Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Yếu tố Công nghệ mới trong thành bại của các phong trào dân chủ

Phan Châu Thành

Hay: Suy nghĩ của một hạt cát về tương lai dân chủ cho Việt nam

Liên tiếp trong khoảng ba thập niên vắt ngang hai thế kỷ qua, thế giới đã làm nên và chứng kiến nhiều phong trào cách mạng dân chủ ở khắp nơi, với cả những thành công và thất bại, mà nổi bật là ba đợt sóng dân chủ lớn: Sự sụp đổ của cả hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên xô cũ (từ khoảng 1982 đến 1991), các cuộc Cách mạng màu ở Nam Âu và Đông Âu cũ (những năm 1990s) và Mùa Xuân Ả-rập ở các nước Bắc Phi và Trung Đông (trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này).
Điều gì tạo nên và quyết định thành bại của các phong trào cách mạng dân chủ lớn đó? Đây chắc chắn là câu hỏi rất lớn mà rất nhiều cá nhân, tổ chức, đảng phái và các quốc ra đặt ra và muốn tìm câu trả lời. Đây cũng là một công việc rất lớn mà chắc chắn một cá nhân như tôi từ một vài góc cạnh và thời điểm của mình không thể có cái nhìn và câu trả lời toàn diện và thấu đáo.
Vì thế, với bài viết này tôi chỉ xin mạo muội đưa ra một góc nhìn, tại thời điểm hiện tại, với một quan điểm cá nhân về một yếu tố tôi cho là mới và rất quan trọng trong việc thành bại của các phong trào cách mạng dân chủ đó. Đó là yếu tố ứng dụng công nghệ mới, cụ thể là công nghệ thông tin (CNTT).

