Luật sư Ngô Ngọc Trai
Trong buổi tọa đàm giữa Đoàn luật sư Hà Nội và Đoàn luật sư thành phố
Pari của Pháp, cử tọa hết sức thán phục khi được biết Đoàn luật sư Pari
có lịch sử đã 800 năm.
Hãy hình dung, khi mà vua quan quân lính nhà Trần còn đang rong ruổi
thanh gươm yên ngựa để chống giặc, thì ở thủ đô Pari của nước Pháp, đã
có những người mặc áo lông choàng đứng ở phiên tòa mà biện hộ cho người
bị cáo.
Tức là khi ở Việt Nam sự sống còn của quốc gia dân tộc còn chưa được
đảm bảo chứ đừng nói gì đến quyền của kẻ tội nhân ở chốn công đường, thì
ở nước Pháp đã hình thành nên một thiết chế mà sự đúng đắn là bệ đỡ đã
giúp nó tồn tại cho tới tận ngày nay.
Vai trò thủ lĩnh
Suốt lịch sử 800 năm hẳn những người luật sư của Pari đã đối diện với
biết bao biến động thời cuộc. Để có thể vượt qua được mọi sóng gió như
thế, hẳn là có nhiều nguồn sức mạnh trụ đỡ.
Một nguồn sức mạnh cho nghề luật sư đó là nghề nghiệp này mang tính
chính đáng nghĩa hiệp, phù hợp với luân thường đạo lý con người khi một
người đứng ra bảo vệ cho kẻ yếu trước một sức mạnh áp đảo là cường
quyền.
Nhưng chỉ sức mạnh từ luân lý sẽ không đủ để đoàn luật sư Pari tồn
tại được cho tới ngày nay. Mà nó còn được dẫn dắt bởi những thế hệ người
thủ lĩnh đoàn với đầy đủ tư cách đạo đức và sự uyên bác về trí tuệ.
Những thế hệ người thủ lĩnh chắc chắn phải nhận được sự tín nhiệm của
các thành viên, được sự kính nể của cơ quan tư pháp đương quyền, có như
thế tiếng nói và hành động mới có trọng lượng và sức thuyết phục.
Ví như các vị vua đời đầu của nhà Trần hoặc vị anh hùng Trần Hưng
Đạo, hẳn là phải có kiến thức hiểu biết và phong độ uy tín như thế nào
mới có thể điều binh khiển tướng chống giặc ngoại xâm ba lần thành công.
Trong bất kỳ một tổ chức nào, vai trò của người thủ lĩnh đều rất quan
trọng, kinh nghiệm kiến thức của họ sẽ quyết định con đường mà tổ chức
sẽ đi. Nhưng đặc biệt trong giới luật sư, khi thước đo nghề nghiệp là uy
tín thương hiệu thì người đứng đầu càng phải là người có uy tín và danh
dự nhất.
Cũng chỉ đặc biệt ở nghề luật sư, sự thành công là ở khả năng thuyết
phục của lời nói, như thế thì điều tối kỵ là danh bất chính vì nếu thế
thì ngôn sẽ bất thuận. Không có uy tín, không được tín nhiệm thì nói ai
người ta nghe?
Sự áp đặt vô lý
Thấy được bề dày lịch sử của đoàn luật sư Pari như vậy, nhìn lại giới luật sư Việt Nam mà thấy buồn.
Nghề luật sư ở Việt Nam thực sự mới hoạt động từ vài ba chục năm nay,
số lượng luật sư cả nước tính đến nay chỉ khoảng 8000, con số rất nhỏ
so với các hội đoàn khác, ví như hội luật gia số thành viên là 46.000.
Giới luật sư cũng chưa tạo dựng được hình ảnh đáng trân trọng trong
xã hội. Nguyên do một phần vì hệ thống chính trị không coi trọng quyền
tư pháp, quyền tư pháp yếu hơn rất nhiều so với quyền lập pháp và hành
pháp, trong khung cảnh đó giới luật sư chịu chung số phận hẩm hiu.
Một nguyên nhân khác là sự yếu kém nội tại của giới luật sư mà chỉ
người trong nghề mới hiểu, nhiều người thờ ơ vô trách nhiệm, không có
bản lĩnh chính kiến trước các vấn đề của tổ chức, không có tinh thần dấn
thân cho nghề nghiệp.
Thời điểm năm 2009 khi Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập,
chính quyền đã sắp đặt để những người hầu như chưa bao giờ hành nghề
luật sư lại đứng đầu tổ chức luật sư cả nước. Những người chưa hề có uy
tín nghề nghiệp lại đứng trên cả những luật sư với thâm niêm mấy chục
năm hành nghề.
Đứng đầu tổ chức luật sư nguyên là một phó chánh án tòa án tối cao,
một người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư. Cấp phó thường trực
của ông này là một vị nguyên là vụ trưởng một vụ của Bộ tư pháp, một
người cũng hầu như chưa hề hành nghề luật sư.
Có thể họ tuy không hành nghề những cũng biết về nghề luật sư, nhưng biết với trải nghiệm là hoàn toàn khác nhau.
Những người chưa từng đổ một giọt mồ hôi lên các trang hồ sơ tài liệu
và chưa từng khóc thầm vì những trái ngang của cơ chế, họ làm sao thấu
hiểu những vấn đề của nghề luật sư?
