Người Buôn Gió
Tù nhân mỗi tháng được cắt tóc, cạo râu một lần. Đến ngày cắt tóc,
quản giáo đưa kéo cho tù khéo tay và mở cửa cho tù nào tóc cần phải cắt.
Tù có "số má" được cắt tóc theo ý muốn, còn tù không số má thì kéo và
tông đơ cứ xiến sát chân tóc cho lần sau đỡ công cắt.
Trại quy định tù nhân trên 60 mới được để râu. Tù nhân chiếm 97% chưa
đến tuổi 60, nên số phải cạo râu rất nhiều. Một buồng 50 tù, quản giáo
phát cho hai con dao lam, thằng nào có "số má" thì cạo trước. Lần lượt
theo "chức vụ" như "trật tự" rồi "bộ đội" rồi "ưu tiên, lái xe" và tới
"nhân dân loại 1" , "nhân dân loại 2". Cuối cùng là bọn xếp hạng bị
"tiêu diệt".
Có 50 thằng tù, nhưng cấp nào ra cấp đó, chức vụ hay phân loại rõ
ràng. Cấp "bộ đội" đến "nhân dân loại 2" là do trưởng buồng phân. Còn
cấp cao "trật tự" và bọn thuộc nhóm "bị tiêu diệt" do quản giáo chỉ
định.
Hai con dao lam, có bốn lưỡi. Thằng thợ cạo bất đắc dĩ nhưng lành
nghề hơn khối thợ cạo phố Quang Trung thời hoàng kim. Thợ cạo cho ngón
tay vào giữa con dao lam lướt những đường điêu luyện trên mặt các "đại
ca". Mỗi đằng lưỡi lam là dành cho một "đại ca". Sau đó tự bọn còn lại
cạo với nhau, đến hàng thứ ba thì con dao làm cùn đã khiến máu bật ra,
xướt rớm trên gương mặt.
Có một cách cạo râu khác là se râu, tên tù cầm hai sợi chỉ lướt trên
mặt người có râu tanh tách. Thực ra thì đây là nhổ râu, hai sợi chỉ xiết
lại và đưa cao nhanh khiến râu bị nhổ từng lớp một. Se râu đau, phải có
kỹ thuật, tù lâu năm mới làm nổi. Tù mới vào cầm sợi chỉ lóng ngóng
không xong, nói gì đến se râu.
Phổ thông thì cứ cạo râu bằng dao lam, 50 thằng 2 con dao, tức bốn
lưỡi dao. Không có xà phòng, sát trùng hay bôi trơn gì cả, cứ thế mà
thay nhau cạo, đứa này cạo xong chuyển dao cho đứa khác dưới sự giám sát
của quản giáo và "trật tự".
Khi kết thúc phần cắt tóc, cạo râu thì buồng trưởng thu kéo và dao
lam về nộp lại cho quản giáo, đề phòng tù làm hung khí thịt nhau. Nhưng
có lúc buồng trưởng lờ con dao lam đi không nộp, quản giáo cũng không
đòi. Hai con dao lam được cắm vào đầu một que đũa, có dây điện. Nó biến
thành một dụng cụ đun nước sôi. Hoặc nó thành con dao thái rau, thịt do
gia đình cung cấp.
Cùm có mấy loại, loại cùm suốt là dạng móng ngựa bằng sắt tròn phi
20, tròng vài một thanh sắt chôn từ tường ra. Cùm tròn tì vào chân vì nó
không cố định. Cứ hình dung một thanh sắt phi 20 uốn tròn đặt trên chân
trong vòng 7 ngày đến 14 ngày thì hiểu chỗ tì nó sưng hay không.
Nhưng cùm suốt không dã man bằng cùm hộp. Cùm hộp là một thanh sắt
lập là, bản dày 5 cm đánh thành một nửa vòng tròn phía trên. Ở dưới là
một cục sắt dày khuyết hai nửa tròn để đặt chân lên. Cùm hộp thì hết cựa
quậy, chỉ nhếch cái mông lên đi đái, ỉa là cạnh sắt cứa vào cổ chân rớm
máu. Thằng nào gầy cổ chân tong teo không sao, béo một tí hay nhất bọn
phù nề thì càng dễ bị chảy máu do cạnh cùm cứa vào. Cùm lâu ngày ngứa
ngáy cho que tre luồn vào gãi, gãi bật máu mà chưa hết ngứa.
Có lúc thằng này đang cùm, máu chân vẫn còn thì thay thế thằng khác.
Lý do là đổi buồng, vì thằng cùm buồng này chửi nhau với buồng bên cạnh ,
quản giáo phải cho hai thằng ra xa. Tù nhiều khi cùm lâu, muốn thả chân
ra vài phút đổi tư thế, vươn người, nên thường kiếm cách gây sự nhau để
chuyển buồng cùm. Tranh thủ vài phút quý báu để xoa chân, vận động
người.
Về kim tiêm thì trạm y tế trong tù sẵn, nếu tù nhân cần tiêm thì mỗi
thằng được một mũi riêng. Nhưng mà hiếm khi tù bệnh đến mức cần phải
tiêm, trong tù bệnh giời đi nữa thì trạm xá phát cho vài viên thuốc rẻ
tiền chữa bách bệnh. Quanh đi quẩn lại có ba loại thuốc viên trắng, khai
đau thế nào thì y sĩ mặc đồ công an cũng chỉ có ba loại đấy. Đau trong
người, đau đầu, sốt, ỉa chảy... tất cả quy các bệnh chỉ quy về ba loại
bệnh phổ thông đấy để nhận thuốc. Tim, gan, phổi, phèo thì về hàng đau
bụng. Sốt, đau đầu về hàng cảm sốt. Ỉa chảy, kiết lị về hàng tiêu hoá.
