Nguyễn Trần Sâm
Nguồn: Blog Lề Trái
Về nạn lũ lụt, nhất là ở miền Trung, điều rõ ràng đầu tiên là tính
chất khủng khiếp của nó trong những năm gần đây ngày càng tăng và người
dân thường ở vùng này đang sống trong tình trạng tuyệt vọng kéo dài
không biết đến bao giờ. Dù “chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” có đến sớm hơn
những người lãnh đạo cấp cao dự báo, thậm chí đến ngay bây giờ, họ cũng
cứ phải hứng chịu lũ lụt mỗi năm mấy đợt, với những ngôi nhà (hay túp
lều) ngập đến tận nóc, với những cái bụng lép kẹp, với những “khối tài
sản” không có gì khác ngoài vài chiếc quần áo cũ rách, và một tương lai
tối đen tuyệt đối. Dù cái cỗ máy cứu trợ khổng lồ có vận hành rầm rộ
liên tục thì cũng thế mà thôi!
Tôi về miền Trung trong đợt lũ vừa qua, một đợt lũ hoàn toàn bất ngờ
ập đến khi người dân không có thông tin gì để đề phòng. Sau hàng tuần
mệt mỏi “triển khai” phòng chống cơn bão Hayan mà theo dự báo thì nó sẽ
triệt hạ cả miền Trung, xóa sổ mọi nếp nhà “cấp 4”, người dân vừa xả hơi
được vài ngày, bỗng tai họa bất ngờ ập đến, không có sự cảnh báo nào
của cái cơ quan gọi là Cục dự báo khí tượng – thủy văn.
Tôi gặp anh trai mình, người lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng già hơn tôi tới
30 tuổi, người có căn nhà vừa bị lũ cuốn trôi. Đứng trước thân hình
tiều tụy của anh, tôi uất nghẹn. Không một lời hỏi thăm, an ủi, bởi tôi
thực sự không dám hé răng nói lên những lời đó.
Tôi tìm chỗ ngồi tạm cho đỡ mỏi chân, trong khi ông anh tôi vẫn đứng lom khom. Mắt anh tối lại và vằn lên những tia máu.
“Mẹ cha chúng nó.” Cuối cùng anh cũng lên tiếng. “Quân giết người. Bọn diệt chủng.”
Tôi hơi bối rối. Sao đang trong cơn hoạn nạn thế này mà anh lại nói
đến bọn diệt chủng nào ở đâu đâu? Liệu có phải tai họa làm anh suy nghĩ
mất bình thường rồi chăng?
“Anh nói bọn nào?” Tôi khẽ hỏi.
“Bọn thủy điện, thủy lợi chứ bọn nào?”
“Sao?”
“Vậy mày có biết tại sao lũ lớn như ri không? Tại vì chúng xả lũ chớ
sao! Đầu trận mưa, chúng làm ra vẻ giữ nước để cứu dân khỏi lụt. Đến
khi nước lên ngang mặt đập, chúng bất ngờ đồng loạt xả lũ, làm gì dân
chả chết? Hả? Mẹ cha chúng nó!” Anh tôi cố kìm để khỏi gào lên.
“Nhưng, họ đã cố giữ… Nhưng nước lớn quá, nêu không xả thì bể đập.
Mà khi bể thì cũng giống như xả lũ, lại thiệt hại bao nhiêu tài sản nhà
nước…”
“Đồ ngu.” Anh tôi trợn mắt, chỉ tay vào mặt tôi. “Bởi vì có biết bao
nhiêu kẻ được ăn được học như mà vẫn ngu như mày nên cái bọn đó vẫn
đàng hoàng tồn tại, đàng hoàng giết dân đó. Mả cha chúng nó!”
Tôi vẫn chưa thật hiểu.
“Nhưng…”
“Nhưng nhưng cái chi? Sao chúng nó lại không xây đập sao cho khi có lũ lớn đập cũng không bể, hả?”
Trong phút chốc, tôi quên mất anh tôi đang khổ sở ra sao. Tôi quyết định tranh luận với anh cho ra lẽ.
“Anh ơi, lụt dữ như thế đập nào trụ nổi hả anh? Sức chịu đựng của
con đập thì có giới hạn, sức tàn phá của thiên nhiên thì không có giới
hạn…”
“Đó, cái ngu là ở chỗ đó. Tao chưa nói chúng nó làm đểu. Cho là
chúng nó làm ăn chân chính. Nhưng tao hỏi mày: Nếu con đập trên kia kìa,
thay vì 20 mét chiều cao, nếu bê tông tốt, mà nó làm thấp bớt đi, chừng
12-13 mét thôi, mà chiều dày vẫn như rứa, thì nó có bao giờ bể không?
Không thì giữ nguyên cao 20 mét, nhưng chiều dày tăng gấp rưỡi, thì nó
có vỡ vì lụt không, hả?”
“Làm thì người ta phải có bản thiết kế, thuyết minh, có luận cứ khoa học, chứ nói chừng như anh mà được…”
“Thì đã đành. Nhưng mà ý tao là nếu sợ không trụ được lũ thì xây
thấp thôi, hoặc đủ chiều dày. Khi lũ lớn quá, nó tự tràn qua thì có đỡ
khốn nạn cho dân hơn nhiều không, hả? Có hơn là cố xây cho cao, lại còn
ăn bớt vật liệu, rồi tích nước lại, rồi bất ngờ xả hay không?”
Tôi bắt đầu thấy anh tôi nói có lý, nhưng vẫn cố nói thêm.
“Nhưng nếu làm đập thấp quá thì lại được ít điện…”
Anh tôi lắc đầu không muốn nói tiếp. Còn tôi, trong thâm tâm tôi đã hiểu: thà thiếu điện còn hơn chịu cảnh thế này.
“Còn bọn làm đường nữa. Chúng nó cũng là bọn giết người.” Anh tôi
nói tiếp. Lần này tôi chỉ lặng im nghe. “Mỗi lần chúng nó làm lại đường,
chúng nó không đào đất xuống, chỉ để vậy, đổ thêm mấy chục phân đất đá,
bê tông hoặc nhựa lên trên. Cống thoát thì quá ít, quá nhỏ. Mỗi lần lụt
thì đường trở thành đê chắn nước, mà không phải chắn nước từ sông từ
biển vào, mà chắn không cho nước ngập thôn bản làng mạc rút đi. Thật
khốn nạn.
Và đằng sau tất cả những bọn đó, bọn thủy điện, thủy lợi, giao
thông,… là cả một cỗ máy khổng lồ giữ cho chúng không bị động đến lông
chân.
Quân giết người. Bọn diệt chủng. Mẹ cha chúng nó.”