Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Việt Nam và chiếc ghế nhân quyền

Người Buôn Gió
Nôm na khi quốc tế nói nhân quyền, VN bảo tao đang đói, không có gì ăn, tao khác mày đã ăn no rồi.
Việt Nam được một ghế trong Hội Đồng Nhân Quyền. Vì trưng ra cho quốc tế thấy thành tích xóa đói giảm nghèo. Một số tờ báo VN hí hửng ca ngợi chiến công này và gọi là đập vào mặt dư luận phản động một cú đích đáng. Nhưng mấy ai biết đằng sau chiến công này là cái giá phải trả không ít ỏi. Đó là tiền hỗ trợ của quốc tế cho chương trình xóa đói giảm nghèo sẽ ít hơn so với trước. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước đồng ý cho Việt Nam được một ghế nhân quyền trong LHQ. Có nhiều lý do để họ làm vậy, để đỡ phải hỗ trợ tiền xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam, để VN có chiếc ghế như thế rồi phải cư xử cho phải đạo hơn... Để có một chiếc ghế như vậy, VN bỗng mất đi một khoản tiền lớn hỗ trợ hàng năm của quốc tế. Chẳng sung sướng gì cho Việt Nam, bởi thế không như mọi khi báo chí thường ca ngợi rầm trời những chuyện tương tự thế này,vụ này lác đác một hai bài nhắc đến rồi im bặt. Chỉ có đám dư luận viên cò con thì cứ tưởng thế là hay, lấy thành tích ấy ra để chế nhạo những người đấu tranh dân chủ.

Như thế áp lực của quốc tế về vấn đề nhân quyền với VN sẽ tăng chứ không hề giảm. Xưa nay VN vẫn lợi dụng chuyện đói nghèo để nhập nhằng chuyện nhân quyền. Khái niệm VN đưa ra là nhân quyền mỗi nước một khác nhau. Khác nhau ở đây là VN còn đói nghèo, phải bỏ được đói nghèo thì mới nói tiếp đến tự do ngôn luận... đến những quyền con người cao hơn. Ở Phương Tây thì nhân quyền liên quan đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, bộc lộ quan điểm chính trị... vì đời sống phương Tây cao, an sinh xã hội tốt, phúc lợi xã hội cao. Còn ở Việt Nam người đói nghèo nhiều, muốn nói đến nhân quyền là phải cải thiện đời sống đã. Nôm na khi quốc tế nói nhân quyền, VN bảo tao đang đói, không có gì ăn, tao khác mày đã ăn no rồi. Tuy nói bên ngoài chảy bửa như thế, nhưng bên trong VN vẫn mập mờ với dư luận trong nước là khi VN đưa lý lẽ mỗi nước có đặc thù khác nhau thế giới cũng phải chịu!
Với thực tế sự đói nghèo ở VN là có thật, quốc tế khó lòng mà đòi hỏi được hơn trước lý lẽ của Việt Nam. Vì thế họ dồn sự giúp đỡ, hỗ trợ để VN thoát khỏi cảnh có nhiều hộ đói nghèo. Chiếc ghế nhân quyền hôm nay với VN tương tự như chiếc bằng chứng nhận đã tốt nghiệp xong lớp học khiêu vũ cổ điển. Chúng ta đều biết tham gia khiêu vũ cổ điển thường là những người khá giả, có trí thức, văn hóa cao. Chứng nhận tốt nghiệp khiêu vũ cổ điển cũng như một sự đánh giá về đẳng cấp xã hội. Nếu ở một sàn khiêu vũ, anh vừa khoe anh tốt nghiệp khóa học khiêu vũ và anh vừa kể lể anh đói nghèo, chạy ăn từng bữa để xin xỏ, vay tiền thì quả là một điều lố bịch. Phải ăn no rồi mới rửng mỡ chứ.
Giờ thì VN sẽ không còn nỏ mồm chuyện nhân quyền mỗi nước một khác với quốc tế. Cũng không nỏ mồm kể lể hoàn cảnh để vay mượn xin xỏ. Chiếc ghế nhân quyền như tấm bằng khiêu vũ hay chiếc nhẫn vàng trang sức đeo trên tay không bán đi, không mài ra mà gặm được. Nhưng quan chức cao cấp VN thấu hiểu cái giá phải trả cho chiếc ghế này là gì, nên họ không hào hứng đứng ra nói. Chỉ có cỡ quan chức vô danh, chức tước cũng hữu danh vô thực như ông Hằng chủ nhiện ủy ban đối ngoại quốc hội đăng đàn trả lời báo chí để ca ngợi về vấn đề này. Tuy nhiên ông cũng ý thức được cái khoản tiền mất đi trước mắt của quốc tế về xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam, ông tự an ủi rằng khi được vị trí này rồi, quốc tế sẽ không áp lực nhân quyền mỗi khi bàn chuyện làm ăn với Việt Nam nữa, qua đó việc hợp tác làm ăn với quốc tế sẽ tốt hơn.
Đã thoát đói nghèo, đã có những vị thế khiến quốc tế kính nể. Vậy từ nay làm ăn sòng phẳng với nhau không nhân nhượng, ưu đãi gì hết. Cái mà ông Hằng hình dung ra chỉ là tưởng bở, vì làm ăn sòng phẳng phải có đi có lại công bằng. Một cơ sở hạ tầng như VN, đội ngũ nhân lực có tri thức, kỹ thuật, tinh thần công việc, thói làm việc... như ở VN... sẽ hợp tác được gì với quốc tế? Có đi làm thuê và bán sức lao động giá rẻ để nó mua cho là còn may. Nhìn các khu công nghiệp hàng loạt nhà đầu tư rút đi thì thấy rõ.
Đi xin xỏ cũng không còn được nữa vì đã thoát nghèo, muốn làm ăn với đối tác thì con người, chính sách, hạ tầng đều lem nhem.
Có cái gì bán được thì tranh nhau bán, mỗi một đời lãnh đạo lên lại cố gắng vay hay bán thứ gì đó, vì chỉ có cách ấy mới đem tiền được về ngay. Đời trước ông bán đất cho người ta làm quặng nhôm, ông đời sau không nhao được sang phương Tây thì cũng cố nhao sang Trung Á chào bán dầu khí, bởi vì giờ chỉ còn mỗi dầu khí là thứ đào lên bán được ngay. 4 ông nguyên thủ thì 3 ông tranh nhau đi chào bán dầu khí để kiểm soát nguồn lợi nuôi phe cánh mình.
Chiếc ghế nhân quyền LHQ đưa VN thoát ra khỏi cảnh "dại" để huênh hoang khoe mẽ với trong nước rằng là "cú đấm vào mặt thế lực phản động" nhưng lại không đến được vị thế "khôn" để thực sự mang lại lợi ích cho đất nước, dân tộc. Rút cục nó đưa Việt Nam vào thế "dở dở ương ương".
Bởi thế ở vụ này, Việt Nam cũng không thấy ca ngợi ầm ĩ, ăn mừng hoành tránh lắm cũng phải. Thích chơi sang là phải có tiền, làm không ra thì vác đồ nhà đi bán. Lối sống của thanh niên Việt Nam ngày nay và lối làm việc của nhà nước, chính phủ Việt Nam liệu có gì khác nhau đâu?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"