Nguyễn Quế Phương biên dịch
Lê Hồng Hiệp hiệu đính
Lê Hồng Hiệp hiệu đính
Tin liên quan:
Tôi tin rằng trái đất đang dần nóng lên do chính những hoạt động của
con người. Điều này xem ra cũng nhận được sự nhất trí rộng rãi của các
nhà khoa học đang nghiên cứu về vấn đề trên.
Có nhiều quan điểm bất đồng, bao gồm quan điểm cho rằng sự gia tăng
nhiệt độ có thể là một phần chu kỳ bình thường mà trái đất thi thoảng
trải qua trong quãng thời gian 4,5 tỉ năm của nó và vì thế không liên
quan gì đến sự phát thải khí cacbon của con người. Nếu điều này đúng,
chúng ta không nên làm gì cả ngoại trừ ngồi yên và chờ đợi nhiệt độ giảm
xuống khi chu kỳ này dần qua. Nhưng xét cho công bằng, tôi tin có bằng
chứng thuyết phục cho thấy không có gì là “bình thường” với những gì
chúng ta đang gặp phải ngày nay. Sự nóng lên đang diễn ra quá nhanh
chóng. Những tảng băng đang tan chảy trước mắt chúng ta. Đường bờ biển
phía Bắc Canada, Alaska và Nga trước đây bị chặn bởi băng, bây giờ đang
được mở ra để phát triển giao thông hàng hải trong những tháng hè. Điều
này chưa từng xảy ra trước đây.
Biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu đe dọa sự tồn tại của con
người. Nó đòi hỏi chính phủ các nước phải cùng nhau hành động để cắt
giảm tổng lượng khí thải một cách đáng kể. Thật đáng tiếc là dường như
việc này sẽ không được thực hiện. Năm 2009, Hội nghị về biến đổi khí hậu
của Liên Hiệp Quốc ở Copenhagen (Thủ đô Đan Mạch) đã kết thúc mà không
đạt được một thoả thuận ràng buộc nào mặc dù đã tụ họp các nhà lãnh đạo
của tất cả những quốc gia quan trọng. Các hội nghị tiếp theo cũng không
đạt được kết quả ngoạn mục, và tôi cũng sẽ không nín thở chờ những hội
nghị trong tương lai đạt được kết quả như vậy.
Cốt lõi của vấn đề được nhận thấy là sự đánh đổi không thể tránh khỏi
giữa việc cắt giảm lượng khí thải và phát triển nền kinh tế. Khi một
chính phủ ngồi vào bàn đàm phán, họ biết rằng họ không thể đi quá xa sự
chấp thuận của người dân trong nước nếu đưa ra những sự nhượng bộ. Nếu
(sự nhượng bộ) gây nên những thiệt hại cho thu nhập và việc làm quá mức
không thể chấp nhận được thì họ sẽ có nguy cơ bị thất cử.
Một vài xã hội cảm thấy lo lắng hơn về tác động của sự nóng lên toàn
cầu và sẵn sàng trả bất cứ giá nào cho sự xanh sạch của môi trường.
Những người Châu Âu có khuynh hướng rơi vào nhóm này. Tôi đã sống ở Anh
trong 4 năm ngay sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nó có khí hậu
tương đối ôn hòa và dễ dự đoán, tương tự như ở Châu Âu lục địa. Thế
nhưng điều đó đã thay đổi. Từ Địa Trung Hải tới Bắc Âu, những người dân
từng quen thuộc với khí hậu ôn hòa giờ đây phải đối mặt với lũ lụt, lốc
bão và những đợt nắng nóng làm chết người và phá hoại tài sản. Người
Châu Âu vì vậy đã cảm nhận được sự cấp bách trong việc giải quyết vấn đề
trên.
