Ls Lưu Tường Quang
(Sydney, Australia – Tháng 3-2014)
(Sydney, Australia – Tháng 3-2014)
Bài viết đánh dấu 60 năm Hiệp Định Genève được soạn thảo
với một hi vọng nho nhỏ là chúng ta có thể học được kinh
nghiệm của quá khứ đau buồn mà đất nước Việt Nam thân yêu đã
phải trải qua. Hiệp Định này và hậu quả của nó đã được trình
bày từ nhiều quan điểm khác nhau, kể cả tài liệu khá đầy đủ
của Bộ Quốc Phòng Mỹ, The Pentagon Papers (1971).
Từ năm 2004, một số tài liệu do Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh phổ
biến giúp chúng ta hiểu thêm về quan điểm và mục tiêu chiến
lược của hai cường quốc cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, đặc
biệt là Trung Quốc, trong vấn đề Việt Nam (Đông Dương) và thân
phận của Việt Minh/Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) trong quan
hệ với hai đồng minh bảo trợ.
Tài liệu Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh xác nhận điều mà chúng ta
đã suy diễn là VNDCCH - cũng như Quốc Gia Việt Nam/Việt Nam Cộng
Hòa (QGVN/VNCH) - đã bị chi phối quá nhiều bởi chính trị đại
cường và do đó đã không theo đuổi được chính sách độc lập.
Bài viết này phần lớn nhìn vào sách lược của Bắc Kinh tại
Hội Nghị Genève trong nỗ lực củng cố và mở rộng ảnh hưởng
của Trung Quốc như là một đại cường đang bước chân vào diễn
đàn quốc tế. Có thể nói, đây là sách lược mà Bắc Kinh theo
đuổi liên tục trong 60 năm qua, kể cả trong vấn đề tranh chấp
Biển Đông với Việt Nam hiện nay.
Bối Cảnh
Hiệp Định Genève 1954 giữ vai trò quan trọng trong lịch sử
Việt Nam thời hậu bán thế kỷ thứ 20 khi mà cuộc chiến tranh
lạnh đang ở mức độ cao. Nhưng lý do dẫn đến sự chia cắt đất
nước Việt Nam vào ngày 21 tháng 7 năm 1954 bắt nguồn từ những
biến cố lịch sử trong và sau Thế Chiến Thứ Hai, đặc biệt là
tại Hội Nghị Potsdam.
Sau khi đã đánh bại Đức Quốc Xã và trước khi Nhựt Bản đầu
hàng, lãnh đạo đồng minh gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên Xô đã
họp Hội Nghị tại Potsdam từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8
năm 1945 để qui định việc phân chia quyền lực và vùng ảnh
hưởng trong thời hậu chiến.
Việt Nam không phải là một vấn đề lớn trong chương trình
nghị sự. Phe đồng minh quyết định trao quyền giải giới quân đội
Nhật Bản từ vĩ tuyến thứ 16 trở ra Bắc cho Trung Hoa Dân Quốc
(quân đội Tưởng Giới Thạch) và từ vĩ tuyến thứ 16 (từ phía
nam Đà Nẳng) trở vào Nam cho Anh Quốc. Cũng tại Hội Nghị nầy,
phe đồng minh đã chấp nhận lời yêu cầu của đại diện nước Pháp
vừa được giải phóng, để Pháp có thể tiếp thu trở lại thuộc
địa Đông Dương. Đây là một quyết định tai hại cho Việt Nam và đi
ngược lại trào lưu dân tộc tự quyết trong vùng Đông Nam Á.
Tướng Charles de Gaulle, được coi là anh hùng tranh đấu cho nền
tự do của nước Pháp, nhưng trong vấn đề Đông Dương, Tướng de
Gaulle là một tên thực dân không hơn không kém.
Mặc dầu một hiệp ước sơ bộ được ký kết ngày 06.03.1946
với chính quyền Hồ Chí Minh, cuộc chiến Việt-Pháp đã không thể
tránh được và trở nên khốc liệt hơn kể từ cuối năm 1949, sau
khi Mao Trạch Đông chiếm Bắc Kinh và thành lập Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa (Trung Quốc). Khối cộng sản (Liên Xô và Đông Âu) - và
đặc biệt là Trung Quốc đã trở thành hậu phương lớn tiếp viện
ồ ạt chiến cụ, và gởi cố vấn tham chiến tại Việt Nam.
Năm 1952, Đại tướng Dwight D. Eisenhower đắc cử tổng thống Mỹ
và vào giữa năm 1953, Washington ủng hộ Kế hoạch Navarre của
Pháp nhằm thực hiện chiến lược mới và xúc tiến việc thành
lập quân đội QGVN. Trong kế hoạch mới nầy, Điện Biên Phủ, một
tỉnh lẻ tại vùng biên giới Lào-Việt được chiếm lại và tạo
dựng thành một căn cứ quân sự với một lực lượng quân đội Liên
Hiệp Pháp khoảng 10 ngàn người.
Cũng vào giữa năm1953, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm
thời được ngưng bắn (armistice) chính thức vào ngày 27 tháng 7.
Phương thức ngưng bắn nầy được coi là có thể áp dụng tại Đông
Dương.
Có lẽ vì thế mà vào ngày 25.01.1954, tại Berlin, Hội Nghị
Ngoại trưởng Tứ Cường (Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô) bày tỏ ý
định triệu tập một hội nghị về Triều Tiên và Đông Dương tại
Genève vào ngày 26 tháng 4 cùng năm. Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng
Sản Liên Xô gởi mật điện yêu cầu Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng
Sản Trung Quốc thông báo và khuyến khích VNDCCH tham dự [1].
Cũng theo mật điện nầy, Liên Xô tin rằng QGVN, Lào và Cao Miên
sẽ đồng ý tham dự. Mật điện nầy không nói lý do tại sao Liên Xô
tin như vậy, nhưng một chi tiết ít khi được nhắc đến là Quốc
Trưởng Bảo Đại đã cử cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm tham dự Hội
Nghị Berlin với tư cách quan sát viên [2].
