Baron Trịnh
Hơn 2 tuần trước, một loạt bài của báo Đất Việt viết về lò đốt rác
phát điện của ông Bùi Khắc Kiên ở Thái Bình. Loạt bài báo đã phê phán
mạnh mẽ các cơ quan chức năng của Thái Bình đã quan liêu, sợ trách
nhiệm, trù dập "phát minh của nông dân",... đồng thời ca ngơi "phát minh tầm cỡ thế giới của ông Kiên" và người Nhật nhìn thấy "phát minh" của ông Kiên như nhìn thấy "ngọc" với những cái title cực kỳ kêu như:
Tôi đã viết một status trên Facebook cá nhân
(ngày 11/7) để cảnh báo về vấn đề này dưới góc độ của một người có
chuyên môn sâu về các lĩnh vực truyền nhiệt, lò đốt rác thải và môi
trường khí, khi thấy các bạn bè trên FB chia sẻ thông tin các bài báo và
hô hào ông Kiên quá mức. Cụ thể (có thêm một số câu từ):
1. Công nghệ đốt rác thải để sản xuất điện không có gì là mới mẻ cả.
Về bản chất là biến nhiệt năng của quá trình đốt rác thành điện năng.
Trên thế giới đã áp dụng công nghệ này hàng chục năm rồi. (Còn sử dụng
các loại nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện (nhiệt điện) thì đã có từ
hơn 4 thế kỷ trước).
2. Việc ông Kiên thông tin rằng, nhiệt độ của lò đốt rác luôn được đảm bảo ổn định ở mức 1.600 - 2.000 độ C là điều không tưởng đối với việc đốt rác có độ ẩm cao (không trộn nhiên liệu khác). Nếu công nghệ của ông Kiên làm được điều này thì có lẽ đây là một phát minh khoa học đáng chú ý nhất của thế giới tại thời điểm này, và có thể nhận được giải Nô-bel về vật lý.
Ngay việc ông Kiên nói ông chỉ sử dụng 5-10% số than của các nhà máy
nhiệt điện hiện nay mà vẫn đảm bảo được nhiệt năng cần thiết là điều
không tưởng.
3. Tôi đã biết và đã gặp nhiều "nhà khoa học không chuyên" đã "phát
minh" ra các công nghệ như xử lý ô nhiễm sông hồ, xử lý ô nhiễm mùi, xử
lý rác, ủ phân vi sinh,... giới thiệu về những "phát minh công nghệ" của
họ. Nhưng đến thời điểm này, tất cả những "phát minh" đó đều không có
khả năng áp dụng vào thực tế.
4. Các phóng viên, nhà báo khi viết chuyên sâu về khoa học thì cần
tìm hiểu rõ, kẻo không lại giống vụ việc ông tiến sỹ Việt kiều chạy máy
nổ bằng nước làm rùm beng dư luận 2 năm trước. Cần phải nhớ rằng: Cải
tiến kỹ thuật thì rất đơn giản, và nhiều "nhà khoa học nông dân" đã làm
được. Nhưng phát minh công nghệ không dành cho sự sáng tạo của "khéo
tay, đam mê và nhanh trí" như kiểu An-nam.
Bẵng đi một thời gian, tưởng sự việc sẽ đi vào quên lãng như bao sự
việc được báo chí thổi phồng. Nhưng hôm nay, lại thấy báo Đất Việt giật
title thêm một bài mới, và mức độ quảng cáo ngày càng ghê gớm, cứ như
"phát minh" của ông Kiên đã đạt tầm đẳng cấp thế giới, và các quốc gia
tiên tiên đang đổ xô đến để tranh giành, đặc biệt là việc ăn cắp công
nghệ của ông Kiên. Bài viết ở đây: Lò đốt rác ông Kiên: Hải Phòng triển khai, Thụy Điển để mắt
Vì vậy, cần phải góp thêm tiếng nói về vụ việc, để những người làm
báo không hiểu chuyên môn nên có tự trọng với việc viết lách, vì những
điều họ viết đã và đang làm người dân hiểu sai bản chất của sự việc. Vô
hình dung cổ súy cho những "phát minh" thiếu thực tế và nguy hiểm
của những người nông dân thiếu kiến thức khoa học công nghệ, nhưng lại
có ảo tưởng là mình đã nắm được cả thế giới.
Xin gửi tới bạn đọc một bài viết về vụ việc này trên Facebook của nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám
(hiện đang công tác ở báo điện tử Dân trí), người đã chứng kiến tận
tay, tận mắt lò đốt rác của ông Kiên. Bài viết của anh được đăng tải vào
ngày 15/7, thời điểm loạt bài viết của báo Đất Việt đang nổi đình nổi
đám về vụ lò đốt rác của ông Kiên nói trên.
Bùi Hoàng Tám - Nói tiếp về vụ đốt rác - "Tin thì tin không tin thì thôi"
Xin được kể lại chuyện này.
