Đinh Xuân Huy/BVN
Từ khi xem xong tác phẩm điện ảnh Người nhện (Spider man – phần 1), tôi luôn bị ám ảnh bởi bộ phim này. Không phải bởi vì khả năng siêu việt của anh chàng Peter Parker (nhiều nhân vật của Hollywood có khả năng đáng ngưỡng mộ không kém), mà là tình huống khi người chú của Peter (Ben) bị tên cướp đâm chết, một phần lý do là Peter không ngăn cản tên này chạy trốn.
Dân tộc Việt Nam cũng đang phải nhận hậu quả như Peter và chú Ben đang nhận. Peter và chú Ben có thể là bạn, là tôi, là tất cả chúng ta. Tôi xin dẫn chứng một số việc để chứng minh:
Anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nổ súng chống lại vụ cưỡng chế. Anh và một số người thân (giống Peter và Ben) bị tù đày, công sức làm việc bao nhiêu năm không được đền đáp. Có bao giờ anh và người thân tự hỏi: phải chăng trước đây họ đã dung thứ những mầm mống bất công khi mà chúng hiện diện ở khắp nơi. Bạn bè, đồng bào anh gặp cái ác (“tên cướp”), anh có bao giờ tỏ thái độ để chống lại không?
Tôi nghĩ đến những bà con cô bác đang đem thân mình dầm mưa, dãi nắng ở vườn hoa, ở công viên, trước các trụ sở Cơ quan Công quyền nhằm đòi công lý trong tuyệt vọng. Họ chính là Peter và Ben trong bộ phim của Hollywood. Còn “tên cướp” là ai? Là cơ chế, là các quan chức trong bộ máy Nhà nước, là những bất công mà họ không phản đối để đến bây giờ “tên cướp” đó thực sự gây tai họa.
Mùa bão lũ năm ngoái, có 2 cô giáo khi qua con suối bị nước lũ dữ cuốn trôi. Đau xót vô cùng. Nhưng có ai nghĩ rằng họ cũng là những người như Peter và chú Ben. Còn “tên cướp” là những kẻ đốn rừng, những người mua bán những mặt hàng từ các cánh rừng đó, sau một thời gian đã biến hóa thành dòng lũ kia. Khi bạn nhìn thấy những bộ bàn ghế làm ra từ các cây gỗ khổng lồ, bạn trầm trồ thán phục, bạn mong ước sở hữu chúng, nhưng bạn có biết rằng chính vì điều đó đã góp phần làm ra những cơn lũ dữ cuốn bạn bè, người thân của bạn không?
Năm ngoái, chúng ta có cơ hội để nói lên ý kiến về bản Hiến pháp do Nhà nước soạn thảo và công bố. Đa số (phải nhấn mạnh là gần như toàn bộ) bạn bè, người thân của tôi đều không dám nói lên suy nghĩ thực sự của họ. Họ lấy lý do là có nói lên cũng vô ích mà thôi, rồi còn bị để ý. Nếu làm trong Nhà nước sẽ bị trù trập, là tư tưởng không vững vàng, là gánh chịu vô số điều phiền toái khác. Khi tôi nói lên suy nghĩ của mình, họ lên tiếng khuyên tôi không nên làm như vậy, vì chẳng thay đổi được điều gì. Tôi tôn trọng ý kiến của họ nhưng không đồng ý. Tôi cũng chính là nhân vật Peter yếu đuối và run lên trước những nỗi sợ vô hình, để rồi sau này con cháu tôi sẽ là nhân vật “Ben” gánh chịu hậu quả của tôi. Tôi không muốn con cháu tôi sau này phải sống cuộc sống như chúng tôi đang sống: “Ức chế” vì mọi thứ. Tầng lớp trẻ con thì bị giáo dục theo kiểu nhồi sọ và học vẹt, những kiến thức không thể và không cần thiết cho cuộc sống. Lớn lên đi học đại học cũng chẳng khá hơn, rồi ra trường với một mảnh bằng trên tay làm thế nào để xin được việc? Rồi con tôi lại tốn một số tiền “bôi trơn” để xin một công việc nhẹ nhàng, ổn định ư? Nếu số phận không may lại đi làm công nhân trong các Khu Công nghiệp mà không nhìn thấy được tương lai phía trước (xin lỗi nhưng tôi thực sự nghĩ như vậy). Ra đường thì bị công an thổi phạt cho những lỗi giao thông mà ai cũng phạm phải. Có khi đang ngủ trong nhà nhưng bị Công an đến bắt đi (không có lệnh tạm giữ) và “tự tử” khi ở trong phòng giam. Tôi không muốn con cháu tôi phải như thế.
Nhưng đa số người dân Việt Nam lại chọn thái độ im lặng, để cho vô số áp bức, bất công có cơ hội phát triển. Cuộc sống của chúng ta, của con cháu chúng ta do chúng ta quyết định. Nếu một ngày nào kia “tên cướp” trong “Spider man” quay trở lại để gây nên đau khổ thì chúng ta còn biết oán thán ai?
Bạn nói với tôi sẽ có ngày, Peter sẽ trở thành Spider man và trừng phạt cái ác, mang lại hòa bình và công lý cho mọi người. Nhưng phần sau của bộ phim đúng là chỉ có trên phim ảnh thôi các bạn ạ. Chúng ta mãi sẽ không trở thành Spider man để làm được điều đó đâu. Vậy nên cách duy nhất chúng ta có thể làm là ngăn chặn, là phản đối bất công ngay khi sức chúng ta còn khả năng phản đối được.
Đ.X.H