Theo một chiến lược cố hữu ‘vừa đánh vừa đàm’ mà Chu Ân
Lai đề cập trong Bản Nhận Định và Đề Nghị trình Ủy Ban Trung
Ương trước khi Hội Nghị Genève bắt đầu, và để tạo thế mạnh
chính trị trước hoặc trong khi Hội Nghị Genève được triệu tập,
Việt Minh tập trung một lực lượng hùng hậu nhằm bao vây Điện
Biên Phủ. Vào tháng 3 năm 1954, tương quan quân số đôi bên là 50
ngàn chống 10 ngàn, tức là Tướng Võ Nguyên Giáp, dưới sự cố
vấn của Đại Tướng Trung Cộng Trần Canh [3], có ưu thế gấp 5
lần nhiều hơn.
Ngày 07.05.1954, Điện Biên Phủ thất thủ và tạo một ảnh
hưởng chính trị lớn tại Paris vượt xa giá trị quân sự của
tỉnh lẻ nầy. Bộ đội Việt Minh thiệt hại khoảng 8 000 nhân mạng
so với khoảng 1500 của quân đội Liên Hiệp Pháp. Bảo Đại nói
rằng sự thất thủ của Điện Biên Phủ chẳng phải là một tai họa
chiến lược gì [4].
Nhưng mục tiêu của Việt Minh không phải, hoặc không chỉ là
quân sự – mà là ảnh hưởng chính trị tại các thủ đô phương Tây.
Mười bốn năm sau, Hà Nội đã mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu
Thân 1968 tại VNCH và đã thất bại nặng nề về mặt quân sự,
nhưng lại chiến thắng về mặt chính trị tại Washington, dẫn đến
Hòa Đàm Paris sau đó.
Một ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, Hội Nghị Genève
được khai mạc để thảo luận vấn đề Đông Dương (Hội Nghị đã bắt
đầu từ 29 tháng 4, để thảo luận vấn đề Triều Tiên)
Sự Kiện:
Hội Nghị Genève về Đông Dương được triệu tập ngày 08.05.1954
và kết thúc vào quá nửa đêm ngày 20.07.1954 tức là ngày
21.07.1954.
Đồng Chủ tịch Hội Nghị là Anh Quốc và Liên Xô và thành phần tham dự gồm:
+ Anh Quốc/United Kingdom:
Anthony Eden, Bộ trưởng Ngoại Giao
+ Hoa Kỳ/United States:
General Walter Bedell Smith, Thứ trưởng Ngoại Giao U. Alexis Johnson
General Walter Bedell Smith, Thứ trưởng Ngoại Giao U. Alexis Johnson
+ Trung Quốc/People's Republic of China
Chu Ân Lai/Chou En-lai, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao
Chang Wen-t'ien
Li K'e-nung
+ Việt Minh
Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Ngoại Giao
+ Ai Lao/Laos
Phoui Sananikone, Bộ trưởng Ngoại Giao
+ Liên Xô/USSR
Vyacheslav Molotov, Bộ trưởng Ngoại Giao
+ Pháp/France
Georges Bidault, Bộ trưởng Ngoại Giao (đến ngày 17.06.1954)
Jean Chauvel Pierre Mendès-France, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao (từ ngày 17.06.1954)
Jean Chauvel Pierre Mendès-France, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao (từ ngày 17.06.1954)
+ Việt Nam
Giáo sư Nguyễn Quốc Định, Bộ trưởng Ngoại Giao (trong chính phủ Bửu Lộc) Nguyễn Đắc Khê, Bộ trưởng (trong chính phủ Bửu Lộc)
Bác sĩ Trần Văn Đỗ, Bộ trưởng Ngoại Giao (trong chính phủ Ngô Đình Diệm)
Giáo sư Nguyễn Quốc Định, Bộ trưởng Ngoại Giao (trong chính phủ Bửu Lộc) Nguyễn Đắc Khê, Bộ trưởng (trong chính phủ Bửu Lộc)
Bác sĩ Trần Văn Đỗ, Bộ trưởng Ngoại Giao (trong chính phủ Ngô Đình Diệm)
+ Cao Miên/Cambodia
Tep Phan, Bộ trưởng Ngoại Giao
Sam Sary
Trong thành phần này, Việt Nam là nước duy nhất có hai phái
đoàn đại diện cho hai chính phủ thù địch là QGVN và VNDCCH.
Pathet Lào và cộng sản Khmer, mặc dầu được phe cộng sản (Liên
Xô, Trung Quốc và Việt Minh) ủng hộ, nhưng vẫn không được mời
tham dự Hội Nghị. Thế nhưng, không phải vì thế mà họ bị bỏ
quên, vì Molotov, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng lúc nào cũng nêu
vai trò của phe cộng sản tại Ai Lao và Cao Miên với đòi hỏi là
Hội Nghị phải giải quyết chung vấn đề cho cả 3 nước Đông
Dương. Hai phái đoàn Ai Lao và Cao Miên lập luận rằng vấn đề Ai
Lao và Cao Miên khác với vấn đề Việt Nam, nên cần có giải pháp
riêng. Tuy lập trường nầy được phe phương Tây ủng hộ, sau cùng
quan điểm của phe cộng sản được chấp nhận.
Việt Nam có 3 trưởng phái đoàn liên tiếp, vì các thay đổi
chính phủ tại Sài Gòn. Giáo sư Nguyễn Quốc Định là Bộ trưởng
Ngoại Giao trong chính phủ Bửu Lộc (11.01 – 16.06.1954) và Ông
Nguyễn Đắc Khê cũng là Bộ trưởng (phụ trách vấn đề dân chủ
hoá) trong chính phủ Bửu Lộc. Còn Bác sĩ Trần Văn Đỗ là Bộ
trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Ngô Đình Diệm đầu tiên và thứ
nhì (16.06.1954 – 23.10.1955). Sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 10
năm 1955, Ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống VNCH [5].
Trong thời gian Hội Nghị, Pháp cũng có thay đổi chính phủ:
Chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel mà Bộ trưởng Ngoại Giao
là Ông Georges Bidault bị phe nhóm trung tả của Ông Pierre
Mendès-France đánh bại tại Quốc Hội. Ngày 17.06.1954, Ông
Mendès-France trở thành Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao và
thay thế Ông Bidault tại Hội Nghị Genève. Đây là biến chuyển
chính trị vô cùng tai hại cho QGVN, như chúng ta sẽ phân tích ở
phần sau của bài này.
