Xích Tử
Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 -
2016, dù không qua cạnh tranh, là một tin vui cho nhà cầm quyền cộng
sản; cũng là món quà có nhiều ý nghĩa dành cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm
Bình Minh vừa mới được “Quốc hội” phê chuẩn chức vụ Phó Thủ
tướng. Với kết quả trùng phức đó, cộng đồng thế giới giao nhiệm vụ cho
Việt Nam phải tham gia chính thức, đầy đủ vào tư duy nhân quyền và đời
sống nhân quyền toàn cầu, phổ quát, giống như mọi quốc gia khác; ông
Phạm Bình Minh sẽ là người thuộc thế hệ chính khách có vai trò chủ yếu
trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng thời, đây cũng là tín hiệu vui cho những cá nhân, tổ chức trong
và ngoài nước đang đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
Do vậy, cũng xem đây là bước đi hết sức khôn ngoan các các quốc gia đã
bỏ phiếu thuận, của Hội đồng Nhân quyền và của LHQ; và những quốc gia bỏ
phiếu chống cũng có sự khôn ngoan riêng của họ vì những chiến lược thực
hiện quan hệ song phương với Việt Nam, trong đó có việc trực tiếp gắn
những nội dung hợp tác nhiều mặt với yêu cầu về nhân quyền.
Xin được nêu một số phân tích khái quát:
1. Nếu không được bầu, Việt Nam sẽ có thể gia tăng đàn áp các phong
trào trong nước và tiếp tục sử dụng việc bắt giữ, xét xử các đối tượng
này như những con tin, những món hàng trao đổi.
2. Với tư cách đó, Việt Nam sẽ khẳng định phải tuân thủ và thực thi đầy đủ các công ước về nhân quyền đã ký kết.
3. Những người đối lập được sử dụng những công cụ này để đòi hỏi nhà
cầm quyền phải tôn trọng và sự đòi hỏi đó sẽ được ủng hộ, cổ vũ của cộng
đồng quốc tế.
4. Các nhóm đòi hỏi nhân quyền ngoài nước sẽ chất vấn và tranh luận
với Việt Nam về những vấn đề nhân quyền ngay trong hoạt động, các phiên
họp của Hội đồng Nhân quyền.
5. Tạm thời Việt Nam sẽ tự mãn với kết quả bầu và sẽ thiếu cảnh giác ở một số mặt khác.
6. Qui chế làm việc của Hội đồng sẽ giảm bớt sự tác động trực tiếp
của đảng cộng sản đối với bộ phận công tác của Bộ Ngoại giao tại tổ chức
này.
Xích Tử