Các yếu tố chung của các phong trào đấu tranh dân chủ gần đây

Có năm nhóm yếu tố cơ bản làm nên (là nguyên nhân xảy ra) và có ảnh hưởng quan trọng hay quyết định (là động lực, sức mạnh) thành bại của ba cuộc dân phong trào dân chủ lớn trên, theo tôi, là:
- Mục tiêu: Lật đổ thể chế đã thoái hóa đến cực điểm trong bốn lĩnh vực: chính trị, xã hội, văn hóa (đạo đức) và kinh tế của các chế độ độc tài đang cai trị;
- Điều kiện: Lộ diện sự mâu thuẫn và sự thụt lùi xa (so với các xã hội dân chủ), sự bế tắc, những sai lầm cơ bản, thậm chí khủng hoảng trong cả hai mặt của cuộc sống: lý thuyết-tư tưởng (cả trong kinh tế, chính trị , khoa học, văn hóa…), ứng dụng thực tiễn với những kết quả sai lạc hoặc kém cỏi (cả trong khoa học xã hội, kinh tế và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật và công nghệ ứng dụng phục vụ đời sống con người);
- Chủ thể: Hai nhóm nguyên nhân trên dẫn đến nguyên nhân thứ ba: Sự phẫn nộ, mất niềm tin hoàn toàn của đại đa số dân chúng vào thể chế, tạo nên sự xuất hiện và bùng nổ không thể kiểm soát của các lực lượng phản kháng với tiếng nói và hành động đối lập với thể chế, cùng với sự phân hóa thành bè phái cơ hội và rã đám của của chính thể chế cai trị;
- Phương pháp: đấu tranh chủ yếu bằng bất bạo động và bắt đầu từ các hoạt động phản kháng bất bạo động;
- Lãnh tụ: Sự xuất hiện bất ngờ của các lãnh tụ dân chủ, xuất thân ngày càng bình dân và vô danh, sinh ra từ nhân dân, và ngày cảng trẻ hóa!
Trong năm nhóm yếu tố rõ ràng trên, ngoài yếu tố lãnh tụ, không có gì có thể gọi là mới hẳn kể cả phương pháp đấu tranh bất bạo động là chủ đạo. Không “mới hẳn” vì phong trào giải phóng và trả độc lập cho các nước thuộc địa của các đế quốc Anh - Pháp - Tây Ban nha - Bồ đào nha những năm 50-60s của thế kỷ trước cũng đã là kết quả của các đấu tranh bất bạo động mà Ghandi chính là biểu tượng.
Nhưng, có một yếu tố thực sự mới bên cạnh yếu tố lãnh tụ bình dân (và gắn liền với yếu tố lãnh tụ) - yếu tố ít được đánh giá đúng tầm quan trọng, đó là sự thụt lùi về khoa học kỹ thuật ứng dụng phục vụ xã hội và từng cá nhân, trong các xã hội độc tài mà cách mạng dân chủ sẽ xảy ra và sự khai thác tiến bộ đó trong các quá trình đấu tranh dân chủ cốt lõi nhất.
Đây là yếu tố mới và luôn luôn mới vì nó phụ thuộc vào tốc độ và trình độ phát triển của khoa học và kỹ thuật công nghệ của loài người tại thời điểm các cuộc cách mạng dân chủ diễn ra. Khoa học kỹ thuật hiện đại của loài người vốn luôn vươn lên các tầm cao mới, đặc biệt là trong giai đoạn nửa thế kỷ qua, với công đầu và sự dẫn dẩu bởi khoa học ứng dụng tiên tiến trong các xã hội dân chủ. Điều này tạo ra khoảng cách lớn trong mức sống của người dân và toàn xã hội giữa các thể chế độc tài và dân chủ, và cũng tạo ra cơ hội cũng như các phương tiên cụ thể để các phong trào dân chủ khai thác.
Về phía các xã hội độc tài, nhất là độc tài cộng sản, sự thụt lùi này còn được kéo xa hơn nữa và ngày càng lùi hơn là do khoa học công nghệ ứng dụng trong các xã hội độc tài, một mặt chỉ được tập trung phục vụ lợi ích của chế độ - chính là kỹ thuật quân sự và an ninh để họ cai trị dân và cả xã hội bằng bạo lực, một mặt họ áp dụng chính sách ngu dân và không cho kinh tế tư nhân phát triển làm triệt tiêu các yếu tố để khoa học kỹ thuật sáng tạo, nảy nở và phát sinh, và mặt nữa, họ - các thể chế độc tài – luôn chủ động hạn chế việc dùng khoa học kỹ thuật ứng dụng phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội và từng cá nhân con người, để chính quyền dễ bề kiểm soát, lấn lướt, bưng bít và gian dối hơn.

