Thư của ông Vũ Mão
Tháng 7 năm 2007 này, vừa đúng năm năm lễ tang ông Trần Độ. Hôm nay
tôi viết lại đôi dòng về một khía cạnh đã diễn ra ngày ấy. Tôi là người
được Tổ chức phân công đọc Điếu văn vì tôi là Trưởng ban Lễ tang. Còn
việc vì sao phân công tôi làm Trưởng ban Lễ tang sẽ được trình bày vào
một dịp khác.
Điếu văn đọc tại Lễ tang Ông Trần Độ được phân công chuẩn bị khá công
phu. Sau đó, có tham khảo ý kiến của gia quyến. Gia quyến đề nghị bỏ
đoạn nói về thiếu sót, khuyết điểm của ông Trần Độ. Bộ phận soạn thảo
cũng muốn vậy nhưng không được cấp trên chấp nhận, vì lập luận rằng,
phải công bằng và khách quan giữa cống hiến và khuyết điểm. Bản Dự thảo
mới, tuy vẫn nói tới thiếu sót nhưng đã được giảm nhẹ và thu gọn lại. Đã
có một cuộc họp nhanh, nói cho chính xác là có cuộc hội ý ngay sau
phiên họp buổi chiều của Quốc hội. Các ý kiến phát biểu sôi nổi và vẫn
giữ ý kiến như cũ, tức là phải nói cả công lao và thiếu sót. Cuối cùng,
các đồng chí dự Hội nghị đã vui vẻ dặn tôi: Khi đọc Điếu văn, đoạn nói
về những đóng góp của ông Trần Độ thì đọc to; còn về thiếu sót, khuyết
điểm thì đọc nhỏ thôi.
Mọi người đều biết tôi không muốn nhận sự phân công này, đặc biệt
trong Điếu văn lại phải đọc cả thiếu sót khuyết điểm của người quá cố là
điều tối kỵ, chưa ai làm thế bao giờ, nên tôi càng không đồng tình.
Tuy nhiên, tôi không có cách nào khác là chấp hành sự phân công của Tổ chức và tôi đã thực hiện nghiêm chỉnh.
Tại Lễ truy điệu, tôi đọc Điếu văn. Trong lời đọc của mình, khi nói
về công lao, thành tích, cống hiến của ông Trần Độ đối với Cách mạng,
đối với Tổ quốc và Nhân dân thì tôi đọc to và rõ ràng, hào hùng đầy khí
thế. Tôi xúc động thực sự từ đáy lòng mình. Khi đọc đến thiếu sót tôi
đọc rất nhỏ, thực chất chỉ mấp máy môi để không ai nghe thấy gì cả.
Trong trường hợp này, có thể nói: “Tôi là một Nghị sĩ đã đóng vai một
Nghệ sĩ xuất sắc trong diễn đạt và biểu cảm”.
Tôi tự ví von, mình là một Nghị sĩ đóng vai một Nghệ sĩ xuất sắc, âu
cũng là sự hài hước để giảm nhẹ bớt nỗi đau của riêng mình. Thế mới
biết, dù có dùng bất cứ một thứ nghệ thuật nào và trình độ diễn đạt có
siêu đẳng đến mấy cũng không thể thay thế cái công bằng của sự thật,
tình nhân ái của con người.
Hội trường Ba Đình, ngày 1/8/2007
Nguồn: Tư liệu của Nhà văn Võ Bá Cường (Trích Thời tôi sống, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
* * *
Trần Quang Vinh: Bức thư của anh Vũ Mão
"Trong cuốn sách 'Nhớ nhà văn Trần Độ', có đăng bài 'Bài ca tặng anh
Trần Độ' của anh Vũ Mão – lúc đó nguyên là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Bài viết lấy từ một bức thư của anh Vũ Mão viết và gửi cho ông Trần Độ
ngày 17 tháng 2 năm 1993 và được gia đình gìn giữ như một kỷ vật thiêng
liêng".
Nguyễn Thanh Giang - Họ sợ Trần Độ sống- Họ sợ Trần Độ cả khi người đã chết
Một đám tang vô tiền khoáng hậu. Một đám tang có một không hai trong
lịch sử Việt Nam! Ðám tang mà không ai được “vô cùng thương tiếc” người
quá cố.
Không ai được vô cùng thương tiếc bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam
(tham gia Thanh niên Dân chủ từ 1939, đảng viên Cộng sản Việt Nam từ
1940, tỉnh uỷ viên tỉnh Thái Bình 1941, bị tù ở Hoả Lò 1941, bị đi đầy ở
Sơn La 1942 - 1943, chỉ đạo cướp chính quyền ở Ðông Anh năm 1945...).