Những người vì đã đến tuổi nghỉ hưu nên phải thôi chức ở cơ quan nhà
nước, rồi lại được cơ cấu sang đứng đầu một tổ chức khác, thì lấy đâu ra
nhiệt huyết cống hiến của những con người này.
Không sống bằng thu nhập nghề nghiệp, đã có nguồn thu nhập khác là
lương hưu, hy vọng gì họ sẽ trăn trở thao thức để vạch đường tìm lối cho
nghề luật sư phát triển?
Việc áp đặt nhân sự không chính đáng đã phạm phải vấn đề húy kỵ nhất
của nền tư pháp đó là sức mạnh thuộc về công lý và chính nghĩa chứ không
thuộc về cường quyền.
Xuất phát từ đâu mà chính quyền lại áp đặt lối nhân sự như vậy. Phải
chăng đó là thâm ý của chính quyền, áp đặt nhân sự kém năng lực để kìm
hãm giới luật sư trong trì trệ, níu giữ nền tư pháp nước nhà trong tăm
tối lạc hậu?
Còn nhiều khó khăn
Đứng trước sự áp đặt ngang trái như vậy nhưng hầu hết giới luật sư
đều im lặng, cũng có vài người không đồng tình nhưng cuối cùng cũng cam
chịu chấp nhận.
Chính quyền đã thiếu tôn trọng giới luật sư, người luật sư cũng vô
trách nhiệm với tổ chức của mình, không biết cái nào là nguyên nhân của
cái nào.
Tựu chung lại, giới luật sư đã thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Khi không bảo vệ được quyền lợi của chính mình thì luật sư còn bảo vệ được cho ai?
Bao nhiêu tổ chức hội đoàn trong xã hội có lúc họ cần được bảo vệ
quyền lợi, nhưng hẳn họ sẽ nghĩ là mấy người đó còn chẳng làm được gì ra
hồn cho tổ chức của họ, sao bảo vệ được cho chúng ta?
Nhìn vào chính cách hành xử của giới luật sư, xã hội sẽ dành cho mức độ tín nhiệm tương xứng.
Người dân không nghĩ đến luật sư đầu tiên khi gặp vướng mắc, họ sẽ tự
giải quyết lấy bằng cách nhờ vả người quen hay lo lót cán bộ chính
quyền. Chỉ khi sự việc rối tung lên và không tự giải quyết nổi họ mới
tìm đến luật sư.
Vì xã hội chưa tín nhiệm nên nghề luật sư ở Việt Nam không phải là
một nghề đem lại thu nhập cao. Trừ một vài thành phố lớn như Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh và trừ ra những luật sư đã thành công kiếm tiền từ
những mảng công việc khác rồi mới chuyển sang làm luật sư, số đông còn
lại đời sống còn nhiều khó khăn.
Ở các tỉnh, khi không vào được công chức nhà nước hoặc không được làm
tại các công ty lớn, nhiều người mới đành hài lòng với nghề luật sư.
Khi gặp gỡ trao đổi với luật sư các tỉnh, sẽ dễ dàng nhận thấy những
nét ưu tư trăn trở trên gương mặt, qua những câu chuyện sẽ thấy tâm
trạng bải hoải chán chường bế tắc.
Nhưng tất cả lại chỉ trông trờ vào sự thay đổi từ nơi khác, rất hiếm
người có bản lĩnh táo bạo thấy được sự thay đổi cần ở ngay nơi mình.
Làm thế nào?
Giới luật sư ở Việt Nam chưa cho thấy là một nghề nghiệp của những
con người có kiến thức thuộc tầng lớp trí thức nhận được sự tôn kính của
xã hội.
Lâu nay giới luật sư được vinh danh một phần là nhờ hào quang quá khứ
của giới luật sư thủa xưa vốn được nhân dân gọi là “thầy cãi”. Một phần
là vay mượn giá trị của người luật sư phương Tây qua những bộ phim hình
sự truyền hình.
Giới luật sư Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc để xứng với kỳ vọng của xã hội về nghề luật sư.
Lâu nay các luật sư mới chỉ có thói quen vận dụng các quy định pháp
luật hiện tại, không mấy ai đặt câu hỏi tại sao luật lại quy định như
thế này mà không phải thế khác, để tạo cơ chế thông thoáng cho người dân
và doanh nghiệp, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân.
Đứng trước quy định bất cập của pháp luật, khi tháo gỡ cho khách hàng
nhiều luật sư chỉ biết luồn lọt sao cho được việc mà không mấy ai quan
tâm đấu tranh để loại bỏ quy định bất cập ấy.
Ngay với những vấn đề liên quan đến quyền lợi của giới mình, như có
những luật chưa tạo điều kiện để giới luật sư hành nghề, nhưng giới luật
sư cũng không có tiếng nói phản ánh.
Gần gũi hơn nữa là công tác nhân sự của tổ chức luật sư, nhiều luật
sư cũng chẳng thèm quan tâm, nhiều luật sư cho rằng họ vẫn hành nghề tốt
mà chẳng cần biết đến ai là người đứng đầu tổ chức của họ.
Đó thực sự là lối suy nghĩ làm việc của đông đảo luật sư Việt Nam, không quan tâm đến tổ chức.
Và đó là cách làm nghề không bền vững và không có tương lai.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính