QUẢNG NINH 25-7 (NV)
Kế hoạch giao vịnh Hạ Long cho một nhà thầu để quản lý và khai thác vịnh
Hạ Long trong 10 năm đang bị nhiều người, nhiều giới chỉ trích.
Một góc vịnh Hạ Long – nơi mà nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh dự tính bán quyền quản lý, khai thác. (Hình: Internet)
Ngay sau khi nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh công bố kế hoạch tổ
chức đấu thầu quản lý và khai thác vịnh Hạ Long, Bitexco – một tập đoàn
tư nhân tại Việt Nam lập tức trình dự án xin trực tiếp quản lý và khai
thác vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trong 50 năm. Bitexco hứa sẽ trả cho
chính quyền tỉnh Quảng Ninh 4,700 tỷ đồng.
Theo nhiều nguồn tin, Bitexco lúc đầu là một doanh nghiệp kinh doanh
nước uống đóng chai. Sau khi trở thành “sân sau” của nhiều viên chức
đảng viên CSVN có quyền có thế, Bitexco nhảy vào kinh doanh bất động
sản, thủy điện và đang là chủ khá nhiều cao ốc ở khu vực trung tâm Sài
Gòn.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế
Fulbright, cho rằng việc giao một di sản hay một phần của một quần thể
di sản cho tư nhân quản lý và khai thác không phải là mới, ngay cả ở
Việt Nam. Tỉnh Quảng Bình đã từng giao động Thiên Đường, một phần của di
sản Phong Nha - Kẻ Bàng cho Tập đoàn Trường Thịnh quản lý, khai thác.
Nhìn chung, điều này thường đem lại hiệu quả cao cả ở phương diện
kinh tế lẫn bảo tồn di sản. Tuy nhiên ông Tuấn nhấn mạnh phải thận
trọng trong việc giao cho ai và giao như thế nào. Ông Tuấn tỏ ra băn
khoăn khi trước nay, Bitexco chưa bao giờ hoạt động trong lĩnh vực quản
lý, điều hành di sản.
Mặt khác, theo ông Tuấn, vịnh Hạ Long là di sản chung của Việt Nam
chứ không chỉ là di sản riêng của Quảng Ninh, do đó, việc cho khai thác,
sử dụng di sản này không nên để chính quyền tỉnh Quảng Ninh quyết định.
Ông Tuấn nói rằng, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên
và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam cần phải có ý kiến về vấn đề này.
Ông Tuấn còn nêu thắc mắc, tại sao đối tác nhận nhượng quyền quản lý
và khai thác vịnh Hạ Long lại cứ phải là Tập đoàn Bitexco mà không phải
là tập đoàn nào đó có kinh nghiệm về quản lý, khai thác du lịch, đặc
biệt là kinh nghiệm quản lý các di sản phục vụ du lịch nào đó nổi tiếng ở
Việt Nam hay trên thế giới.
Ngoài ông Tuấn, một số người đã gửi suy nghĩ của họ đến một số diễn
đàn điện tử, nhắc rằng, vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long không chỉ là
điểm du lịch. Khu vực vừa đảo, vừa biển này có diện tích hàng ngàn cây
số vuông và giữ vai trò hết sức quan trọng về mặt an ninh, quốc phòng,
ai quản lý khu vực này sẽ quản lý luôn “cổng” để vào Việt Nam từ phía
Bắc.
Trên thực tế, đây vốn đã và đang là điểm trung chuyển hàng buôn lậu
từ Trung Quốc vào Việt Nam, tổng trị giá lên tới vài chục tỉ Mỹ kim một
năm. Lấy gì bảo đảm sau khi được nhượng quyền quản lý, khai thác vịnh Hạ
Long, Bitexco sẽ không bán cổ phần cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi
trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã thường xuyên làm điều
này tại Việt Nam?
Trước hàng loạt thắc mắc, chỉ trích từ công chúng và báo giới, mới
đây, đại diện nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh cho biết, họ vừa nhận được
được văn bản của Tập đoàn Tuần Châu, đề nghị được tham gia đấu thầu
quyền quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long trong vòng 50 năm.
Bà Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long của tỉnh
Quảng Ninh, nói rằng, theo tình toán của cơ quan này, trong vòng 10 năm,
họ có thể thu vào cho ngân sách của tỉnh Quảng Ninh khoảng 6,000 tỉ,
cao hơn mức mà Bitexco hứa trả khoảng 1,300 tỷ. Thành ra theo bà Dương,
đề nghị của Bitexco là chưa hợp lý. (G.Đ)