Cách đây khoảng 3-4 năm, khi đó chưa có bất cứ một tờ báo nào viết về
chuyện này, một buổi sáng mình nhận được điện thoại của bà cô họ Bùi
Thị Thái, làm dâu ở làng Sặt gọi lên kể và nói đại để là nhờ mình viết
bài, đưa lên báo vì đây là hiện tượng rất lạ đồng thời cũng là bạn của
cô mình. Đại để thế.
Mình cùng vợ con về quê, tranh thủ đến xem. Bà xã mình cũng muốn có một bài phóng sự. Đại loại thế.
Vợ chồng mình và hai cháu đến nhà ông Kiên khoảng 10 giờ trưa. Ông
Kiên nhận được tin có nhà báo về rất phấn khởi, chuẩn bị mọi thứ cần
thiết cho cuộc thực nghiệm.
Rác mà ông Kiên sử dụng hôm đó gồm giẻ rách, lá khô, rạ, một cái mũ bảo hiểm, mấy đống mùn mùn...
Trước khi nhóm lò, ông Kiên đổ vào đó khoảng 1-2 lít dầu để mồi lửa.
Một lát sau, nồi hơi nước sôi, ông đóng cầu dao và cái bóng đèn sáng lên
mờ ảo.
Tóm lại, cuộc thực nghiệm diễn ra thành công ở chừng mực là máy có
chạy, có phát ra điện... trong sự trầm trồ của dân làng và cả bà xã
mình.
Mình im lặng nhưng thấy không ổn ở mấy lý do sau.
Thứ nhất, đây chỉ đơn giản là biến nhiệt năng thành
công năng và chuyển công năng thành điện năng. Nếu cái máy này ra đời
thế kỉ 16, 17 thì quả là một thành tựu to lớn của khoa học. Còn bây giờ
thì nó rất ấu trĩ. Tóm lại, do tiếu thông tin nên ông Kiên đã "mở cánh
cửa mà người khác đã mở" rồi.
Thứ hai, điều hấp dẫn ở đây nằm ở "đốt rác". Song, thế
nào là "rác" thì lại chưa rõ ràng. Rơm rạ có thể coi là rác nhưng cũng
có thể coi là nhiên liệu. Rồi cái cách xử lý rác của ông Kiên cũng ất...
thô sơ. Trời hôm đó nắng rất to nên rác được phơi rất khô. Trong khi
đó, nếu 1 tấn rác thì phơi như thế nào? Rồi trời mưa thì sao? Rồi mùi
nồng nặc thế ai chịu nổi. Phơi 10 - 20 kg thì có thể không thấy chứ hàng
tạ, hàng tấn thì phơi ở đâu? Đó là chưa kể lượng rác không phải là hàng
chục mà hàng trăm tấn mỗi ngày.
Thứ ba, để cái lò đó "cháy", ông Kiên mồ hôi mồ kê nhễ nhại (nói thật là nếu có cái máy phát điện đạp chân chắc ông đỡ mệt hơn nhiều).
Thứ tư, giá thành 1KW đó là bao nhiêu?
Và thứ năm, mình không rõ cách tính toán, đo đạc của
các nhà khoa học thế nào (mình vốn rất ít niềm tin các bác ấy) còn mình
trực tiếp chứng kiến, bằng cảm quan của mình thì ôi thôi ghê sợ. Nồng
nặc mùi hôi thối, mùi nhựa cháy và khói đen kìn kịt.
Cái máy này mà cạnh nhà mình thì mình kiện ra phường. Đó là chưa tính
độ nguy hiểm của cái nồi hơi có lẽ sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào vì
thấy ông Kiên vừa đổ rác vào lò vừa thỉnh thoảng lại chạy lại xem cái
đồng hồ áp suất.
Sau này, mình có gặp lại ông Kiên và nghe qua bà cô mình thì nói rằng
có doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ đến đặt vấn đề (trong đó có cả một
đơn vị quân đội ở Bạch Long vỹ- Ấy là kể vậy) nhưng rồi chả thấy kết
quả đâu.
Vì vậy, việc ông người Nhật đến thăm quan sau này, mình nghĩ đến thăm
quan chả nói lên điều gì cả. Có thể ông ta nghe nói thì xem nó thế nào
thôi. Rồi ông ấy nói "sẽ" thì ui cha, tin ông ta có mà đổ thóc giống.
Rồi chả lẽ đến thăm lại chê tuốt tuồn tuột. Đến thằng như mình, người
trong nước mà bao nhiêu năm còn không nỡ nói, cho đến giờ thấy dư luận
ồn ào nên mới lên tiếng huống hồ là người nước ngoài. Họ nói ngoại giao
thôi. Chỉ khi nào họ móc túi đầu tư thì mới tương đối (tương đối thôi
nhé) chắc.
Tóm lại, trong số bạn bè trên FB này, mình chắc chắn mình là người
đầu tiên tận mắt và có lẽ cũng là người duy nhất cho đến nay được trực
tiếp chứng kiến. Còn hầu hết là nói theo thông tin từ người khác.
Nói như Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo "Tin thì tin không tin thì thôi"... Ha!
© 2014 Baron Trịnh
Hình ảnh: Lò đốt rác của ông Kiên trên báo Đất Việt.