Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Ngoại giao lôi kéo và tranh thủ

Phạm Kỳ Đăng
Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 kéo vào sâu lãnh hải biển Đông vấp phải sự chống đối quyết liệt của người dân Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước bị Trung quốc khóa chặt các huyệt trọng yếu, cứng họng một thời gian dài, chỉ có Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối kịp thời và kiên quyết nhất.
Giới am hiểu thời cuộc, cho rằng ngoại giao là kênh duy nhất để tranh đấu, „Kẻ yếu thì không có bao nhiêu vũ khí trong tay, ngoại trừ việc dựa vào ngoại giao và luật quốc tế“ – nhà nghiên cứu Carlyle Theyer bình luận. Các nước hầu như không can dự một lời, dẫu rằng Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược với 14 nhà nước gì đó, nhiều trong số đó cả cường quốc. Có điều Việt Nam, từ lâu khẳng định muốn hội nhập, đều không có tiếng nói tương thanh và những thiết chế tương ứng để giao lưu và liên thông với thế giới văn minh - dân chủ, thật vô lý cho đến hôm nay vấn cố duy trì sự lệch pha về tổ chức và nhân sự đối với các đối tác chiến lược còn lại, trừ Trung quốc.
Các nước hợp tác ấy có muốn bắt tay với Việt Nam cũng không dám, vì các bộ các sở của họ chìa tay tới các cơ quan tương nhiệm của Việt Nam, có khả năng lớn là nắm phải bộ phận đầu Ngô mình Sở, và các quan chức của họ muốn mời chủ nhân đồng cấp sang thăm viếng, lắm khi đón phải con hoang. Thêm một cản trở cực lớn, các nhà nước đối tác với Việt Nam phải dè chừng Trung quốc. Trung quốc, tham lam, ngạo mạn và hung đồ không kém gì phát xít, là đối tác chiến lược uy quyền nhất mà lãnh đạo Việt Nam phải triều kiến trước khi đi lại với các nước khác.

Bộ ngoại giao Việt Nam cũng là một thứ đầu Ngô mình Sở đó trong thúc ước luôn luôn phải hoạt động theo cơ chế phản ánh và nhận chỉ thị. Kênh hoạt động này vô cùng hẹp, trong nhiều trường hợp có thể nói là vô tác dụng nữa. Bộ trưởng từ thời sau ông Nguyễn Mạnh Cầm thôi không còn là ủy viên Bộ chính trị, theo tôi hiểu còn đứng thấp hơn ông Trưởng ban đối ngoại của Ban chấp hành trung ương Đảng. Thế cho nên, kiện toàn thành một bộ máy cờ xí kèn quạt rợp trời, các quan chức ngoại giao có hàm bậc cũng mũ áo cân đai, giầy bóng, kính mát đủ đường, người Bộ trưởng bộ ngoại giao vẫn không thực hiện được đúng chức trách của một Ngoại trưởng. Như thể cơ quan này thân một nơi, đầu một nẻo, người đứng đầu trên chặng công vụ rất dễ bị túm tóc gạt sang bên. Trong quá khứ ta đã chứng kiến ông Lê Đức Thọ bất ngờ sang Paris thay vào vị trí ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Xuân Thủy bên bàn đàm phán, và gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ đích danh mời Bộ trưởng Phạm Bình Minh, và thật trái khoáy, sang thăm Mỹ là ông Phạm Quang Nghị.
Và cũng chỉ là một cơ quan nhận chỉ thị, nên trong rất nhiều trường hợp như vừa qua, lời tuyên bố phản đối Trung quốc xâm lấn lãnh hải của Bộ ngoại giao, sớm bị phản thùng bởi diễn ngôn của ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh tại diễn đàn Shangri-La và bởi lời tuyên bố của ông đại sứ của Việt Nam Lê Hoài Trung tại Liên Hiệp Quốc đang có nhã ý làm trung gian hòa giải xung đột Trung quốc - Việt Nam, cũng là nơi ngành ngoại giao vươn ra xa nhất. Và cất cao tiếng nói ra thế giới bên ngoài, dù có cố gắng khẩn nài tới mấy, Việt Nam vẫn bị nghi ngờ là quốc gia thiếu lòng thành thật.
Trước chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị, đúng trong lúc sự kiện giàn khoan trở thành sự đã rồi và có chiều hướng lắng xuống, báo chí chính thống rộ lên mấy bài về sự nghiệp và con người ngoại giao của vị bộ trưởng giải vây Nguyễn Cơ Thạch. Có người đánh giá, đây là hành vi nâng cao vị thế bên chính phủ, của phủ chúa hay là của một nhóm lợi ích thân Mỹ. Các cách diễn giải này đều phù hợp với hiện trạng tranh giành quyền lực trên tầng cao nhất. Nhưng tôi cho rằng, hơn thế, đây còn là nỗ lực đòi vươn tới đúng chức năng của một cơ quan cấp bộ độc lập đang đóng vai trò quan trọng, trong tình thế Việt Nam bị vây khốn chỉ có thể đấu tranh bằng luật pháp quốc tế.
