Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Cho C. và những người bạn đất Bắc của tôi
Câu chuyện kỷ niệm 60 năm về hành trình đến miền Nam của hơn một
triệu người trôi qua lặng lẽ. 20 tháng 7, 1954 trở thành lịch sử thế
giới, nhưng chưa bao giờ đủ với những câu chuyện kể về số phận và suy
nghĩ của riêng người Việt. Tôi chờ đọc một áng văn nào đó, nói về suy
nghĩ của những người miền Nam khi nhìn thấy dòng người Bắc Kỳ này, khi
họ đến đồng bằng, chảy về thành phố, nhưng không thấy. Tràn ngập những
bài viết chỉ là nỗi nhớ tha hương, là ký ức và lòng kiêu hãnh của những
người tìm tự do từ phía Bắc. Vì vậy, tôi muốn ghi ra chút ít ở đây, về
cái nhìn của một người miền Nam, về cha mẹ, ông bà của bạn bè Bắc Kỳ, dù
họ còn hay đã mất.
Hai tiếng “Bắc Kỳ” xuất hiện trên miệng trẻ con miền Nam, và cả của
tôi, suốt một thời gian dài, chỉ là sự trêu chọc ban bè cùng lứa, vì một
kiểu ngữ âm rất khác mình. “Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị
ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”. Chỉ khi tạm đủ
chữ trong đầu, biết thêm về đất nước này, hai chữ “Bắc Kỳ” trong tôi mới
thật sự thay đổi. Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người miền Nam hời
hợt kỳ thị đã tự làm cho mình bớt xấu hổ bằng cách lập ra những hạng mục
khác như Bắc kỳ 9 nút (54), Bắc kỳ 2 nút (75)… để bày tỏ rõ hơn trong
nhìn nhận.
Nhưng không đủ.
Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một
giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một
cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng
vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả nhưng vậy. Ở
mọi miền, Nam hay Trung hay Bắc, người ta cũng đều có thể nhìn thấy kẻ
vô lại trong giống nòi, nhưng sự khó khăn nhìn nhận luôn thường dành cho
phía Bắc, như một ám chỉ về một vùng đất phải chịu sự khác biệt về
chính trị trong nhiều năm, như đã ám toán mọi sinh lực sống bình thường
của con người.
Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất
nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy. Họ đại diện
cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của
mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã
viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).
60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình
được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản
di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang
đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời
nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.
Cả miền Nam sau 1954 cần phải có một lời cám ơn văn chương Bắc Kỳ,
âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của
cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam. Nền văn hóa ngắn ngủi nhưng
đủ trường tồn và mạnh mẽ vượt qua một chướng ngại, tồn tại trong lòng
người từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam và trên cả thế giới. Cùng với
những người anh em từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, những người Bắc đó đã
làm tất cả để bù đắp, để dựng xây… cho thỏa sức, việc họ rời bỏ rất xa
quê nhà, thậm chí trơ trọi, chỉ để đổi lại hai chữ tự do.
Rất nhiều năm sau đó, con cháu của những người bắc 54 cũng lớn lên ở
miền Nam hay vượt đại dương đến nơi nào đó, không ít người trong họ vẫn
âm thầm mang theo một bản di chúc có thể sống mãi đến nhiều thế hệ sau
về tự do, và chọn lựa vì tự do. Trong một lần ở Mỹ, tôi nghe phát thanh
viên của một đài radio người Việt bình luận về một nỗi nhớ quê nhà Hà
Nội. Nhớ con đường quanh Hồ Gươm, nhớ con hẻm có bán canh bún nhỏ… Giọng
Bắc của anh ta trầm buồn như mới ngày hôm qua còn nhìn thấy những thứ
đó, trong khi tôi biết rõ anh chưa về Việt Nam một ngày nào kể từ sau
1975. Sau lần phát thanh đó, gặp anh, tôi trêu là sao anh nói cứ như là
cứ vừa ở Việt Nam về. Đột nhiên giọng anh trầm lại “Phải cố gắng nhớ dù
chỉ là tưởng tượng lại. Phải nhớ như nhớ lời của ông bà mình xua mình
xuống tàu, trối dặn mình phải sống với tự do”. Tim tôi như thoáng ngừng
đập trong tíc tắc. Dòng người mờ ảo trong những cuốn phim tài liệu trắng
đen về số phận Việt Nam chia cắt ập về. Tôi cũng nhận ra rằng bản di
chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà chia lại
cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta được nhận.
Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn
thấy di sản của cha ông gửi lại qua bản di chúc không thành văn này.
Tôi nhìn thấy người bạn trẻ của tôi, con một người Bắc di cư, nay
sống ở Biên Hòa, đưa một tấm ảnh kỷ niệm 60 năm người Bắc xuống tàu vào
Nam. Khi bên ngoài người ta nói về những điều lớn lao như hiệp định
Genève và các chính quyền, thì cũng có một dòng người không nhỏ đưa lại
những hình ảnh thuộc về con người. Có những tấm ảnh khiến mình phải lặng
đi khi thấy cụ già bước gấp vào Nam, hành lý trên tay quý nhất chỉ là
tấm hình Đức Mẹ. Người bạn trẻ của tôi đưa lên tấm ảnh người ta chen
chúc chia tay nhau ở một bến tàu. Khó mà biết được ông bà hay cha mẹ của
anh đã có mặt ở đó hay không, trong những chấm li ti như cát bụi. Bản
thân người bạn trẻ đó thì giờ cũng là phần li ti trong hàng triệu người
Bắc 54 đã lớn lên, đã thành đạt ở miền Nam này hôm nay.
Và tôi nhận ra rằng, bản di chúc tự do đó cũng vẫn đang âm thầm trong anh, như bao phần li ti đang trỗi lên, trên đất nước này.