Yêu Thương và Tự Do
“Không phải ta thì là ai? Không phải bây giờ thì là bao giờ?”
"Hãy gọi 04 3 7759339, tổng đài tư vấn miễn phí dành cho nạn nhân
bạo lực giới, bạo lực gia đình và phòng chống khủng hoảng, tự tử thuộc
trung tâm Csaga Việt Nam"
Tôi không phải người theo đạo, nhưng tôi nhớ hình như có một lời răn
của đức chúa là “Không phải ta thì là ai? Không phải bây giờ thì là bao
giờ?” – Ý nói đến việc hành động lập tức để chống lại cái xấu mà không
nhân nhượng, không chờ đợi bất cứ sự trợ giúp nào.
Loạt bài viết về bé Đỗ Doãn Lộc, 8 tuổi, ở Bắc Ninh, bị bố ruột đánh
đập đến hôn mê và qua đời sau đó ít ngày đã nhận được rất nhiều thương
cảm của độc giả. Hàng triệu người đã xem, hàng nghìn người đã conment vì
xót xa thân em, tôi cảm nhận được nỗi đau ấy, nhưng tôi không thể bình
luận gì, chỉ tự xét lại mình, liệu bản thân đã làm được điều gì để những
chuyện đau lòng như thế không xẩy ra?
* * *
Căn hộ sát vách nhà tôi đã chuyển qua rất nhiều chủ thuê. Người ở ít
nhất thì vài ba tháng, người ở nhiều nhất thì vài ba năm. Họ là những
cặp vợ chồng đủ lứa tuổi, đủ ngành nghề, già có, trẻ có, hoặc vừa già
vừa trẻ …điểm chung duy nhất của họ chỉ là việc đánh chửi nhau như cơm
bữa. Mà chung quy lại thì khổ nhất là bọn trẻ.
Những ông bố khổ cấp độ 1: Họ vô công rỗi nghề hoặc phải cáng đáng
kinh tế gia đình vượt ngoài khả năng đáp ứng của bản thân. Cả hai tình
trạng này đều biến họ thành người cáu bẩn, hằn học và nhậy cảm quá mức.
Ví dụ như chú T chỉ ăn nhờ cô vợ làm việc cho người nước ngoài chẳng
hạn. Chú không chỉ dị ứng với những câu mang tính ám chỉ như “chó chui
gầm chạn”, mà còn ghét luôn những ai nói đến từ “chó” lẫn từ “chạn”. Hế
cô vợ về muộn, tỏ vẻ không vui hay than vãn là ngay lập tức được ăn đấm.
Giờ tôi nghĩ có lẽ chú thiếu tự tin ở bản thân nhiều hơn là khó chịu
với mấy từ bóng gió xa xôi ấy. Khổ ở cấp độ 1 kiểu này nghĩa là dù có
khổ vẫn được xếp ở vị trí cao nhất trong gia đình và có thể trút giận
lên người ở cấp 2 hoặc cấp 3.
Những bà mẹ khốn khổ ở cấp độ 2: Họ phải cáng đáng quá nhiều việc
hoặc bị mang tiếng là ăn không ngồi rồi khi chồng đầu tắt mặt tối đi
kiếm tiền. Nếu là chủ lực kiếm tiền thì nhất cử nhất động của họ đều
được gán cho cái mác khinh chồng, còn nếu ngược lại thì họ sẽ bị gọi là
đàn bà thối thây, lười chẩy mỡ, suốt ngày chỉ biết tiêu tiền chồng. Dù
thế nào phụ nữ trong cái nhà thuê ấy cũng là đàn bà hư, muốn không hư,
họ phải vừa giỏi kiếm tiền, vừa dành toàn bộ thời gian và tâm ý lo cho
chồng, cho con. Vậy nên họ mới khốn khổ ở cấp độ 2 – nghĩa là không bao
giờ có thể đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta đặt lên mình.
Và những đứa con cùng khổ ở cấp độ 3: Đó là cấp cuối cùng của sự khổ,
điều ấy rõ ràng như 1+1 = 2. Vì ông bố được quyền sinh sát với vợ và
con, bà mẹ được quyền sinh sát với con, còn đứa con thì ngoài 2 cái
thong lọng lúc nào cũng trực thít lại, chả có ai để thỏa mãn cái quyền
tối thượng ấy cả. Tôi nhớ thằng bé Th, hồi nó đến ở căn nhà thuê mới
khoảng 6 tuổi, nhưng cực kì hung hãn. Nó dẫm nát bét một con gà mới nở,
ném mèo con từ tầng 2 xuống và đánh những đứa bé khác mỗi lúc có thể.