Yếu tố công nghệ thông tin mới và vai trò của CNTT

Trong các thành tựu của khoa học công nghệ ứng dụng phục vụ con người thì sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong các cuộc cách mạng dân chủ, vì nó giúp từng cá nhân và cả xã hội làm tốt được ba việc lớn mà các thế chế độc tài rất sợ và luôn làm mọi cách để ngăn cấm, đó là: cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện, khách quan về mọi mặt của toàn thế giới cho từng cá nhân; Giúp các cá nhân chia sẻ thông tin, liên kết với nhau tạo nên các nhóm xẫ hội nhỏ và lớn – tạo nên xã hội dân sự đọc lập với chính quyền; và, cho phép các cá nhân, các nhóm xã hội, các tổ chức xã hội dân sự… có thể thể hiện công khai quan điểm của mình với nhau, với chính quyền và với toàn thế giới;
Ba chức năng hay vai trò trên của công nghệ thông tin không chỉ giúp hình thành và phát triển các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có các tổ chức đối lập với thể chế độc tài, mà còn giúp các tổ chức đó có thể liên kết và thống nhất hoạt động, thống nhất hành động để đạt các mục tiêu dân chủ của họ.
Điểm qua vai trò của CNTT trong các cuộc cách mạng dân chủ lớn đã qua
Trong những năm 80s, đỉnh cao của CNTT ứng dụng là những thế hệ máy tính PC đầu tiên (tạo và xử lý thông tin nhanh hơn), máy photocopy (sao chép thông tin nhanh nhiều hơn) và máy fax (truyền thông tin nhanh hơn). Nếu những công nghệ đó ở phương Tây đã được phổ biến trong kinh doanh và đời sống xã hội lúc đó thì ở Liên xô chúng hoàn toàn bị cấm nhập (LX không sản xuất được các loại thiết bị đó), ở đông Âu – cụ thể là Bal an nơi tôi có mặt suốt thời gian đó – việc nhập và sử dụng các thiết bị đó bị chính quyền kiểm soát và hạn chế tối đa.
Ví dụ: Không phải ai cũng được nhập máy photocopy để dùng hay kinh doanh, và nếu được phép thì mỗi điểm dịch vụ photocopy đều phải có một nhân viên công an làm việc kiểm soát tại chỗ, bằng cách mọi tài liệu sao chụp đều phải được chụp thêm 1 bản để nhân viên an ninh này kiểm tra và lưu trong báo cáo hàng ngày. Tôi thường đi copy tài liệu để làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình thời đó, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy các tài liệu mình sao chép để dùng đó đêù được các chiến sĩ công an CS Balan có giữ một bản để theo dõi! Hãy hình dung chuyện đó ở mức độ toàn xã hội để thấy công việc theo dõi và kiểm soát nhân dân của các chế độ độc tài cộng sản “nặng nề”, thô bỉ, ngu xuẩn và tốn kém đến thế nào!
Công đoàn Đoàn kết Solidarnosc của nhân dân Balan thời đó đã vượt qua sự kiểm soát của chính quyền cộng sản để sao chép và phân phát tài liệu truyền đơn kêu gọi đấu tranh nhờ sự trợ giúp đắc lực của nhà thờ Công giáo – họ đã nhập và để các thiết bị với CNTT hiện đại nhất thời đó là các máy photocopy trong các nhà hầm của các nhà thờ, để khai thác chúng tối đa. Nhờ thế mà họ đã liên kết được lực lượng đông đảo nhân dân Ban lan tham gia Công đoàn Đoàn kết và luôn cùng hành động trên toàn quốc. Ở thời điểm chính phủ cộng sản Balan đã tuyên bố thiết quân luật toàn xã hội, họ vẫn phải ngồi vào bàn tròn đảm phán với Công Đoàn đoàn kết là lúc Công đoàn đã qui tập được trên 9-10 triệu thành viên trong cả nước (tổng dân số Balan lúc đó là khỏang 34 triệu người). Đó là gần 10 triệu người cùng ý chí và cùng hành động, chỉ nhờ các tài tiệu cùng lúc được nhân bản và phân phát trên cả nước Ba lan! Đó chính là sức mạnh mà CNTT, mà những chiếc máy photocopy và máy faximiles đơn giản, vốn thông dụng ở phương tây và bị cấm ở LX và Đông Âu/Balan khi đó, đã qui tụ nên!
Cùng khoảng thời gian đó, năm 1986, ở Thiên An Môn, có hàng triệu người dân TQ, chủ yếu là thanh niên sinh viên, học sinh đã đứng lên làm cách mạng phản đối và đòi cải cách chính quyền CSTQ trong mấy tháng trời, nhưng họ không khai thác được CNTT (đơn giản vì TQ đi sau trong ứng dụng CNTT và càng nghiêm cấm phổ biến thông tin) để qui tập lực lượng và thống nhất hành động, nên đã bị CSTQ cô lập rồi dìm trong biển máu…
Các cuộc cách mạng màu hoa ở Đông Âu cũ và Nam Âu (Ucrain, Nam Tư…) những năm đầu 90s cũng đã dựa trên và khai thác được CNTT tiên tiến hơn nữa lúc đó như thư điện tử/email, nhắn tin/sms… để qui tập lực lượng và thống nhất hành động. Với các công nghệ mới này chính quyền không kịp ngăn chặn và phản ứng trước hành động thống nhất của số đông, nên các phong trào dân chủ màu hoa đã góp phần đưa đến thắng lợi dân chủ tại một số nước, điển hình là các nước thuộc Nam Tư cũ.
Đến đầu thế kỷ này, với phong trào dân chủ lớn thứ ba mà chúng ta nói đến ở đây, Mùa xuân Bắc Phi và Ả-rập, thì đỉnh cao CNTT mới lại được sự dụng và khai thác hiệu quả là Facebook, Twister, You-Tube… và emails, skyphones. Những công nghệ đó đã giúp các cuộc cách mạng trong Mùa Xuân Ả-rập phát triển nhanh và bất ngờ với các chế độ độc tài, và làm họ phản ứng chậm hoặc sai lầm, đã làm ngạc nhiên toàn thế giới… mang lại nhiều thành tự dân chủ cho các quốc gia đó, dù con đường dân chủ của họ vẫn còn dài.
Nhưng, trong hoạt động dân chủ, khai thác hiệu quả CNTT chỉ là một yếu tố quan trọng, thường mang lại hiệu quả bất ngờ, gây nhiều yếu tố và hiệu ứng bất ngờ, nhưng không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn.
Chính yếu tố CNTT mới cũng là điều kiện và nguyên nhân tạo nên yếu tố mới khác: xuất hiện các lãnh tụ phong trào rất bình dân (người thợ điện Lech Walesa) và những lãnh tụ rất trẻ khác.

