh quanh hồi ức, suy
tưởng riêng về mối liên hệ của mình với nhà văn quá cố; có vẻ lạnh
nhạt, dè dặt, tị hiềm.
Tô Hoài là bậc niên trưởng, thượng thọ trong giới văn nghệ Việt Nam
thuộc thế hệ sinh, trưởng thành, sáng tác từ trước 1945 cho đến lúc này.
Ông sinh ra và bắt đầu tuổi trưởng thành trong một hoàn cảnh riêng (gia
đình, vùng quê) nghèo khó, lam lũ, thiếu thốn, đói kém; sớm vào đời
bằng sự lăn lộn sinh nhai với nhiều công việc lao động khó nhọc khác
nhau ở một số đô thị miền bắc trong thời trước 1945. Trong sự va đập về
lao động thể chất và tinh thần đó, ông sớm có thiên hướng tư duy về
phiêu lưu mạo hiểm, thay đổi, thiên tả, rồi cách mạng, bằng việc tham
gia tích cực và lãnh đạo nhóm chủ chốt của Văn Hóa Cứu Quốc, viết báo,
sáng tác văn nghệ. Trong hồi ký của mình, ông bày tỏ sự yên tâm, tự hào
với quá trình nhận thức, hành động tự giác đó qua những tự sự về mối
quan hệ giữa ông với lãnh đạo chủ chốt của Việt Minh phụ trách Văn Hóa
Cứu Quốc, bằng sự làm việc sáng tác có định hướng với một số nhà văn
khác, đặc biệt là Nam Cao và việc ông tham gia vào một số cuộc ám sát,
khủng bố, vào cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945.
Tác phẩm có tính văn nghệ sớm nhất của ông, sau này là món ăn tinh
thần, cũng là món nợ của nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam trong chương
trình tiểu học là “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Trong giai đoạn sáng tác với những dòng chủ lưu là “lãng mạn” (Thơ mới, Tự Lực Văn Đoàn), “hiện thực phê phán”,
vốn chỉ dành cho người lớn; dòng văn học cho nhi đồng, thiếu niên thưa
thớt, cuốn ký sự nhân cách hóa một con dế của ông thỏa mãn tính hiếu kỳ,
ham mạo hiểm, thích yên hùng của thiếu niên, chủ yếu là ở vùng nông
thôn và ven đô từ dạo ấy đến giờ. Món nợ tinh thần đó của ông dành cho
tuổi trẻ Việt Nam cũng giống như đối với Hà Mai Anh qua những bản dịch “Tâm hồn cao thượng”, “Không gia đình”
vì mâm cỗ tinh thần cho tuổi thiếu niên suốt thời ấy cũng không phong
phú gì; và tâm hồn những người đang lớn cũng còn khả năng hướng thiện
trong không gian văn hóa của giai đoạn lịch sử ấy. Nó khiến cho người
viết bài này, khi nghe ông mất, vẫn giữ một chút hoài niệm trân trọng về
ông bên cạnh những suy tư khác, như chính với lịch sử riêng mình, như
tình cảm của mình còn dành lại cho hình ảnh của những thầy cô giáo thời
tiểu học.
Thế rồi cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, ông tiếp tục sự
nghiệp của mình trong hoàn cảnh từ đất nước chia cắt; một nửa trong đó
trở thành một nhà nước với hệ thống tinh thần đặc thù của mô hình chủ
nghĩa xã hội, đến giai đoạn đất nước tái thống nhất, cũng với đặc thù cơ
bản đó. Ông vác thánh giá của Văn Hóa Cứu Quốc và những cảm hứng thời ở
rừng trong kháng chiến 9 năm, lên Tây Bắc để có vô số tiểu thuyết được
đưa vào chương trình văn học phổ thông. Ông yên lòng với cái tháp văn
nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa đó của ông, không tham gia bất cứ hoạt
động xã hội, chính trị gì gây ấn tượng, từ phát ngôn đến hành động,
ngoài việc ông phải được cơ cấu vào nhóm lãnh đạo văn nghệ. Nói chung là
hình bóng của ông trong nhiều thế hệ văn nghệ sĩ có cốt cách tương đối
là nhạt phèo. Những biến động của tri thức miền bắc từ Nhân Văn Giai
Phẩm, “xét lại chống đảng”...không thấy bóng dáng của ông, cả
ủng hộ lẫn đấu tranh chống lại. Ông tưng tửng ba phải theo kiểu một type
trong nhóm trí thức Bắc Hà cầu an, hậu duệ của nhóm viết đơn tập thể đề
đạt với Hoàng Đế Quang Trung xin sửa Văn Miếu ngay trong giai đoạn vị
vua này mới đuổi được giặc Thanh, chưa quen với cung cách hành chính của
vương triều và văn hóa Bắc Hà; lá đơn tập thể ấy chỉ có mục đích là tự
giới thiệu cầu thân để nhón chân vào chế độ mới.
Nhờ vậy, ông chẳng gặp tai vạ gì, chơi với ai cũng được, mỗi năm lại
được ra nước ngoài hội nghị - nghỉ mát – du lịch và hưởng đầy đủ những
bổng lộc vinh quang của một quan chức văn nghệ trong hệ thống bao cấp.