Hội nghị Genève thảo luận hai vấn đề chính là Triều Tiên
và Đông Dương, nhưng đã dành phần lớn thì giờ cho Đông Dương hơn,
vì Triều Tiên đã được ngưng bắn trong khi chiến cuộc vẫn tiếp
diễn tại Việt Nam trong suốt thời gian Hội Nghị. Bài nầy chỉ
chú trọng vào vấn đề Việt Nam tại Genève mà thôi. Ngoài diễn
đàn chính tại Genève, đại diện quân sự đôi bên còn nhóm họp
tại Trung Giã (Tỉnh Phúc Yên), từ ngày 4 đến 27 tháng 7 để bàn
thảo về những vấn đề kỹ thuật như việc hạn chế hoạt động quân
sự, rút quân, tập kết, trao đổi tù binh vv…
Riêng về Việt Nam, Hội Nghị kết thúc với một Hiệp Định
(Accords sur la cessation des hostilités en Indochine, Accords de
Genève 1954 (20 juillet 1954) và Một Lời Tuyên Bố Sau Cùng (The
Final Declaration of The Geneva Conference: On Restoring Peace in
Indochina, July 21, 1954). Hiệp Định gồm 47 điều với hai bản văn
chính thức bằng tiếng Pháp và tiếng Việt được ký bởi Thiếu
tướng Henri Delteil, đại diện Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp
Pháp tại Đông Dương và Ông Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc Phòng
của VNDCCH.
Một vấn đề còn tranh cãi
Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng vấn đề tồn đọng và còn được
tranh cãi là hiệu lực và tính cách ràng buộc của Lời Tuyên
Bố Sau Cùng. Văn kiện nầy chỉ được vị đồng Chủ tịch Anthony
Eden đọc lên trước khi Hội Nghị bế mạc [6] và không ai ký tên
vào bản văn cả.
Hoa Kỳ không phải là thành viên kết ước, nhưng tuyên bố tôn
trọng Hiệp Định. QGVN từ chối ký tên và Ngoại trưởng Trần Văn
Đỗ phát biểu rõ rệt là Việt Nam chống đối hoàn toàn giải
pháp chia cắt đất nước. Vì vậy, mặc dầu Lời Tuyên Bố của Trưởng
Phái Đoàn Trần Văn Đỗ không được chính thức ghi vào văn bản,
nhưng không ai có thể coi là QGVN/VNCH chấp nhận kết quả của
Hội Nghị Genève, kể cả Lời Tuyên Bố Sau Cùng. Tại Thủ đô Sài
Gòn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên tiếng chống đối mạnh mẽ việc
đặt nửa phần đất nước dưới chế độ cộng sản và cờ rủ được
treo khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam từ phía nam Sông Bến Hải,
như là ngày tang cho tổ quốc.
Trong cốt lõi, Lời Tuyên Bố Sau Cùng gồm hai điểm quan trọng. Thứ nhất
là vĩ tuyến 17 là ‘ranh giới quân sự tạm thời’ chớ không phải là
‘một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ’(đoạn 6). Và thứ hai là tổng tuyển cử dự trù được tổ chức 2 năm sau, tức là vào tháng 7 năm 1956, để thống nhất Việt Nam (đoạn 7).
Lời Tuyên Bố Sau Cùng là một văn kiện chính trị, bày tỏ ý
muốn của phe cộng sản (Liên Xô, Trung Quốc và VNDCCH) và được
Anh và Pháp đồng ý, nhưng ước muốn tự nó không thể có
hiệu lực cưỡng hành như một hiệp ước. Phe cộng sản và một số
tác giả phương Tây bằng vào các lời cam kết tôn trọng Hiệp
Định Genève mà kết luận rằng Lời Tuyên Bố Sau Cùng là một
phần của Hiệp Định và có tính cách ràng buộc. VNCH, thể chế
chính trị kế thừa QGVN, không đồng ý với quan điểm nầy.
Trên nguyên tắc, Tổng thống Ngô Đình Diệm không chống đối
một cuộc tổng tuyển cử tự do và được Liên Hiệp Quốc giám
sát. Không ai – kể cả những chính phủ và các tác giả ủng hộ
phe cộng sản – có thể lập luận rằng bầu cử tự do có thể
được tổ chức tại Bắc Việt trong năm 1956. Đấy là một chế độ
độc tài toàn trị, do guồng máy công an kiểm soát chặt chẽ
từng nhà bằng phương thức hộ khẩu, mô phỏng theo chế độ Mao
Trạch Đông. Trái lại, Nam Việt Nam là một chế độ tự do, tuy chưa
hoàn hảo.
Người ta có khuynh hướng so sánh chế độ tự do tại VNCH với
chế độ dân chủ Tây Âu và Bắc Mỹ, trong khi vì hoàn cảnh lịch
sử, VNCH đáng lẽ phải được so sánh với các nước vừa được độc
lập sau Thế Chiến Thứ Hai như Indonesia và Philippines – là
những quốc gia non trẻ tập tễnh trên con đường dân chủ đầy chông
gai. Điều trớ trêu là ông Hồ Chí Minh không bị chỉ trích vì
chế độ độc tài toàn trị ở Miền Bắc, mà Ông Ngô Đình Diệm
lại bị đả kích vì chế độ tự do tại Miền Nam ‘thiếu dân chủ’.
Điển hình cho khuynh hướng nầy là tác giả Joseph Buttinger,
thoạt đầu là một người bạn nhưng sau đó trở thành một người
chỉ trích dữ dội ông Ngô Đình Diệm [7].
Người ta cũng thường trích dẫn nhận xét của Tổng thống
Dwight D. Eisenhower, theo đó ông Hồ Chí Minh có thể thắng trong
một cuộc bầu cử tự do. Ngoài lý do nhận xét nầy thường được
trích dẫn bên ngoài văn mạch (out of context) khi Tổng thống Mỹ
so sánh ông Hồ Chí Minh với cựu Hoàng Bảo Đại, nhận xét này
còn phải được hiểu, trong bối cảnh thực tế của năm 1956 khi
Miền Bắc đông dân hơn Miền Nam. Bởi vậy, cho dầu 100% dân chúng
Miền Nam ủng hộ ông Ngô Đình Diệm – một scenario không thể xảy ra bắt cứ tại đâu bên ngoài khối cộng sản – ông Hồ Chí Minh vẫn có thể đạt được đa số [8].