Tình hình ở VN hiện nay

Có lẽ đảng CSVN đã hiểu rất rõ vai trò của việc ứng dụng CNTT hiện đại trong các hoạt động dân chủ nên họ đã tăng cường gấp bội lực lượng an ninh và kiểm soát thông tin, nhất là trên internet. Họ cũng gia tăng củng cố “luật pháp” để kiểm soát thông tin và cuộc sống của các công dân, hạn chế tự do thông tin, hạn chế mọi quyền con người quan trọng và tối thiểu như quyền lập hội, quyền phát ngôn, tự do báo chí…
Ngang ngược và đi xa hơn nữa, họ tăng cường đàn áp và kiểm soát gắt gao phi pháp đối với các tổ chức tôn giáo – vốn là những lực lượng xã hội dân sự lớn và cơ bản mà họ không thể giải tán hay thay thế bằng các tổ chức “đoàn thể xã hội” khác của họ. Điều đó thể hiện họ sợ các lực lượng tôn giáo đến thế nào.
Tóm lại, dường như chính quyền đã rút ra “bài học” về CNTT trong phong trào dân chủ cho mình và đã chuẩn bị để kiểm soát và khỏi bị bất ngờ.
Nhưng họ vẫn đang lo sợ! Tại sao vậy? Vì họ không thể khống chế được xu thế tiến bộ tất yếu của việc áp dụng CNTT vào cuộc sống, vốn là kết quả của các nền kinh tế và xã hội dân chủ, đưa từ ngoài vào ViệtNam, mà họ không thể kiểm soát và dự đoán trước được.
Còn các lực lượng dân chủ non trẻ của Việt nam thì sao? Dường như chúng ta đã và đang làm chủ được phần nào thế giới thông tin trên Internet, dù luôn bị các lực lượng hackers và DLV đông đảo của CSVN đánh phá dữ dội. Chúng ta đang có hệ thống bloggers với những trang báo lề dân khá phong phú và đang có nhiều hoạt động khởi sắc với phong trào xây dựng xã hội dân sự. Chính CNTT đã và đang cho phép các lực lượng dân chủ kết hợp được hoạt động dân chủ hợp pháp (dù vẫn bị đàn áp) trong và ngoài nước của các lực lượng dân chủ còn non trẻ.
Nhưng nói lực lượng dân chủ và yêu dân chủ đang chủ động được với các tình huống và hoạt động của mình thì còn là hơi chủ quan, và hơi lạc quan tếu.

