Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Những người thầy dạy luật

Phương Hà
Thấm thoắt lại đến ngày 20/11. Ngày kỉ niệm dành để nhớ và biết ơn các thầy cô giáo, nhưng năm nay trên khắp các trang thông tin đại chúng đâu đâu cũng đề cập đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, rồi lại không biết bao nhiều vụ án oan khác được nhắc đến liên quan đến hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử của ngành tư pháp.
Chạnh lòng tôi muốn viết vài dòng nhớ đến các thầy giáo đã từng dạy dỗ chúng tôi pháp luật.
Đối với nước ta việc đào tạo luật có những bước thăng trầm của nó, xin kể hầu các bạn. Có một lần tôi được ngồi chung bàn với ông Nguyễn Đình Lộc tiến sỹ nguyên là Bộ trưởng bộ Tư pháp khi đó ông còn là ủy viên UBPL của quốc hội, cùng bàn còn có ông Phan Xuân Đợt nguyên là bộ trưởng bộ Lâm Nghiệp hai ông trêu nhau vui vẻ nói ông Đợt là bộ trưởng bộ “phá rừng”, ngược lại ông Lộc là bộ trưởng bộ “phá luật” Ông Đợt nói ông được chỉ đạo từ tổng bí thư lê Duẩn là chặt 1 triệu khối gỗ để xuất khẩu cứu đói cho dân nhưng mới cho triển khai được 700 ngàn m3 thì rừng nước ta đã cạn kiệt thảm họa, Ông Lộc nói với tôi: Chú mày không biết chứ hồi đó bí thư thứ nhất Lê Duẩn chỉ đạo “Nước ta là nhà nước công nông không phải là nhà nước tư bản cho nên ta không cần pháp luật để cại tri dân, chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ” do vậy sau 1960 nước ta hoàn toàn không có dạy luật và học luật và các ông cho rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân bắt nguồn từ người lãnh đao cao nhất của quốc gia mà đảng cầm quyền.

Cho nên việc học luật mãi đến năm 1970 mới bắt đầu trở lại, mặc dù trước đó khi người Pháp vào cai trị nước ta Đại học luật Hà Nội là một trường nổi tiếng khu vực, sau đó ở Miền Nam đã có đại học luật Sài Gòn. Năm 1970 ở miền bắc có các trường dạy luật được xây dựng lại là trường cán bộ tư pháp, Trường cán bộ kiểm sát, và các trường công an như C500, Trường trung cấp cảnh sát nhân dân nhưng trường này ngoài học chuyên nghành ra đều có đào tạo cơ bản về luật pháp. Trước đó cũng phải nói thêm một tý là các ngành đều có những khóa học nghiệp vụ 3 tháng. 6 tháng 1 năm hoặc một số khóa do chuyên gia Liên xô giảng dạy, Trong lúc đó ở Miền bắc không hiếm những ông thầy đã từng tốt nghiệp luật từ Pháp, từ đại học luật Hà nội thời Pháp thuộc