Còn việc giám sát của Liên Hiệp Quốc thì sao? Lập trường
xuyên suốt của QGVN/VNCH là Liên Hiệp Quốc phải có vai trò
chính trong việc giám sát cuộc đình chiến cũng như trong vấn
đề tổ chức bầu cử tự do. Tại sao phe cộng sản tại Hội Nghị
Genève cũng như sau Hội Nghị luôn luôn từ chối sự giám sát của
Liên Hiệp Quốc trong vấn đề chấm dứt chiến tranh và vãn hồi
hòa bình tại Viêt Nam?
Trước kia, chúng ta có thể suy đoán, nhưng ngày nay chúng ta
có thể tìm được lý do trong số 80 công điện và phúc trình mật
và tối mật mà Chu Ân Lai gởi về Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ
và Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và được Bộ Ngoại
Giao Bắc Kinh phổ biến hạn chế hồi năm 2004. Bằng chứng cũng
có thể tìm thấy trong các nhật ký của Molotov trong số 8 văn
kiện mật mà Moscow đã phổ biến.
Phe cộng sản – cá biệt là Bắc Kinh – rất e ngại vấn đề Việt
Nam được quốc tế hóa mà Bắc Kinh coi là con đường dẫn đến sự
tham dự của Hoa Kỳ [9]. Liên Xô còn có thêm một lý do khác để
chống đối sự tham dự của Liên Hiệp Quốc. Trong vấn đề Triều
Tiên, Moscow đã không sử dụng quyền phủ quyết khi Hội Đồng Bảo
An quyết nghị can thiệp, dẫn đến sự tham chiến quốc tế do Mỹ
lãnh đạo trong cuộc chiến Triều Tiên (1950 - 1953). Trong vấn đề
giám sát của Liên Hiệp Quốc, ông Hồ Chí Minh (mà các văn kiện
mật và tối mật của Bắc Kinh và Moscow thường gọi với bí danh
là “Comrade Ding/Đồng chí Ding”) tuân theo đường lối của hai đàn anh cộng sản.
Ngày nay, trong bối cảnh khác và tác nhân tranh chấp khác –
tức là giữa Trung Quốc và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam, hoặc với Philippines, Bắc Kinh cũng chống đối việc quốc tế
hóa vấn đề Biển Đông, dầu là dưới hình thức trước Tòa Án
Quốc Tế hay dưới hình thức thương thuyết đa phương, mà mục đích
là để ngăn ngừa sự tham dự của Mỹ.
Một lập luận khác cũng thường được nêu lên là vì Pháp
chấp nhận thi hành Hiệp Định Genève kể cả Lời Tuyên Bố Sau
Cùng, nên QGVN/VNCH cũng bị ràng buộc và phải thi hành. Cơ sở
của lập luận nầy là (a) QGVN chưa hoàn toàn độc lập trong Liên
Hiệp Pháp, và (b) Pháp hành xử thẩm quyền ngoại giao thay cho
QGVN tại Hội Nghị Genève.
Luận điệu nầy không đúng. Việt Nam là một quốc gia độc lập
và thống nhất Nam Bắc Trung theo Bản Tuyên Bố Chung Việt-Pháp
tại Vịnh Hạ Long ngày 05.06.1948 và được chính thức xác nhận
bởi Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ngày 08.06.1949. Trên cơ sở hai
văn bản nầy, thì QGVN quả thật chưa hoàn toàn độc lập về
phương diện tài chánh và ngoại giao. Thế nhưng, giới hạn cuối
cùng nầy đã được tháo gỡ bởi Hiệp Ước Việt-Pháp mà Thủ
tướng Bửu Lộc và Thủ tướng Joseph Laniel đã ký ngày 04.06.1954.
Tại Hội Nghị Genève, Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn
độc lập và được ít nhất là 35 quốc gia khác trên thế giới
công nhận từ năm 1949 đến năm 1955 so với 26 quốc gia có quan hệ
ngoại giao với Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian ấy [10].
Quan điểm của Sài Gòn là VNCH không bị ràng buộc bởi Lời Tuyên Bố Sau Cùng là có cơ sở.
Phân Tích: chính trị đại cường
‘Chính trị đại cường’ hay chính trị nước lớn là một nhóm
chữ đơn giản nhưng không thể hiện được sự phức tạp trong quan
hệ Anh-Pháp-Mỹ từ phía ‘đồng minh’ phương Tây. Từ phía cộng
sản, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow chưa có gì gây cấn và
được coi là rất đầm ấm, vào thời điểm 1954 vì Trung Quốc, chỉ
sau 5 năm thành lập, còn phải học hỏi nhiều từ Liên Xô về mặt
ngoại giao trên diễn đàn quốc tế. Nhưng không phải vì sự khác
biệt trong nội bộ cường quốc phương Tây và trong nội bộ cường
quốc cộng sản mà hai phía đối nghịch Việt Nam không phải đối
diện với nhiều khó khăn tại Hội Nghị. Đáng ngạc nhiên là
những khó khăn này lại giống nhau, tức là những khó khăn với
chính ‘đồng minh’của mình. Dị biệt giữa Washington, London và
Paris sâu đậm và phức tạp hơn, nên QGVN đã không thể vượt qua
những trở lực tại Hội Nghị và sau cùng đã phải chịu thất
bại nặng nề hơn là VNDCCH [11].
Khởi thủy, lập trường của hai phe đối nghịch Việt Nam đều
chống đối giải pháp chia cắt đất nước. Thế nhưng trong khi QGVN
nhất quán duy trì lập trường bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ,
thì VNDCCH đã không cưỡng lại được sức ép của Trung Quốc và
Liên Xô nên phải chấp nhận giải pháp chia đôi.
Chia đôi Việt Nam là giải pháp mà Moscow và Bắc Kinh chủ
trương rất sớm từ đầu tháng 3 năm 1954. Lần đầu tiên bước vào
sân khấu chính trị thế giới nên Bắc Kinh đã chuẩn bị rất kỹ.
Chính Thủ tướng Chu Ân Lai đã soạn thảo chính sách chỉ đạo mà
Ban Bí Thư Ủy Ban Trung Ương đã cứu xét và chấp thuận ngày
02.03.1954 [12].