Người Mỹ có truyền thống ít bị đe dọa bởi thời tiết xấu. Họ đã luôn
luôn đối mặt với những cơn lốc xoáy và bão, dù số lượng có gia tăng
trong những năm gần đây. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn đối với họ:
Bạn chỉ cần tuyên bố đó là khu vực thảm họa, sau đó các nguồn lực của
liên bang được đưa đến để cứu trợ, các công ty bảo hiểm sẽ trả tiền và
bạn mua một căn nhà mới. Có thể nhận thấy rõ ràng rằng Mỹ sẽ tiếp tục
không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố
rằng biến đổi khí hậu là một ưu tiên hàng đầu nhưng chính quyền của ông
không thúc đẩy việc ban hành một đạo luật toàn diện về biến đổi khí
hậu. Tuy nhiên, tôi nhận thấy người Mỹ đang bắt đầu từ từ nhận ra vấn
đề. Chắc hẳn sẽ mất một thời gian dài để họ đạt được lập trường như Châu
Âu hiện giờ, nhưng họ đang dịch chuyển dần theo hướng đó. Các cuộc cách
mạng khí đá phiến(shale gas – khí gas kẹt giữa những phiến đá ngầm dưới lòng đất – NHĐ)
ở Mỹ đang khích lệ sự chuyển hướng khỏi than đá vốn là nhiên liệu hóa
thạch gây ô nhiễm nhất. Người Mỹ là một trong những nguồn tiêu thụ năng
lượng lớn nhất trên thế giới và điều đó đặt kỳ vọng rất nhiều trên vai
họ. Họ phải đi đầu nêu gương.
Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế đang nổi lên khác đã đưa ra lời
biện minh rằng lượng khí thải họ đang chịu trách nhiệm thật sự là thấp
hơn so với các nước công nghiệp phát triển nếu tính bình quân theo đầu
người thay vì tính trên cơ sở toàn quốc gia. Họ cũng khao khát tăng
trưởng, và chỉ ra rằng có điều gì đó không trung thực ở các nước giàu
vốn đã đạt đến mức độ phát triển hiện tại của họ dù theo các biện pháp
làm hại đến môi trường nhưng bây giờ lại tìm cách áp đặt các mục tiêu xử
lý khí thải nặng nề lên những nước đang cố gắng bắt kịp họ. Nhiều tình
trạng ô nhiễm đến thời điểm hiện tại đã được tích tụ thông qua các hoạt
động của những nước phát triển, không phải những nước đang phát triển
như họ nêu ra. Do các lập trường này, tôi cũng không hy vọng gì về việc
vấn đề này sẽ được giải quyết.
Tình trạng ngày càng tồi tệ hơn khi dân số toàn thế giới tiếp tục gia
tăng đều đặn. Nó vượt quá 7 tỷ người trong năm 2012 và dự kiến sẽ đạt
đến 9 tỷ vào năm 2050. Mặc dù đúng là tiến bộ công nghệ có thể nâng cao
năng lực sản xuất thực phẩm và khả năng cung cấp chỗ ở cho nhiều người
hơn trong những không gian nhỏ gọn, nhưng tới một thời điểm nào đó,
chúng ta chắc chắn sẽ đi đến giới hạn. Trái Đất chỉ có thể chứa nhiều
người nếu không có thiệt hại nghiêm trọng nào cho môi trường sống và đa
dạng sinh học. Làm thế nào chúng ta có thể chấm dứt sự gia tăng dân số
này? Theo tôi, chìa khóa nằm trong việc giáo dục phụ nữ, điều khiến họ
muốn sinh ít con cái hơn. Càng sớm làm được điều này, chúng ta sẽ càng
sớm có một thế giới ít đông đúc hơn.
Vậy điều gì cần được thực hiện trong lúc này?
Thứ nhất, sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn cho các nước nếu họ dành
nhiều thời gian và sức lực để chuẩn bị cho các thảm họa của con người có
thể xảy ra trong vài thập kỉ tới, thay vì khiến cho các nước khác phải
cắt giảm lượng khí thải. Đã có kế hoạch nào để đối phó với sự gia tăng
mực nước biển, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thức ăn và nước uống
khan hiếm dần, và các vấn đề khác hay chưa? Ví dụ, nếu các sông băng ở
Trung Á và Trung Quốc tan chảy, các thành phố ở hạ lưu có thể đầu tiên
sẽ phải hứng chịu lũ lụt, sau đó là hạn hán vì nguồn cung cấp nước cạn
kiệt khi không còn băng để tan chảy nữa. Các lưu vực sông sẽ không còn
khả năng cung cấp nơi ở cho nhiều người.
