Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Thí nghiệm của Facebook dấy lên sự lo ngại về kiểm soát tâm trí người dân quy mô lớn

Mạnh Nguyễn, Tech in Asia

144147602-1.jpg
Ảnh minh họa
Trong tháng 6/2014, các nhà nghiên cứu tại Facebook đã công bố kết quả nghiên cứu về độ phụ thuộc của cảm xúc người dùng Facebook đối với news feed của họ. Thí nghiệm này giúp nhiều nhà xã hội học hiểu thêm về con người nhưng cũng khiến dư luận thế giới lo ngại, vì khả năng kiểm soát cảm xúc người dùng sẽ đem tới cho Facebook quyền năng rất lớn.
1. Giới thiệu thí nghiệm của Facebook
Thí nghiệm được Facebook kết hợp với các nhà khoa học tới từ Cornell và đại học của California thực hiện trên gần 700.000 người dùng Facebook trong vòng 1 tuần, từ ngày 11 – 18/1/2012. Trong thí nghiệm này, Facebook lọc trên 3 triệu Feed của người dùng – những comment, ảnh, video mà bạn bè của bè của họ đăng tải lên mạng xã hội và giấu đi một số feed liên quan tới cảm xúc nhất định.
Thí nghiệm cho thấy, khi giảm số feed liên quan đến cảm xúc tiêu cực đối với một người dùng thì người đó đăng tải ít status liên quan đến cảm xúc tiêu cực hơn, và đăng tải nhiều status tích cực hơn. Ngược lại, khi giảm số feed tích cực đối với một người dùng, người đó đăng tải ít status tích cực hơn, và đăng nhiều status tiêu cực hơn.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng trạng thái cảm xúc có thể chuyển từ người này sang người khác thông qua “lây nhiễm cảm xúc”, khiến con người trải nghiệm cùng một cảm xúc mà không nhận ra mình đã bị tác động như thế nào. Sự lây lan này xảy ra ngay trong môi trường số mà không cần tương tác giữa mọi người.
Thí nghiệm có ý nghĩa to lớn đối với các nhà tâm lý học và xã hội học, vì nó trả lời được nhiều câu hỏi gây tranh cãi như: lây lan cảm xúc có nhất thiết cần thông điệp phi ngôn ngữ hay tương tác giữa hai người, lây lan cảm xúc có phải chỉ là một hành vi thích nghi, khi nhìn thấy nhiều nội dung tích cực của bạn bè thì con người thấy vui hay thấy ghen tị…
2. Những lo ngại về thí nghiệm của Facebook
Các luật sư, chính trị gia, và các nhà hoạt động Internet cho rằng thí nghiệm này của Facebook là rất đáng lo ngại. Gregory S. McNeal, chuyên gia về chính sách liên quan tới công nghệ, tội phạm và quyền bảo mật đã viết trên Forbes: Facebook có khả năng khiến bạn cảm thấy vui hơn hoặc buồn hơn thông qua điều chỉnh thứ hiện lên News feed của bạn…từ đó, Facebook sẽ không phải đợi tới những thời điểm nhất định để đưa ra những quảng cáo liên quan tới cảm xúc nữa.
Hiệp hội tâm lý học Mỹ (APA) cho rằng Facebook đã vi phạm quy định của liên bang về bảo vệ quyền con người trong nghiên cứu tâm lý – xã hội học. Đối với thí nghiệm liên quan đến lừa dối người tham gia như thí nghiệm của Facebook, người tham gia cần được thông báo về thí nghiệm. Tuy nhiên, công ty này không hề nhắc tới việc thông báo tới 689.003 người dùng bị thay đổi News Feeds, ngay cả khi nghiên cứu đã kết thúc.
Jim Sherridan, bộ trưởng lao động của Anh và thành viên của ban phương tiện truyền thông còn nói: “Đây là một hành động có ảnh hưởng lớn và cần được chính phủ kiểm soát… Tôi lo ngại về việc quan điểm chính trị của người dân sẽ bị điều khiển”. Trong tuần này, quốc hội Anh nhận được yêu cầu phải điều tra cách mà Facebook và các mạng xã hội khác đã kiểm soát tình cảm và tâm lý của người dùng bằng cách thay đổi thông tin cung cấp cho người dùng.
Tóm lại, các lo ngại đều liên quan tới quyền năng quá lớn của Facebook cũng như vấn đề đạo đức đối với hành vi của công ty này. Clay Johnson, sáng lập viên của công ty Blue State Digital, thực hiện chương trình tranh cử cho Barrack Obama năm 2008 thậm chí còn cho rằng khả năng kiểm soát cảm xúc của người dùng giúp Facebook tạo nên các cuộc bạo động, hay chi phối kết quả bầu cử…
3. Phản hồi của Facebook về vụ việc

Facebook cho rằng mình không vi phạm pháp luật khi thực hiện nghiên cứu này, vì khi đăng ký tài khoản, người dùng đã đồng ý với điều khoản trong chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook cho phép công ty này sử dụng dữ liệu nhằm thực hiện nghiên cứu và nâng cấp dịch vụ.
Trong báo cáo của nghiên cứu cũng nói rõ: phần mềm dùng để đếm các từ ngữ liên quan tới cảm xúc tích cực và tiêu cực được chạy tự động nên người nghiên cứu không nhìn thấy bất cứ từ khóa nào, tuân thủ đúng theo chính sách của Facebook. Trả lời các câu hỏi của cộng đồng, một phát ngôn viên của Facebook nói: ”Mục đích của thí nghiệm là nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và cung cấp thông tin cho người dùng một cách phù hợp nhất… Chủ yếu thí nghiệm để hiểu thêm về cách người dùng phản hồi đối với các loại nội dung liên quan tới trạng thái cảm xúc khác nhau mà họ nhận được từ bạn bè cũng như các trang họ theo dõi.”
4. Ý nghĩa của nghiên cứu
Mặc dù nghiên cứu này đưa tới cái nhìn sâu sắc về cách chúng ta sử dụng Facebook, nó cũng khiến cộng đồng ngày càng lo ngại về quyền năng của các tập đoàn lớn như Google và Facebook đối với cuộc sống của từng cá nhân. Thí nghiệm dấy lên các câu hỏi vẫn chưa được trả lời thỏa đáng: việc thay đổi thuật toán để tối ưu hóa lợi nhuận được phép không? đâu mới là môi trường không bị kiểm soát? đâu là hành động có đạo đức của công ty? Trong hiện tại, chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng: môi trường mạng xã hội luôn được kiểm soát, và chúng ta hầu như không nhận ra sự kiểm soát này.

Nguồn: Tech in Asia

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"