Không ai được thương tiếc vị đại công thần của cách mạng (từng nằm
gai nếm mật suốt các chiến dịch: Trần Hưng Ðạo, Hoàng Hoa Thám, Lý
Thường Kiệt, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Ðiện Biên Phủ; từng là phó
chính uỷ bộ chỉ huy Quân Giải phóng Miền Nam, là trưởng ban Văn hoá-Văn
nghệ Trung ương Ðảng, là Phó Chủ tịch Quốc hội...).
Ðây là sự chỉ đạo của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam ư? của nhà
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ư? Tôi không muốn tin như thế.
Nhưng, trong cuộc biểu tình nổ ra ngay giữa đám tang, tôi nghe có người
réo tên các vị lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước ra chửi rất tục
(không tiện dẫn ra ở đây).
Kể cũng đáng căm phẫn lắm chứ. Chắc chắn Trần Ðộ là một trong những
người có công lớn nhất xây nên “ngai vàng” cho họ hôm nay. Vậy mà họ nỡ
để xẩy ra tình trạng như vậy sao! Họ nỡ vô ơn, bất nhân, bất nghĩa vậy
sao!
Cuối buổi lễ truy điệu, một cán bộ đeo quân hàm đại tá đứng giữa sân
kể cho mọi người nghe: Vũ Mão đọc xong bài điếu văn, lúc đi xuống, có
mấy cựu chiến binh định xông tới tát cho mấy cái, Mặt thất sắc, ông ta
đi như chạy ra ôtô, vội vã chuồn.
Trút tất cả phẫn nộ lên đầu Vũ Mão thực ra là tội nghiệp ông ta. Ông
chỉ là người thừa hành. Oái oăm ở chỗ, bây giờ Vũ Mão là Chủ nhiệm uỷ
ban Ðối ngoại của Quốc hội. Bắt ông làm việc vừa rồi là “giết” ông. Rồi
đây, trên đường đi làm đối ngoại, đến bất cứ đâu, người ta cũng nhớ
trước mặt mình là một kẻ vô văn hoá, thất nhân tâm, chà đạp nhân quyền
đối với con người cho đến khi người ta đã chết! Ðấy là sự hớ hênh hay
chủ trương cố tình hại nhau của người sắp xếp tổ chức? Bởi vì, ai cũng
biết, nhẽ ra đám tang này phải do Ðảng và Nhà nước đứng ra tổ chức. Cùng
lắm, giao cho Quốc hội thì ít ra người đọc điếu văn cũng phải là phó
chủ tịch Quốc hội.
Ðáp từ lời điếu của Vũ Mão, ông Trần Thắng - trưởng nam Trần Ðộ - tuyên bố: “Gia đình chúng tôi không chấp nhận lời điếu trên đây!”.
Cả đám tang bỗng biến thành cuộc biểu tình. Tất cả rầm rầm vỗ tay. Vỗ
tay rất to và rất lâu. ầm ầm đây đó những tiếng hô, những tiếng la mắng,
những lời chửi rủa. Tôi cố nhìn xem những ngòi nổ cơn thịnh nộ bùng
phát từ những ai? Không có ai trong “nhóm dân chủ” cả. Thì ra tư tưởng
Trần Ðộ, tinh thần Trần Ðộ không chỉ cháy sáng trong “những người dân
chủ” chúng tôi mà đã tiêm nhiễm khắp đó đây, trong lão thành cách mạng,
trong cựu chiến binh, trong trí thức...
Cuộc biểu tình không rầm rộ, không kéo dài nhưng chắc chắn sức âm
vang rất sâu và sẽ còn lan toả khôn cùng. Cho nên nhiều người đã nghĩ
đến một “thời kỳ hậu tang lễ Trần Ðộ”. Phải chăng chính vì ở đây, họ đã
thể hiện hết sức xuất sắc cái sự “đểu một cách rất ngu” trong luận điểm
tôi thường nêu mỗi khi đánh giá về họ: “Chúng nó đểu một cách rất ngu,
và, đểu đến từng chi tiết”. Tại đây, cái sự “đểu đến từng chi tiết” của
họ cũng quả là tởm lợm. Xin nêu vài dẫn chứng:
Tướng Trần Ðộ mất ngày 9 tháng 8 năm 2002. Ngày đó Quốc hội khoá XI
đang kỳ họp thứ nhất. Lẽ ra tin phải được loan báo ngay và toàn thể hội
nghị phải đứng lên mặc niệm người cựu phó chủ tịch của mình. Năm ngày
sau, trước lễ tang chỉ một ngày, tin mới được đưa. Họ vừa trốn được một
phút mặc niệm, vừa không chỉ ngăn trở các đại biểu Quốc hội đến viếng mà
khống chế được số người biết tin để kịp đến dự lễ tang. Mặc dù vậy, số
người đến tiễn biệt Trần Ðộ vẫn rất đông (trên 300 vòng hoa và bức
trướng; riêng số xe máy gửi ở sân nhà tang lễ cũng trên 800).