Theo tài liệu quan trọng nầy, Trung Quốc đánh giá cao thành
công của Liên Xô trong việc vận động triệu tập Hội Nghị Genève
và coi việc tham dự của Trung Quốc là một bước tiến lớn, mặc
dầu các cường quốc ‘phản động’ không tin là Hội Nghị có thể
đạt kết quả gì. Bởi vậy, chính sách của Trung Quốc là phải
tham dự̣ để cải thiện thể đứng ngoại giao và phá vỡ âm mưu gây
chiến của ‘đế quốc Mỹ’. Trung Quốc phải nỗ lực đạt kết quả,
dầu là kết quả giới hạn hoặc tạm thời, để mở đường cho
việc giải quyết tranh chấp bởi các đại cường. Trung Quốc đã
tự coi mình là một đại cường. Đối với Đông Dương, Trung Quốc
phải cố gắng để hội nghị không thất bại, và tham dự để, nếu
cần, tạo ra tình trạng vừa đánh vừa đàm (“negotiating while
fighting”) nhằm gây khó khăn cho Pháp và tạo mâu thuẫn giữa Pháp
và Mỹ. Một cách cụ thể, chính sách đã nói rõ là ‘ngưng bắn
tại chỗ’ không tốt bằng chia đôi Nam/Bắc có thể là tại vĩ
tuyến thứ 16. Chu Ân Lai còn nói thêm là Trung Quốc phải chuẩn
bị thảo luận các giải pháp hợp tác kinh tế thương mại để bẻ
gẫy phong tỏa của Mỹ - và bên lề hội nghị, cải thiện bang giao
song phương với Anh, Pháp và Canada. Trong bản văn này, Chu Ân Lai
đã nhận xét chính xác là các cường quốc phương Tây chia rẽ và
có nhiều khó khăn chính trị nội bộ.
Sự phối hợp giữa phe cộng sản chặt chẽ hơn là phe phương
Tây. Ngày 22.04.1954, tại Moscow, Chu Ân Lai thảo luận với Đệ
Nhất Bí Thư Nikita Khrushchev và Thủ tướng George M. Malenkov và
Liên Xô đồng ý với chính sách của Chu Ân Lai. Khrushchev nói
chính sách nầy phải được bảo mật. Khrushchev cho biết là đã
tiếp Đồng chí Ding (bí danh của Hồ Chí Minh) và cho biết
yêu cầu của Hồ Chí Minh có thể được thỏa mãn (satisfied),
nhưng không nói rõ hoặc mật điện không ghi rõ là yêu cầu gì.
Mật điện nói thêm là Hồ Chí Minh ghé lại Bắc Kinh để gặp Mao
Trạch Đông trên đường về [13].
Một phiên họp quan trọng khác được tổ chức tại Liễu Châu /
Liuzhou, Trung Quốc, ngày 04.07.1954 giữa Chu Ân Lai và các phụ
tá với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, nhưng nội dung không được
tiết lộ trong mật điện [14].
Bề ngoài, Chu Ân Lai có vẻ quan tâm đến uy tín của VNDCCH.
Ngoài các phiên họp đặc biệt với Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai không
bỏ lỡ cơ hội than phiền với các trưởng phái đoàn phương Tây về
việc mà ông gọi là “bất bình đẳng” (inequality) trong việc
phương Tây phân biệt đối xử giữa QGVN và VNDCCH.
Trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Anthony Eden ngày
14.05.1954, Chu Ân Lai than phiền là Pháp đã không thèm trả lời
đề nghị chính trị của Phạm Văn Đồng, vì Pháp chỉ coi QGVN là
đại diện cho toàn thể Việt Nam. Theo lời Chu Ân Lai, người đòi
hỏi quá nhiều không phải là Hồ Chí Minh mà là Bảo Đại, vì
Bảo Đại không những coi mình là lãnh tụ duy nhất của Việt Nam
mà còn đòi hỏi Liên Hiệp Quốc bảo đảm Bảo Đại là lãnh tụ
duy nhất sau cuộc tổng tuyển cử – một đề nghị mà Moscow và
Bắc Kinh đều không chấp nhận. Tất nhiên, Chu Ân Lai cũng không
quên đòi hỏi cho chính mình là Trung Quốc xứng đáng được có
qui chế của một đại cường [15]. Cũng theo Chu Ân Lai, Ngoại trưởng
Georges Bidault chẳng những không công nhận Việt Minh mà còn coi
họ là một ‘lực lượng phản loạn’ [16].
Thật vậy, nếu chúng ta có thể chia Hội Nghị Genève làm hai
giai đoạn trước và sau ngày 17.06.1954, thì vị thế của phái
đoàn QGVN trên chân hẳn phái đoàn VNDCCH trong giai đoạn đầu.
Mặc dầu có sự nghi kỵ và khác biệt quan điểm giữa
Anh-Pháp-Mỹ, Mỹ và đặc biệt là Pháp ủng hộ QGVN mạnh mẽ.
Lập trường sơ khởi của Thủ tướng Joseph Laniel và Ngoại trưởng
Georges Bidault không khác gì lập trường của QGVN. Thủ tướng
Laniel đã đặt 5 điều kiện ngưng bắn là quân cộng sản phải rút
khỏi Miên và Lào, thiết lập một vùng phi quân sự tại Đồng
bằng Sông Hồng, di chuyển quân cộng sản tại Việt Nam vào vùng
chờ đợi định trước, quân Việt Minh phải rút khỏi Nam Việt và
bảo đảm ngăn cấm mọi tăng viện từ bên ngoài [17].
Thế đứng của QGVN sụp đổ cùng với sự sụp đổ của chính
phủ Laniel. Ngày 17.06.1954, tân Thủ tướng thiên tả Pierre
Mendès-France tuyên bố trước Quốc Hội Pháp rằng điều đình ôn
hòa có thể̉ thực hiện được và ngưng bắn có thể đạt được. Tân
Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pháp tự đặt cho mình một thời
hạn phải đem lại kết quả là ngày 20.07.1954. Bảo Đại coi đây
là lời tuyên bố “lạ lùng” [18], nhưng quan trọng hơn là phái
đoàn QGVN tại Genève bị cô lập hoàn toàn kể từ thời điểm
nầy.