Hơn nữa, khi mực nước biển tăng lên, con người sống ở những vùng
trũng thấp sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đi. Một
nghiên cứu cho thấy một mét mực nước biển tăng lên có thể khiến 145
triệu người toàn cầu phải chuyển chỗ ở và làm ô nhiễm nguồn nước uống
của hàng triệu người nữa. Những dải đất rộng lớn – thực tế là là toàn bộ
diện tích của nhiều thành phố – có thể bị nhấn chìm dưới nước. Kế sinh
nhai sẽ bị đe dọa, vì trong nhiều trường hợp, di chuyển tới địa thế cao
hơn sẽ liên quan tới việc từ bỏ đất phù sa mà con người cần để trồng
trọt.
Các nước giàu hơn sẽ tìm ra cách để đối phó với điều này. Ví dụ như ở
Luân Đôn đã có Đập chắn sông Thames, vì thế nước có thể bị chặn lại khi
thủy triều dâng cao. Và sẽ không quá khó khăn trong việc nâng các đập
chắn lên cao hơn nữa. Nhưng đối với các thành phố nằm cạnh bờ biển, hay
các hòn đảo như Singapore và Maldives, các giải pháp cho vấn đề này sẽ
không đơn giản như vậy. Di cư trong phạm vi một quốc gia cũng gây ra ít
vấn đề hơn di cư qua biên giới. Ví dụ, nếu các khu vực ven biển của
Trung Quốc bị ảnh hưởng, người dân có quyền lựa chọn di chuyển vào trong
nội địa. Sẽ có những hậu quả về mặt kinh tế, nhưng hậu quả chính trị
thì ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp của Bangladesh, nơi
có nhiều vùng trũng thấp, con người có thể buộc phải di chuyển đến Ấn
Độ. Các đường biên giới dài và dễ xâm nhập có nghĩa là không phải lúc
nào nó cũng có thể ngăn cản họ vượt biên. Dẫu gì đi nữa, bạn cũng không
thể ngăn được dòng người khi họ đang cố chạy thoát để cứu lấy mạng sống
của mình. Những hệ lụy vì vậy là rất lớn. Nếu có quá đông người di cư,
nguy cơ xung đột sẽ tăng đáng kể.
Thứ hai, điều đáng chú ý là một số hành động có thể khả dĩ bất chấp
sự do dự tại các cuộc hội nghị quốc tế bởi vì bảo vệ môi trường không
phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc xem trọng lợi ích của các quốc gia
khác mà làm tổn hại mình. Làm giảm sự ô nhiễm giúp cải thiện môi trường
địa phương và cuộc sống của những người dân bình thường trong đất nước
của bạn. Cắt giảm lượng cacbon thải ra cũng là đúng đắn về mặt kinh tế
trong một vài trường hợp, nhất là khi việc thải khí bắt nguồn từ việc
năng lượng được sử dụng không hiệu quả hoặc lãng phí. Người Nhật bỏ ra
nhiều thời gian nghiên cứu làm thế nào họ có thể giảm thiểu lượng năng
lượng dùng cho việc chế tạo từng sản phẩm vì họ hiểu rằng điều này sẽ
chuyển thành tiết kiệm chi phí như thế nào. Một ví dụ khác là trợ cấp
nhiên liệu. Khi bạn trợ cấp, chắc chắn là người ta sẽ có xu hướng tiêu
thụ nhiều hơn mức tối ưu. Đó là sự lãng phí. Việc xóa bỏ trợ cấp vàthậm
chí đánh thuế sử dụng nhiên liệu để phản ánh chi phí thực sự của nó với
toàn xã hội do vậysẽ là điều đúng đắn phải làm về cả mặt kinh tế lẫn lợi
ích môi trường.
Chính vì những lý do này, nhiều quốc gia đã hành động đơn phương.
Điều này giải thích cho việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở Trung
Quốc. Họ biết rằng nếu họ tiếp tục sản xuất ở mức hiệu suất năng lượng
như hiện tại, họ sẽ không bao giờ chạm được mức GDP bình quân đầu người
của Mỹ bởi vì đơn giản là không có nhiều năng lượng có sẵn cho họ. Hơn
nữa, họ có thể thấy rằng người dân đang chịu thiệt hại từ ô nhiễm không
khí và nguồn nước, và môi trường của họ đang thay đổi theo những chiều
hướng khủng khiếp. Các bệnh lý hô hấp đang tăng dần. Bão cát trở nên
thường xuyên hơn. Các sông băng ở cao nguyên Tây Tạng đang rút xuống mỗi
năm. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè năm 2008, họ đã giảm
một nửa lượng xe trên đường và cho ngừng hoạt động một số nhà máy xung
quanh – và kết quả đã quá rõ ràng. Khi con người nhận thấy những gì là
có thể thì theo thời gian, khi chất lượng cuộc sống tăng lên, chính phủ
sẽ phải hành động dưới nhiều áp lực để tạo nên những thay đổi cần thiết
cho việc cải thiện môi trường.