Ðiều đáng ghi nhận không phải ở số lượng mà là chất lượng người đến
đưa tang. Ở một số đám tang khác, nhiều người đến chỉ lấy lệ, nhiều
người chỉ vì muốn buôn danh bán tước với con mà đi đưa tang bố, muốn cầu
danh mưu lợi ở chồng mà đi đưa tang vợ... Tất cả những ai đến đám tang
này, ngoài một số trong đám dày đặc công an (nói một số bởi vì tin rằng
nhiều công an phải thực thi nhiệm vụ một cách miễn cưỡng, trái lương tâm
mình), đều vì thực sự thương nhớ, kính phục Trần Ðộ. Ðến tang lễ này
không chỉ những người nhân ái mà còn dũng cảm. Cho nên, có thể nói, đây
là một trong một số rất ít đám tang lớn nhất trong lịch sử hiện đại Việt
Nam.
Ðọc được tâm địa họ, tôi đã nhắc tang quyến lo giữ các sổ tang. Quả
nhiên, dù không cướp được sổ tang, họ vẫn kịp xé đi nhiều trang mà cả
buổi họ đứng theo giõi được. Ăn cắp, ăn cướp trong tang lễ tức là đã
vượt xa cả lưu manh, côn đồ; đã ma quỷ hơn cả ma quỷ !
Trong tất cả các đám tang, để đưa lĩnh cữu xuống nghĩa trang hoăc đài
hoá thân, bao giờ cũng có xe cho tang quyến cùng một số thân bằng, cố
hữu. Một trong những người con Trần Ðộ mời tôi: “Chú lên chiếc xe 14 chỗ
ngồi kia”. Chúng tôi đến đúng chiéc xe đó nhưng người lái xe là công an
vờ như câm điếc. Xe cứ lừ lừ chạy theo đám tang, không mở cửa. Chỉ có
tang quyến, ban tổ chức tang lễ và công an được đến đài hoá thân. Mặc
dầu vậy, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Dương Sơn, Dương
Hùng và tôi vẫn kịp gọi taxi, đuổi theo. Họ vứt hết các băng tang trên
những vòng hoa buộc hai bên thành xe, xe đưa tang mà họ phóng như ma
đuổi!...
Họ lén lút vụng trộm. Họ sợ. Họ sợ nhân dân nơi đám tang đi qua lại
tiếp tục biểu tình. Họ sợ Trần Ðộ sống. Họ sợ Trần Ðộ cả khi Người đã
chết!
Dẫu thế nào đi nữa Trần Ðộ cũng đã được toại nguyện rồi. Ðúng như đề
xuất của tôi: “Cụ đừng vào Mai Dịch cụ nhé! vào đấy bây giờ tức là ô
danh cụ” Quả như di chúc, hôm nay Trần Ðộ đã được về nằm bên thân mẫu,
nơi quê hương có Tiếng trống Tiền Hải và sang sảng lời thơ ông ngày nào:
“Những mong xoá ác ở trên đời. Ta phó thân ta với đất trời”.
Riêng tôi, tôi vẫn còn băn khoăn. Ngày 18 tháng 7 năm 2002, tôi đến
thăm ông tại phòng hồi sức cấp cứu. Giữa gần chục người, vừa con cháu,
vừa bầu bạn, ông vẫy riêng tôi đến. Ông nắm chặt tay tôi kéo lại. Tôi
ghé sát tai vào miệng ông nhưng vị thanh quản đã bị mổ nên ông không
phát âm được nữa. Ông nói khá dài mà tôi không nghe được gì. Ðể đỡ mỏi,
tôi ngẩng lên, giả vờ gật đầu cho ông đỡ thất vọng. Ông lại kéo tôi
xuống tiếp tục nói, nhưng vì quá xúc đông, ông nấc lên liên tiếp. Bác sỹ
vội chạy vào và tôi phải đi ra.
Dẫu không nghe được những lời trăn trối cuối cùng kia nhưng tôi hiểu
đấy là những câu tâm tình tha thiết làm bỏng cháy con tim tôi dù đã già
nua. Ðấy là mệnh lệnh bảo tôi giục giã mọi người hãy noi gương người anh
hùng Trần Ðộ không nề gian nguy, xả thân phấn đấu vì công cuộc dân chủ
hoá làm tiền đề cho đất nước phát triển bền vững, lành mạnh, nhân dân
được thực sự giầu sang, tự do. hạnh phúc như sở nguyện của Trần Ðộ.
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 - Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy
Nguồn: Thư viện Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 - Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy
Nguồn: Thư viện Nguyễn Thanh Giang