Khóa chúng tôi đi học ngành công tố đã là khóa 3 (1974-1976) những cán bộ học trước chúng tôi K1 như Ông Trần Quốc Vương trước là Viện trưởng Viện KSNDTC nay là bí thư TW Đảng chánh văn phòng TW, hay người cùng chi cùng khóa như Bà Tòng Thị Phóng ủy viên BCT, phó chủ tịch quốc hội đương nhiệm. Thầy giáo chúng tôi hồi đó đa phần là giáo viên kiêm nhiệm, như ông Phan Quân cha đẻ của “Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng” là chuyên viên của Viện KSND Tối cao, ông Nguyễn Minh Ngọc kiểm sát viên cao cấp chuyên về án giết người, người trực tiếp tham gia điều tra vụ án nổi tiếng thời đó là một cán bộ cao cấp Nguyễn Việt Hùng cặp bồ rồi đầu độc vợ bằng arsen. Ông Nguyên Vỹ chuyên viên “Hiếp dâm” thầy giáo Nguyễn văn Lương, Ông giáo sư Phạm Thụ chuyên gia về dấu vết và đạn đạo của Pháp y quân đội, Nhiều thầy dạy nổi tiếng như ông Phan Giá, ông Nguyễn Trường dạy tố tụng hình sự Một số thầy giáo trẻ như ông Vũ Đức Khiển dạy lý luận về nhà nước và pháp luật, Thầy được học luật từ Liên Xô nhưng do Liên Xô lúc đó đánh “chủ nghĩa xét lại” nên chưa tốt nghiệp đại học. Những thầy dạy đã từng làm quan từ thời pháp thuộc như ông Trần Kiêm Lý một chuyên gia hình luật nổi tiếng sau này làm đến Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Những người dạy luật hồi đó có những điểm chung, điểm đầu tiên là dạy các học viên “làm người” sau đó là làm đầy tớ của nhân dân thực hiện công tác công quyền. Dạy và nhấn mạnh nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” với họ Pháp luật là trên hết. Nước có pháp luật, nhà có gia quy. Hình anh Thầy giáo Trường dạy tố tụng hình sự gầy gò ốm yếu nhưng với ông một buổi dạy như một buổi cày ải lao lực. Ông dùng thơ sau tám ví von để học viên hiểu được nắm được thuộc lòng, tội phạm xảy ra ở đâu, trời sáng, trời tối, thời tiết, khoảng cách quan sát, các chứng cứ thu thập được có bảo đảm khách quan hay không? Thật là sâu sắc và hết sức tỉ mỉ. Họ dạy làm công tố là phải hết sức khách quan, mà khách quan trước hết là chính mình phải khách quan, đừng lấy chủ quan của mình mà phán xét vấn đề, họ dạy tâm lý học tội phạm bằng gan ruột của một đời người đã trải qua bao biến cố thăng trầm như cải cách ruộng đất mà chính họ nhưng người con cải nhà giàu có học nhưng phải gánh chịu nhiều hệ lũy khôn lường. Nhưng bản thân họ cũng luôn luôn đề cao nhưng giá trị truyền thống dân tộc họ vận dụng nhiều vụ án dân gian, kể chuyện Bao Công xử án và luôn đề cao một vấn đề mà trong học thuật gọi là “niềm tin nội tâm” của Điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán đó chính là cách đề cao tính con người trong hành xử công việc, Họ giảng cho chúng tôi bằng nhưng tác phẩm văn học như Truyện Kiều, Ông Nguyễn Du khắc họa phân tích tâm lý ghen tuông của Hoạn Thư ra sao?(rằng tôi chút phận đàn bà/ ghen tuông thì của người ta thường tình) Hoạn Thư tự bào chữa trước quan tòa Thúy Kiều thế nào (Nhớ rằng khi các viết kinh / vừa ra khỏi ngõ dứt tình chẳng theo/ Lòng riêng riêng những kính yêu/ Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai v,,v).
