Patrick
Thời trung học cơ sở tôi vẫn được dạy rằng Việt Nam là một đất nước
nông nghiệp có nền văn minh lúa nước với 90% dân số làm nông nghiệp, còn
bây giờ, tôi xin mượn cách diễn tả trên để nói rằng Việt Nam có nền văn
hóa xe máy vì trên 90% dân số Việt Nam chắc hẳn đều đi xe máy hoặc chí
ít thì cũng sở hữu một cái xe máy. Xe máy hiện diện trên tất cả ngóc
ngách của đất nước này, từ chốn thành thị đến vùng nông thôn, từ miền
núi tới miền xuôi, ở các đô thị xầm uất nhất cho tới các buôn làng xa
xôi hẻo lảnh. Sự hiện diện của xe máy phổ biến tới mức nếu coi nó là một
nét văn hóa thì cũng khó có thể phủ nhận.
Vậy tại sao văn hóa xe máy và tư duy tiểu nông lại được xếp cạnh nhau?
Xe máy là một trong những “chiếc neo” đang kéo cả một đất nước Việt
Nam đi chậm lại bởi vì nó khiến cho con người ta có lối suy nghĩ và hành
động tiểu nông và gián tiếp gây ra hậu quả cho toàn bộ lĩnh vực kinh tế
và xã hội.
Thứ nhất, xe máy là thủ phạm của tư duy làm ăn manh mún. Xe máy rất
tiện, bạn có thể đỗ mọi nơi, dừng mọi lúc, bất kể không gian như thế
nào. Bạn có thể dừng ngay giữa ngã tư để mua một vài cân hoa quả, dừng
ngay đầu ngõ để mua cân thịt, mớ rau và thế là một cái chợ cóc hình
thành nên với chất lượng an toàn thực phẩm không thể kiểm soát được. Nếu
mọi người đi ô tô, chúng ta sẽ không thể tùy tiện mua ở bất kỳ đâu,
phải vào siêu thị, đó là nơi con người làm việc một cách chuyên nghiệp
từ tất cả các khâu từ cái bãi đỗ xe, bán hàng, marketing rồi đến chăm
sóc khách hàng.
Cái giá phải trả cho sự bất tiện là sự văn minh trong cách đối xử
giữa người với người chứ không phải cảnh chửi bới nhau chì vì cân sai,
cân lệch, làm ăn chộp giật và tư tưởng kinh doanh tiểu nông như dân gian
vẫn gọi “cái lũ đầu đường xó chợ”. Xe máy ảnh hưởng đến thói quen sống
và hành động của chúng ta từ những cái nhỏ nhất.
Thứ hai, xe máy là thủ phạm của việc quy hoạch thiếu tầm nhìn. Chẳng
có gì sai khi tôi cho rằng xây dựng ở Việt Nam hiện nay là nội nồi lẩu
be bét với đủ các thể loại kiến trúc, những con ngõ nhỏ và sâu tới mức
không thấy ánh sáng mặt trời mà giá bán thì trên cũng trên “trời” luôn.
Thủ phạm chẳng phải ai khác, đó chính là xe máy, sở dĩ bạn có thể sẵn
sàng bỏ cả đống tiền ra để mua một ngôi nhà trong nội đô thành phố bởi
vì nó gần, tiện đi lại, điều đó bắt nguồn từ việc bạn chẳng có ô tô. Nếu
bạn có ô tô, một ngôi nhà ven đô thành phố cách 15km vào trung tâm, tôi
nghĩ cũng chẳng hề hấn gì, nhưng bởi vì mọi người đều đi xe máy, nên
giá nhà nội đô thì vẫn cứ cắt cổ mà môi trường sống thì như thế đó, thật
là tồi tệ.
Tôi cũng đã tự hỏi tại sao các nhà làm quy hoạch không thể vẽ ra
những con đường to hơn, với tám hay mười làn xe như Mỹ, EU, Trung Quốc,
mà ở Thái lan, Singapore cũng như vậy rồi, Việt Nam rồi 10 năm nữa cũng
thế thôi, những con đường đó sẽ bị phủ kín bởi các khu dân cư, rồi tắc
đường ở đó sẽ diễn ra, không lẽ chúng ta lại làm lại chúng, mở rộng lòng
đường lẫn vỉa hè với giá cắt cổ như đường Kim Liên ở Hà Nội. Tôi nghĩ
về câu trả lời thì thấy rằng thì ra là họ (những người làm quy hoạch)
cũng đi xe máy, và họ thấy rằng nếu họ làm con đường 4 làn xe thì chẳng
ảnh hưởng gì cả, họ đi xe máy, mọi người cũng đi xe máy, và họ chẳng
thấy có sự tắc đường nào xảy ra cả ở thì hiện tại.
Không chỉ là những con đường, mỗi khi xem những bộ phim của Mỹ, tôi
rất thích thú với những hình ảnh trong các khu cống ngầm, từ cách đây
hàng trăm năm trước, ngoài hệ thống cống ngầm thoát nước, người Mỹ đã có
những hệ thống cống ngầm phục vụ tàu điện, mạng lưới điện, đường dây
thông tin rất lớn, lớn đến nỗi cả ô tô cũng đi ở bên trong được. Còn ở
Việt Nam, khi dự án hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, cáp mạng được
thực hiện, nhìn cảnh người ta chôn những cái ống bé bằng bắp chân để
chạy dây cáp, tôi tự hỏi, liệu sẽ được bao lâu rồi sẽ lại bị đào lên.
Tại sao không phải là một cái ống cống rất to, để 100 năm sau con cháu
chúng ta nó vẫn có thể đi dây ở bên trong và phải khen rằng “cơ sở ông
cha làm thật là nồi đồng cối đá”.