Ấn Độ có thể mất thời gian dài hơn một chút để phát triển một phong
trào môi trường xanh vì nước này ít đô thị hóa và công nghiệp hóa hơn so
với Trung Quốc và họ cũng gặp ít vấn đề về môi trường hơn – nhưng họ
không ở phía sau quá xa. Tuy nhiên đối với mỗi quốc gia, người dân sẽ
nhận ra vấn đề khi họ nhìn thấy được những hậu quả của hiện tượng nóng
lên toàn cầu và cảm nhận được mối đe dọa thật sự lên cuộc sống của họ –
cũng giống như ở Châu Âu vậy. Điều này cũng chỉ là một vấn đề về mặt lý
thuyết cho đến khi nó tấn công bạn.
Trong khi đó, các phát triển trong ngành năng lượng có thể giúp chúng
có thêm chút ít thời gian. Công nghệ mới cho phép khai thác khí đá
phiến đã khai phá ra những nguồn dự trữ khổng lồ tại Mỹ và các nơi khác.
Điều này đã được mô tả một cách chính xác như là một cuộc cách mạng và
đã thay đổi đáng kể cuộc chơi trên nhiều phương diện.
Khí đá phiến là một dạng năng lượng sạch hơn than đá, và có thể giúp
giảm tổng lượng khí thải một cách đáng kể. Tổng trữ lượng năng lượng hóa
thạch trên thế giới cũng đã được tăng lên (đủ dùng cho) thêm vài thập
kỷ, thậm chí có thể lâu hơn nữa. Đặc biệt, khí đá phiến hứa hẹn sẽ làm
cho Bắc Mỹ có một nguồn năng lượng độc lập – một thành tích chưa từng
có. Các cảng và trạm tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được xây
dựng ở Mỹ nhằm chuẩn bị cho nhu cầu nhập khẩu sẽ được chuyển sang dùng
cho xuất khẩu. Khí đá phiến sẽ không thể thay thế dầu ở tất cả các lĩnh
vực. Ví dụ như bạn vẫn sẽ cần dầu cho máy bay. Nhưng nhu cầu sử dụng dầu
sẽ giảm đi một phần nào đó do một số sẽ chuyển sang khí đá phiến. Kết
quả là, Trung Đông sẽ không còn giữ vai trò sản xuất dầu quan trọng nữa
và mất đi quyền lực. Mối đe dọa giá dầu leo thang gây nên suy thoái kinh
tế toàn cầu mà thế giới đã phải đối mặt rất nhiều lần trong quá khứ
ngày nay đã giảm đi nhiều.
Thế nhưng, các nhóm về môi trường có vẻ như không khích lệ. Họ muốn
thế giới phải tự chấm dứt sử dụng năng lượng hóa thạch và phát triển các
nguồn năng lượng tái tạo để thế chỗ cho nó. Tuy nhiên, tôi không tin có
bất kì nước nào có thể phụ thuộc trên thực tế vào các nguồn năng lượng
tái tạo để đáp ứng tất cả hoặc phần lớn các nhu cầu năng lượng của mình.
Có những lĩnh vực mà mà dầu mỏ sẽ tiếp tục là nhiên liệu cần thiết
trong thời gian dài – ví dụ như vận chuyển bằng đường hàng không và
đường bộ. Bạn có thể chuyển sang xe điện, nhưng sẽ không thể làm được
như vậy nếu bạn phải đi một quãng đường xa và đương nhiên là không thể
đối với xe tải vốn phải chuyên chở một lượng hàng nặng.
Tôi tham gia ban tư vấn quốc tế của Total, một công ty dầu khí Pháp.