Tôi không khẳng định việc em bị bố mẹ ngược đãi khiến các hành vi như
thế sinh sôi nẩy nở, mà chỉ cảm thấy hình như cái gốc hằn học của em cứ
lớn mãi lên, đâm chồi nẩy lộc, rồi có ngày sẽ biến thành một cây đại
thụ.
Hầu như hôm nào thằng bé cũng bị ăn đòn đôi ba trận, không phải chỉ
là kiểu tét vào mông hay vài cái bạt tai cảnh cáo. Trận đòn nào cũng
khiến người lớn hẳn như bố mẹ tôi phải lắc đầu, còn người lớn vừa như
tôi phải kinh hãi, mất ngủ cả đêm chứ đừng nói là lũ trẻ con sàn sàn như
Th. Chuyện đó xẩy ra lâu và liên tục đến nỗi một số nhà có con lười ăn
cứ căn đúng đến cái giờ Th bị đánh là sãn sàng xúc cơm, bón cháo cho
con. Đứa trẻ nào bướng bỉnh, chuyên ngậm cơm bung búng trong mồm thì chỉ
cần dọa “cho sang làm con bác Ng một ngày” là y như rằng nuốt cháo cứ
ừng ực, nhai cơm nhanh như chớp.
Ngoài những phụ huynh hỉ hả vì con mình tăng cân nhờ đòn đau trút lên
một đứa bé khác, thì cũng còn nhiều người thương Th thật lòng. Nhưng
thương thì để trong bụng, hoặc giả để ngoài mấy lời bóng gió xa xôi chứ
chẳng ai dám để nó bay đến tai ông bố xăm trổ rồng phượng của Th hay bà
mẹ có tiếng là cong cớn, điêu ngoa của em. Mọi người ai cũng tự an ủi
mình rằng đó là chuyện của gia đình người ta, đó là chuyện của bộ lao
động-thương binh xã hội, đó là chuyện của đoàn đội, trường học hay gì gì
đó, chứ không phải trách nhiệm của mình.
Nhưng ngoài trách nhiệm của một công dân, có ai nghĩ đến trách nhiệm của một con người?
Trách nhiệm của một con người khi thấy một con người khác bị đánh đạp, hành hung.
Trách nhiệm của một người lớn khi thấy một trẻ nhỏ không đủ sức kháng cự bị chà đạp và ngược đãi.
Trách nhiệm của một người yêu cái tốt, cái thiện khi thấy điều ấy mất dần trong cuộc sống.
Làm một con người có trách nhiệm quả là không dễ dàng gì.
* * *
Tôi chắc rằng người thân, thầy cô giáo, bạn bè hay hàng xóm của bé
Lộc đã từng tặc lưỡi bỏ qua những dấu hiệu cho biết em bị bạo hành.
Tôi chắc rằng bố Lộc không phải người cha lòng lang dạ sói đến thế.
Ông ấy có thể chỉ là người đã từng bị đánh và nay lại quen tay đánh con
mà không biết rằng như thế là nguy hiểm.
Tôi càng chắc chắn rằng nếu Lộc được trang bị những kiến thức để tự
bảo vệ mình tốt hơn hoặc biết phải tìm đến đâu, gặp ai để nhờ sự trợ
giúp thì mọi chuyện đã khác hẳn.
Sự việc đã qua nhiều tháng, nhưng tôi chắc chắn đó chưa phải là vụ
bạo hành trẻ em cuối cùng mà chúng ta phải chứng kiến. Vậy thì làm sao
có thể đổ lỗi cho ai, chúng ta chỉ có thể nhìn vào chính bản thân mình,
chúng ta đã làm gì để những chuyện đau lòng như thế này không còn xẩy ra
nữa?
* * *
Ngay bây giờ, nếu các bạn thực sự muốn làm gì đó giúp ngăn ngừa bạo
lực gia đình hay bạo hành trẻ em thì hãy share lại thông tin này để
những người cần trợ giúp có thêm một cơ hội thay đổi cuộc sống của họ.
Hãy gọi 04 3 7759339, tổng đài tư vấn miễn phí dành cho nạn nhân bạo
lực giới, bạo lực gia đình và phòng chống khủng hoảng, tự tử thuộc trung
tâm Csaga Việt Nam.
“Không phải ta thì là ai? Không phải bây giờ thì là bao giờ?”