Ngô Nhân Dụng
Trong hai tuần rồi, mục này trình bày những bước cải tổ kinh tế mới
của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta đã thấy, Tập Cận Bình đang cố
thay đổi cơ chế để “thị trường hóa” nền kinh tế nhiều hơn. Còn ở Việt
Nam thì họ thấy sao?
Hãy nghe ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư nói chuyện ở Quốc hội vào cuối tháng Mười, năm 2013.
Ông Vinh tuyên bố: “Việt Nam phải đổi mới, không đổi mới thì không tiến lên được. Tôi đã báo cáo trước chính phủ...
Nhiều thứ lộn xộn, mệt mỏi lắm, nên tôi nói với các đồng chí là nếu
chúng ta không đổi mới thì chúng sẽ chết thôi, chúng ta sẽ củ mài ăn
xuông thôi.” Nghe ông Vinh nói, thấy là ở nước ta cũng có nhiều người
đồng ý phải thay đổi cơ chế. Nhưng không làm được. Tại sao? Cũng ông Bùi
Quang Vinh nói: “Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà dốt thì làm sao
có chính sách tốt được.”
Ông Bùi Quang Vinh đã thành khẩn khai báo với Quốc hội về công việc
của ông kể từ khi lên làm bộ trưởng, cuối năm 2011. Nói chung: Bi đát.
Ông cũng biết rằng: “Chúng ta phải đổi mới căn bản, triệt để thể chế
kinh tế của chúng ta... Thể chế kinh tế ở đây là gì, là tạo ra môi
trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận
lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm
được, để cho mỗi một chủ thể kinh tế mang toàn bộ tài năng, tâm huyết
của mình ra làm cho đất nước phát triển.” Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam
chưa dám đổi mới như vậy. Chính ông Vinh thú nhận: “Nền kinh tế của
chúng ta chưa thể thay đổi được. Gọi là tái cơ cấu nhưng đã làm được gì
đâu mà tái cơ cấu, mới loe hoe thôi.”
Vì tình trạng “cải tổ loe hoe” như thế, cho nên ông Vinh cũng báo
động: “Chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh so với các nước bên cạnh. Chúng ta
còn đang lo lắng là chúng ta tụt hậu so với những nước mà trước đây, bây
giờ không dám so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia đâu, tôi đang lo
rằng là (sẽ tụt hậu) cả với những nước Campuchia, Lào...”
Cơ chế kinh tế Việt Nam hiện vẫn bị đảng Cộng sản kìm hãm theo lối
kinh tế chỉ huy từ thời chịu ảnh hưởng của Stalin và Mao Trạch Ðông; tức
là “bao cấp.” Thí dụ, giá điện được bao cấp cho nên rẻ, chỉ bằng 70%
giá trên thị trường thế giới.
Cho nên người nước ngoài không ai bỏ tiền đầu tư vào ngành điện.
Nhưng, “những ngành như xi măng, thép nó nhảy vào ào ạt, không cản
được,” lời ông Vinh nói. Tại sao: Vì các xí nghiệp này đều dùng điện
trong công việc sản xuất. Họ kiếm được lời chính là vì họ được hưởng giá
điện rẻ. Ông Vinh phân tích: “Nhà nước bù cho điện thì doanh nghiệp
nước ngoài và trong nước lấy tất. Nhân dân không được gì, nhà nước thì
mất đơn mất kép. Ông hỏi: “Vậy xã hội chủ nghĩa ở đâu?”
Và ông tự trả lời: “Hội đồng lý luận cứ tranh luận mãi, cứ muốn tìm
ra mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cứ loay hoay mãi mà có
tìm ra đâu.”
Làm bộ trưởng lo chuyện đầu tư, nhưng ông Vinh thú thật rằng số vốn
đầu tư ở nước ta đang tụt dần, tụt dần. Vì nhà nước cạn tiền! Ông Vinh
nói: “Ngân sách đang thâm hụt một cách nghiêm trọng, chưa từng có.” Ông
cho các con số. Trong những năm từ 2006 đến 2010, tổng chi đầu tư phát
triển chiếm khoảng 37% đến 40% của GDP (Tổng sản lượng nội địa).
Nhưng “năm 2013 chỉ còn 29,1% tổng đầu tư toàn xã hội, tức là mọi
nguồn vốn huy động của dân, tư nhân, nhà nước, đầu tư nước ngoài chỉ có
được như thế.” Không có tiền, cho nên, “Từ lúc tôi lên bộ trưởng,...
toàn là đi chữa cháy cái cũ đang làm dở...” Ông Vinh nhậm chức đã được
hai năm, mà chính phủ không có mục đầu tư nào mới cả. Trong khi đó những
“dự án đầu tư từ những năm trước để lại thì suốt nhiệm kỳ của tôi gánh
vác cũng không hết.”
Khi chính quyền Việt Nam không có tiền góp làm vốn, thì cũng mất luôn
không hưởng được những món tiền do các nước khác giúp để đầu tư, gọi là
ODA, cho vay với lãi suất rất thấp. Việt Nam không có tiền góp vốn đối
ứng, khoảng hai đến ba phần mưới của tổng số vốn, thì sẽ không thể rút
số tiền mà họ đã hứa cho! Hậu quả là có thể sẽ mất 16-17 tỷ đô la Mỹ, vi
người ta cho mà không được dùng.
Ông Vinh hỏi: Mà đây là những công trình đầu tư nào? Trả lời: “Ðó là
cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Long
Thành... Những công trình khổng lồ.” Nếu chính phủ Việt Nam không thể
góp 20%, 30% tiền vốn thì các công trình đó sẽ không được bắt đầu. Ông
Vinh nói thêm: “Cả đất nước có mỗi cái đường Quốc lộ 1 và quốc lộ 14 nói
mãi mà không làm được.” Mà các con đường đó, “thật ra đến hôm nay phải
xong rồi.”
Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chấp nhận mục tiêu tăng trưởng kinh tế
cho năm 2014 chỉ là 5.8%. Nhưng ông Vinh lo rằng tỷ số khiêm tốn này
cũng không đạt được; vì tổng số đầu tư thấp quá. Vì “mức 5,8% thì cũng
chỉ đạt trong điều kiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 30% trở
lên,” ông Vinh giải thích. Với “dự báo tổng mức đầu tư toàn xã hội (năm
2014) chỉ còn 26-27% thôi... như vậy thì không bao giờ chúng ta có thể
đạt được mức tăng trưởng 5.8%. Chúng tôi đã tính ra là cố gắng lắm thì
chỉ đạt được 5%.”
Ông Vinh nhắc đến những thứ cần đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam: giáo
dục, y tế; cả hai đều là đầu tư vào con người. Ông nhận xét rất đúng:
Trong đời sống kinh tế hiện nay, tài nguyên quan trọng nhất là con
người. Nhân đó, ông cũng cho biết:
“Tôi nói thật 5 năm nữa hết dầu khí là không còn cái gì để bán mà thu
tiền vào. Chúng ta đào bới tài nguyên thô đi bán hết rồi. Dầu khí từ 18
triệu tấn, xuống dần 17, 15, 14 rồi 1 triệu và cuối cùng là (sẽ) đóng
cửa. Và chúng ta sẽ tụt hậu.”
Nhưng trong nền kinh tế Việt Nam bây giờ, hai ngành giáo dục và y tế
đang xuống, cũng vì đảng Cộng sản chủ trương can thiệp, không cho thị
trường tự do điều chỉnh. “Vậy thì làm sao mà thu hút và sử dụng nhân
tài” và kết luận: “Một nền kinh tế như thế thì không bao giờ có thể phát
triển được.”
Khi ông Bùi Quang Vinh chê bộ máy nhà nước làm chính sách dốt, cho
nên không làm sao có chính sách tốt được, chắc ông cũng gồm cả một bánh
xe trong bộ máy làm chính sách đó, là quốc hội. Ông Vinh nhắc nhở các
đại biểu quốc hội họ đã nhầm lẫn dốt nát như thế nào. Năm ngoái, ông
Vinh đưa sang quốc hội một dự thảo nghị quyết phát hành trái phiếu chính
phủ; nhưng “Ðến khi Quốc Hội thông qua chả hiểu thế nào nó lại (biến)
thành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh” (thêm có hai chữ, bảo lãnh). Chỉ có
thể giải thích là các ông bà ở quốc hội nghị gật chẳng thấy hai thứ đó
khác nhau thế nào. Ông Bùi Quang Vinh phải dạy cho họ một bài học tại
chỗ: Một bên là các trái phiếu phính phủ, do chính phủ đứng tên vay
tiền. Bên kia là trái phiếu phính phủ bảo lãnh, tức là do các công ty
đứng vay, nhưng được chính phủ bảo đảm sẽ đền nếu người vay không trả
được nợ. Các ông bà quốc hội không phân biệt được hai thứ, cho nên trông
gà hóa quốc! Bùi Quang Vinh kể, “Tôi bảo anh Giàu là ông đọc thế nào mà
nó lại sửa mẹ nó thành trái phiếu chính phủ bảo lãnh. Hai cái khác nhau
hoàn toàn!... Vậy mà Quốc hội thống nhất 90% chả mấy ai phản đối.”
Một ông bộ trưởng nói trước Quốc hội mà lại văng tục “nó lại sửa mẹ
nó thành...” thật là cảnh hiếm khi xảy ra. Nhưng đứng trước cái dốt nát
của con người, rất đông người, lắm lúc cũng đáng nổi giận mà văng tục
thật! Ông Giàu kể trên chắc là ông Nguyễn Văn Giàu, đại biểu tỉnh An
Giang, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Giàu được nghe văng
tục; vì các dự luật về kinh tế phải đi qua bàn giấy của ông trước. Nhưng
chính ông Giàu này đã từng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam!
Không lẽ một thống đốc Ngân hàng Nhà nước mà không phân biệt được hai
loại trái phiếu đó khác nhau hay sao?
Cái dốt của bộ máy chính quyền không nằm riêng trong quốc hội mà ở
khắp mọi nơi. Như ông Vinh kể, bây giờ họ bầy đặt sẽ bỏ phiếu tín nhiệm
các bộ trưởng. Ðiều mâu thuẫn là “thể chế thì một đảng, lại học bỏ phiếu
theo kiểu phương Tây đa đảng!”
Trở lại câu hỏi trên đầu bài: Trung Cộng tiến thêm một bước trên đường cải tổ kinh tế, còn Việt Nam thì sao?
Ông Bùi Quang Vinh có câu trả lời. Ông than rằng ông không có quyền
quyết định: “Mình có quyết được cái quái gì. Mình đề xuất bao nhiêu chế
độ, chính sách nhằm đổi mới đất nước, cuối cùng chả thấy đâu. Vậy thì
quyết cái gì? Làm sao mà chịu được, làm sao mà đổi mới được.”
Nếu không đổi mới ngay bây giờ thì trong tương lai, nước Việt Nam sẽ
chịu thua kém không những các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia mà còn
lẹt đẹt đi sau cả Lào và Campuchia. Ðất nước đang tiến tới nền Kinh tế
Củ mài Ăn xuông, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Bùi Quang Vinh đã
báo trước.