Học tâp với họ là một tổng thể có thể rút gọn thanh định nghĩa như sau:
Học là “tiếp thu lý luận, nâng cao nhận thức, áp dụng thực tiễn, cải tạo khách quan” Khi đó một ngày học, một ngày thảo luận, sau đó được lên lớp và giải đáp. Thầy trò luôn có những mối quan hệ tôn trọng và hết sức tình cảm, Thầy giáo cũng luôn luôn biết lắng nghe học trò. Hồi đó có lần Ông Vũ Đức khiển đã là Viện phó Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi về Đồng Nai công tác biết tôi ở đó có gia đình gần cơ quan, ông túc tắc đi bộ qua thăm người học trò của mình, cũng như hỏi han thêm những vấn đề mà địa phương đang khó khăn, năm 1978 khi tôi ra và đến trường cao đẳng kiểm sát thăm những cán bộ mà tỉnh đã gửi đi học và thăm anh Hoàng Văn Minh đồng hương, đồng môn khóa trên, ông Hà Mạnh Trí khi đó mới là chủ nhiệm khoa mời tôi nói chuyện cho ông nghe về tình hình áp dụng pháp luật ở phía nam. Các ông rất thấm nhuần lời dạy của Lê Nin đại ý là “làm sao pháp luât được giữ vững và có tính thống nhất trên toàn vẹn lãnh thổ từ vùng viễn đông Vladimiaxtoc cùng như vùng bắc cực Xibiria đều thống nhất như nhau”. Có hai người thầy đều là hiệu trưởng trường cán bộ KS đó là Thầy Nguyễn Văn Lương, và thầy Nguyễn Giác họ đều là những người có học vấn cao từ thời Pháp nhưng có tính cách khác nhau Thầy Giác thì thấy học trò bị oan ức thì chỉ biết động viên khuyên nhủ, ngược lại thầy Lương thì tìm mọi cách kể cả không hợp lý nhưng hợp pháp để cứu bằng được học trò của mình hai thầy này thì anh Phạm Quang Huy hiện là phó giám đốc học viện chính trị hiểu và luôn nhắc đến hết sức trân trọng. Một cuộc đời của một thầy giáo cũng hết sức thăng trầm Như thầy Phan Quân mà tôi nhắc ở trên khi qua học ở Liên Xô vì tin thơ Tố Hữu, tình yêu không biên giới “người với người sống để yêu nhau”, Liên Xô XHCN là đồng chí của chúng ta nên đã yêu và lấy một cô gái Nga, từ đó ông bị khai trừ Đảng bị kỉ luật Đảng vĩnh viễn đến ngày 3 tháng 2 mỗi năm ngày thành lập Đảng ông đều có một lá đơn lên TW hỏi vì sao ông bị kỷ luật đến khi ông qua đời đơn của Ông không hề được giải quyết
Có một lần khi nghe tin thầy giáo Trường qua đời Tôi cũng viết một bài thơ THƠ GỬI THẦY GIÁO CŨ nó có đoạn như là lời tâm sự về cuộc đời của mình:
Công tố trẻ cả tâm thành luân tội
Bọn mọt dân sợ hãi bóng đêm chờn
Bể nhân dân con đau hòa nước bể
Đau nỗi đau tận cùng sâu thẳm của dân đau
Một ngọn đèn thức trắng đêm thâu
Từng đọc vỡ trăm ngàn kinh điển luật
Nghi quyết gối đầu, tay cầm chính sách
Bút đỏ xưa thầy vẫn chấm điểm mười
Nhưng cuộc đời cuộc đời sao khó nói
Tội phạm kia con xử đúng trăm lần
Con nói đúng, người ta nói trái
Lệnh trên truyền tha bổng thực hành ngay
Con cầu thủ trẻ trên sân hàng tiền đạo
Khung thành kia trái bóng sút căng ầm!
Trái bóng hụt họ bảo: mày cố ý!
Có lẽ nào phải trái giản đơn sao?
Vâng một người, một ngành đều có số phận thăng trầm của nó, thời gian lặng lẽ qua đi những người thầy giờ đây đã khuất nhưng tôi nhớ:
Trong thâm tâm những người thầy dạy luật của chúng tôi đều mong muốn có nền tư pháp lành mạnh phải “tam quyền phân lập” đề Lâp pháp, hành pháp và Tư pháp, rạch ròi có như vậy mới bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân.
Những ngày này xảy ra quá nhiều thông tin về những vụ án oan khiên đầy rẫy các trang báo, trong xã hội ta thời điểm này có cải gì đó bất ổn quyền cơ bản của nhân dân không được tôn trọng
Chạnh lòng tôi lại nhớ những lời dạy của những thầy giáo đã dạy chúng tôi học và thực hành pháp luật trong những năm tháng cuộc đời.
Nén hương lòng gửi tới những người thầy đã khuất, và mong rằng những người thầy dạy luật hôm nay sẽ day nhiều học sinh nên người, nên những người cầm cân nẩy mực đức độ và tài năng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"