Vài ngày sau, Chu Ân Lai và Mendès-France gặp nhau lần đầu
tiên tại Đại Sứ quán Pháp ở Bern, Thụy Sĩ. Theo phúc trình
của Chu Ân Lai ngày 23.06.1954, Mendès- France đã nói rằng nhìn
chung, mục tiêu của Trung Quốc và Pháp không có nhiều dị biệt
về nguyên tắc. Mendès-France đồng ý với Chu Ân Lai về giải pháp
2 bước: đình chiến về quân sự và tiếp theo sau là giải pháp
chính trị. Mendès-France cũng đồng ý với Chu Ân Lai là Pháp sẽ
không để Mỹ lập căn cứ quân sự trong vùng [19].
Sự rạn nứt giữa Pháp và Mỹ được xác nhận. Trung Quốc rất
lo ngại trước nguồn tin Mỹ thảo luận thành lập tổ chức Liên
Phòng Đông Nam Á SEATO mà Chu Ân Lai coi như là một đe dọa cho
chính Trung Quốc. Trong cuộc thảo luận nầy, Chu Ân Lai cũng cho
biết là Trung Quốc thúc giục VNDCCH tiếp xúc với phái đoàn
Pháp và phái đoàn QGVN và yêu cầu Pháp cũng có đề nghị ngược
lại với Bảo Đại.
Chu Ân Lai tiếp tục lo ngại về khả năng Mỹ thiết lập căn cứ
quân sự tại Đông Nam Á và nêu vấn đề nầy với Anthony Eden và
Mendès-France. Eden giải thích rằng SEATO, nếu được thành lập,
chỉ là một liên minh phòng thủ (defensive) trong khi đó
Mendès-France nhắc lại quan điểm của Pháp là không có kế hoạch
thiết lập căn cứ Mỹ trong vùng [20].
Thời hạn 20.07.1954 gần kề nên Mendès-France nỗ lực thu hẹp
dị biệt lập trường giữa hai bên. Các đại cường đã đồng ý là thành
viên Uỷ Hội Kiểm Soát Đình Chiến bao gồm các nước Ấn Độ, Canada và Ba
Lan. Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ bị chia cắt tại đâu và
tổng tuyển cử được ấn định lúc nào? Không khác chi các chuyến
‘đi đêm’ giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ trong thời gian Hòa
Đàm Paris vào đầu thập niên 1970, Pháp, Anh, Liên Xô và Trung
Quốc cùng đi đêm với nhau mà phái đoàn QGVN không biết và có
lẽ phái đoàn VNDCCH cũng không biết rõ [21]. Phái đoàn QGVN chỉ
nhận được tin tức đã chậm mà còn không đầy đủ, do phái đoàn
Mỹ chuyển lại. Tuy vậy, Trưởng phái đoàn Trần Văn Đỗ cũng gặp
được Chu Ân Lai, do sự giới thiệu của phái đoàn Pháp. Một
ngày trước khi Hội Nghị kết thúc, Bác sĩ Trần Văn Đỗ lên
tiếng cực lực bác bỏ phát biểu của Liên Xô và của Pháp khi
cả hai cường quốc nầy đề cập đến sự chia đôi lãnh thổ Việt
Nam [22].
Trong khi đó, trái với lập trường nguyên thủy, VNDCCH chấp
nhận giải pháp chia đôi. Họ đã từng đề nghị một nơi nào đó
giữa vĩ tuyến 13 và 14, nhưng trước sức ép của Liên Xô và Trung
Quốc, họ hi vọng đó là vĩ tuyến thứ 16, trong khi Pháp hãy
còn đòi hỏi vĩ tuyến thứ 18. Mendès-France nói rằng Pháp không
thể chấp nhận vĩ tuyến 16 vì Pháp không thể để cố đô Huế
lọt vào tay cộng sản. Tài liệu Liên Xô cũng cho thấy Moscow
chấp nhận vĩ tuyến16 rất sớm, từ đầu tháng 3 năm 1954. Thế
nhưng Molotov vẫn bênh vực đề nghị vĩ tuyến 13/14 của VNDCCH như
là một chiến thuật thương thuyết để sau nầy có cơ hội trao đổi
“nhượng bộ”. Cũng theo chiến thuật thương thuyết nầy, Moscow đã
ủng hộ thời hạn tổ chức tổng tuyển cử mà VNDCCH muốn đạt
được là trong vòng 6 tháng sau khi ngưng chiến. Do sức ép của
Liên Xô và Trung Quốc – đặc biệt là Trung Quốc vì Bắc Kinh không
muốn Hội Nghị thất bại và Bắc Kinh đang lo Mỹ can thiệp -
VNDCCH phải từ bỏ vĩ tuyến 13/14 và phải chấp nhận tổng tuyển
cử vào tháng 7 năm 1956 [23].
Trong phiên họp ngày 20.07.1954 giữa Chu Ân Lai, Mendès-France
và Eden, Mendès-France đề nghị giải pháp dung hòa là vĩ tuyến
17. Phạm Văn Đồng không trả lời [24].
Số phận Việt Nam đã an bài.
Tạm Kết
Chúng ta không thể thay đổi lịch sử, nhưng diễn tiến lịch
sử tại Hội Nghị Genève 1954 có thể cho ta bài học gi?
Trái với luận điệu tuyên truyền “môi hở răng lạnh” mà cả
Bắc Kinh và Hà Nội đều đã sử dụng, Trung Quốc giúp đỡ phe
cộng sản tại Việt Nam trước và sau năm 1954 là vì quyền lợi
của Trung Quốc. Trung Quốc coi Hội Nghị Genève là bàn đạp để
Trung Quốc xác định vai trò đại cường trên diễn đàn quốc tế.
Trung Quốc không muốn Hội Nghị thất bại, vì e ngại sự thất
bại ấy có thể dẫn đến sự can thiệp quân sự của Mỹ mà Trung
Quốc coi là mối đe dọa cho chính Trung Quốc. Đây là một tầm
nhìn chiến lược mà Bắc Kinh không thay đổi trong 60 năm qua. Trong
chiến lược nầy, quyền lợi của Việt Nam là thứ yếu. Nhân cuộc
chiến biên giới Việt-Trung 1979, Hà Nội lần đầu tiên và chỉ
một lần thôi, dám lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã phản bội
VNDCCH tại Hội Nghị Genève [25].