Rồi thời đổi mới, trong đó có đổi mới văn nghệ, với những cú trở mình
phản tỉnh của nhiều người, trong đó có đảng viên, có những người đã lăn
lộn quan nhiều chế độ, qua gian khổ kháng chiến và chiến tranh, qua
nhiều trải nghiệm, thử thách về tư tưởng, triết lý, quan niệm văn
chương, ông vẫn đứng ngoài cuộc. Suy ra, vì cái thánh giá văn hóa cứu
quốc, vì sự an toàn riêng, và cũng có thể là vì mức độ nhận thức, ông
không có phản xạ nào với những biến động đó từ trước 1975, đến 1988 –
1989, như theo thói quen, nhu cầu của một trí thức hướng theo cái mới,
cái đúng, cái trăn trở vì chân thiện mỹ. Rồi giai đoạn sau đó, với những
cái xấu, suy đồi của nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, những hậu
quả tiêu cực của mô hình chính trị xã hội, của đổi mới nửa vời..., ông
cũng không có thể hiện chính kiến gì như kiểu Nguyễn Khải, Tô Hải...Thấy
một số nhà văn cũ phê phán những hiện tượng quái gở trong một vài quá
trình xã hội cũa thời “ấu trĩ” như cải cách ruộng đất, bắt đầu rất sớm với “Ly thân” của Trần Mạnh Hảo, ông cũng hòa vào trào lưu “Vết sẹo và cái đầu hói” để viết “Ba người khác”.
Chính sự nhếch nhác, thiếu văn hóa, cưa sừng làm nghé, rẻ tiền của cốt
truyện và chi tiết của tác phẩm là sự tự sát văn nghệ của ông. Sự hoài
niệm trân trọng dành cho ông như đã nói trên, cuối cùng là vì nghĩa tử
nghĩa tận, còn xét cân đong giữa món nợ tinh thần thời niên thiếu, với
những biểu hiện ba phải, thực dụng của ông suốt sự nghiệp làm văn nghệ,
đến tác phẩm cuối cùng đó, xem như đã chạm điểm zero của một trạng thái
trung hoà, sòng phẳng.
Ấy vậy mà có người ở quê tôi, đã so sánh, đánh giá ông là nhà văn có
tầm thế giới. Đó là hiểu biết, nhãn quan, tâm địa, và cái quyền của
người viết. Nó phụ thuộc vào tình cảm, sự có lợi của họ với những khẳng
định về ông và cũng phụ thuộc vào mẫu hình tầm cỡ thế giới trong kiến
văn của người ấy. Tuy nhiên, cũng với người viết nọ, thời vừa đổi mới,
họ cũng một mực ngợi ca Solzhenisyn, Akhmatova; nếu so sánh giữa những
nhà văn Liên Xô nọ với Tô Hoài trong bản lĩnh văn nghệ - chính trị của
họ, thì cũng thấy nhân cách của người viết ca ngợi Tô Hoài hôm nay cũng
không khác gì với chính nhà văn được ca ngợi. Nhưng vì sự ca ngợi chỉ
được xuất phát từ phía người thắng cuộc, được ăn nói gói đem về và để
lại phúc ấm cho con cháu, nên sự ca ngợi đó có thể đầu độc tương lai. Họ
đại diện cho bên thắng cuộc, đầu cơ vào sự thắng cuộc, ăn theo cửu vạn
vào quyền bính được thiết lập sau thắng cuộc, họ muốn nói sao cũng được,
về Phạm Duy, về Trịnh Công Sơn, về Tô Hoài, miễn là cách nói đó vừa thể
hiện sự hiểu biết (nhiều khi chắp vá), thể hiện sự bao dung nghệ thuật
nghệ sĩ của họ, và quan trọng nhất, là an toàn và có lợi cho họ trong
thời điểm phát ngôn. Họ toa rập vào những hoạt động văn nghệ quan phương
để làm những việc quyền uy hết sức vô ích như việc xét cho bài hát này
nọ của các tác giả thua cuộc được hát, trong khi vô số những đám cưới,
tiệc tùng khắp Nam - Bắc mà họ có dự, “nhân dân” người ta hát
trướng lên inh ỏi. Do vậy, cái chết của Tô Hoài, sự ca ngợi Tô Hoài theo
kiểu quyền uy thắng cuộc cũng chỉ chứng minh rằng, ngay trong đời sống
văn nghệ của đất nước, cuộc hoà giải hoà hợp dân tộc cũng khó thực hiện.
Tô Hoài, dù được đánh bóng như thế nào, thì từ thuở cách mạng thành
công, không đại diện gì cho tâm hồn Việt, cho văn nghệ Việt, cũng như Y
Moan, từ miền bắc về, mang theo ân sủng cách mạng dành cho và giọng bắc
thứ thiệt, sáng tác và hát những bài hát âm điệu Tây Nguyên, thì cũng
chỉ là con chim Tây Nguyên tự nguyện ở trong lồng để được ân sủng, còn
khi hát “Khi cha nói với con về đảng…, khi anh nhắc với em về đảng…”
thì anh không đại diện gì cho tâm hồn Êđê, tâm hồn Tây Nguyên cả. Anh
cũng chỉ là một hệ quả, sản phẩm từ sự thất bại của một quá trình sai
lầm của lịch sử dân tộc, góp phần vào tính trạng không thể hoà hợp hoà
giải nói trên.
Trà Giang