Kể cũng khó đấu tranh bằng ngôn ngữ của những „lên án“, bác bỏ“, tố cáo“ cũng như „hoan nghênh“, cổ vũ“. Và giữa những phát ngôn là tình trạng lờ đờ khó hiểu, khi nhà nước Việt Nam, từ dạo được Liên Xô và Trung quốc công nhận về ngoại giao vào năm 1950, phần lớn bỏ phiếu theo Trung quốc, và nhiều thập niên theo đuôi những nước này bỏ phiếu trống đối với các quyết định của Liên Hiệp Quốc.
Cho đến nay ngành ngoại giao luân phiên thay đổi vai tuyên giáo, lúc đóng vai công tố, lúc nó đóng vai môi giới hay tháp tùng. Lĩnh vực ngoại giao cũng được đưa lên làm mặt trận, như những mặt trận giáo dục, mặt trận văn hóa, chỉ thiếu nước giống Mặt trận Tổ quốc về mặt tổ chức. Tin tức từ mặt trận báo về dĩ nhiên toàn là thắng lợi vẻ vang.
Sau này lật lại những hồ sơ về Hội nghị Geneva, Hòa đàm Paris v.v., người khách quan ngoài cuộc chỉ thấy được cùng lắm là những thắng lợi vớt vát, trong một cục diện thê thảm bày ở bàn cờ đại cường nhân nhượng với Trung quốc bắt dân tộc Việt Nam trên hai miền chịu phần đớn đau, thua thiệt.
Có thể trên „mặt trận ngoại giao“, đôi khi lóe lên một vài điểm sáng nào đấy. Nhưng những điểm sáng này thường đi đôi với hỏa hoạn trên một tấm vi mạch rằng rợ, bế tắc, phát cháy từ những mạch chập.
Ngoại giao tranh thủ lôi kéo có bao giờ được phép nói ngôn ngữ trung thực. Cũng như Đảng chỉ đạo nó xưa cướp chính quyền với lời hứa „người cày có ruộng“, rồi nuốt lời gần 70 năm nay. Hướng ra bên ngoài, ngoại giao phải khẳng định lập trường, diễn ngôn các chính sách, chỉ thị của tập thể não trạng cá sấu, u mê và độc đoán, chỉ thích nghe lời phỉnh nịnh lọt lỗ tai mình. Ở chiều ngược lại, những góp ý, phê phán từ thế giới bên ngoài cũng phải được quan chức ngoại giao bỏ đi hoặc „phiên dịch“ lại cho vừa tai kẻ quyền thế, bởi thực tế, độc tài có coi ai ra gì.
Nhà ngoại giao mang tầm vóc lịch sử Metternich có câu nói sâu sắc: „ Ý kiến công luận, cũng như tôn giáo, là phương tiện quyền lực mạnh nhất, tự nó xâm nhập vào góc khuất nhất, nơi các chỉ thị của chính phủ mất đi mọi ảnh hưởng“.
Một nền ngoại giao loại trừ công luận, loại trừ tự do báo chí, ngôn ngữ của xã hội dân sự là một nền ngoại giao thất bại. Nhà nước đói nghèo lạc hậu, và quan trọng hơn, đàn áp nhân quyền và tự do báo chí, có gì đâu mà chào mời, quảng bá. Cho nên hành vi ứng xử của nhà nước này đối với bên trong và bên ngoài xoay trên những thao tác phù hợp với vị thế cô lập: dân vận, xin xỏ, tranh thủ và lôi kéo. Như vậy lề lối ngoại giao ra đời từ sự bế tắc của nền độc tài bạo ngược. Tiếng nói của Bộ ngoại giao đến nơi xa nhất cũng bị gọi giật trở lại bởi chỉ đạo từ nhà ém trước ở đó bật lên phản thùng. Nói đến những bước tiến của ngoại giao ư? Bộ ngoại giao như con giáp xác không đầu vận động loằng ngoằng, giẫy giụa trong những xúc tu thò ra, cuốn giật trở lại của mình.
Làm thế nào để ngoại giao thật sự là một môi trường mở? Mở một trang Bộ ngoại giao, tôi đọc thấy phần viết về nhiệm vụ của Bộ: „Thu thập thông tin, nghiên cứu phân tích, tổng hợp tình hình các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cánh tả, các phong trào độc lập và giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng và tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền trên thế giới; dự báo tình hình quốc tế, đề xuất kịp thời những đối sách của Đảng ta“. Nếu nhiệm vụ ngoại giao được hoạch định như vậy, tôi có cảm giác các nhà ngoại giao Việt Nam đang chăm chú xây dựng quan hệ chủ yếu với những người rơm và sự nghiệp giải vây cho Việt Nam vẫn còn ở xa phía trước.
© P.K.Đ
Bài đã đăng trên Bauxite VN
Chú thích của tác giả:
(1) „ Die öffentliche Meinung ist, wie die Religion, das stärkste Machtmittel, das selbst in den verborgensten Winkel dringt, wo Regierungsanweisungen jeden Einfluss verlieren“ - Klemens Wenzel Lothar von Metternich (1773-1859): Bá tước Metternich, chính khách, nhà ngoại giao người Áo đóng góp lớn vào sự cân bằng các thế lực và thiết lập trật tự mới của châu Âu trên Đại hội Viena 1813, sau khi lật đổ Napoléon Bonaparte.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"