Thuốc uống thay cho tiêm, nên trạm xá sẵn sàng thay mũi kim mỗi lần
tiêm. Nhưng trong tù lại có nạn chích choác, mũi kim vất đi ấy được tù
vệ sinh nhặt bán lại cho dân chích trong tù. Một mũi tiêm thế tù dùng
chung hàng tháng trời, có khi mòn còn có thằng tự mài để dùng tiếp. Mỗi
lần chích nghi lễ thịnh soạn như bữa đại tiêc, một cái chén thuốc phiện
loãng, một cái xi lanh chọc vào rút thuốc. các con nghiện chìa bắp tay
ra, mũi kim vừa rút khỏi tay thằng này đâm luôn vào tay thằng khác. Mỗi
lần chuẩn bị được xi lanh đưa chất tiên nâu ấy vào ven, bọn tù nhắm mắt
khấn.
- Bẩm cô, lạy cô thương con, lạy cô thương con.
Cô đây là "nàng tiên nâu" trong truyền thuyết cây thuốc phiện. Bọn tù
coi mỗi lần chích là ân huệ cô ban cho, cũng như nhân dân bên ngoài khi
được cái gì thường nói:
- Ơn Đảng, ơn Chính Phủ, ơn Bác!
Nhớ ơn là đặc tính của người Việt, ở đâu cũng giữ được nền nếp. Bình
thường thì nhớ ơn ông bà, cha mẹ. Liên quan đến chính sách thì ơn Đảng,
ơn Bác. Nghiện ngập thì ơn Cô, Cờ bạc ơn quan Hoàng Bảy, trộm cắp thì ơn
thần Đạo Chích... một đặc tính tốt đẹp như vậy không dễ gì mai một dù ở
bất cứ đâu.
Nói về kim thì còn loại kim may, tù dùng để xăm trổ. Nhưng bọn xăm
trổ thường có điều kiện, nên không dùng kim chung. Ít trường hợp lây
nhiễm qua kiểu kim xăm.
Những thằng tù không tiêm, không bị cùm, không dùng dao lam cơ hội
thoát khỏi bệnh truyền nhiễm qua đường máu này cao. Nhưng chúng vẫn có
nguy cơ mắc bệnh qua đường hô hấp hoặc đường da. Bọn tù có lúc đông
quá,nằm ngủ san sát như lèn cá hộp. Nằm nghiêng người, co chân gọi là
kiểu "úp thìa". Lúc ấy thì không có cách nào tránh nổi tiếp xúc qua hơi
thở, da thịt cọ vào nhau. Có buồng giam không có nhà vệ sinh, người ta
dùng cái can nhựa khoét nửa trên để đi đái ỉa vào đấy, để cuối buồng,
đậy cái áo rách lên che bớt mùi. Vì buồng chật, có thằng vào hàng "tiệu
diệt" phải nằm sát cái can. Mỗi khi thằng khác đi vệ sinh, phải đứng dậy
nhường chỗ xong mới lại được nằm hay ngồi.
Còn về bể nước nữa. Bể nước xây bằng gạch, láng xi măng. Một năm thau
bể một lần. Tù có số má thì có chai nhựa đựng nước, mỗi khi giờ bơm
nước ngắn ngủi nhanh tay hứng ở vòi chảy ra. Đám tù còn lại không đến
tuổi dùng chai nhựa, mỗi lần khát xin phép các đại ca đến bể dùng gáo
múc uống. Nước trong bể lâu ngày, cặn, mọc rêu, gián chết, và những con
bọ nhỏ nữa chả biết tên mà kể.
Bây giờ ngồi ở trung tâm Châu Âu thuộc xứ giãy chết, trong căn hộ 60
mét vuông, ở mỗi mình. Viết những dòng này bằng MacBoook mà như đang ghi
lại điều ai đó kể. Chứ đéo phải là mình đã trải qua.
Lúc ở nhà, có những đêm mơ ngồi bật dậy, trầm ngâm, nước mắt ứa ra.
Vợ hỏi nghĩ gì, không nói. Thế là nó quy cho là nhớ con nào, vợ chồng
thành lục đục. Chẳng thể thanh minh những điều ám ảnh trong quá khứ như
thế, nghe nó sến quá.
Lúc ấy chỉ lặng lẽ thắp hương nhớ bố, ngày xưa bố mình cũng năm lần, bảy lượt bị đi tù.
Giờ thì nhớ những người anh em, chị em quen biết, vì những điều lớn
lao tươi đẹp cho đất nước mà đang bị giam cầm trong tù ngục. Nhớ đến
người bạn chưa gặp lần nào, cùng tuổi Tâ Hợi là Huỳnh Minh Trí đã chết
vì bênh truyền nhiễm và người thầy giáo cao cả Đinh Đăng Định đã chết vì
bệnh hiểm nghèo mắc phải trong tù. Còn bao nhiêu người nữa như Mai Thị
Dung, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Xuân Nghĩa đang mắc trọng
bệnh trong chốn lao tù kia.
Bỗng nhớ câu thơ của một người tù Quốc Dân Đảng thời chống Pháp.
Suối vàng gạt lệ gặp Trưng Vương
Máu thắm hồn em, khóc thảm thương
Lạy Phật thân này còn hoá kiếp
Tay xin nghìn cánh, cánh nghìn thương.
Máu thắm hồn em, khóc thảm thương
Lạy Phật thân này còn hoá kiếp
Tay xin nghìn cánh, cánh nghìn thương.
Chữ thương ở đây theo mình không phải là thương yêu, là xoá bỏ hận thù, mặc dù câu trước đó là lạy Phật.
Chữ thương mình nghĩ là ngọn giáo. Nghìn cánh tay, nghìn ngọn giáo nhọn. Phải là thế mới đúng ước mơ.