Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Ấn nút… Hán hóa?

Trần Minh Thảo
Theo lịch làm việc, ngày 28/11/2013 tới đây, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ ấn nút biểu quyết bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bản Hiến pháp mới 2013 vẫn kiên định mấy điểm:
- Trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
- Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối
- Công hữu đất đai
- Quốc doanh chủ đạo nền kinh tế thị trường theo định hướng
Không thể nói ngay được nhân dân Việt Nam hài lòng hay không hài lòng với bản Hiến pháp mới vẫn nhiều “kiên định” này vì muốn khẳng định điều gì với Hiến pháp sửa đổi thì cần một cuộc khảo sát, điều tra xã hội học khoa học, khách quan hoặc một cuộc trưng cầu dân ý.
Cũng không thể khẳng định mấy triệu đảng viên cộng sản Việt Nam rất hài lòng về bản Hiến pháp mới do họ vẫn giữ được chỗ ở chiếu trên trong đình làng.

Cũng có thể, mỗi hộ gia đình trong cả nước sẽ được phát một mẫu in sẵn có nội dung “gia đình tôi hoàn toàn tán thành bản Hiến pháp mới” rồi nói đó là cách trưng cầu dân ý đặc trưng Việt Nam. Có thể mẫu “tán thành” này đã in rồi, đã về tới chính quyền cơ sở rồi.
Trên bình diện quốc tế, quốc gia nào “hài lòng”, “tán thành” bản Hiến pháp mới của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam?
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga V. Putin, truyền thông Trung Quốc nói Việt Nam thắt chặt quan hệ với Liên bang Nga, Ấn Độ nhằm chống Trung Quốc và cảnh cáo Việt Nam không được nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là về quân sự.
Có thể Đảng, Nhà nước Việt Nam cù cưa với hiệp định TPP để tham gia liên minh thuế quan Âu Á do Nga chủ xướng nhưng là để Nga ủng hộ một Việt Nam độc tài, không phải để chống Trung Quốc. Cứ thần phục Trung Quốc nhưng sẵn sàng chi hàng tỉ đô la mua vũ khí, khí tài của Nga thì vẫn tốt. Hiến pháp mới của Việt Nam chẳng làm Liên bang Nga băn khoăn. Nói Việt Nam đi với Nga để chống Trung Quốc là cách tung hoả mù của bành trướng Bắc Kinh: Trung Quốc không áp đặt điều gì với Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội trị, ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ quyền tự chủ. Cũng là một thứ hoả mù khi thỉnh thoảng truyền thông nhà nước Việt Nam khoe sức mạnh vũ trang đến từ Liên bang Nga, rầm rộ đưa tin nơi này nơi nọ khám phá, tịch thu sản phẩm độc hại của Trung Quốc. Thế các khu dân cư, các làng, các phố người Hoa (không phải là Hoa kiều) khắp nước thì sao? Những thứ hàng hoá Trung Quốc độc hại tràn lan cả nước thì sao? Vẫn nhập siêu khủng liên tục từ Trung Quốc thì sao? “Bán” đất cho Trung Quốc cả 100 năm thì sao?
Ấn Độ cũng chẳng quan tâm các “kiên định” của Hiến pháp Việt Nam dù cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Ấn Độ và hai bên cam kết nhiều điều.
Tây Âu, Nhật, Úc, Mỹ… phản ứng thế nào với bản Hiến pháp mới của Việt Nam? Các quốc gia này có vướng mắc về “các kiên định” của Việt Nam trong Hiến pháp mới về nhân quyền, tự do, dân chủ…?
Chắc chắn các “kiên định” trong Hiến pháp mới 2013 là cản trở lớn trong việc nâng tầm quan hệ đối tác giữa Việt Nam với phương Tây nói chung. Việt Nam không phải là điều kiện không thể thiếu trong sách lược đối phó với bành trướng bá quyền Bắc kinh để Phương Tây nói chung bỏ qua các “kiên định” trong Hiến pháp Việt Nam mà chấp nhận “nuôi ong tay áo”. Có hay không có Việt Nam cũng không hề hấn gì đến thế trận chống bá quyền của thế giới. Mà Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng thường bội tín, chày cối với các nước phương Tậy.
Quốc gia hài lòng nhất với “Hiến pháp kiên định” của Việt Nam phải là Trung Quốc
Những “kiên định” trong Hiến pháp sửa đổi 2013 chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam trung thành với cam kết Thành Đô: kiên định chủ nghĩa xã hội về hình thức, chủ nghĩa đại Hán về nội dung mà điểm mấu chốt là tư tưởng nước lớn nước nhỏ, quan hệ chủ tớ (chủ đất nông nô, chủ bảo vệ tớ, tớ trung thành với chủ) trong học thuyết Khổng Nho. Nông dân nghèo Nam bộ hài hước mà chua chát nói: Phải làm lúa vụ ba để có nhiều lúa gạo xuất sang Trung Quốc vì chủ đất lớn đã ra lệnh cho chủ đất nhỏ; không muốn làm vì lỗ thì chỉ việc trả lại đất cho chủ, mà trả lại thì đói. Kiếp đầy tớ, nông nô có khi nào hạnh phúc?
Cũng có thể, đi với phương Tây thì phải nhượng trả cho dân nhiều thứ nên Việt-Trung-Nga lại tương nhượng để lập một liên minh mà mẫu số chung là “nhà nước mật vụ” thay cho liên minh Việt-Trung-Xô đảng trị thời chiến tranh Việt Nam.
“Điều 4”, “công hữu”, “chủ đạo”… là hệ quả tất yếu của cam kết trung thành với chủ nghĩa đại Hán, nô dịch đại Hán. Do đó có ý kiến nói: rất oan uổng cho Mác, Lênin và Hồ Chí Minh khi bị dùng làm hoả mù, mặt nạ cho tư tưởng Hán hoá của hai đảng anh em.
Những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, những lời kêu gọi của nhân sĩ, trí thức, người dân nói chung yêu cầu Quốc hội không thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp của đảng chỉ để bày tỏ quan điểm, lập trường chính trị phản đối chủ trương Hán hoá được luật hoá, không thể ngăn được việc thông qua Hiến pháp Hán hoá.
Như vậy mấu chốt tác động đến công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự v.v. là chủ trương Hán hoá đội lốt chủ nghĩa này, tư tưởng nọ ghi trong Hiến pháp mới.
Ấn nút thông qua là nhiệm vụ trọng đại nhằm luật hoá cam kết của hai đảng Trung Việt. Đảng đã giao nhiệm vụ luật hoá các cam kết với Trung Hoa vĩ đại thì đảng viên trong Quốc hội cứ thế mà ấn nút… thông qua.
T. M. T.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"