Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Lệ Rơi, Lê Văn Tám & Những suy ngẫm về giá trị ảo

Cao Huy Hân
VOA 
Lệ Rơi, cái tên xuất hiện dày đặc mấy ngày nay trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam. Sự thật cho thấy, Lệ Rơi, nghệ danh của một chàng trai chân chất người Hải Dương hay hát ngô nghê với giọng hát bị lỗi nhịp sai tone, là một trường hợp đặc biệt đến mức khó hiểu. Lệ Rơi hát không hay nếu không muốn nói là thảm họa. Và những ai nghe Lệ Rơi hát chắc chắn sẽ bật cười hoặc nhăn mặt nhíu mày. Ấy vậy mà dư luận lại quan tâm quá mức. Tôi đi cà phê với bạn cũng nghe họ nhắc đến Lệ Rơi. Tôi đi vào một trường đại học quốc tế cũng nghe các bạn trẻ bàn luận về Lệ Rơi. Đã thế, Lệ Rơi đang nổi tiếng lại thêm nổi tiếng. Các bầu show ở Hà Nội đua nhau mời Lệ Rơi tham gia biểu diễn,cat-xê ngang tầm ca sĩ hạng trung ở Việt Nam.

Vậy vì sao Lệ Rơi lại nhanh chóng trở thành hiện tượng như vậy? Một chàng trai với ngoại hình bình thường, phát âm khi nói còn chưa tròn vành rõ chữ, giọng hát lại càng phải xem xét lại. Vậy mà dư luận lại quan tâm. Và chính vì dư luận quan tâm quá mức như vậy, kéo theo truyền thông phải vào cuộc và truy lùng gốc tích chàng trai nông dân chăm sóc vườn ổi Lệ Rơi. Theo tôi nghĩ, tất cả họ đang hiếu kỳ và xem Lệ Rơi như một trò giải trí. Thật trớ trêu!
Dư luận rõ ràng đang tung hô một giá trị ảo. Một anh chàng không có tài năng bỗng dưng vụt nổi tiếng. Truyền thông giật tin hàng ngày. Không còn một thể thống gì. Một nghệ sĩ trẻ và nổi tiếng cũng đã lên tiếng về vụ việc, anh cho rằng dư luận quá “ác” khi cười cợt và tung hô quá lố về một chàng trai như vậy. Liệu “tài năng” đó rồi sẽ đi về đâu? Không thể có sự tồn tại lâu dài được. Giá trị ảo rồi sẽ biến mất, nhưng hệ lụy là sẽ còn xuất hiện bao nhiêu Lệ Rơi, Lệ Rớt, Lệ Nhỏ Giọt đây?
Lại nhớ đến chuyện Lê Văn Tám. Thuở nhỏ đi học, sách giáo khoa tiểu học đã dạy câu chuyện của anh Lê Văn Tám. Vậy mà cách đây không lâu, chính cơ quan ngôn luận của chính phủ Việt Nam đã lên tiếng rằng nhân vật Lê Văn Tám là không có thật. Câu chuyện về nhân vật lịch sử Lê Văn Tám thường được biết đến là một cậu bé bán đậu phộng có tinh thần quả cảm đã dũng cảm tự thiêu để đốt kho xăng của Pháp ở Thị Nghè, Sài Gòn. Lê Văn Tám tẩm dầu lên người, tự thiêu và chạy vào kho xăng vào năm 1945. Hình tượng Lê Văn Tám luôn được ca ngợi là biểu tượng của sự anh dũng, quả cảm của tuổi trẻ. Câu chuyện “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám lan truyền theo những chính sách phổ cập giáo dục. Nhiều địa phương của Việt Nam cũng dùng tên Lê Văn Tám để đặt cho nhiều tuyến đường, công viên, quỹ học bổng, rạp phim,…
Theo một bài viết trên tạp chí Xưa và Nay số tháng 10 năm 2009, giáo sư sử học Phan Huy Lê đã công bố rằng nhân vật Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu. Theo đó, vụ cháy kho xăng là có thật, nhưng nhân vật Lê Văn Tám là do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Xã hội lúc bấy giờ là ông Trần Huy Liệu dựng lên. Chính ông Trần Huy Liệu cũng đã thú nhận điều đó với Gs. Phan Huy Lê. Câu chuyện kho xăng bị cháy được đăng tải rộng rãi, thậm chí trên những tờ báo và tạp chí nước ngoài. Tuy nhiên, những bài báo ở nước ngoài đã nghi ngờ tính xác thật của câu chuyện về nhân vật Lê Văn Tám. Những bài báo ấy phân tích và đưa ra nhận định: khi một người tự thiêu cháy mình như “ngọn đuốc sống”, rõ ràng chỉ cần bước vài bước là đã gục xuống, không có chuyện chạy cả quãng dài để lao vào kho xăng. Ông Trần Huy Liệu sau đó cũng đã tự trách bản thân vì quá bất cẩn trong việc tham khảo khoa học mà dẫn đến tình huống trớ trêu thiếu hợp lý như vậy.
Ông Trần Huy Liệu cho biết  “vì nhiệm vụ tuyên truyền” nên phải dựng nên một câu chuyện về một thiếu niên anh dũng, quả cảm. Rõ ràng ông đã tiên liệu được sau này, sẽ có người đi tìm tung tích của nhân vật Lê Văn Tám. Đến giờ, khi mọi chuyện đã sáng tỏ, nhân vật Lê Văn Tám là không có thật, và cũng chẳng có thiếu niên nào anh dũng, quả cảm như câu chuyện hư cấu kia, liệu những con đường, những trường học, những quỹ học bổng mang tên Lê Văn Tám có còn ý nghĩa với công chúng? Và liệu rồi sau này, chúng ta có còn hoài nghi về tính trung thực của lịch sử? Sẽ có bao nhiêu câu chuyện được dựng nên? Bao nhiêu nhân vật chỉ là hư cấu? Giá trị lịch sử liệu có đáng để bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên miệt mài tìm hiểu? Dẫu biết lịch sử chưa bao giờ phản ánh đúng 100% sự thật, nhưng rõ ràng câu chuyện về Lê Văn Tám đã là trò cười cho không chỉ dân Việt mà cả những nước khác.
Lệ Rơi, một tài năng ảo, bị những người rãnh rỗi mang ra làm trò cười. Lê Văn Tám, một anh hùng ảo, cũng trở thành trò cười về cách miêu tả lịch sử. Điểm chung của họ là đều mang giá trị ảo. Những giá trị ảo sẽ kéo theo những hệ lụy rất nguy hiểm. Giá trị lịch sử ảo làm cho con người mất lòng tin vào lịch sử, nghi ngờ những anh hùng mà họ tung hô, băn khoăn về tính xác thực của những sự kiện diễn ra trong quá khứ, được ghi chép và tuyên truyền cho đến hôm nay. Tài năng ảo dẫn đến sự xuống cấp về thẩm mỹ thưởng thức, tạo ra những sản phẩm nhảm nhí và được tung hô, khen thưởng, trả công một cách vô trách nhiệm. Hy vọng sau này, những giá trị, tài năng ảo như trên không còn xuất hiện nữa.

Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.
Nguồn:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"