Công ty thực hiện một đánh giá thường xuyên về các nguồn năng lượng thay
thế như gió, năng lượng mặt trời, thủy điện và các nguồn năng lượng
khác. Kết luận ở mỗi lần là như nhau: Trong khi các khu vực trên thế
giới có thể thấy rằng họ có những điều kiện thuận lợi để tận dụng một
nguồn năng lượng thay thế đặc thù thì sự đóng góp tổng thể cũng không
đáng kể. Các nguồn năng lượng này có thể đóng một vai trò bổ sung, nhưng
chúng sẽ không bao giờ có thể thay thế các nguồn năng lượng truyền
thống bởi vì chúng quá ít và cũng không chắc chắn.
Vài năm trước đây, một người bạn của tôi từ Trung Quốc đã nói cho tôi
nghe về việc sử dụng ngày càng phổ biến những tấm pin năng lượng mặt
trời trong những gia đình ở Trung Quốc, đặc biệt là dùng làm nóng nước
tắm. Tôi đã gửi một bức thư tới Bộ Tài nguyên Nước và Môi trường để hỏi
tại sao Singapore không xem xét việc mua các tấm pin này từ Trung Quốc
nếu thực sự chúng đã có sẵn với giá rẻ. Câu trả lời tôi nhận được là
công nghệ chưa đạt hiệu quả kinh tế. Trung Quốc đã trợ cấp cho các tấm
pin và chi nhiều tiền cho việc nghiên cứu chúng vì họ đã xác định mục
tiêu cuối cùng sẽ trở thành quốc gia đi đầu thế giới trong sản xuất (các
tấm pin này). Là một nước lớn, họ có đủ khả năng làm điều đó. Ngược
lại, Singapore phải chờ giá giảm xuống – chúng ta phải tuân theo kết quả
phân tích lợi ích – chi phí.
Như vậy chúng ta chỉ còn lựa chọn năng lượng hạt nhân, một nguồn thay
thế dầu khí mà không làm trái đất nóng lên. Sau sự cố Fukushima ở Nhật,
một số nước, trong đó có Đức, đã quyết định hoặc là đóng cửa các nhà
máy hoặc là hoãn kế hoạch xây dựng các nhà máy mới. Những nước khác như
Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tiếp tục với kế hoạch của mình. Bản thân Nhật
Bản dường như đã đưa ra quyết định thiết thực là vẫn tiếp tục ngành
năng lượng hạt nhân. Trong thế giới lý tưởng, tất cả đều muốn trở thành
các quốc gia phi hạt nhân bởi vì các rủi ro đi kèm và các vấn đề chưa
được giải quyết liên quan đến xử lý chất thải phóng xạ. Nhưng trong thực
tế, quyền lựa chọn của chúng ta là rất hạn chế. Về lâu dài, tôi tin
rằng nhiều nước sẽ từ từ bắt đầu nhận thấy năng lượng hạt nhân hấp dẫn
hơn. Cuộc cách mạng khí đá phiến có thể đã làm chậm việc này, nhưng thị
phần của năng lượng hạt nhân trong tổng sản lượng điện của thế giới
nhiều khả năng sẽ gia tăng.
Rốt cuộc, tất cả các nước phải công nhận rằng những gì thế giới có
thể chống đỡ được là có giới hạn. Chúng ta phải sống trong những giới
hạn đó để có một cuộc sống thoải mái. Chúng ta cùng sống trên một hành
tinh và số phận của chúng ta gắn bó cùng nhau. Việc ai là người chiến
thắng trong các cuộc tranh luận không mấy quan trọng. Nếu thế giới này
bị phá hủy, tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng như nhau. Tất
nhiên, vào thời điểm mà những hậu quả hủy diệt ghê gớm nhất của việc
nóng lên toàn cầu được biểu hiện – có khi khoảng từ 50 tới 150 năm nữa
tính từ bây giờ – tôi cũng như nhiều người hôm nay sẽ không còn sống vào
thời điểm đó nữa. Tuy nhiên, chúng ta có trách nhiệm đối với con cháu
trong việc trao cho chúng một thế giới tràn đầy hy vọng và sức sống, như
thế giới chúng ta đã được nhận.
Hỏi – Đáp
...
Download toàn bộ văn bản tại đây: Ly Quang Dieu ve nang luong va bien doi khi hau.pdf
Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Engergy & Climate Change: Prepare for the Worst”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 280-293.