Trên 60 năm qua, Việt Nam Thống Nhất hoặc Việt Nam chia đôi
đều đã là nạn nhân của ván bài chính trị đại cường. Cộng
Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục vướng mắc trong
chính trị nước lớn, nếu Hà Nội tiếp tục gắn bó trong mối
quan hệ đặc biệt và bất bình đẳng với Bắc Kinh như được diễn
đạt dưới chiêu bài 16 chữ vàng và 4 tốt. Trong thế giới đa cực
ngày nay, quyền lợi lâu dài của tổ quốc Việt Nam là bang giao
độc lập và bình đẳng với tất cả các cường quốc.
L.T.Q.
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo:
[1960] Anthony Eden, The Memoirs of the Rt. Hon. Sir Anthony Eden, Cassell, London.
[1968] Dennis J. Duncanson, Government and Revolution in Vietnam, Oxford University Press, London.
[1977] Joseph Buttinger, Vietnam the Unforgettable Tragedy, Andre Deutsch, London.
[1990] Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam – Hồi Ký Chánh Trị 1913-1987, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, Xuân Thu Publishing phát hành, Los Alamitos, CA, USA.
Woodrow Wilson Center, Cold War International History Project No.16, The Geneva Conference of 1954 – New Evidence from the Archives of the Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China [80 documents].
Bằng chứng mới nầy gồm 80 công điện mật hoặc tối mật mà
phần lớn do Chu Ân Lai tường trình về Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ
và Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản. Đây chỉ là một số tài liệu của
Bộ Ngoại Giao tại Bắc Kinh va một số con bị cắt xén. Toàn bộ tài
liệu của Bộ Ngoại Giao chưa được công bố. Tài liệu của Bộ Chính Trị
Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tức là cơ quan đầu não quyết định chính
sach, thì hoàn toàn chưa được công bố.
(Trong phần Ghi Chú sẽ là Tài liệu PRC [Doc no…] ngày…).
Woodrow Wilson Center, Cold War International History Project No.16, The Geneva Conference of 1954 – Russian Documents on the 1954 Geneva Conference [8 documents].
Từ phia Liên Xô, có 8 tài liệu mà phần lớn là Nhật Ký mật
(secret Journal) của V. M. Molotov và do các phụ tá của Molotov ghi lai
dưới hinh thức tóm lược.
(Trong phần Ghi Chú sẽ là Tài liệu USSR [Doc no…] ngày…).
[1971] The Pentagon Papers, Gravel Edition
Volume 1, Chapter 3, "The Geneva Conference, May-July, 1954"
(Boston: Beacon Press, 1971) Section 1, pp 108-146.
Volume 1, Chapter 3, "The Geneva Conference, May-July, 1954"
(Boston: Beacon Press, 1971) Section 1, pp 108-146.
[1971] The Pentagon Papers, Gravel Edition
Volume 1, Chapter 3, "The Geneva Conference, May-July, 1954"
(Boston: Beacon Press, 1971) Section 2, pp 146-178.
Volume 1, Chapter 3, "The Geneva Conference, May-July, 1954"
(Boston: Beacon Press, 1971) Section 2, pp 146-178.
Ghi Chú:
[1] Tài liệu PRC [Doc 1] - Mật Điện do Ủy Ban Trung Ương Đảng
Cộng Sản Liên Xô gởi Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc
qua Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh ngày 26.02.1954. (“Previously we
already informed you that “other related countries” in Indochina,
according to our understanding, should be the Democratic Republic of
Vietnam and the…Chief (Quoc Truong)] Bao Dai’s [State of] Vietnam, Laos
and Cambodia. We know that the Vietnamese friends are concerned about
the convening of the Geneva Conference, and whether they will attend the
conference. We believe that the CCP Central Committee will agree to our
opinion.”).
[2] Bảo Đại, trang 499.
[3] Wikipedia Tiếng Việt: Trần Canh (Chen Geng; 1903 -1961), là một Đại tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và là một trong những tướng lãnh được Mao Trạch Đông
tin cậy nhất. Ông đã từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng. Ông là
Trưởng Phái bộ Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc của Việt Minh từ ngày
07.07.1950.
[4] Bảo Đại, trang 510.
[5] Bảo Đại, trang 500, 518, 527, 538-539.
[6] Eden, trang 24.
[7] Buttinger, trang 53-69 (trao đổi thư riêng giữa tác giả và Tổng thống Ngô Đình Diệm).
[8] Duncanson, trang 223-224.
[9] Tài liệu PRC:
- [Doc 3] Mật điện của Đại sứ Trung Quốc tại Moscow phúc trình về Bộ Ngoại Giao tại Bắc Kinh, ngày 06.03.1954 (“Molotov emphasized that the United Nations should not be allowed to get involved”).
- [Doc 25] Mật điện Chu Ân Lai gởi Mao Trạch Đông ngày 04.06.1964 (“Bao
Dai’s delegate said at yesterday’s eleventh restricted session on the
Indochina issue that only the United Nations could take charge of the
task of supervising. Bidault spoke to support Bao Dai’s delegate…I made
statements not only resolutely opposing the United Nations supervision…”).
– [Doc 46] Biên bản thảo luận giữa Chu Ân Lai và Thủ tướng
Pháp P. Mendès-France tại Đại Sứ quán Pháp ở Bern ngày
23.06.1054 (Chu Ân Lai nói với Mendès-France: “The Bao Dai
government should approach the Democratic Republic of Vietnam through
discussions and negotiations, instead of opposing it. Unfortunately, his
[Bao Dai’s] political proposal aims exactly at opposition, hegemony,
and at inviting the United Nations to intervene. This is
unacceptable…”).
[10] Wikipedia Tiếng Việt: Quốc Gia Việt Nam / État du Vietnam &
Zhang Sulin (Ministry of Foreign Affairs Archives, Beijing) – The
Declassification of Chinese Foreign Ministry Archival Documents – A
Brief Introduction (page 11)
Tuy nhiên, bài nầy không thảo luận chi tiết về tư cách quốc
gia của Bắc Việt và Nam Việt Nam theo Công Pháp Quốc Tế.
[11] Xem The Pentagon Papers có phần tóm lược đầy đủ về lập trường và mục tiêu của các nước tham dự Hội Nghị Genève 1954.