Nếu một xã hội có nhiều xe hơi hơn, chúng ta có thể sẵn sàng di
chuyển ra vùng ven đô thành phố, xu thế này khiến cho mật độ dân cư nội
đô giảm dần một khi mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn về nhà cửa thay
vì cố gắng tìm một vị trí trung tâm như trước kia, mặt bằng bất động sản
đồng đều hơn, giá nhà khu trung tâm giảm xuống, chúng ta sẽ có cơ hội
quy hoạch lại khu vực trung tâm với những tòa nhà cao tầng mọc lên đủ
sức chứa cho hàng nghìn hộ dân mà hoàn toàn hơn hẳn thẩm mỹ. Chắc chắn
rằng chỉ cần hai tòa cao ốc với năm mươi tầng có thể đủ sức chứa được
hai phường ở Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh, trong khi phần đất còn lại đủ để
xây bãi đỗ xe và công viên cho tất cả mọi người. Nhưng chiếc xe máy
không cho phép chúng ta làm điều đó, chúng khiến tất cả mọi người co cụm
lại ở một vị trí, chất lượng sống giảm xuống rất nhiều về cả nghĩa đen
lẫn nghĩa bóng.
Thứ ba, xe máy là kẻ thù của một nền văn hóa văn minh. Ở thành phố
văn minh, những quý ông diện những bộ suit, những cô thiếu nữ khoác lên
mình bộ váy chốn công sở, đi chơi thì có quần sooc, áo phông ngắn tay và
rất nhiều phong cách thời trang khác nhau thể hiện gu thẩm mỹ của dân
cư bản địa. Còn ở Việt Nam ư, ra đường chị em phải quấn quanh mình một
đống giẻ bùng nhùng chống nắng, các anh con trai thì đầm đìa mồ hôi
trong cái nắng 40 độ, mọi người chỉ còn cách cố phăng phăng bay tới đích
họ cần đến, còn đâu thời gian đâu mà suy nghĩ về thời trang, tranh ảnh,
nghệ thuật đường phố chắc hẳn cũng chẳng có đất diễn ở cái xứ xở này.
Xe máy đã giết chết thời trang và nghệ thuật ở Việt Nam. Nhờ có xe
máy, hàng nhìn con người trẻ mới có thể tụ tập được ở Nhà Thờ Lớn, Ngã
Ba, Ngã Tư thi nhau buôn chuyện, thuật ngữ trà chanh chém gió được ra
đời. Bạn biết đấy, những cái gì được ví với gió sẽ hời hợt và không có
độ sâu, những câu chuyện xung quanh cốc trà chanh thì cũng như vậy.
Nếu các bạn đi ô tô, sẽ không còn chốn cho những nơi vỉa hè như vậy,
việc đi ô tô khiến các bạn tìm đến những chốn khác, nơi các bạn biết,
vang trắng phải đi với đồ ăn như thế nào còn vang đỏ thì cách dùng làm
sao. Chắc chắn, tất cả mọi người sẽ trở lên tinh tế và lịch thiệp hơn
trong cách giao tiếp với mọi người, chúng ta sẽ có quyền diện những bộ
cánh chúng ta muốn mà không lo bị đen, không lo bị bụi bẩn và trông
không giống mấy mớ giẻ bùng nhùng và xấu xí.
Đến đây, tôi xin làm một phép so sánh nhỏ mà ai cũng biết, một chiếc
xe Toyota Yaris ở Thái Lan có giá bán khoảng 300 triệu, còn một chiếc
xe SH ở Việt Nam có giá xấp xỉ 100 triệu, thử so sánh tất cả các chi phí
nguyên vật liệu đầu vào, công nghệ sản xuất, chi phí marketing, quảng
cáo hình ảnh sản phẩm, tôi dám chắc rằng, giá thành sản xuất chiếc SH
không có cửa để so sánh với chiếc ô tô kia, và rằng sản xuất xe máy ở
Việt Nam lợi nhuận như thế nào. Và tôi tin tưởng rằng nếu giá thành xe ở
Việt Nam rẻ như ở Thái, chứ đừng nói tới Mỹ, thì thu nhập hằng năm là
5.000 hoàn toàn có thể sở hữu và nuôi được một chiếc xe hơi.
Ô tô có lẽ không phải là thứ có thể giúp mọi người thể hiện đẳng
cấp, nhưng nó giúp bạn chống lại được với cái thời tiết khó chịu ở chốn
này và tập trung im lặng trong xe suy nghĩ về những ước mơ hay cảm nhận
cái đẹp, thay vì phóng như bay ngoài đường và sàng dựng xe ném một chàng
tiếng nóng nếu người khác va vào xe bạn (trời nắng nên nóng trong người
mà).
Nếu ai đó còn bối rối về việc cơ sở hạ tầng của Việt Nam có cho phép
việc có quá nhiều ô tô như vậy không thì tôi xin nói rằng, đó là bài
toán về quả trứng và con gà. Bạn không thể cứ đợi cái này có rồi cái kia
mới có được, sẽ chẳng bao giờ có những con đường 12-16 làn xe chạy đâu
khi những nhà làm quy hoạch vẫn tư duy xe máy, chừng nào hằng ngày người
ta đi làm bằng ô tô, thấy cảnh tắc đường hằng ngày, thì ngày đó đến văn
phòng người ta mới chịu tư duy phương án khắc phục, còn bây giờ, tắc
đường là việc của cảnh sát giao thông, trì trệ văn hóa ư, tôi không quan
tâm đó là việc của bên văn hóa, cho đến khi nào bạn đi xe hơi, tự khắc
bạn sẽ hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ. Và nếu còn có xe máy, thì
văn hóa Việt Nam và tư tưởng tiểu nông trong kinh doanh chợ cóc, chợ tạm
là một câu chuyện dài.
Patrick