Và các bài học rút ra

Trước khi đưa ra mấy ý kiến sau, tôi xin nhắc lại đây là quan điểm cá nhân mà người viết xin mạo muội đưa ra để những ai quan tâm xem xét và góp ý hay cùng tranh luận dân chủ.
Bài học đầu tiên rút ra, ai cũng biết, là các lực lượng dân chủ cần khai thác triệt để các ứng dụng CNTT tiên tiến nhất cho hoạt động của mình, đi trước và vượt lên trên sự kiểm soát chắc chắn sẽ bám theo để phá hoại điên cuồng của chính quyền.
Bài học thứ hai, theo tôi là chúng ta phải biết khai thác các ứng dụng bất ngờ và mới nhất của CNTT trong việc truyền bá tư tưởng dân chủ, tập hợp lực lượng dân chủ và thống nhất hành động. Chúng ta có nên đặt cược vào Interrnet và công nghệ thông tin không? Theo tôi là nên, là có! Bởi chúng ta đang không có lựa chọn khác nếu đã chọn con đường đấu tranh bất bào động, và bởi vì chính các chế độ cộng sản đang run sợ và rên lên với Internet, rằng: Trời đã sinh ra cộng sản, sao còn sinh ra Internet?!
Bài học thứ ba là khai thác CNTT đúng và hợp bản chất của CNTT, đó là công nghệ giao tiếp của các thế hệ trẻ. Có nghĩa là chúng ta nên và chỉ có mỗi cửa đặt cược duy nhất vào các thế hệ trẻ của dân tộc mà thôi. Các cá nhân yêu dân chủ như tôi và nhiều bạn đọc bài này đều là thế hệ U50, U60 trở lên, làm sao dẫn đầu trong ứng dụng CNTT được. Chỉ có thể hệ trẻ! Chừng nào có lực lượng trẻ thế hệ 8X, 9X làm chủ đạo trong các lực lượng đấu tranh dân chủ, chừng đó phong trào dân chủ Việt nam mới có hy vọng, mới có tương lai, mới sẽ khởi sắc hẳn, và sẽ thành công!
Bài học thứ tư là về lãnh tụ, về những ngọn cờ của phong trào dân chủ. Chúng ta đừng lo thiếu lãnh tụ, thiếu những ngọn cờ qui tụ lực lượng cho phong trào dân chủ. Những lãnh tụ dân chủ sẽ tự xuất hiện khi phong trào dân chủ đủ lớn, lực lượng đủ mạnh. Và theo xu thế chúng ta đã thấy qua các phong trào dân chủ vừa qua trên thế giới, thì những lãnh tụ dân chủ của Việt Nam chắc chắn sẽ thuộc thế hệ 8X, 9X và có lẽ cả 0X nữa! Nhiệm vụ của những người yêu dân chủ thế hệ U50, U60…chúng ta là khơi dậy và tiếp thêm, là giúp bảo tồn và làm sinh sôi tinh thần và tình yêu dân chủ cho các thế hệ trẻ và cho cả xã hội (không phải là dậy hay kêu gọi tinh thần đó trong thế hệ của mình như chúng ta đang làm…đối với lực lượng cộng sản cầm quyền, đơn giản vì điều đó là vô ích).
Còn CNTT mới để thắng và vượt qua họng súng CS ư? Chính các thế hệ trẻ của chúng ta họ sẽ tự tìm ra và áp dụng, chúng ta chẳng thể làm gì ngoài hãy sẵn sàng và hành động cho dân chủ, và mở mắt ra mà chiêm ngưỡng động viên, hỗ trợ khi họ cất cánh – khi cơ đồ dân chủ của dân tộc mở ra!
Chúng ta có thể làm những viên đá lát Con đường Dân chủ Việt nam mà cho con cháu chúng ta chắc chắn sẽ bước lên! Tôi xin nguyện làm một viên sỏi nhỏ, thậm chí một hạt cát nhỏ.
Hạt cát PCT.
Viết để phản đối ngày QH CSVN thông qua cái họ gọi là Hiến pháp VN 2013.
Tp.HCM, 28/10/2013.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"