[12] Tài liệu PRC [Doc 2] Trích dẫn nhận định và chính sách
do Chu Ân Lai soạn thảo và được Ban Bí Thư Ủy Ban Trung Ương
chấp thuận ngày 02.03.1954.
[13] Tài liệu PRC [Doc 6] Mật điện Chu Ân Lai gởi Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Ủy Ban Trung Ương, ngày 23.04.1954.
[14] Tài liệu PRC [Doc 64] - Mật điện Chu Ân Lai gởi Mao Trạch
Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Uỷ Ban Trung Ương tường trình phiên họp
tại Liễu Châu / Liuzhou với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ngày
04.07.1954. Phiên họp nầy quan trọng vì bao gồm chính sách và
thủ tục thương thuyết tại hội nghị cũng như chính sách và
chiến thuật của Đảng Lao Động Việt Nam (“The question of negotiation—including policies, procedures,
timing and supervision; the policies and tactics of the Vietnamese Workers
Party in the future and the tendencies that are in need of attention”). Tuy nhiên, nội dung không được ghi trong mật điện.
Tài liệu USSR [Doc 2] Trong cuộc hội kiến với Xử Lý Thường
Vụ Liên Xô tại Bắc Kinh ngày 05.07.1954, Mao Trạch Đông cũng nói
về cuộc thảo luận giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tại Liễu Châu
/ Liuzhou nhưng báo cáo của Xử Lý Thường Vụ Liên Xô cũng không
ghi nhận nội dung Liễu Châu.
[15] Tài liệu PRC [Doc 13] – Biên bản thảo luận Chu Ân Lai /Anthony Eden, ngày 14.05.1954 - Zhou Enlai:...“I
meant that France had not answered Mr. Pham Van Dong’s political
proposal, while only recognizing Bao Dai as representing all of Vietnam
and unifying Vietnam under him. This is a completely unreasonable
thought.”… Zhou Enlai: “China deserves the status of a
great power. This is an existing fact. We are willing to work with
others for world peace, particularly for peace in Asia….”… Zhou Enlai: “I
think that the person who is asking too much is not Ho Chi Minh but Bao
Dai. In their proposal, the delegates from the State of Vietnam not
only asked that Bao Dai be recognized as the only leader of Vietnam, but
also that the United Nations guarantee Bao Dai’s status as Vietnam’s
only leader after the elections. Ho Chi Minh has made no such
demands.”...
[16] Tài liệu PRC [Doc 9] ngày 09.05.1954.
[17] Tài liệu PRC [Doc 27] 05.06.1954 Biên bản (Tối Mật) thảo
luận giữa phái đoàn Trung Quốc và phái đoàn Pháp Wang/Chauvel [Editor’s Note: French
Prime Minister Joseph Laniel had demanded five conditions for a
ceasefire: withdrawal of all communists from Cambodia and Laos, creation
of a demilitarized zone aroundthe Red River Delta, relocation of
communists in Vietnam into predetermined standing zones, removal of all
Viet Minh troops in south Vietnam, and guarantees against reinforcements
from abroad].
[18] Bảo Đại, trang 516.
[19] Tài liệu PRC [Doc46] Thảo luận Chu Ân Lai / Mendès-France
tại Đại Sứ quán Pháp, Bern, Thụy Sĩ ngày 23.06.1954 – Mendès-France: “...Generally
speaking, [our] goals are not much different in principle….There is one
more final point. I am glad the Premier made such a suggestion: it is
the best to go through two steps. The first is a cease-fire, and the
second is a political settlement…This is a practical solution, it should
be reached quickly…There is another important point. The Premier raised
a concern about establishing American military bases. I fully agree
on this point. I want to make it clear that we don’t intend to
establish any American bases in that region. We don’t have such a
plan…”.
Zhou Enlai: “…You had a very good answer to my last point.
France has no intention to establish any American bases. This is very
good not only for the three countries, but also good for China, France,
and Southeast Asia. All of us hope for a peaceful co-existence and for
building a common foundation for the future…”.
[20] Tài liệu PRC
- [Doc 68] Thảo luận Chu Ân Lai / Anthony Eden ngày 13.07.1954.
- [Doc 71] Thảo luận Chu Ân Lai / Mendès-France ngày 17.07.1954.
Và Tài liệu USSR [Doc 5] Thảo luận giữa Molotov, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng ngày 16.07.1954 – “Zhou Enlai says
that according to information available to him Britain is taking
vigorous action to create an alliance of countries in Southeast Asia
which would be tied to one another by a system of treaties of the
Locarno type. The US is trying to counter the British plan with their
own plan. They are relying on the basis of an alliance of the five
powers taking part in a meeting in Singapore and creating a military
bloc under their aegis including Thailand, Pakistan, Bao Dai’s Vietnam,
Laos, and Cambodia, in addition to these five countries. Zhou Enlai said
that we ought to oppose the creation of military blocs in Asia, taking
advantage the existing differences between the US and Britain in doing
this.
Molotov and Pham Van Dong express their agreement with the opinion of Zhou Enlai.”
[21] Tài liệu PRC [Doc 44] ngày 22.06.1954 – Chauval nói với
Chu Ân Lai rằng Pháp và Trung Quốc làm viêc chung với nhau và cả
hai phái đoàn cần duy trì sự họp tác bí mật nầy (secret
co-operation).
[22] Tài liệu PRC [Doc 73] ngày 19.07.1954.
[23] Tài liệu USSR
- [Doc 1] Journal of Molotov (secret) – Thảo luận với Đại Sứ Trung Quốc tại Moscow ngày 06.03.1954.
- [Doc 3] Journal of Molotov (secret) Thảo luận tay đôi với P. Mendès-France.
[24] Tài liệu PRC [Doc 78] Mật điện ngày 20.07.1954 tường
trình phiên họp ngày 19.07.1954 giữa Chu Ân Lai, Mendès-France và
Anthony Eden.
[25] Socialist Republic of Vietnam, The Truth about Vietnam-China Relations over the last 30 Years, Hanoi, Ministry of Foreign Affairs, 1979.
CHXHCN Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nhà
Xuất Bản Sự Thật, Hà Nội, 1979, trang 17-21: Phần Thứ Hai -
Chương III- Hiệp Định Giơnevơ Năm 1954 Về Đông Dương Và Sự Phản Bội Của
Những Người Lãnh Đạo Trung Quốc. -/-